16 décembre 2018

TRAO ĐỔI VỀ SÁCH “TẠI SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI”


Nguyễn Đình Cống


Sách Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại (TSCQGTB) là một công trình nghiên cứu rất có giá trị của hai nhà khoa học  danh tiếng người Mỹ : Daron Acemoglu và Jame A. Robinson.  Các ông đã nghiên cứu 15 năm, khảo sát gần một trăm quốc gia với lịch sử phát triển trong vòng trên dưới 200 năm,  trong đó có vài quốc gia được khảo sát với lịch sử trên 500 năm. Số liệu rất phong phú và đáng tin cậy. TSCQGTB nhằm trả lời câu hỏi : Nguyên nhân chủ yếu nào làm cho một số QG giàu có và nhiều QG nghèo đói, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nước. Phụ  đề của tên sách là : Nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng, và nghèo khó.



Trước đây, về nguyên nhân giàu nghèo của các QG đã có một số Gỉa thuyết (GT)  như  GT về địa lý, GT về văn hóa, GT về sự ngu dốt. Các GT đó đã bị tác giả TSCQGTB bác bỏ.  Bằng những luận cứ và luận chứng khá thuyết phục các tác giả đi đến kết luận : Nguyên nhân cơ bản của thành công hoặc thất bại của các QG là do Thể chế (Íntitution ). Có Thể chế  chính trị và Thể chế kinh tế.  Mỗi thể chế trải ra trong phạm vi rộng, có thể quy về 2 đặc trưng : Chiếm đoạt (Extractive) và Dung hợp (Inclusion). Khi thể chế chính trị và kinh tế đều dung hợp, chúng tạo nên VÒNG THIỆN, làm cho QG giàu có, ổn định và phát tiển đi lên. Khi các thể chế đều chiếm đoạt, chúng tạo nên VÒNG LUẨN QUẨN, làm giàu cho một số ít người , còn QG và dân tộc bị nghèo khổ, rối loạn.

Công trình TSCQGTB  thuộc dạng nghiên cứu “ Tìm nguyên nhân khi đã biết kết quả” .  Phương pháp nghiên cứu là Đề ra Giả thuyết rồi tìm cách chứng minh. Khi  chứng minh là khá đầy đủ, khá chặt chẽ, GT được công nhận, được xem là kết luận. Khi không thể chứng minh hoặc chứng minh bị bác bỏ, GT chưa được công nhận (giống như việc tác giả TSCQGTB  bác bỏ các GT về địa lý, về văn hóa, về sự ngu dốt)

Nguyên nhân ( Nhân ) và Kết quả (Quả) là một cặp phạm trù của triết học. Nhân có trước Quả. Một Nhân có thể gây ra nhiều Quả. Một Quả có thể do nhiều Nhân cùng tạo nên. Quả của một quá trình trước là Nhân của  các quá trình tiếp theo. Các quá trình Nhân-Quả diễn ra không ngừng. Với một Quả có các loại Nhân như chính, phụ, gần, xa, trực tiếp, gián tiếp, là cơ bản, gốc rễ hay chỉ là cành ngọn. Khi  chỉ nhằm giải thích hiện tượng người ta thường chỉ cần dừng lại ở nguyên nhân trực tiếp, gần, ít khi cần tìm nguyên nhân gốc rễ. Khi nghiên cứu không những để giải thích mà còn tìm cách xử lý thì rất cần tìm nguyên nhân cơ bản, gốc rễ. Cách tìm là truy ngược về quá khứ. Thí dụ có kết quả K, Nguyên nhân gần, trực tiếp gây ra K là H1; H2. Các Hi  thường chưa phải là nguyên nhân gốc. Truy tiếp, nguyên nhân gây ra H là các Gi. Nguyên nhân gây ra G là các Ei ; Nguyên nhân gây ra E là các Di….Nếu cứ truy mãi thì cuối cùng quy về “tại Trời sinh ra thế”. Vậy không thể truy cho tới cùng mà buộc phải dừng lại ở một mức nào đó được xem là gốc gác, là cơ bản, để từ đó có thể lựa chọn  sự phản ứng thích hợp và hiệu quả.

Các tác giả của TSCQGTB đã truy ngược và dừng lại ở nguyên nhân Thể chế. Ý kiến trao đổi của tôi là xem như vậy đã thỏa đáng chưa. Liệu có cần và có thể truy ngược thêm chút nữa để tìm ra nguyên nhân cơ bản hơn hay không , và trong quá trình chứng minh Gỉa thuyết liệu các tác giả có bỏ sót một vài luận cứ nào quan trọng hay không.

Liên hệ với tình hình Việt Nam, khi gặp khó khăn gì, nhiều người thường đổ lỗi cho CƠ CHẾ. Cái Cơ chế  đó cũng là một loại Thể chế. Khi tìm nguyên nhân của nhiều tai họa và thói hư tật xấu người ta cho là do “ sự thoái hóa, biến chất của không ít cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành” . Đó chỉ là nguyên nhân gần, thuộc cành và ngọn. Tôi đã truy ngược và dừng lại ở mức, tạm xem là gốc gác. Đó là : “ Sự kết hợp và cộng hưởng của 1 bên là các yếu kém trong truyền thống văn hóa dân tộc và bên nữa là những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê”. Liên hệ với sách TSCQGTB thì chính Chủ nghĩa mác Lê tạo ra Thể chế chính trị chiếm đoạt , còn những yếu kém trong truyền thống văn hóa góp phần tạo nên thể chế kinh tế chiếm đoạt.

Từ nguyên nhân Thể chế ( hoặc cơ chế), xin truy vấn tiếp. Thể chế không phải là từ trên Trời ban xuống hoặc từ dưới đất mọc lên. Mọi thế chế đều do con người tạo ra. Vậy tại sao ông A tạo ra Thể chế dung hợp, được tập đoàn ông ta ủng hộ, còn ông B lại tạo ra Thể chế chiếm đoạt và được tập đoàn ông ta thi hành. Điều này liên quan mật thiết đến phẩm chất và động lực của người đứng đầu công cuộc cải cách hoặc của người làm chủ  quyền lực. Những dẫn chứng cụ thể có rất nhiều trong sách TSCQGTB và trong thực tế .

Con người, cũng giống như mọi sinh vật, sự phát sinh, phát triển,  thành hoặc bại về một lĩnh vực nào đó,  là do kết hợp giữa HẠT GIỐNG và MÔI TRƯỜNG. Theo Duy thức luận thì Hạt giống là Nhân, Môi trường thich hợp là Duyên. Có Nhân mà chưa có Duyên khởi thì chưa có kết quả. Nhân và Duyên tương ứng với điều kiện CẦN và ĐỦ trong toán học.

Thể chế là nguyên nhân thành công hoặc thất bại của QG, nhưng nó là Kết quả của một quá trình trước đó. Kết quả này được tạo nên bởi Nhân là ý muốn và sự hoạt động của một vài người, còn  Duyên là môi trường xã hội. Trở về trước, thì Sự hoạt động của con người, có xuất xứ từ phẩm chất và động lực, là kết quả của Nhân là hạt giống từ Tiên Thiên và Duyên là phần tác động của Hậu Thiên. Tiên Thiên- phần có trước, do di truyền của tổ tông, nòi giống và Nghiệp của luân hồi. Hậu Thiên là những thứ tiếp nhận được về sau , trong quá trình sống và hoạt động. Điều này giải thích, tại sao trong cùng hoàn cảnh giống nhau, chịu cùng tác động như nhau mà cách tiếp nhận, cách phản ứng là khác nhau giữa một số người. Đó là do phần Tiên Thiên của họ khác nhau.

Dù thể chế là dung hợp hay chiếm đoạt thì đều bắt đầu từ ý tưởng của  một hoặc vài người. Trường phái duy vật cho rằng vật chất quyết định ý thức, rằng tồn tại khách quan phản ảnh vào đầu não rồi tạo ra ý tưởng, rằng con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Đó là những kết luận vội vàng và nhầm lẫn. Hỏi rằng, cũng vật chất ấy, cũng tồn tại ấy, chúng phản ảnh vào hàng triệu đầu não, nhưng chỉ có một vài đầu não nhận thức được bản chất và dẫn tới hành động. Đó là nhờ chủ yếu vào hạt giống từ Tiên Thiên. Mà rồi trong điều kiện tương tự nhau, A tạo ra được thể chế dung hợp, còn B lại tạo ra thể chế chiếm đoạt.

Con người ta được tạo nên từ 2 phần : thể xác và tâm linh. Phần tâm linh của con người chủ yếu là các tầng Hào quang, bao bọc và thâm nhập vào cơ thể, trong đó chứa năng lượng và thông tin ( xem sách Bàn tay ánh sáng- Hand of Light- của Barbara Ann Brennan). Ý thức của con người gồm quan điểm, niềm tin, tinh thần, tình cảm, tư tưởng, sự suy nghĩ v.v… chủ yếu được chi phối bởi não bộ. Ý thức là cầu nối giữa thể xác và tâm linh (giống như Hô hấp là cầu nối giữa hoạt động hữu thức và hoạt động vô thức của thể xác ). Năng lượng và thông tin chứa trong các tầng hào quang, thường được xem là Tiềm thức. Những thông tin được tiếp nhận vào não, được suy nghĩ và xử lý từ não được tự động đưa vào lưu giữ ở tiềm thức. Thỉnh thoảng thông tin từ tiềm thức được phản ảnh vào não tạo nên linh tính, trực giác  hoặc giác quan thứ 6. Những nghiên cứu mới về tâm linh chứng tỏ não bộ là cơ quan điều hành chứ chưa phải là trung tâm chỉ huy tối cao. Nơi chỉ huy tối cao là “TÂM” thuộc về các tầng hào quang.

Khi nghiên cứu thể chế mà chưa thấy hết vai trò chủ đạo của con người, chỉ mới thấy phần điều hành của họ là còn hời hợt, chưa chạm đến bản chất. Khi nghiên cứu con người mà chỉ mới khảo sát ý thức, chưa đụng đến tâm linh, chưa đụng đến phần Tiên Thiên là còn thiếu sót. Trong nghiên cứu khoa học đó là các thiếu sót về luận cứ.

Một vấn đề liên quan đến tâm linh là niềm tin tôn giáo. Lịch sử chứng tỏ tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đạo đức , đến  động lực của con người, ảnh hưởng đến thể chế chính trị. Sự đề cao vật chất và phủ nhận tôn giáo xô đẩy con người về phía chiếm đoạt, xa rời phía dung hợp. Trong nghiên cứu của các tác giả TSCQGTB chưa thấy đề cập đến ảnh hưởng này.

Trong quá trình tiến triển của xã hội đã có những bước ngoặt, những rẽ nhánh. Các tác giả đã không giải thích tường minh động lực nào của các sự kiện đó và quy cho “ Ngẫu nhiên của lịch sử”.  Ngẫu nhiên hay là  “ Tại Trời”.  Phải chăng đã có “ BẢN THIẾT KẾ VĨ ĐẠI” (The Grand Design)   như tên cuốn sách nổi tiếng của Stephen Hawking. Phải chăng các Thể chế, sự thăng trầm của các quốc gia cũng đã có trong Bản Thiết Kế đó. Đó là những câu hỏi quá khó, còn cần những nghiên cứu sâu sắc hơn.

Một câu hỏi còn quan trọng hơn “Tại sao các quốc gia thất bại” là khi đã và đang thất bại vì vướng vào thể chế chính trị chiếm đoạt kết hợp thể chế kinh tế chiếm đoạt thì làm cách nào để thoát ra được.  Câu trả lời đơn giản là chuyển đổi từ thể chế chiếm đoạt thành thể chế dung hợp, nhưng cái khó là AI làm việc đó, làm như thế nào, vào lúc nào. Phải chăng Dân tộc Việt đang loay hoay với câu hỏi như vậy.