19 décembre 2018

Tương lai Trung Quốc và Việt Nam?


Với thế giới  tương lai TQ ở đâu là câu hỏi nên suy nghĩ xem xét, đặc biệt về sức mạnh kinh tế. Với VN, việc xem xét này lại càng cần thiết.



TQ đã nói rõ về “giấc mơ Trung Quốc” thể hiện bằng khẩu hiệu “làm ở TQ năm 2025” với kế hoạch đạt 70% sản xuất tại nội địa các công cụ và nguyên liệu cốt lõi cho công nghiệp tiên tiến từ công nghệ thông tin, rô-bô, hàng không, vũ trụ, phương tiện kiểm soát biển, xe lửa cao tốc, xe hơi, năng lượng, dược phẩm, v.v. Về mặt quan hệ quốc tế, Tập Cận Bình đã đưa ra mục tiêu phát triển trong  bài diễn văn trước Hội hội Đảng lần 19 không chỉ để bắt kịp mà còn vươn lên để “trở thành một nước lãnh đạo toàn cầu với sức mạnh tổng hợp quốc gia và uy tín thế giới” trong giai đoạn 2035-2050. 


 Với biển Đông thì rất rõ, TQ đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng là đường lưỡi bò ở Biển đông thuộc TQ bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế là không thể lấy lý do lịch sử để yêu sách chủ quyền biển khơi, không thể có chủ quyền biển quanh đảo nhân tạo trên biển khơi hay trong vùng độc quyền kinh tế của nước khác và không thể đòi quá hơn 12 dặm quanh các đá tự nhiên ở Biển Đông. Nhưng trong bài diễn văn tại Đại hội đảng nói ở trên, ngay trong phần đầu Tập đã ca ngợi các hoạt động xây dựng đang xảy ra ở Biển Đông. Trước đó ông ta tuyên bố TQ sẽ không để mất dù một tấc đất ở đó.. Và tờ báo Global Times, công cụ tuyên truyền của TQ có lúc còn đe dọa các nước ASEAN sẽ nghe tiếng cà nông nếu không biết rút lui. TQ vẫn nói hòa bình hữu nghị, nhưng các hành động cụ thể rõ ràng mang tính đe dọa.  Với tình hình như trên, khi TQ đủ mạnh, việc sử dụng vũ lực nhằm kiểm soát biển Đông là khó tránh khỏi. Hiện nay vừa để đe dọa, vừa để sửa soạn chiến tranh TQ đang xây dựng thêm một hàng không mẫu hạm thứ ba, loại tiên tiến như Mỹ.  Về quân sự nói chung, TQ tăng chi cho quân sự lên đến 228 tỷ USD năm 2017 và bằng 1.9% GDP rất cao so với khoảng trên 20 tỷ USD  đầu những năm 2000, dù vẫn chỉ bằng nửa Mỹ nhưng đã bằng với tổng chi quốc phòng của cả  5 nước Pháp, Anh, Đức, Nhật và Nam Hàn cộng lại.



Nhưng tương lai TQ sẽ thế nào?



Có người đã tiên đoán TQ sẽ khủng hoảng. Điều này có thể nhưng khó xảy ra vì TQ vẫn có nhiều công cụ dự trữ trong tay.



TQ đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP tính theo đầu người thần kỳ trong lịch sử.  Nếu kể từ năm 1970 đến nay, GDP đầu người tính theo USD năm 2010, TQ tăng trưởng bình quân năm 7.7% và thậm chí tăng tốc thời ký sau từ 2000-2016 so với thời kỳ trước. Điều này ngược với Singapore, Nam Hàn và Nhật, hay cả Mỹ. (Coi Biểu 2).





Biểu 1

GDP đầu người tính theo USD năm 2010

TQ
Vietnam
Singapore
Nam Hàn
Nhật
US
1970
226
266
6514
1817
18333
22784
2000
1736
748
34362
14984
41941
45085
2016
6773
1735
52458
25686
47285
52518







Biểu 2
Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người tính theo USD năm 2010

TQ
Vietnam
Singapore
Nam Hàn
Nhật
US
1970-2016
7.7
4.2
4.6
5.9
2.1
1.8
1970-2000
7.0
3.5
5.7
7.3
2.8
2.3
2000-2016
8.9
5.4
2.7
3.4
0.8
1.0






Tuy vậy từ năm 2007,  tốc độ tăng trưởng trên đầu người đã theo chân các nước khác, giảm  xuống (coi hình 1).Số liệu mới cho thấy mới đây năm 2017 và 2018 còn giảm mạnh hơn, chỉ còn khoảng  6% mỗi năm. Dù thế vẫn còn là thần kỳ nếu so với các nước tiên tiến khác (coi biểu 2)





Tuy thế, điều này không có nghĩa là dư địa tăng của TQ không còn, mà thật ra còn nhiều dù ở tốc độ tăng thấp hơn.



Rõ ràng GDP bình quân của TQ còn đang ở mức trung bình thấp (8,000 USD một người tính theo giá hiện hành) nên còn dễ tiếp tục tạo ra bước nhảy ngoạn mục, để  vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình không?



Vượt khỏi bẫy này, có thể nói TQ cần ba yếu tố: 1) khả năng hấp thụ khoa học kỹ thuật và tự nghiên cứu phát triển, 2) khả năng vốn tự có và 3) thị trường đủ rộng cho phát triển, đặc biệt là đẩy khu vực phát triển thấp bắt kịp khu vực phát triển cao trong nội địa.



Có thể nói TQ đã đạt được yếu tố 1 là yếu tố mà Hội nghị ĐCS TQ nhấn mạnh vừa qua, dù trong tương lai sẽ bị hạn chế vì phản ứng tự vệ của các nước phương tây. Với 1.3 tỷ dân, TQ lại có thị trường nội địa rộng lớn nên nếu tiêu dùng của dân chúng phát triển thì nó có thể thay thế được thị trường nước ngoài, mặc dù vẫn bị hạn chế về nhu cầu nội địa đối với hàng hóa cao cấp. TQ cũng có vốn rất lớn vì tỷ lệ để dành hàng năm của TQ rất cao, ở mức 50% GDP. Không tiêu nên dự trữ ngoại tệ của TQ cũng ở mức rất cao, cuối năm 2017 là 3,200 tỷ US bằng 26% GDP. Tức là TQ khi cần có thể tăng nợ, bơm đầu tư nhà nước như đã làm thời 2007-2009, để tránh khủng hoảng tài chính hiện đang ở mức quá lớn (256% GDP). Tốc  độ tăng GDP sẽ thấp hơn nữa nhưng vẫn ở mức cao hơn Mỹ, Nhật và các nước châu Âu.



Như thế TQ vẫn là mối đe dọa lớn của nhân loại trong thời gian dài trước mặt, nhất là khi họ vẫn là nước đặt kế hoạch làm bá chủ thế giới, và đã xác định như đinh đóng cột là Biển Đông là của họ, bất chấp luật pháp quốc tế.  



So sánh sức mạnh kinh tế, cơ sở của sức mạnh quân sự thì TQ đang vượt trội  Việt Nam là điều quá rõ ràng. Nhưng TQ chưa thể động thủ làm chủ Biển Đông bằng vũ lực vào thời điểm hiện nay, vì lợi ích ở đó không chỉ là của Việt Nam mà còn là của rất nhiều nước trong khu vực và các cường quốc có sức mạnh quân sự, do đó sẽ không thể tránh khỏi các cuộc trả đũa về kinh tế, chính trị và quân sự . Chính vì thế, đây vẫn thuộc giai đoạn TQ phải tiếp tục xây dựng lực lượng quân sự. Và trong thời kỳ này, TQ sẵn sàng mua chuộc, đồng thời tìm cách đưa các nước yếu hơn vào bẫy lệ thuộc về vốn và công nghệ qua chiến lược kinh tế một vành đai một con đường.



Còn tương lai Việt Nam?



Nếu tính từ 1970 đến 2016, GDP đầu người Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, nhưng thấp hơn nhiều so với TQ, đặc biệt là VN đã bỏ lỡ cơ hội phát triển trong 20 năm sau chiến tranh (coi biểu 1&2). Thậm chí, chính sách sai lầm nhằm xóa bỏ kinh tế tư nhân để quốc hữu hóa và tập thể hóa từ 1975-1989 đã đưa kinh tế thụt lùi mạnh.  



Để phát triển, Việt Nam cần làm ăn với mọi nước, trong đó có TQ, một nước láng giềng, giầu mạnh hơn kể cả thu hút đầu tư của họ để hai bên cùng có lợi. Nhưng mở cửa không chọn lọc để đến mức lệ thuộc thì không nên. Hiệp định thương mại thế giới WTO là ký kết giảm dần thuế nhập nhằm mở cửa cho tự do buôn bán, Hiệp định này không có điều khoản nào đòi hỏi tự do đầu tư nước ngoài. Hơn thế, WTO cũng chấp nhận các biện pháp bảo hộ trong thời gian nhất định nhằm tạo cơ hội cho nước chậm phát triển tăng khả năng cạnh tranh.



Tuy thế, sẽ không thích đáng nếu VN ngày càng dựa vào công nghệ TQ vì giá rẻ (xây đường xá, nhà máy xi măng, điện, khai khoáng, và dựa thi trường nguyên liệu từ TQ để gia công xuất khẩu. Cho đến nay TQ đã làm chủ thầu 49 dự án trong 62 dự án xi măng; 16/27 dự án BOT, 90% dự án EPC do TQ cung cấp thiết kế cung cấp thiết bị lên tới hàng tỷ USD,  Việt Nam năm 2017 nhập 57 tỷ USD từ TQ (bằng 30% tổng giá trị nhập, đưa mức nhập siêu từ TQ lên đế 26.3 tỷ US (bằng 10% GDP Việt Nam).



Hệ thống viễn thông của VN cũng đang dựa vào vào công nghệ của hai công ty TQ. Viettel dựa vào Huawei để xây dựng hạ tầng viễn thông 3G, và điện thoại là thuộc bản quyền của ZTE. VNPT cũng dùng công nghệ ZTE. Hai công ty TQ ZTE và Huawei đang bị các nước Mỹ, Anh, Nhật, Canada tẩy chay vì an ninh quốc gia. Ngược lại, Việt Nam lại dự định mở ba đặc khu kinh tế chủ yếu là phục vụ kinh tế TQ và đã ký kết mở rộng “hai hành lang một vành đai” ở 7 tỉnh biên giới với quyết định cho phép dùng nhân dân tệ ở đó.

   

Rõ ràng lệ thuộc vào công nghệ lạc hậu đã là điều không nên. Còn đây, như đã phân tích ngay từ đầu, TQ lại  có ý đồ chiến lược khác hơn là kinh tế và ước vọng hòa bình ở khu vực thì việc dựa vào công nghệ TQ, đặc biệt là công nghệ viễn thông số hóa, là nguy cơ  về mặt an ninh quốc gia, điều cần chấn chỉnh lại. Cảnh giác để chấn chỉnh cũng là bình thường vì lợi ích tự thân của bất cứ quốc gia, và như thế không đụng đến lợi ích của nước khác, hay coi nước khác là thù nghịch, cảnh giác này hoàn toàn phù hợp với chính sách “ba không”.



 Phải hiểu rõ “giấc mơ Trung Hoa” thì may ra VN mới có được chiến lược tránh đối đầu với TQ, nhưng vẫn tích cực bảo vệ độc lập của chính mình và lợi ích ở Biển Đông theo đúng luật biển quốc tế và phán quyết của Tòa án quốc tế.  Không chỉ VN, các nước khác cũng đang bị đe dọa vì chính sách muốn trở thành lãnh đạo thế giới và đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, và họ cũng phải có hành động tự vệ.



Để tự vệ hữu hiệu, phải xây dựng nội lực. nhưng điều này còn quá thiếu sót. VN hiện nay dựa vào mượn vốn và thu hút đầu tư nước ngoài làm hàng xuất khẩu sang các nước tây phương để phát triển. Nội lực đi từ tri thức khoa học và xã hội. Điều này đòi hỏi chất lượng, tự do học thuật, học hỏi tiếp thu tri thức của thế giới, thu hút nhân tài để xây dựng các đại học và trung tâm nghiên cứu ưu tú để  phát triển công nghệ, Không thể chỉ tập trung nhập công nghệ lỗi thời và hàng trung gian từ TQ và dùng lao động cơ bắp để chế tạo hàng xuất khẩu. 

Vũ Quang Việt