14 juillet 2019

Quốc hội, Hội đồng Nhân dân không vì dân


Thiện Tùng
 
Quốc hội: Ngủ có lương         Dân oan: ngủ không lương 


Lúc 19 giờ ngày 11/7/2019, chúng tôi vừa uống trà vừa theo dõi cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP HCH trên màn hình nhỏ. Nghe/thấy các đại biểu thay phiên nhau “tràn giang đại hải” mà không hay chưa đá động gì đến hai “điểm nóng” Thủ Thiêm và Lộc Hưng tôi ứng khẩu: “Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp không vì dân”. Người bạn ngồi cạnh “chụp vật” tôi ngay: “Cơ quan đại diện cho dân không vì dân thì vì ai ?!. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, tôi “cố giãi” để thoát thân. 


1/ Bầu cử

Dưới thể chế Dân chủ, cử và bầu do người dân thủ vai chủ thể.  Dưới thể chế Độc tài Đảng trị ở nước ta, cử và bầu có đến 2 chủ thể: cử chủ thể là Đảng, bầu chủ thể là Dân –“Đảng chọn, Dân bầu” trong phạm vi người Đảng chọn.
Vậy thì từ khi có Đảng, dân ta chỉ có bầu chớ không có cử. Nếu cử tri nào đó nói mình đi bầu cử là sai?.

2/ Do ai cử  

Trong cụm từ “do dân, của dân, vì dân” tuy phân cách bằng những dấu phết (,) nhưng chúng có mối liên hệ ràng buộc nhau. Muốn biết Quốc hội, Hội đồng Nhân dân có vì dân hay không hãy xem họ có do dân , của dân hay không.
Nếu đại biểu QH, HĐND do Dân cử thì những tổ chức ấy của Dân, vì Dân.
Nếu đại biểu QH, HĐND do Đảng cử thì những tổ chức ấy của Đảng, vì Đảng.
 Hãy xem, những đại biểu QH, HĐND ở nước ta có phải người do dân cử không? – Không hề, tất cả ứng cử viên đều do Đảng cử, dân chỉ phải đi bầu trong phạm vi những người được Đảng cử. Vậy thì những tổ chức nầy hình thành là do Đảng chớ đâu phải do dân? Và dĩ nhiên chúng là của Đảng, vì Đảng?.
Đảng đẻ ra QH, HĐND nghiễm nhiên chúng phải là sở hữu của Đảng. Là những đứa con phải tuân lịnh cha mẹ, nếu ngược lại sẽ bị lên án là “nghịch tử”?. Không phải vô cớ, khi làm Chủ tịch Quốc hội, từ ông Trọng, chú Sinh Hùng, thím Ngân đều nói “Bộ Chính trị đã quyết không thể không làm”, “không thể không thông qua” đó sao?.
Vậy thì Quốc hội, Hội đồng Nhân dân hình thành là do Đảng, của Đảng và vì Đảng?.  
Ở nước ta không phải áp dụng “tam quyền phân lập” mà áp dụng “tam quyền phân công”, đặt dưới sự lãnh đạo “trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối” của Đảng cầm quyền. Là người dân phải biết thân phận, đừng đòi hay trông cậy vào những thứ không phải của mình?!
 Thực tế cho thấy, Quốc hội, Hội đông Nhân dân đâu phải là tổ chức chuyên nghiệp, phần lớn là những đảng viên cầm quyền ở các cơ quan hành pháp và tư pháp. Họ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chỉ nói đặng nói được cho mình chớ đâu thật sự quan tâm gì đến khổ nạn của người dân. Bằng chứng là, những vụ người dân bị đuổi nhà, cướp đất kinh thiên động địa như ở Tiên Lãng, Dương Nội, Cái Răng, Formosa, Đồng Tâm, Long Hưng, Thủ Thiêm, Lộc Hưng..w… mà chẳng thấy bóng dáng Quốc hội, Hội đồng Nhân dân xuất hiện.

Quốc hội cứ mỗi năm họp 2 lần, mỗi lần cả tháng trời, ngồi chật cả hội trường, chia thời gian mỗi người vài ba phút “bắn bỗng”, mệt dựa ngang ngủ, đến tháng nhận lương và tìm chỗ dựa để được đề cử nhiệm kỳ sau. Mỗi ngày họp tiêu tốn hàng tỷ đồng tiền thuế của dân mà chẳng làm nên trò trống gì. Nếu không có QH, HĐND, công chúng đỡ ngán ngẫm và cũng chẳng chết thằng “Tây” nào?.

Cơ quan đại diện cho dân mà vô trách nhiệm với dân như thế thì dân còn biết dựa vào đâu?!. Tục ngữ có câu “Muốn ăn lăn vào bếp, muốn chết lếch vào hòm”. Có lẽ   Nguyễn thị Thùy Dương, người con gái kiên cường, thuộc thế hệ dân oan thứ 2 mở lối thoát. Đến đây, tôi xin nhường lời cho Thùy Dương:
 
Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói "HĐND chỉ có thể giám sát, không thể thay dân Thủ Thiêm thông qua chính sách bồi thường

Thùy Dương nói:

Người xưa có câu: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Trong đạo Phật cũng có câu chuyện Bồ Tát tự cứu mình. Ý nói, trước khi muốn có một ai đó, một thế lực nào đó giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn, trước hết người bị nạn phải biết  vùng vẫy  cứu mình”.
 Tôi mong rằng những người dân bị cướp đất hãy tự cứu mình trước khi có ai đó  đến giúp. Hãy bắt đầu bằng lá đơn khiếu nại đầu tiên, hãy bắt đầu bằng việc nộp đơn để giữ thời gian hồi tố không bị mất đi, hãy đoàn kết cùng nhau giành lại quyền lợi của mình. Chẳng có kẻ cướp nào lại đem tài sản trả lại cho chúng ta cả. Trừ khi kẻ cướp đó bất ngờ “giác ngộ” mà tỉ lệ này gần như bằng 0”.
“Những người dân bị cướp đất nên đồng loạt làm đơn khiếu nại. Tôi không xúi giục,  đó là quyền của người dân. Vậy thì đồng ý để bị cướp hay chiến đấu để giữ nhà đất, đó là quyền lựa chọn của mọi người”.

“Tôi chỉ có thể lên tiếng cùng người dân khi người dân đủ nghị lực, ý chí, đoàn kết. Tôi thật sự không biết mọi người nghĩ sao mà chờ tôi phải đi năn nỉ mọi người làm đơn khiếu nại, không khéo tôi sẽ bị chụp mũ: “lôi kéo, kích động”. Tôi vẫn chỉ có 1 địa chỉ, một số điện thoại, nếu liên lạc không được vui lòng nhắn tin qua facebook cá nhân. Tôi chỉ có thể nói tới đây. Quyền lựa chọn thuộc về người bị hại” .

 Trả lời BBC hôm 10/7/2019, Nguyễn Thị Thùy Dương,  người phụ nữ trong vụ "ném giày ở Thủ Thiêm" năm ngoái, nói:
"Hội đồng Nhân dân thực chất là một Quốc Hội thu nhỏ tại các tỉnh thành. Là một cơ quan lập pháp có chức năng giám sát và thông qua các nghị quyết và chủ trương. Họ đại diện cho tiếng nói của người dân. Nên việc Hội đồng Nhân dân đưa ra nghị quyết về chính sách đền bù mới là quyền được hiến định."
"Tôi nhấn mạnh là đền bù chứ không phải hỗ trợ. Vì đây là phần người dân đáng được nhận chứ không phải dân đi xin và Chính phủ "thương tình" nên cho. Nhưng chúng ta phải xem lại Hội đồng Nhân dân dựa trên cơ sở nào để thông qua nghị quyết. Không thể để một nhóm người quyết định quyền lợi và số phận của hàng ngàn, hàng chục ngàn người theo tính chủ quan được."
"Muốn thông qua nghị quyết, trước tiên Hội đồng Nhân dân phải lấy ý kiến của chính những người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch giải tỏa ở khu Công nghệ cao quận 9 và cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây, tôi chưa thấy có sự thống nhất ý kiến giữa người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Hội đồng Nhân dân thì nghị quyết thông qua đường nào?"

"Có hợp lòng dân không? Có đúng với giá trị tài sản người dân bị mất không? Chỉ có người dân Thủ Thiêm mới có quyền được quyết định vận mệnh của họ. Hội đồng Nhân dân chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế họ. Có vị nào trong Hội đồng Nhân dân đã phải sống cuộc đời đau khổ như dân oan đâu?"
"Với tư cách là một người theo đuổi và quan sát vụ việc này khá lâu. Tôi yêu cầu chính quyền TP.Hồ Chí Minh giải quyết đầy đủ, đúng với những giá trị mà người dân đáng được nhận. Chính quyền thành phố phải biết tôn trọng người dân của mình chứ không phải giải quyết cho xong để "xếp xó".
"Người dân có trách nhiệm xây dựng đất nước chứ không phải làm mồi nuôi sống tham nhũng. Trong trường hợp này, cần đặc biệt chú trọng vai trò giám sát và kết nối người dân và Hội đồng Nhân dân đúng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra."
 "Đối với các quan chức sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi nghĩ không chỉ là kỷ luật mà cần phải thanh tra, kiểm toán toàn diện quy hoạch, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc sai phạm khi thực hiện quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, hành vi xâm hại tài sản của Nhà nước và người dân đã được thể hiện rất rõ."
"Ở Thủ Thiêm có rất nhiều nhóm dân khác nhau. Có nhóm người bị xua đuổi, có nhóm người bám trụ lại, có những người bị lưu lạc do chính sách đền bù... Họ đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm nay rồi. Tôi nghĩ chính quyền TP Hồ Chí Minh nên đưa ra các quyết sách phù hợp với từng nhóm khác nhau, làm cách nào đó, đáp ứng được tinh thần nhân văn mà Quyết định 367 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt khi thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm."

Tôi nói, Thùy Dương đã phơi bày những cảm nghĩ của mình, mong có sự góp ý chân thành của quý bạn đọc.

13/07/2019
    T.T