08 mai 2019

Nhân kỷ niệm ngày 30/04 năm nay: Lương Văn Lý / Lê Học Lãnh Vân

 Tổng thống Dương Văn Minh bị bắt sau khi cứu Saigon khỏi cơn máu lửa

Lương Văn Lý

Nhân kỷ niệm ngày 30/04 năm nay có nhiều bài viết hơn về tình tự dân tộc, về ước nguyện hòa giải quên đi hận thù... Tôi thích bài sắp chia sẻ dưới đây của anh Lê Học Lãnh Vân. 


Thích nhất là hình ảnh rất dữ dội, rất quyết liệt mà anh nêu lên: ông Trần Văn Trà và ông Dương Văn Minh ôm nhau, chúc mừng nhau ngày 30/04/1975 vì anh em một nhà không còn giết nhau nữa. Chúng ta đã không có được hình ảnh đấy trong thực tế. Thật là quá đáng tiếc cho dân tộc! Một cử chỉ như thế nếu đã diễn ra thì sẽ khiến cho dân tôc này hãnh diện và hùng mạnh hơn biết bao nhiêu!

Thế còn từ đây về sau? Tôi nhớ "hòa giải hòa hợp dân tộc" từng là một mục tiêu đấu tranh không khoan nhượng của Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ CMLTCHMNVN tại Hội nghị Paris. Ngọn cờ chính nghĩa ấy đã được chúng ta giương thật cao ở tất cả mọi nơi để tập họp các tầng lớp, các lực lượng trong và ngoài nước để góp phần đưa đến chiến thắng cuối cùng. Lẽ nào ngày ấy chúng ta hùng hồn kêu gọi và quyết liệt đấu tranh như thế mà bây giờ, khi đã trở thành Bên thắng cuộc, chúng ta lại quên đi chính nghĩa ấy?


Lê Học Lãnh Vân

"Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng tư, hoa phượng nở nhiều và trên không những đám mây báo mùa mưa sắp tới, trên các phương tiện truyền thông công cộng lại rộ lên những hồi kèn thắng trận, khi phấn khích, khi căm hận, hả hê, chen lẫn tiếng thở dài cay đắng, buồn thương... Có là quá chậm không khi bốn mươi bốn năm sau năm 1975, mười bốn năm sau câu ông Võ Văn Kiệt nói về ngày 30/4, mà bây giờ ngày đó vẫn còn nguyên cảnh “hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn”?

A) Nhớ ngày 30/4/1975 ấy, chúng tôi vào lứa tuổi hai mươi. Khoảng 9 - 10 giờ sáng gì đó, anh lính Miền Nam rã ngũ sau nhà la lên với bà con lối xóm:

“Mấy ổng đang từ Hồng Thập Tự quẹo vô dinh Độc Lập. ĐM, hết rồi! Ha ha, hết mẹ nó cái Cộng Hòa rồi! Hết rồi nghe tụi bây!”

“Mà thôi, có hòa bình cũng được. Hết tui có người yêu chết trận Đồng Xoài. Mà để coi mấy ổng làm ăn ra sao cái đã...” [mấy ổng là cách dân Miền Nam kêu mấy ông Việt Cộng]

Mọi người lóng ngóng mở cửa thò ra thụt vào. Đến xế trưa một số người bắt đầu mở rộng cửa đi lại hỏi thăm nhau, cuộc sống chưa trở lại bình thường nhưng những rung lắc dữ dội đã chìm đi gần như không còn dư chấn.

Xóm tôi đón đội quân Miền Bắc vô như vậy đó. Đa số họ có vẻ tạm an tâm về sự thay đổi mà họ chưa hiểu hết nội dung và chưa lường hết hậu quả. Họ yên tâm vì: “coi vậy chớ người Việt với nhau chắc đỡ hơn tụi Tây tụi Tàu”.

Khi chắc chắn Miền Nam không bị tắm máu, cướp bóc, không có cán binh Việt Cộng bắt con gái nhà lành như lời đồn đại, lo sợ từ những ngày trước... thì nhiều người yên tâm hơn nữa và bàn tán:

“Tội nghiệp cái thằng Quân, thiếu tá công binh, nó với con vợ hiền muốn chết, ai bắn giết gì mà cũng bỏ đi. Ở đây dù gì cũng người Việt mình, quê cha quê mẹ mình! Đất nước thống nhất rồi thì giàu lên mấy hồi!”.


B) Sau đó, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Dương Văn Minh, được đưa tới đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng. Vài ngày sau, tấm hình chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập được đăng báo, treo bày nhiều nơi như một biểu hiện rực rỡ đầy tự hào của chiến thắng, không chỉ trong năm 1975 mà còn trong tất cả những ngày kỷ niệm chiến thắng 30/4 trong suốt vài chục năm sau.

Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn tự hỏi:

Tại sao biết đối thủ đã chấp nhận buông súng, các thành viên cao cấp nhất của Việt Nam Cộng Hòa đang đứng trong dinh Độc Lập đón đợi, đoàn quân chiến thắng vẫn dùng xe tăng húc đổ cánh cổng để tiến vào? {Cho dù sau này có những quan sát khác nhau về việc chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng, thì câu hỏi đặt ra vẫn có giá trị: tại sao người ta thích trưng tấm hình đó dịp mừng chiến thắng? Tại sao người ta thích “giương cao súng” bắt người đã buông vũ khí phải “bước cúi đầu”?)

Tại sao sau đó một đại úy trong đoàn quân xông vào nói với Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa rằng ông bị bắt làm tù binh, và áp giải ông từ dinh Tổng Thống ra đài phát thanh? Viên đại úy đó có xin lệnh cấp trên không? Ai là người ra lệnh đó?

Thật là đáng tiếc khi ngày đất nước thống nhất đã mất đi một cơ hội lịch sử. Thử tưởng tượng, nếu lúc đó một nhân vật cao cấp của Bên Thắng Cuộc cỡ Thượng tướng Trần Văn Trà hay ông Võ Văn Kiệt dừng xe ngoài cổng dinh, rảo bước vào gặp ông Dương Văn Minh từ trong rảo bước ra mừng. Hai ông gặp nhau giữa đường, giang tay đón và ôm chặt nhau trong nước mắt dân tộc trùng phùng. Chắc rằng, nếu có phút đó, cả nước đã cùng rơi lệ, đã cùng khóc cười trong tình Bắc Nam sum họp...

Nước Việt không có tấm ảnh ôm nhau thấm đẫm tình đồng bào, chỉ có tấm ảnh chiếc xe tăng bên chiến thắng lao vào húc đổ cánh cổng dinh thự đầu não của bên thua trận. Tấm hình được đưa lên trang đầu của nhiều tờ báo phương Tây thời ấy. Đó là thời 110 năm sau ngày ký kết thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement) chấm dứt cuộc nội chiến giữa hai miền Nam, Bắc Hoa Kỳ. Hai vị tướng hai miền, tướng Lee và tướng Grant đã hành xử thật đẹp, thật tôn trọng nhau, tạo nền cho sự cố kết lòng dân lâu dài về sau.


C) Tàn cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ, tất cả các quân nhân thua trận Miền Nam đều tự do trở về nhà, được mang theo lừa ngựa (là quân dụng thời đó) để xây dựng trang trại, làm kinh tế. Không biết tại văn hóa phương Đông khác phương Tây, hay tại sự tuyên truyền quá mức trong thời chiến, các quân nhân và một số công chức Miền Nam Việt Nam không được đối xử như vậy! Những lát cắt chia rẽ dân tộc được khía sâu hơn. Ba năm sau, năm 1978, bắt đầu đợt di tản vô tiền khoáng hậu của người Việt rời bỏ đất nước trên những chiếc thuyền con mong manh. Đất nước mất đi nhiều người có kiến thức và năng lực tái thiết kinh tế hậu chiến. Năm 1979, Trung Quốc tiến công biên giới phía Bắc. Năm 1988, Trung Quốc tiến đánh Gạc Ma đặt nền móng vững chắc không chế Biển Đông vốn thuộc vùng kiểm soát truyền thống của Việt Nam.

Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn tự hỏi:

Nếu tháng tư 1975, cuộc hợp nhất hai Miền Nam Bắc không được thể hiện bằng hình ảnh chiếc xe tăng lao tới mà bằng hình ảnh lãnh tụ hai Miền ôm nhau, thì tâm lý đó có làm dịu đi phân biệt Cách Mạng và Ngụy trong lòng dân tộc hay không? Thì Việt Nam có giữ chân, sử dụng được người Việt có kiến thức và năng lực tái thiết kinh tế hậu chiến không?

Nếu tất cà người Việt tài năng được trọng dụng, đất nước có lâm vào khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 1970, nửa đầu thập niên 1980 không? Có vướng vào cuộc chiến biên giới phía Bắc không? Có thể tái lập bang giao với Hoa Kỳ vào năm 1977 không? Có mở cửa kinh tế sớm hơn Trung Quốc không? Có bị mất Biển Đông vào sự khống chế của Trung Quốc không?

Vẫn biết lịch sử không có những chữ “nếu”, nhưng có thể đặt các chữ “nếu” để rút những bài học quí giá từ lịch sử..Với các câu hỏi như trên và các câu trả lời có thể nhất, có phải bài học lớn nhất của Việt Nam là:

Phải chăng kẻ thù lớn nhất của Việt Nam hiện nay là tâm lý, thói quen coi nhau như các thế lực thù địch?

Phải chăng khi nào người Việt và các thành phần trong dân tộc Việt coi nhau bình đẳng, tôn trọng nhau trong tư thế có cùng quyền lợi, trách nhiệm, tiếng nói, vai trò đối với đất nước, dân tộc, ngày đó Việt Nam mới thực sự ấm no, giàu mạnh, không nước nào dám lấn lướt, xâm chiếm lãnh thổ?


Ngày 30/4 năm nay thấy thấp thoáng những dấu hiệu cải thiện của Việt Nam trên phương diện này. Hy vọng nhận xét đó không lầm, và hy vọng khuynh hướng đó ngày càng vững chắc.


LÊ HỌC LÃNH VÂN