18 juillet 2019

NHÂN NGÀY GIỖ TRẬN VỊ XUYÊN, NGHĨ VỀ SỨ MỆNH CỦA NHỮNG NGƯỜI VIẾT SỬ


Mai Thanh Sơn

Ảnh của Tuyet Trinh Thu
Từ sau 1984, ngày 12/07 đã trở thành ngày giỗ trận lớn nhất hàng năm. Có lẽ trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có ngày nào, người Việt mất nhiều quân đến thế: hơn 600 người lính quả cảm ngã xuống chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trên một diện tích chỉ chừng vài chục ki lo mét vuông. Hay ít nhất thì trong chính sử tôi cũng chưa từng đọc được điều gì đó tương tự.

Trong trường hợp này, hiển nhiên người Việt Nam là nạn nhân của chiến tranh xâm lược. Việt Nam mất Lão Sơn. Đó là một sự thật không thể không được các nhà chép sử ghi lại. Tâm lý chung của người Việt Nam trước sự kiện này là cảm xúc bi tráng. Có thể uất hận. Có thể căm thù. Có thể cam chịu. Tùy từng cá nhân cảm nhận sự kiện đó như thế nào. Nhưng tôi tin, hầu hết người Việt Nam đều yêu nước và có chung cảm xúc uất hận.

Những cuộc trận địa chiến có thể tạm coi là đã ngưng kể từ sau sự kiện Gạc Ma 1988. Nhưng Hoàng Sa và một phần Trường Sa vẫn còn nằm trong tay Trung cộng. Và hiểm họa ngoại xâm vẫn luôn rình rập đâu đó trên biển Đông. Thậm chí, không loại trừ sự xâm lăng trên bộ, thông qua các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện và nhất là việc gia tăng đầu tư FDI rồi đưa người sang làm việc, kết hôn với người Việt để thực hiện âm mưu "lạc diệp vi căn". Đó là hiểm họa có thật, và người Việt Nam cần sớm tính đến các phương án đối phó.
Lúc này, hơn lúc nào hết, những người Việt Nam cần xiết chặt tay nhau, không phân biệt tộc người, tôn giáo, sự khác biệt về quan điểm cũng như xu hướng chính trị... Muốn vậy, trước hết những người viết sử và dạy sử cần có thái độ công chính, gọi đúng tên các sự kiện đã xảy ra trong trường kỳ lịch sử dân tộc/quốc gia. Thậm chí, cần phải có sự phê phán lịch sử. Phê phán để hòa giải dân tộc/quốc gia.
Gần đây, một vị Giáo sư Tổng Chủ biên Chương trình sách giáo khoa môn lịch sử đã kêu gọi sự hòa giải lịch sử với các nhà sử học Trung Quốc cộng sản. Quá trình hòa giải giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới là xu thế chung. Tuy nhiên, đó là con đường chông gai và Việt Nam không phải bao giờ cũng có thể nắm quyền chủ động, nhất là khi thực lực kinh tế cũng như quân sự không thể hiện được tính vượt trội. Nhưng mục tiêu hòa hợp hòa giải nội bộ dân tộc thì người Việt Nam có thể tự mình chủ động thực hiện thông qua các biện pháp khác nhau. Các nhà sử học có thể tham gia, thậm chí là chủ lực trong quá trình đó.
Đáng tiếc, trên thực tế, điều đó đã không xảy ra. Xem lại các bộ sử gần đây, kể cả các bộ sách giáo khoa dạy trong nhà trường, người đọc có thể dễ dàng nhận ra điều đó. Lịch sử dân tộc/quốc gia Việt Nam dường như chỉ là lịch sử của người Kinh. Các nhà sử học quốc doanh vừa ca ngợi chiến công "phá Tống", vừa hỉ hả với sự nghiệp "bình Chiêm" của Lê Đại Hành. Một thái độ nước đôi rất lưu manh: vừa ca ngợi chiến công chống xâm lăng, vừa "ca ngợi chiến công xâm lược nước người" của tiền nhân. Rồi công lao "mở cõi" về phương Nam của các vua Trần, vua Lê, Chúa Nguyễn nữa. Điều đó có nên không? Những người Kinh có thể hể hả, còn những người Chăm và người Khmer thì sao? Những câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đọc lên nghe rất kêu: "Từ độ cầm gươm đi mở cõi/ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Nhưng đằng sau cái hay/cái đẹp của mớ ngôn từ đó, là nỗi đau mất nước của chủ nhân Champa, Thủy Chân Lạp thì các nhà sử học có tính đến? Và các thầy/cô giáo sẽ nói như thế nào với hàng ngàn học sinh người Chăm, người Khmer?
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều lỗi của các nhà sử học hiện nay mà chỉ với thớt này tôi không thể kể hết. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thay đổi cơ bản về quan niệm viết sử cũng như giọng điệu trong ngôn ngữ sử học. Chỉ có như vậy, mới mong tạo được mối đại thống quốc gia, khả dĩ chống lại sự xâm lăng từ phương Bắc.
_______