19 juillet 2019

GIÁO SƯ HOÀNG TUỴ, VỊ CHỦ TỊCH CỦA IDS, MỘT BẢN LĨNH TRÍ THỨC ĐÍCH THỰC

Bài viết với vô vàn thương nhớ tiễn đưa Thầy về chốn vĩnh hằng


Tương Lai


Thầy Hoàng Tuỵ
Biết rằng ngày đau buồn ấy rồi sẽ đến, mà đến rất gần, vì lần gặp mặt cuối cùng với người thầy kính mến của tôi, giáo sư Hoàng Tuỵ đã quá yếu khi bước khỏi tuổi 91, nhưng rồi vẫn cứ bàng hoàng không cầm được nước mắt khi nhận được tin dữ. Mới hôm nào nghe Chu Hảo điện thoại cho biết các anh vừa đến nhà thăm thầy Tuỵ, tôi càng bồn chồn giục con gái tôi thu xếp để đưa tôi ra Hà Nội. Nhưng thế là không kịp nữa rồi. Thao thức cả đêm, trằn trọc với bao kỷ niệm ùa đến, dậy ngồi vào bàn, đặt tay trên bàn phím máy tính mà đầu óc cứ trống rỗng, hụt hẫng không biết bắt đầu từ đâu. Phải viết, nhưng viết gì đây? 


Các đài nước ngoài đã dồn dập đưa tin. Đọc VOA, BBC, RFI, RFA thấy họ rất kịp thời đưa ra những nhận định khá nổi bật, càng hiểu rõ hơn thế giới nhìn nhận về người trí thức đã làm rạng rỡ cho Việt Nam. Rất nhiều bài viết của các nhà khoa học trong nước đã trân trọng tôn vinh những đóng góp của Hoàng Tuỵ “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên ông.

Hoàng Tuỵ là người đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng trong lĩnh vực này.Cuốn sách toán tiếng Anh do Hoàng Tụy viết chung với­ Reiner Horst (CHLB Đức) Global Optimization-Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) dày 694 trang, đ­ược Nhà Xuất bản Springer - Verlag in lần đầu năm 1990, lần thứ hai năm 1993, lần thứ ba (có sửa chữa) năm 1996. GS­ Hiroshi Konno, ng­ười Nhật Bản, nhận xét: Cuốn sách ấy “được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh Thánh của chuyên ngành tối ­ưu toàn cục” (was appreciated by many researchers as the Bible of global optimization) và trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “đ­ược cuốn sách mở đường ấy cổ vũ” (motivated by this path-breaking book). Sẽ là thừa nếu chép lại đây những cống hiến khoa học tuyệt vời của nhà toán học Việt Nam kỳ diệu đó mà những người đủ thẩm quyền đã nói dù chưa đủ mà kẻ “ngoại đạo” mù tịt như tôi thì nói chen vào là dại dột, cho dù thầy Tuỵ cũng đã từng an ủi động viên tôi chuyện kém cỏi về kiến thức toán.

Duyên do là vào dịp quãng năm 2000, nhân ngày 20 tháng 11, Ngày nhà giáo, mấy chúng tôi có buổi gặp mặt chúc mừng thầy. Người đầu tiên được thầy nhắc tên là Hàn Liên Hải, người giỏi toán nhất lớp được chỉ định làm “cán sự toán”, rồi thầy nhớ tên và nhắc từng người Vương Thị Hanh, Hồ Ngọc Đại, Trần Phúc Cương...đến tôi, thầy cười cười “sao hồi ấy anh lại chuyển sang học Văn, mà Toán anh đâu có tồi, quay sang Hàn Liên Hải thầy nói “ đương nhiên là không bằng Hàn Liên Hải”.Tôi thưa với thầy: “dạ, em cũng buồn lắm. Giáo sư Lê Bá Thảo có lần gọi em đến tham gia vào Hội đồng xét duyệt nghiệm thu một đề tài nghiên cứu trong Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX...cũng đã hỏi em câu ấy. Có lần em liều mạng đọc thử “Lát cắt Tuỵ[Tuy’s  Cut] do tạp chí khoa học trong nước dẫn bài của báo Le Monde mà cứ hoang mang, ù cả tai, chẳng hiểu một tí gì, quá xấu hổ. Đành tự an ủi, thôi thì cũng là sự đẩy đưa của số phận. Thì cũng giống như Đào Văn Bỉnh rất giỏi văn, đã viết được truyện ngắn, mà rồi lại phải bị điều sang phân ban Khoa học tự nhiên để vật vã với môn toán đấy ạ. Mà thật ra, em đã có ngày nào ngồi trên ghế Đại học theo đúng nghĩa đâu! Chỉ toàn “hàm thụ” và mày mò tự học thôi ạ. Nỗi khổ của sự hẫng hụt về kiến thức do thiếu hệ thống cứ ám ảnh khôn nguôi, vì em vẫn nhớ lời căn dặn phải xem trọng tính hệ thống của nó trong bản Kiến nghị về Phương pháp luận xây dựng Chiến lược Kinh tế Xã hội”. Thầy cười an ủi : “Tự học cũng có cái hay của nó chứ. Tôi cũng nhờ tự học, tự mày mò tìm đường cho mình mà bứt lên đấy chứ”. Thầy không nói nhiều nhưng tôi biết chính thầy đã quyết định xin thôi học ở trường Quốc học Huế, [với học bổng toàn phần, được ở trong ký túc xá miễn phí và mỗi tháng lĩnh 12 đồng Đông Dương mà thuở ấy một bát phở chỉ 3 xu] sang học trường tư thục mới có thể “nhảy cóc” để có điều kiện tự học mà thi tú tài phần I rồi đỗ đầu kỳ thi tú tài phần II như đã có lần chị tôi kể cho nghe khi chị tôi đến nhờ thầy dạy thêm Toán để có thể thi vào Đại học hồi còn ở Huế năm 1946.

Nói đến bản Kiến nghị về “phương pháp luận” này tôi nghĩ rằng có lẽ đây là một cơ duyên khiến thầy trò chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau sau ngày 27.9.2007, ngày thành lập IDS do tiến sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng. Lúc bấy giờ, sau buổi tiếp giáo sư Lê Xuân Khoa từ Mỹ về với ý tưởng hình thành một “Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam thế kỷ XXI” do tiến sĩ Phùng Liên Đoàn tài trợ với đề nghị phía Việt Nam cũng có đáp ứng tương tự để một bộ phận giới trí thức Việt Kiều yêu nước ở Mỹ có dịp sát cánh cùng với giới trí thức cấp tiến trong nước vì sự nghiệp phát triển đất nước, ông Sáu Dân thấy cần có một Viện Nghiên cứu tư nhân để có được một không gian cởi mở, thuận tiện cho việc phối hợp nghiên cứu của trí thức trong và ngoài nước. Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies - IDS) viết tắt là IDS ra đời từ đó. Chuyện này tôi đã có dịp nói kỹ trong cuốn “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi năm 2018” , trang 173. Sau hai tuần kể từ hôm ấy, ông Sáu Dân bảo tôi bay ra Hà Nội “anh trao đổi kỹ với anh Việt Phương, anh Quang A và một hai người nữa để trong buổi họp sắp tới nên bầu giáo sư Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch Viện IDS, Anh Quang A làm Viện trưởng điều hành, như vậy thì sẽ thuận cho việc tập họp những trí thức có uy tín trong và ngoài nước. Ông Tuỵ là người mà ai cũng kính nể và ổng thì cũng chẳng nể sợ ai”!

Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt và uy tín của Hoàng Tuỵ, cùng với Việt Phương, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Nguyễn Quang A...đã làm cho hoạt động của IDS được biết đến và lan toả rất nhanh. Nhưng cũng chính vì thế mà Nông Đức Mạnh và ánh mắt cú vọ của quan thầy hắn với tay chân cài đặt khắp nơi lo sợ và tìm mọi cách dập bỏ. Chúng biết đây sẽ là tia lửa có thể nhanh chóng đốt cháy đồng cỏ rộng. Đầu óc dốt nát của một kẻ chỉ có thể cầm rìu chặt cây phá rừng khi có chiếc búa quyền lực của chế độ toàn trị trong tay sẽ vung lên không chút kiêng dè đập bỏ bất cứ những gì có thể đẩy nhanh sự sụp đổ cái ngai vàng đang lung lay của hắn và bè lũ. Mạnh gọi điện cho Hà Nội hoạnh hoẹ: “ai cho phép thành lập viện nghiên cứu tư nhân này? Khi được trả lời là chẳng ai cho phép cả mà do Luật Khoa học và Công nghệ đã ban hành về quyền đăng ký lập một tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ. Kẻ chỉ thạo cầm rìu chặt cây kia ráo hoảnh hạ lệnh : “Nếu là Luật thì sửa Luật”!

Qủa thật, đúng là “hàm răng của quyền lực luôn luôn mở rộng để nhai nuốt, và cánh tay nó luôn vươn ra, nếu có thể, để phá hủy tự do tư duy, ngôn luận và viết lách, đây là sự đúc kết của John Adams, vị Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Trong tôi thoáng gợi ra hàm răng trắng nhởn dưới mái tóc luôn chải rất mượt của gã “răng chắc” mà dân Hà Nội danh xưng cho hắn. Đến cái việc thương luân bại lý tranh cướp bồ của con trai rồi đòi từ con để lấy ả ta làm vợ nhằm giải thoát cho ả khỏi bị phá sản, rồi ngang nhiên đưa ả ta chễm chệ ngồi vào ghế đại biểu Quốc hội, nơi được gọi là “Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” khiến cho con gái đâm đơn kiện bố, thì cái việc đập bỏ Viện Nghiên cứu tư nhân đầu tiên đâu có gì mà phải chần chừ. Như cú sợ ánh sáng mặt trời, loại người như hắn thì làm sao chịu được một nhân cách, một bản lĩnh trí thức như Hoàng Tuỵ,người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là ý của Karl Marx nói về người trí thức mà tôi đã trả lời báo Sinh viên Việt Nam năm 2008 cách nay 18 năm.

Nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu” đấy chính là bản lĩnh của người trí thức, nhà khoa học Hoàng Tuỵ mà nhân dân, trước hết là giới trí thức và thế hệ trẻ Việt Nam kính trọng, thế giới ngợi ca. Theo những gì tôi biết được thì có hai nhà toán học vận dụng tri thức toán học vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, hình thành một phương pháp luận cho việc xây dựng chiến lược xã hội và kinh tế là Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu. Cả hai nhà toán học ấy đều có mặt trong IDS.

Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có mấy lần nhắc lại những ngày trao đổi thẳng thắn với Tổng Bí thư Lê Duẩn khi Tổng Bí thư mời ông và hai nhà khoa học đến góp ý kiến về những vấn đề xã hội và kinh tế đang gây ách tắc trong hoạt động và quản lý về kinh tế xã hội. Ông cho biết, “trong mấy ngày đó chúng tôi đã có điều kiện góp ý trực tiếp và thẳng thắn với TBT.  Những vấn đề được nêu ra đã chạm vào điểm nóng, cực nóng, chưa biết rồi sẽ gặp phản ứng gì. Tôi đã dẫn ra câu vè dân gian “năng làm thì đói, biết nói thì no, biết bò thì sướng, càng bướng càng khổ. Khi bàn về chính sách nông nghiệp anh em chúng tôi đã không ngần ngại nói thẳng rằng chính sách của Đảng đã bần cùng hoá nông dân. Tóm lại, thật sự đã có không khí nói thẳng nói thật trong mấy ngày đó.

Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, Tổng Bí thư dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh, đĩnh đạc cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện. Sau mấy ngày trao đổi thẳng thắn đó, trong bữa cơm thân mật với tôi trước khi tôi lên đường đi Canada, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết: những ý kiến các anh góp vừa qua ở Đồ Sơn rất tốt, kỳ này chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh. Về sau tôi được biết Hội nghị TƯ 6 đã có nghị quyết lịch sử, với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và chủ trương. Bỏ ngăn sông cấm chợ, nhân dân được tự do làm ăn hơn, lợi ích vật chất được coi trọng hơn, không còn xây dựng các điển hình tiên tiến theo kiểu hợp tác xã Vũ Thắng, và chuyện thi đua trong giáo dục cũng dần dần lui vào quá khứ (mãi gần đây mới được dựng lại do sự trổi dậy của tư tưởng thành tích, gây ra gian dối, quan liêu, tiêu cực mà người ta vẫn muốn nhắm mắt làm ngơ) . 

Giáo sư Hoàng Tuỵ hào hứng kể lại cuộc điện đàm thú vị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để “sau đó anh Văn mời tôi trực tiếp đến nhà ông để bàn thảo kỹ thêm mà chủ yếu là thúc giục tôi đứng ra tập hợp nhân sĩ trí thức để cùng đưa ra những kiến nghị về giáo dục, về vận hành guồng máy quản lý kinh tế, xã hội. Tôi hiểu ý của anh Văn là nên có một “phương án tác chiến đồng đội” Tôi nhớ mãi lời Đại tướng nói, rất giản dị: “Tôi sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách một thành viên...”.

Chính từ những buổi trao đổi đó mà hình thành những kiến nghị, trong đó có bản Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hội” mà tôi vừa nhắc ở trên. Giáo sư Hoàng Tuỵ trầm ngâm suy nghĩ và đưa ra nhận định : “theo tôi tư duy đổi mới đã thật sự hình thành từ Hội nghị TƯ 6, tuy chưa quyết liệt và còn phải vất vả mấy năm nữa mới trở thành đường lối đổi mới chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội mà nhờ đó chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng gay gắt những năm 80”. Nhưng rồi sau đó thì sao? Sự nghiệp Đổi mới chững lại, tiếng kèn “xung trận” ngập ngừng rồi tịt dần khi luồng tư tưởng bảo thủ giáo điều trỗi dậy mà Võ Văn Kiệt đòi hỏi phải dồn sức đấu tranh mạnh với luận điệu của Nguyễn Đức Bình được Tạp chí Cộng sản số tháng 9.1993 đưa ra : “được về kinh tế, nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất toàn thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên, nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải, nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”.

Cần nhớ rằng người đưa ra luận điệu này là người nhiều năm thống lĩnh trên trận địa lý luận và tư tưởng. Những người kế nhiệm ông ta như Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tụng niệm những luận điệu cũ rích ấy khi mà trên thế giới những người nghiên cứu về học thuyết K. Marx, kể cả những người Mác xít đã vứt bỏ từ lâu! Cho đến hiện nay thì những người giáo điều ở ta vẫn nhai lại khái niệm rất sai về “thời kỳ quá độ” lên CNXH, vẫn sử dụng thuật ngữ “hình thái kinh tế-xã hội” để mà bàn về phương thức sản xuất, rồi luẩn quẩn và bế tắc trong tranh luận về quan hệ sản xuấtlực lượng sản xuất mà không biết rằng, thuật ngữ kinh tế-xã hội là do V.I Lenin dịch sang tiếng Nga sai, để rồi sau đó chính ông đã sửa lại là hình thái xã hội của kinh tế!

Trong Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng Chiến lược Kinh tế Xã hội”, giáo sư Hoàng Tuỵ đã không dùng khái niệm “phương thức sản xuất” quen thuộc. Ông viết “lâu nay ta quen nhìn thế giới qua lăng kính, sắp xếp sự vật theo những sơ đồ có sẵn và tin rằng đó là những chân lý bất di bất dịch. Chính đó là nguyên nhân gây nên nhiều sai lầm và thất bại trong sự nghiệp của chúng ta. Vì vậy cứ tiếp tục suy nghĩ theo những sơ đồ ấy sẽ không thấy lối ra”.

Từ cách nhìn ấy, sau khi phân tích cặn kẽ những sai lầm gây ách tắc trong sản xuất và đời sống, trong cơ cấu kinh tế và quản lý xã hội, với một tư duy toán học tường minh ông nói rõ : “Xã hội gồm hàng triệu con người hoạt động trong hàng vạn đơn vị trên hàng ngàn địa bàn. Nếu trách nhiệm và sáng kiến được trả về cho từng cá nhân, đơn vị để phát huy hết tiềm năng của họ, thì cộng năng và sức trồi tạo ra sẽ không lường. Đó chính là chìa khoá đi lên thịnh vượng bằng cách “tích phân” những bước tiến “vi phân”. Từ nhận thức đó, Hoàng Tuỵ viết rõ : “Quan niệm trên dẫn đến lấy chiến lược con người làm then chốt....Nhưng con người chỉ phát huy được tác dụng trong một khung cảnh xã hội và một hệ thống quản lý thích hợp. Nói khác đi, con người - khung cảnh xã hội – hệ thống quản lý là một chỉnh thể. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, ta đã thực hiện xuất sắc chiến lược con người vì đã xây dựng được cái chỉnh thể trên phù hợp với yêu cầu đánh thắng ngoại xâm. Ngày nay, để xây dựng đất nước, phải có can đảm cải tạo cái chỉnh thể ấy theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở thời đại mới, nếu không thì chiến lược con người sẽ chỉ là một khẩu hiệu suông!”.

Tôi nhớ lại giáo sư Phan Đình Diệu cũng đã từng đưa ra những ý tưởng này mà tôi đã dẫn ra trong “Tiểu luận” viết năm 2005 nhằm kiến nghị với Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội VII : “Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định...” từ lập luận đó nhà toán học uyên bác ấy đã phân tích cặn kẽ : “ các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, trước hết là sản phẩm của bottom-up, từ dưới lên, chứ không phải là do top-down, từ trên xuống. Bottom-up là thực chất của dân chủ, là việc tôn trọng quyền của bên dưới, của các thành viên, được tự do suy nghĩ và hành động, tự do lựa chọn tương lai riêng cho mình, và tự do lựa chọn cả những giải pháp liên kết, cạnh tranh và hiệp tác, tự do sáng tạo và thích nghi… và trật tự tạo thành sẽ là kết quả hợp trội của tổng thể các ý chí và hành động của tất cả các thành viên của hệ thống”.

Quý giá biết bao khi những trí tuệ siêu việt ấy đã nung nấu khát vọng được đem những hiểu biết của mình vận dụng vào thực tiễn đất nước với những người dân lam lũ và can trường bươn chải trong cuộc sống mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Hoàng Tuỵ trăn trở tìm kiếm một hướng nghiên cứu để thiết thực góp phần tháo gỡ những ách tắc bằng cách vận dụng toán học vào trong phương pháp tiến hành công việc sao cho có quả nhất, tiết kiệm được thời gian, chi phí, đường vận chuyển nhiều nhất... Đó là “vận trù học”. Thuật ngữ này chưa có trong tiếng Việt và Hoàng Tuỵ là người đưa thuật ngữ này vào ngôn ngữ Việt Nam.

Thế rồi từ năm 1961 “vận trù học” được ứng dụng vào ngành giao thông vận tải rồi tiếp đó lan sang nhiều ngành kinh tế khác. Buổi ấy, trên thế giới vận trù học hãy còn rất mới mẻ, nên một số phóng viên báo chí nước ngoài rất ngạc nhiên khi biết có những thành tựu vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ mấy năm (như phương pháp "đường găng" hay PERT) nhưng đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ngay trong hoàn cảnh chiến tranh. Ngoài lợi ích thiết thực về kinh tế, việc này đã có ý nghĩa mở ra một hướng mới, đưa toán học ứng dụng vào kinh tế ngay ở một nước còn rất lạc hậu về khoa học - kỹ thuật. Hơn nữa, các khái niệm vận trù, tối ưu, hệ thống, hiệu quả, được phổ biến rộng rãi đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy quản lý của cán bộ lãnh đạo và qua đó gián tiếp tác động đến hiệu quả quản lý kinh tế thời đó. 

 Cho dù vậy, thật đáng buồn là sau những nhà lãnh đạo đáng kính đã trân trọng lắng nghe những tiếng nói trí tuệ của những nhà khoa học tâm huyết ấy, những người kế vị họ, đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ dốt nát và lú lẫn của Mạnh và Trọng chỉ dồn sức cho cuộc đấu đá tranh quyền đoạt vị, thì đương nhiên phải tìm cách đàn áp những “người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu”. Vết nhơ nhem nhuốc trên trán Mạnh là đập bỏ IDS, nơi tập hợp những trí thức “không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào” như Karl Marx đã khuyến cáo. Còn vết hằn đê hạ trên mặt Trọng là vụ kỷ luật Chu Hảo, một thành viên của IDS cho dù có dư luận cho rằng do ngài “tổng chủ” đã làm theo ngài cò mồi chỉ điểm đã gửi “tang chứng vật chứng” là bản gợi ý “cần công khai tranh luận để tìm chân lý” mà nhà trí thức Chu Hảo đã cả tin trao cho hắn ta.

Chẳng đáng ngạc nhiên làm gì về những mưu toan nhơ bẩn này. Giáo sư Hoàng Tuỵ, tác giả của bản Kiến nghị về Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hội” đã nhắc lại ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “căn nhà của chúng ta quá nhiều rác rưởi dơ bẩn, phải quét sạch đi thì sự nghiệp cách mạng mới có thể thành công. Từ đó đến nay, rác rưởi chỉ tăng lên, ngập dần cả những tầng cao. Thật chua xót. Đã qua hơn một phần ba thế kỷ từ ngày thống nhất đất nước mà trước mắt vẫn còn đó các vấn đề hệ trọng sống còn, với những khó khăn, thách thức có phần, có mặt phức tạp gay gắt hơn. 

Tôi còn nhớ ánh mắt và niềm hứng khởi của ông Sáu Dân khi tôi trình bày những luận điểm trong bản Kiến nghị về Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hộicủa giáo sư Hoàng Tuỵ và nhắc lại những luận điểm của giáo sư Phan Đình Diệu mà ông cũng đã đọc trong “Tiểu luận” tôi gửi cho ông. Tôi đoán rằng, có thể đó là một trong những lý do mà ông đưa ra gợi ý mời giáo sư Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch IDS khiến tôi viết ở trên có lẽ đây là một cơ duyên khiến thầy trò chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau”.

Rồi cũng lại Chu Hảo, hôm kia gọi cho tôi : “Chúng ta, những thành viên của IDS và “nhóm 23” sẽ cùng đến tiễn đưa anh Hoàng Tuỵ về nơi an nghỉ cuối cùng vào ngày 19.7.2019, anh có bay ra được không? Và có ý kiến gì vào bài phát biểu anh Trần Đức Nguyên đang soạn thảo để đề nghị được đọc trong lễ tang không”. Đành phải xót xa trả lời Chu Hảo : “ Rất buồn là mình không ra được. Sức khoẻ dạo này rất không ổn, bác sĩ khuyên không được đi máy bay vì dễ có những bất ngờ không xử lý kịp. Mình đành tiễn đưa bằng một bài viết vậy. Cũng là chuyện đặng chẳng đừng, biết sao giờ. Chu Hảo ơi ”.

Nhưng cũng xin được nói thêm đôi dòng về “nhóm 23”. Sau khi “tự giải tán” để không bị vô hiệu hoá bởi một Chỉ thị “phản dân chủ, phản tiến bộ và phản khoa học”, những câu được cân nhắc kỹ trong Tuyên bố được những thành viên của Viện IDS thảo luận trong một ngày do Chủ tịch Hoàng Tuỵ chủ trì, tất cả chúng tôi đều thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu của IDS theo cách mới, tuỳ theo điều kiện của từng thành viên.

Có người đem tinh thần IDS vào vị trí hoạt động của mình như Phạm Chi Lan trong những đóng góp trên các lĩnh vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân mà chị am hiểu sâu sắc và có mối quan hệ rộng rãi trong thời kỳ làm Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hoặc như Lê Đăng Doanh với những đóng góp có trách nhiệm và được trân trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, trong các tổ chức quốc tế và là thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 1/1/2016 đến31/12/2018. Hay như Vũ Kim Hạnh đã khá thành công trong các hoạt động thiết thực và trực tiếp đến đời sống của người dân và của các doanh nghiệp trong cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt , là người khởi xướng Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao, từ Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao rồi Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC), chị đã tạo được dấu ấn trong các chuỗi hội chợ hàng Việt tại nước ngoài....

Và rồi, Nguyễn Quang A đang là một tiếng nói có uy tín và giàu tính chiến đấu, thường xuyên đi đầu trong hoạt động của xã hội dân sự đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ xã hội bằng biện pháp ôn hoà, được công chúng, đặc biệt là giới trẻ ngưỡng mộ, tranh thủ được sự ủng  hộ của bè bạn quốc tế...Vị cựu Đại sứ Nguyễn Trung thì vẫn thường xuyên ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi những bài viết tâm huyết rất uyên bác, thẳng thắn và công khai khuyến nghị về chính sách, giải pháp mang tính chiến lược vĩ mô với những người đang giữ trọng trách về tình hình đất nước trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động. Như con tằm đến chết vẫn còn vương tơ, người Trợ lý của Võ Văn Kiệt thuở nao vẫn tràn đầy nhiệt huyết với tâm thế, mà tôi đoán, rằng chúng có nghe không thì tuỳ, trước hết là “tôi nói cho đồng bào tôi nghe”!

Có thể nói, hầu như gần hết thành viên của IDS đã tiếp tục dấn thân cho mục tiêu mà IDS từng hướng tới một cách mạnh mẽ và giàu tính sáng tạo cho dù không còn một Viện IDS. Để rồi thường kỳ “đến hẹn lại lên”, họ gặp nhau tại nhà giáo sư Hoàng Tuỵ để hàn huyên bên chén trà, tách cà phê, thăm hỏi nhau và luận bàn thế sự. Tại đây có thêm những lão tướng của Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, về sau là Ban Nghiên cứu Thủ tướng thời Phan Văn Khải như Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Ký ...cùng tham gia nên tự đặt tên là “Nhóm 23”. Sau một thời gian, khi anh Hoàng Tuỵ sức yếu hay phải vào bệnh viện và khi về nhà vẫn còn xuống sức, để tránh làm phiền anh chị khi mà chị Ngọc Anh cần phải dồn sức chăm sóc anh, chúng tôi chuyển về họp ở nhà anh Việt Phương, rồi nhà anh Trần Đức Nguyên và rồi về trụ sở cơ quan của nhà Xuất bản Tri Thức ở 54 Nguyễn Du Hà Nội do Giám đốc kiêm Tổng biên tập Chu Hảo “đăng cai”. Tôi nhớ những lần có các anh Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn hình như nhiều tiếng cười hơn đi liền với những quãng lặng cũng trầm mặc hơn thì phải! Càng xốn xang hơn khi quãng mấy năm gần đây giáo sư Đào Xuân Sâm hay gọi điện thoại cho tôi để yêu cầu tôi cung cấp tin tức để rồi cùng anh đưa ra những phân tích nhận định. Vị lão tướng ấy, người đã góp phần chấp bút viết lại bản Báo cáo Chính trị sẽ trình ra Đại hội VI theo yêu cầu của Tổng Bí thư Trường Chinh, cũng là người thay mặt cho tất cả chúng tôi hứa với thủ tướng Võ Văn Kiệt tại buổi chia tay với ông trong ngôi nhà quen thuộc - số 6 đuờng Chùa Một Cột - sau khi ông rời khỏi mọi chức vụ, nay chỉ nghe chứ không thể đọc được nữa vì đôi mắt của ông đã hỏng vì gặp sự cố sau khi mổ.

Ông gọi cho tôi là vì thế. Lúc thì mười lăm, hai mươi phút, lúc thì hơn nửa giờ : “tớ chịu chết không thể đọc gì được về những “mênh mông thế sự” và “tin đáng đọc” cậu gửi hàng tuần, may ra đôi lần có cháu nó đến thì nhờ nó đọc cho, nhưng cũng năm thì mười hoạ thôi, đành phải gọi để nghe thôi vậy”. Mới tuần trước đây, trong điện thoại ông nói “Hoàng Tuỵ bệnh nặng lắm. Biết thế mà chịu không đến thăm được . Cũng đến cõi cả rồi. Chúng nó làm cho đất nước toanh hoanh thế này mà mình giờ thì bó tay rồi, rồi chết không nhắm được mắt đây TL ơi”. Nhưng, anh Sâm ơi, chính tôi đang chảy nước mắt đây.

Theo lời kể của Nguyên Ngọc trong lần cuối cùng thăm, giáo sư Hoàng Tuỵ đã tâm sự :Người ta nói cuộc đời… cuộc đời là phù vân, không phải đâu… Lỡ biết bao nhiêu việc muốn làm mà không làm được, cho nên rời khỏi cuộc đời này là một nỗi tiếc… cho nên tất nhiên là cũng mong tất cả các bạn tiếp tục con đường…Dù sao tôi cũng cố gắng sống một cuộc đời trung thực, không bao giờ nói trái lòng mình, dù cho lời nói làm bất bình bất cứ ai”.

Trong đầu tôi bỗng dội lại những lời tâm sự của Albert Camus trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương “Chân lí là cái bí hiểm, khó nắm bắt, luôn luôn đòi hỏi ta phải chinh phục lấy. Tự do là cái nguy hiểm, khó sống tuy là đầy hứng khởi. Chúng ta phải hướng theo hai mục đích này, vất vả nhưng quả quyết, mặc dù biết trước những sự nản lòng trên con đường dài đến thế”. Phải chăng vì thế mà Camus đòi hỏi “từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết”.

Tôi trào nước mắt sung sướng vì người thầy kính yêu của tôi, vị Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Phát triển-IDS của chúng tôi đã từng có “niềm kiêu hãnh sống”, để rồi hôm nay bằng một bản lĩnh trí thức đích thực, con người tuyệt vời ấy đang đi vào cõi vĩnh hằng trong “niềm kiêu hãnh chết”. Chúng tôi tự hào kính cẩn vĩnh biệt người, niềm kiêu hãnh của trí thức Việt Nam.



Tp Hồ Chí Minh 4h ngày 19.7.2019