Thông tin này được mạng báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post - SCMP) đăng tải vào chiều 12/7.
Mạng báo tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.
Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.
Theo SCMP, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.
Theo Wikipedia, Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông mà Việt Nam cho lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.
Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 rời đi sau 3 ngày đối đầu.
Hiện phía Việt Nam cũng như Trung Quốc chưa có bình luận gì về vụ việc này.