06 mai 2019

Nghĩ gì khi cô Đoàn Thị Hương trở về được đón tiếp như một anh hùng


Đỗ Duy Ngọc 
4-5-2019
Đoàn Thị Hương về đến sân bay Nội Bài tối ngày 3/5/2019. Ảnh: Reuters
 Xã hội hôm nay mọi giá trị đều bị đảo lộn. Đạo lý, đạo đức nháo nhào chẳng còn biết đâu là giá trị thật của cuộc sống. Kẻ bán nước được tôn sùng như thánh nhân. Tên trùm xã hội đen cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn thành thần tượng của tuổi trẻ. Kẻ giết người được tung hô như một anh hùng. 

Những người còn chút lương tri, còn chịu suy nghĩ, ngơ ngác trước những biến đổi khôn lường của một xã hội bát nháo, những lối sống ngàn đời truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành nếp nhà của một gia đình, đến kỷ cương của một xã hội, giềng mối của một quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn bị đảo lộn tất cả, thay đổi tất cả để lộ ra một đống đổ nát không còn cách cứu vãn. Chúng ta đang ngộ nhận về mọi giá trị và từ đó tạo ra một loại người ảo tưởng về giá trị của mình.
Cô Đoàn Thị Hương tuy đã bị kết án và được tha trước thời hạn, nhưng cô ấy vẫn là kẻ có tội. Ca ngợi hoặc tôn vinh kẻ phạm tội là hành động nghịch lý và ngu muội. Cô ấy dù cố ý hay vô tình cũng là kẻ tham gia một vụ giết người. Kẻ bị giết không có thù hận với đất nước này, cô ấy giết một người không phải là kẻ thù của dân tộc thì hà cớ gì tung hê cô ấy như là một anh hùng lúc trở về.


Cô ấy được tha tội chết vì lòng nhân đạo, nhờ sự can thiệp của các luật sư, của ngành ngoại giao xứ Việt chứ không phải vì cô ấy vô tội. Xét cho cùng, cô ấy có tham gia tác động vào cái chết của nạn nhân. Chúng ta cám ơn toà án, cám ơn những người bênh vực cô ấy thoát tội tử hình nhưng chúng ta không thể tôn vinh cô ấy được. Chúng ta mừng cho cô ấy thoát chết trở về với gia đình, với quê hương nhưng không thể đề cao cô ấy như một chiến binh trở về sau chiến thắng.

Báo chí, truyền thông đã làm một việc vô lý như một trò hề khi xúm vào để biến thành một hiện tượng truyền thông, biến cô ấy thành anh hùng và trở thành một tấm gương như Khả Bảnh, Dương Minh Tuyền để tuổi trẻ làm theo. Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, các học sinh thần tượng những nhân vật này có thể nói là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Không chỉ có bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được cổ vũ và coi trọng như hành vi anh hùng. Từ đó các vụ án nghiêm trọng sẽ tăng lên tác động đến xã hội không nhỏ.

Từ một cô gái bỏ nhà đi hoang, trôi giạt qua xứ người rồi phạm tội giết người, được tha tội trở về lại được các viên chức nhà nước, liên đoàn luật sư, báo chí tiếp đón như một diễn viên tầm cỡ thế giới. Một đoàn học sinh giỏi đi thi quốc tế mang về một đống huy chương lúc về nước lơ thơ người ra đón, báo chí cũng không thèm đưa tin. Hay là những học sinh giỏi này không giá trị bằng một cô gái phiêu bạt phạm tội. Tởm lợm cho báo chí hiện nay. Chính báo chí tiếp tay cho sự lẫn lộn mọi giá trị hiện nay. Họ cũng là thủ phạm khiến cho xã hội càng ngày càng sa đoạ, đạo đức xuống dốc. Loạn hết cả rồi.

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, rất nhiều công dân Việt đang bị tù đày, bị bóc lột, bị ức hiếp nhưng tiếng kêu cứu của họ lạc vào vô vọng và họ chịu nỗi đau cho qua một kiếp người. Không có lãnh đạo nào, tổ chức nào, luật sư nào đoái hoài đến thân phân và kiếp tha hương của họ thì hà cớ gì ca ngợi một kẻ giết người vừa thoát tội.

Khi kẻ bán nước được tôn vinh như danh nhân. Khi kẻ ngu muội được tôn thờ như một thiên tài. Khi kẻ giết người được tôn sùng như một anh hùng. Khi những tay du đãng hè phố trở thành thần tượng của giới trẻ. Xã hội đó sẽ chẳng còn luật pháp, thể chế đó chẳng còn cần hiến pháp bởi mọi giá trị của xã hội đã bị đảo lộn, mọi đạo lý đã bị chà đạp và những quy tắc, đạo đức chỉ còn là miếng giẻ rách


Đoàn thị Hương tại sân bay Nội Bài - Ảnh Phạm Hải / 2Sao


Báo chí nhà nước phân biệt đối xử?
 Đoàn thị Hương, kẻ giết người ở Mã Lai vừa được phóng thích, thì báo chí đồng loạt đưa tin và đón tiếp rầm rộ



Trong khi sức khỏe của TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng, người vừa đột quỵ tại thủ phủ Nguyễn Tấn Dũng, thì báo chí im ru không có một lời. Ngay cả lời chia buồn. Thương cho TBT/CTN quá! Khốn nạn báo chí ăn lương nhà nước.