16 juillet 2019

Nhiều hàng Trung Quốc đã được 'hô biến' thành hàng Việt


15/07/2019 20:07 GMT+7

TTO - Khóa Việt Tiệp, loa, ván ép… đều nhập từ Trung Quốc nhưng giả xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác nhằm hưởng ưu đãi thuế quan và lừa dối người tiêu dùng trong nước.


Ông Nguyễn Phi Hùng - cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho hay đã xác định được 6 doanh nghiệp gian lận vì nhập hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam - Ảnh: L.THANH

Gian lận xuất xứ là nội dung chính được Tổng cục Hải quan tập trung thảo luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành hải quan diễn ra chiều 15-7.


Báo cáo về tình hình gian lận xuất xứ hàng Việt, ông Nguyễn Phi Hùng - cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho hay qua điều tra, cơ quan này đã khoanh vùng 6 doanh nghiệp lớn có kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc tăng đột biến.

Trong đó, mặt hàng chính được nhập là ván ép. Có doanh nghiệp trong năm qua đã nhập tới 200 tỉ đồng. Và mặt hàng này xuất đi Mỹ tăng bất thường.

"Qua điều tra, chúng tôi đã xác định sai phạm của các doanh nghiệp này gồm sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam… Việc ký kết các hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo, hợp đồng từ các hộ dân với mục đích xin chứng nhận xuất xứ (C/O) để xuất đi nước ngoài" - ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, Công ty Hiếu Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) cũng đã nhập hàng ngàn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi rõ sản xuất ở Việt Nam. Một công ty nhập khẩu nguyên vẹn bộ khóa Việt - Tiệp (một nhãn hiệu khóa nổi tiếng ở Việt Nam) sản xuất từ Trung Quốc cũng ghi luôn là "sản xuất tại Việt Nam".

Hay tem bảo hộ của Bảo Minh đối với sản phẩm phòng chống cháy nổ cũng được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi là sản xuất tại Việt Nam.

Cục Điều tra chống buôn lậu còn phát hiện Công ty Nhật Vượng ở TP.HCM nhập khẩu hàng tỉ đồng mặt hàng loa và amply mang một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tại Việt Nam. Qua điều tra, hải quan phát hiện nhãn hàng nhập khẩu ghi sản xuất tại Trung Quốc.

Theo ông Hùng, sắp tới Tổng cục Hải quan sẽ điều tra thêm sai phạm của các doanh nghiệp này để làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về gian lận C/O. Ngoài việc xuất hàng hóa đi nước ngoài lợi dụng C/O Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp trên còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn. Thực tế, có doanh nghiệp đã được hoàn thuế 34 tỉ đồng.

Qua các vụ việc nêu trên, ông Hùng nhận định công tác quản lý của các bộ ngành liên quan đến cấp C/O còn nhiều bất cập và sơ hở. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan hải quan cần sửa đổi lại quy trình nghiệm vụ hải quan đảm bảo chặt chẽ từ khâu mở hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ cho đến kiểm tra hàng hóa thông quan và kiểm tra sau thông quan.

Trước thực trạng những vụ việc gian lận thương mại diễn biến phức tạp, trong phần kết luận hội nghị, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng việc doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi Việt Nam tham gia một loạt hiệp định thương mại vừa là cơ hội, song cũng là thách thức.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành hải quan phải tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo ngăn chặn được gian lận thương mại.

"Quan điểm quản lý của ngành là không thể đánh đồng các doanh nghiệp có vốn đầu tư cả tỉ USD, quản lý điều hành theo công nghệ 4.0 và từ trước đến nay chưa có gian lận với doanh nghiệp 'nay ẩn mai hiện' được. Và tới đây, ngành hải quan sẽ giám sát quản lý chặt hoạt động xuất nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép, nông thủy sản" - ông Cẩn nhấn mạnh.


LÊ THANH

https://tuoitre.vn/nhieu-hang-trung-quoc-da-duoc-ho-bien-thanh-hang-viet-20190715192536013.htm