TPO - Một con
đập lớn được kỳ vọng sẽ giúp Ecuador thoát khỏi đói nghèo, nhưng rút cục trở
thành vụ bê bối quốc gia và khiến quốc gia vùng Nam Mỹ bị trói vào Trung Quốc.
Hình ảnh đập thủy điện Coca Codo Sinclair từ trên cao. (Ảnh: NYT) |
Con đập lớn nằm ngay dưới một ngọn núi lửa vẫn
đang hoạt động, thỉnh thoảng lại phun cột bụi lên bầu trời. Nhiều quan chức từng
cảnh báo chớ nên xây con đập này. Nhiều nhà địa chất nói rằng một trận động đất
có thể xóa sổ nó.
Giờ đây, mới 2 năm từ lúc khánh thành, hàng
ngàn vết nứt đã lộ khắp thân đập. Hồ chứa nước trên đập bị tắc vì phù sa, cát
và cây cối. Và lần duy nhất các kỹ sư cố gắng vận hành với công suất tối đa thì
con đập đã rung lắc dữ dội và gây mất điện cho cả nước.
Con đập nằm trong rừng sâu này do Trung Quốc
xây bằng tiền của họ, với kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu năng lượng và đưa quốc
gia nhỏ bé Ecuador thoát khỏi đói nghèo.
Nhưng trên thực tế, nó đã trở thành một vụ bê
bối tầm cỡ quốc gia. Gần như mọi quan chức cấp cao nhất của Ecuador tham gia dự
án này đều đã phải ngồi tù. Trong số đó có một cựu phó tổng thống, một cựu bộ trưởng
năng lượng và một cựu quan chức chống tham nhũng được giao nhiệm vụ giám sát dự
án.
Ecuador vay 19 tỷ USD của Trung Quốc, không chỉ
để xây con đập mang tên Coca Codo Sinclair này, mà còn để những xây cầu, đường
cao tốc, hệ thống tưới tiêu, trường học, bệnh viên và cả nửa tá đập thủy điện
khác. Nhưng Ecuador có trả nợ được hay không không phải vấn đề, vì Trung Quốc
có cách khác để lấy lại tiền của họ.
Để thanh toán khoản nợ, Trung Quốc giữ 80% loại
hàng xuất khẩu giá trị nhất của Ecuadro: dầu mỏ. Nhiều hợp đồng được thanh toán
bằng dầu chứ không phải bằng tiền. Trên thực tế, Trung Quốc mua được dầu với
giá thấp hơn, sau đó bán đi để kiếm lời.
Hút đủ dầu để trả nợ Trung Quốc trở thành nhiệm
vụ cấp bách đến mức Ecuador đang phải khoan sâu vào rừng Amazon, khiến tình trạng
phá rừng có thể trầm trọng hơn.
Nhưng điều đó chưa đủ. Bối rối trước những khoản
nợ khổng lồ, Tổng thống Lenín Moreno đã cắt giảm chi tiêu xã hội, trợ cấp xăng
dầu, nhiều cơ quan chính phủ và hơn 1.000 vị trí công chức. Nhiều nhà kinh tế học
dự đoán nước này đang trượt vào suy thoái, khiến dân chúng Ecuador phẫn nộ.
Nợ chồng nợ
Câu chuyện xây dựng con đập cho thấy cách hai đồng minh tự nhiên xích lại
gần nhau, khi cả hai đều muốn thay đổi tình thế ở khu vực và loại bỏ vai trò của
Mỹ như một cường quốc không có đối thủ.
Cách đây cả thập kỷ Trung Quốc đã có kế hoạch
thâm nhập vào Mỹ Latin, với lời hứa “đối xử bình đẳng lẫn nhau”, ngụ ý chỉ
trích sự thống trị của Mỹ. Chiến lược đó đã có tác dụng, giờ đây Trung Quốc đã
trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Mỹ và cung cấp những khoản vay
đáng kinh ngạc. Bắc Kinh cũng đã gặt hái được một số lợi ích chính trị, thuyết
phục được một số nước Mỹ Latin cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Nhưng các ý kiến chỉ trích cho rằng dự án đập
khổng lồ ở Ecuador cho thấy hai bên khó có thể là đối tác bình đẳng của nhau.
Cả Ecuador và Trung Quốc đều không bận tâm đến
những lỗi thiết kế nghiêm trọng, những vấn đề kinh tế đáng ngờ và nhiều cảnh
báo độc lập rằng các nghiên cứu kỹ thuật cho con đập đã quá lỗi thời. Nhưng
cách thức rót hàng tỷ đô la tiền cho vay vào thế giới đang phát triển không bao
giờ khiến Trung Quốc gặp nhiều rủi ro tài chính.
Rủi ro lớn nằm ở phía Ecuador, và giờ nước này
đang tìm kiếm những khoản vay mới, bao gồm vay tiền của Trung Quốc, để thu hẹp
nhiều khoảng cách.
Trong tháng này, ông Moreno đã bay sang Trung
Quốc để đàm phán lại khoản nợ của nước ông và vay thêm 900 triệu USD nữa.
“Người Trung Quốc đã thả lưỡi câu”, báo Mỹ New
York Times dẫn lời ông Steve Hanke, một nhà kinh tế học tại ĐH Johns Hopkins.
“Chúng ta biết quan hệ này sẽ không dễ dàng”, ông Hanke nói.
Bất chấp can ngăn
Khi ông Fernando Santos, vị bộ trưởng năng lượng
Ecuador trong những năm 1980, nghe tin đập Coca Codo Sinclair đang được xây,
ông đã không thể tin nổi.
Trong thời gian ông còn làm việc trong chính
phủ, giới chức nước này đã gạt bỏ một dự án đập như vậy nhưng quy mô nhỏ hơn.
Ông Santos nói rằng ý tưởng xây đập ở đây hoàn toàn điên rồ vì quá gần núi lửa.
Một trận động đất lớn đã phá hỏng nhà máy dầu ở vùng này vào năm 1987.
Một báo cáo đánh giá độc lập năm 2010 do cơ
quan thuộc chính phủ Mexico đưa ra đã cảnh báo rằng nguồn nước dùng để vận hành
đập này chưa được nghiên cứu trong gần 30 năm. Đến thời điểm đó, Ecuador đã trải
qua những trận hạn hán nghiêm trọng, và có lo ngại về tình trạng băng tan do biến
đổi khí hậu.
Bất chấp cảnh báo, ông Luciano Cepeda, quan chức
phụ trách dự án đập, nói rằng lãnh đạo cấp cao nhất của Ecuador muốn thúc đẩy dự
án vì “một nghiên cứu mới sẽ mất mấy năm mới hoàn thành”, và họ không muốn chậm
lại.
Ngay cả một nhà ngoại giao Trung Quốc ở
Ecuador cũng bày tỏ hoài nghi về dự án. “Chúng tôi không được cung cấp thông
tin đầy đủ về tác động môi trường”, vị quan chức giấu tên nói.
Gạt các khuyến cáo sang một bên, lãnh đạo Ecuador khi đó nghiêng về tính toán địa chính trị.
Gạt các khuyến cáo sang một bên, lãnh đạo Ecuador khi đó nghiêng về tính toán địa chính trị.
Tổng thống Ecuador hồi đó là ông Rafael Correa
đã hứa sẽ hiện đại hóa đất nước và đưa Ecuador ra khỏi quỹ đạo của Mỹ. Năm
2008, ông Correa từ chối cho các máy bay giám sát chống ma túy của Mỹ hoạt động
ở căn cứ không quân của Ecuador. Các định chế tài chính phương Tây nhanh chóng
rời bỏ ông Correa. Ông lên án Quỹ Tiền tệ quốc tế, nói rằng tổ chức này không
cho ông vay tiền. Cũng trong năm đó, Ecuador vỡ nợ với khoản vay nước ngoài 3,2
tỷ USD, Correa mời Trung Quốc thế chân.
Các khoản vay của Ecuador phần lớn đến từ Ngân
hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc với lãi suất cao và đòi hỏi phải để các công ty
Trung Quốc xây dựng dự án.
Trung Quốc có vẻ rất quan tâm đến dầu của
Ecuador, một trong những thành viên nhỏ nhất của OPEC. Trong một thỏa thuận năm
2009, Trung Quốc cho Ecuador vay 1 tỷ USD, sẽ được trả bằng dầu qua tập đoàn dầu
khí nhà nước PetroChina.
Ông Correa nhanh chóng vay được tiền, nhưng một
cuộc khủng hoảng mới xảy ra: cả nước mất điện. Một đợt hạn hán làm cạn kiệt các
hồ chứa nước, khiến các đập thủy điện tê liệt. Thay vì tìm nguồn khác, ông
Correa tiếp tục đánh cược vào thủy điện.
Chính Bộ trưởng điện Ecuador, ông Aleksey
Mosquera, khi đó là người đầu tiên nhắc đến Coca Codo Sinclair: một đại dự án sẽ
cung cấp 1/3 lượng điện cho cả nước và là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất
trong lịch sử Ecuador.
Kết cục là con đập được xây ngay cạnh núi lửa
Reventador, với quy mô gần gấp đôi dự án bị bác bỏ nhiều năm trước.
Khi dự án hoàn thành năm 2016, Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình bay đến Ecuador dự lễ khánh thành. Nhưng chỉ 2 ngày sau chuyến
thăm, con đập rơi vào hỗn loạn.
Các kỹ sư cố gắng vận hành để đạt công suất tối
đa 1500 megawatt, nhưng cả con đập lẫn mạng lưới điện của Ecuador đều không chịu
nổi. Máy móc rung lên bần bật và cả nước mất điện.
Người dân Ecuador không bao giờ được thông báo về sự cố này, và con đập từ đó không bao giờ được vận hành hết công suất.
Người dân Ecuador không bao giờ được thông báo về sự cố này, và con đập từ đó không bao giờ được vận hành hết công suất.
Ngày nay, nó đang chạy với một nửa công suất.
Các chuyên gia cho rằng, với thiết kế như vậy và chu kỳ mùa khô mùa mưa ở
Ecuador thì con đập chỉ có thể chạy tối đa vài giờ mỗi ngày và 6 tháng mỗi năm,
nếu không có sự cố nào khác.
Nhưng Ecuador vẫn phải trả nợ. Khoản vay 1,7 tỷ USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc là món hời với Bắc Kinh: lãi suất 7% trong 15 năm. Chỉ tính riêng tiền lãi, Ecuador nợ Trung Quốc 125 triệu USD mỗi năm.
Nhưng Ecuador vẫn phải trả nợ. Khoản vay 1,7 tỷ USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc là món hời với Bắc Kinh: lãi suất 7% trong 15 năm. Chỉ tính riêng tiền lãi, Ecuador nợ Trung Quốc 125 triệu USD mỗi năm.
Giờ đây, nhiều người dân Ecuador nói rằng gánh
nặng đang đè lên lưng họ.
theo NYT