Nguyễn Huy Viện
- “Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế”
Để “nước mắt Thủ Thiêm” không còn chảy ròng như 20 năm qua, trước hết phải thấu hiểu nỗi niềm của người dân, để thành thật trả lời đầy đủ những câu hỏi và giải quyết thấu đáo những yêu cầu chính đáng của người dân nơi đây.
Trong vòng chưa đầy một năm, Thanh tra Chính phủ hai lần công bố các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, lần thứ nhất ngày 7/9/2018, lần thứ hai là kết luận thanh tra ngày 26/6/2019.
Trong suốt chặng đường 20 năm ấy, đã có không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh, HĐND Quận 2 với đồng bào Thủ Thiêm. Và mỗi cuộc tiếp xúc cử tri đó có không biết bao nhiêu tiếng nói bất bình, uất nghẹn đầy nước mắt khi nhà cửa, đất đai của người dân bị cưỡng chế thu hồi phi lý, đẩy cuộc sống của họ đến khốn cùng. Dưới đây là một số trích dẫn trong các cuộc tiếp xúc xử tri như vậy.
Nước mắt Thủ Thiêm!
Để cầm nước mắt Thủ Thiêm cần thấu hiểu nỗi niềm người dân
Ngày 29/6/2019, tức 3 ngày sau công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong buổi tiếp xúc cử tri Quận 2, trước kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Đức, phường Cát Lái, bày tỏ nỗi niềm: Suốt 20 năm qua, người dân Quận 2 phải ly tán khắp nơi, vậy mà "Kết luận của Chính phủ chỉ nói đến cơ quan nào vi phạm, tổ chức nào làm sai, chứ chưa nhắc gì đến đời sống người dân. Đây là đại án của cả nước, chứ không phải của riêng Quận 2".
Cử tri Nguyễn Thị Hà, phường Bình An, cho rằng, cả hai kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Thủ Thiêm chưa ghi tên các cán bộ, lãnh đạo sai phạm cần kiểm tra. Cử tri này yêu cầu: "Thành phố đã sai phạm nhiều năm như vậy nhưng vì sao với quyền giám sát của mình, các đại biểu HĐND không phát hiện ra? Chúng tôi cần Thanh tra Chính phủ làm rõ các sai phạm của lãnh đạo, sau đó làm rõ vấn đề ranh quy hoạch rồi mới đến đền bù cho dân". Cử tri Hà kiến nghị, phải khởi tố vụ việc chính quyền cưỡng chế, thu hồi 4,3 ha đất của Khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài ranh quy hoạch; và hơn 160 ha đất tái định cư bị giao cho các doanh nghiệp...
Sự bức xúc, bất bình của người dân Thủ Thiêm không chỉ trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, mà lần nào tiếp xúc cử tri cũng bức xúc, căng thẳng như vậy.
Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 19/6/2019 của Tổ đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh với cử tri Quận 2, ông Nguyễn Tấn Cứu, phường Bình Khánh, bức xúc đặt vấn đề: "Chỉ cần trưng quy hoạch của Thủ tướng ra, một phút thôi, sẽ giải quyết được vấn đề của chúng tôi. Vậy tại sao 20 năm nay không giải quyết được, có thế lực nào đứng đằng sao bảo kê, bao che?"
Còn buổi tiếp xúc với cử tri Quận 2 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh được VTV1 tường thuật trong Chương trình Thời sự tối ngày 9/5/2018 và Tuổi trẻ TV ngày 10/5/2018 [4], làm cho tất cả những ai theo dõi không thể không nghẹn lòng khi chứng kiến hình ảnh nhiều cử tri cao tuổi gào thét, uất nghẹn bật khóc khi trình bày sự bất công, vô lý trong việc cưỡng chế trái phép để giải phóng mặt bằng.
Cử tri Trần Thị Mỹ, 76 tuổi, ở phường An Khánh, đau đớn bày tỏ nỗi niềm: “Chúng tôi về hưu chỉ với đồng tiền lương, cùng với tiền chắt chiu của các con mua đất, nhà… mà bây giờ thu hồi đất của tôi mà không có tên tôi, không có trong quy hoạch, nhà tôi không nằm trong diện thu hồi mà thu hồi, như vậy là cướp đất. Đền bù cho tôi chỉ có 200.000đồng/m2, tôi đi kiện cả chục năm nay, nhiều nơi tiếp tôi nhưng không ai giải quyết”.
Một cử tri hơn 75 tuổi, giọng khàn đục vì bức xúc đặt câu hỏi: “Hiện nay, dân thì không nhà cửa, tứ tán khắp nơi. Khu tạm cư thì như chuồng heo nằm cạnh các khu đô thị xây trên đất thu hồi của dân đẹp lung linh. Đại biểu của dân có đau lòng hay không, có thấu hiểu nỗi khổ của dân không?”
Trước sự mệt mỏi, bức xúc tột độ cửa cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, phải thừa nhận: "Chúng tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt, những gương mặt mệt lả, những lời nói khan giọng của bà con. Bởi thời gian vụ Thủ Thiêm kéo dài quá sức chịu đựng của mọi người." [8]
Không biết bao nhiêu lần các quan chức TP. Hồ Chí Minh chia sẻ sự thấu hiểu, cảm thông như rút ruột rút gan với người dân Thủ Thiêm và kèm theo đó cùng vô số những lời hứa hẹn.
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở sự thấu hiểu, chia sẻ, hứa hẹn mà chưa được phúc đáp bằng việc làm cụ thể của các cấp chính quyền. Chính vì vậy sự bức xúc, bất bình của người dân Thủ Thiêm bị dồn nén đến tột độ.
Người dân Thủ Thiêm càng phẫn nộ hơn khi những người có thẩm quyền ở TP. Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành liên quan bất nhất trong việc giải thích về sự “biến mất” khó hiểu của bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc và ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng "không tìm thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm", với lý do bản đồ này đã được phê duyệt cách nay hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ…
Còn ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ, khẳng định: “Chúng tôi đã đối thoại với Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh, họ xác định là không tìm thấy (bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm) ... bởi làm gì có mà tìm!”
Nhưng ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng: “Quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005”; và “… Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ quy hoạch.”
Theo cách giải thích của ông Hùng: "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bị điều chỉnh bằng Quyết định 6565, ngày 27/12/2005 của UBND TP. Hồ Chí Minh, do Phó chủ tịch UBND Thành phố lúc đó là ông Nguyễn Văn Đua ký thay Chủ tịch UBND TP. [12]
Như vậy, Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định quy hoạch lại KĐTM Thủ Thiêm. Đồng nghĩa phủ nhận "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm” được Thủ tướng phê duyệt tháng 5/1995. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Còn những biện minh, rằng “không tìm thấy” Bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm là phi lý. Vì Hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995" (kèm theo bản đồ) do Thủ tướng phê duyệt phải được lưu giữ ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường; lưu giữ ở Văn phòng UBND, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh.
Theo Khoản 1, Điều 17 Luật lưu trữ, tài liệu về dự án, nhà đất là tài liệu được bảo quản vĩnh viễn. Bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm thuộc loại tài liệu phải bảo quản theo quy định điều luật này. Thế mà tất cả các cơ quan chức năng của Chính phủ và của TP. Hồ Chí Minh đều “đánh mất” hoặc “không tìm thấy”.
Rất may, trong khi các cơ quan nhà nước “không tìm thấy” nhưng có một người đã tìm thấy. Theo báo Tuổi trẻ, ngày 06/5/2018, ông Võ Viết Thanh nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cung cấp đầy đủ cho Bản báo này 13 tấm bản đồ trong Hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995".
Vì vậy công luận không thể không nghi ngờ về sự bất thường khi các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh và các bộ ngành liên quan đều “không tìm thấy” bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm?
Để “nước mắt Thủ Thiêm” không còn chảy ròng như 20 năm qua, trước hết phải thấu hiểu nỗi niềm của người dân, để thành thật trả lời đầy đủ những câu hỏi và giải quyết thấu đáo những yêu cầu chính đáng của người dân nơi đây.
Thứ nhất: Tại sao gần chục cơ quan chức năng từ TP. Hồ Chí Minh đến các bộ ngành cùng để “mất” bản đồ kèm theo Hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995" do Thủ tướng phê duyệt? Đây có phải là sự bất thường không?
Phải chăng đằng sau sự bất thường này là để che đậy hơn 160 hecta đất quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm bị biến thành đất thương mại dịch vụ, và che đậy hành vi cưỡng chế trái phép 4,3 hecta đất của những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch?
Nếu không làm sáng tỏ Bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm “bị mất” thì niềm tin của nhân dân cũng khó mà “tìm thấy”.
Thứ hai: Công khai danh tính và truy cứu trách nhiệm những cán bộ Quận 2, các sở ngành và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh liên quan đến những sai phạm trong vụ Thủ Thiêm; xem xét trách nhiệm của những lãnh đạo Thành phố đã không giải quyết dứt điểm, thấu đáo những vấn đề người dân khiếu kiện trong 20 năm qua.
Thứ Ba: UBND TP. Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng, kịp thời những tổn thất về vật chất và tinh thần cho hàng trăm hộ dân bị cưỡng chế thu hồi nhà, đất trái pháp luật.
Những cán bộ sai phạm trong vụ Thủ Thiêm, những cán bộ không giải quyết thỏa đáng để người dân khiếu kiện trong suốt thời gian dài phải xin lỗi Người dân Thủ Thiêm.
Để giải quyết thỏa đáng những bức xúc của người dân Thủ Thiêm cán bộ các cấp cần đồng quan điểm với ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: “Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế”.
Vụ việc Thủ Thiêm là một đại án đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi vậy các cơ quan Trung ương cần tiếp tục vào cuộc làm sáng tỏ bản chất của vụ việc. Chỉ mặt, vạch tên những quan chức bất chấp lợi ích và cuộc sống cua người dân, lợi dụng quy hoạch đô thị, lợi dụng đền bù giải phóng mặt bằng để trục lợi.
Có như vậy mới có thể lấy lại công bằng cho người dân Thủ Thiêm, và cũng chỉ có như vậy mới giữ được niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ!
https://m.vietnamnet.vn/…/de-cam-nuoc-mat-thu-thiem-547856.…