16 juillet 2019

Sao không thấy hình bóng của thanh tra, kiểm tra


Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Hai,  15/7/2019, 11:21 

" Vấn đề đặt ra ở đây là trong suốt sáu năm hoạt động vừa qua Asanzo có bị thanh tra, kiểm tra và các lô sản phẩm và linh kiện điện tử nhập khẩu của và cho Asanzo có bị kiểm tra chuyên ngành hay không? Nếu không thì tại sao một doanh nghiệp hoạt động “đình đám” như Asanzo lại lọt ra khỏi tầm mắt của các cơ quan thanh tra, kiểm tra? Còn nếu doanh nghiệp này đã từng vài ba lần hoặc nhiều lần bị thanh, kiểm tra thì vì sao các sai phạm, nếu có, không bị phát hiện? Hay là có phát hiện nhưng cuối cùng các kết luận cũng bị vô hiệu hóa?"
Sao không thấy hình bóng của thanh tra, kiểm tra
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) - Cả ba bộ gồm Tài chính, Công Thương và Công an đều đã vào cuộc thanh tra toàn diện tập đoàn Điện tử Asanzo Việt Nam để trả lời cho câu hỏi có hay không việc doanh nghiệp này nhập sản phẩm từ Trung Quốc rồi dán nhãn “xuất xứ Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng trong nước.
Một nhà máy của Asanzo tại quận 9, TPHCM, thời điểm trước khi bị phát hiện các nghi vấn sai phạm. Ảnh : Asanzo


Nếu kết quả cho thấy những thông tin được công khai trên báo chí trong hơn một tuần qua là chính xác, thì đây là một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn cho một trong những thương hiệu hàng điện tử quen thuộc của Việt Nam. Ngay cả khi Asanzo, giả sử, được xác định là không sai hoặc chỉ là vi phạm nhẹ, thì cũng không dễ gượng dậy sau cú sốc truyền thông này.

Đứng trước kết cục như vậy, Asanzo chỉ có thể tự trách bản thân. Tuy nhiên, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là những đơn vị lâu nay vẫn được giao chức năng thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp, cũng có một phần lỗi trong vụ việc này.
Không khó để nhận ra hầu hết những thông tin được cho là “phát hiện” của báo chí liên quan tới Asanzo đều có trong tay của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều đáng nói hơn là, theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 40% (năm 2017) và gần 50% (năm 2016) doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ hai lần trở lên trong một năm; một phần năm số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra về quản lý thị trường; và 25-27% trong tổng số lô hàng xuất nhập khẩu bị kiểm tra chuyên ngành.
Với tần suất thanh tra, kiểm tra dày đặc như thế và với một doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn như Asanzo, việc bị thanh kiểm tra là điều hầu như không thể tránh khỏi.
Vấn đề đặt ra ở đây là trong suốt sáu năm hoạt động vừa qua Asanzo có bị thanh tra, kiểm tra và các lô sản phẩm và linh kiện điện tử nhập khẩu của và cho Asanzo có bị kiểm tra chuyên ngành hay không? Nếu không thì tại sao một doanh nghiệp hoạt động “đình đám” như Asanzo lại lọt ra khỏi tầm mắt của các cơ quan thanh tra, kiểm tra? Còn nếu doanh nghiệp này đã từng vài ba lần hoặc nhiều lần bị thanh, kiểm tra thì vì sao các sai phạm, nếu có, không bị phát hiện? Hay là có phát hiện nhưng cuối cùng các kết luận cũng bị vô hiệu hóa?
Một trong những mục tiêu quan trọng của hoạt động thanh tra, kiểm tra là phát hiện ra những sai phạm, sai sót của doanh nghiệp nhằm giúp họ khắc phục để phát triển lành mạnh, nếu chưa đến mức nghiêm trọng phải bị truy tố hình sự.
Trong trường hợp của Asanzo, nếu doanh nghiệp này thực sự bị oan, thì những thông tin về kết quả thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý sẽ là cái phao cứu sinh giúp vượt qua sóng gió. Ngược lại, nếu những cán bộ thực hiện thanh, kiểm đồng lõa với doanh nghiệp để làm ngơ trước các sai phạm của họ, thì chẳng khác nào giúp doanh nghiệp tiếp bước trên tử lộ.
Trong một nền sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào gia công và lắp ráp ở công đoạn cuối của sản phẩm, thì không chỉ Asanzo mà có rất nhiều công ty cũng đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu, trong đó một tỷ lệ rất lớn là nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, thiệt hại trong vụ việc của Asanzo sẽ không chỉ giới hạn ở riêng doanh nghiệp này, mà có thể con mắt nghi ngờ của người tiêu dùng Việt Nam sẽ còn hướng sang nhiều doanh nghiệp trong nước khác.

https://www.thesaigontimes.vn/290976/sao-khong-thay-hinh-bong-cua-thanh-tra-kiem-tra-.html