18 juillet 2019

Đạo đức và lương tâm ở một lớp người Việt



Vấn đề này nhiều người đã viết, tôi cũng đã viết về nó khi bàn về cái thiện cái ác trong con người Việt hôm nay trong cuộc sống. Vẫn thấy thiêu thiếu vì hình như, mỗi ngày cái ác lại cứ nối dài thêm ra, vì vậy, ngẫm suy, thấy buồn quá đỗi, nhiều lúc lại than thở, rồi đặt câu hỏi vẩn vơ: làm sao mà người ta có thể buông bỏ mọi cái thuộc về “tính thiện”, sơ đẳng của con người, để mưu cầu lấy cái lợi ích nhỏ nhoi, mà trong rất nhiều trường hợp, cái nhỏ nhoi biến con người trở thành ti tiện.

Tôi không bàn về “sự độc ác” của những người mang tiếng chung là “nhân dân nhưng gian manh”, một loại ác độc dễ lây nhiễm, làm mất đi cái tinh thần “gà cùng một mẹ”, “đều từ bọc trứng trăm quả sinh ra”, sự độc ác đó làm băng hoại đạo đức dân tộc mà ai cũng thấy, người gây ra cái ác cũng thấy, người kiểm tra, giám sát cũng thấy, người ra lệnh cũng thấy. Nhưng tất cả vẫn cứ làm vì một cái lợi nhỏ nhoi, vì một cái địa vị mang lại sự phồn thực và cả vì chung quanh ta, mọi người đều làm như thế. Cái sự biện hộ phi đạo đức, mất nhân tính đó như được người đời đồng loạt chấp nhận. “Vậy thì ta làm cũng chẳng sao(!)”
Ở đây tôi muốn bàn đến hành vi của một lớp người, chiếm số ít trong xã hội, những người mà khi kết luận bao giờ cũng được phép “nhân danh nhà nước”, những người đáng ra phải thề chết để bảo vệ công lý vì khi anh đã thề phải bảo vệ công lý thì anh mới được “nhân danh nhà nước Việt Nam”. Đó là những quan tòa, ngồi ghế chánh án, được pháp luật bảo hộ bằng lời nói đầy quyền uy “nhân danh nhà nước Việt Nam” tuyên bố…
Hôm rồi, một quan tòa đã tuyên như vậy và họ đã quyết Đặng Văn Hiến phải tội chết, bất chấp từ những năm 20 của thế kỷ trước đã xảy ra vụ án Đồng Nọc Nạn tương tự và với phán quyết của quan tòa “thực dân đế quốc”, tòa đã ra phán quyết có lợi cho người nông dân, bất chấp cách đây vài năm, vụ án “trận đánh đẹp có thể viết thành sách giáo khoa”(vụ Đoàn Văn Vươn) gây bao nỗi bức xúc trong cộng đồng dân chúng để những chính sách về ruộng đất vẫn là nỗi nhức nhối xã hội. Lời tuyên án đó làm tôi nhớ lại vụ án cách đây bốn chục năm, tôi đã hiếu kỳ vì nghe dân quán nước bàn chuyện, bỏ công sở để ngóng nghe vụ án, được bắc loa ra ngoài cho những ai quan tâm, biết diễn tiến vụ án kéo dài cả tuần lễ.
Tôi nhớ tiếng hò reo vang dội khi quan tòa tuyên bố Tạ Đình Đề và những người khác vô tội, rồi thì hoa và chật ních đường phố, người ta công kênh kẻ vừa bị xét xử từ tòa án về cơ quan, như đón rước một anh hùng. Tôi chưa hề biết và chắc nhiều người ngồi nghe tại sân tòa cũng vậy, không hề biết cái phía sau đầy uẩn khúc và mục đích của vụ án, nhưng lòng tôi vẫn lâng lâng niềm vui. Niềm vui ngày đó có lẽ đúng là của “nhân dân” khi đó còn vô tư và khờ dại.
Và hôm nay, tôi ngồi buồn ngẫm nghĩ về lớp người trí thức ngày đó, rồi so sánh, rồi ước ao. Ước ao rồi buồn ấm ức, tìm đâu ra Lục Vân Tiên thờinay. Tôi lục trí nhớ, tìm lại bài viết về bà chánh án Phùng Lê Trân và trích lại lời bà trong hồi ký:
Bà Phùng Lê Trân trả lời một nhà báo: “Ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải xử nặng, phải xử tù giam 10 – 15 năm chi đó, nhưng tôi không nghe. Sau thấy diễn biến phiên tòa khó luận tội, dư luận nghiêng về phía các bị cáo thì lại có người gợi ý, ít nhất cũng phải tuyên án treo 18 tháng. Nhiều lúc tôi muốn điên cái đầu! Trời ạ, sao mà lắm gợi ý thế”
Trong hồi ký ghi tại bệnh viện đã dẫn, có lẽ trong tâm trạng ốm đau, Thẩm phán Phùng Lê Trân có viết: “Các em ạ, con ạ – Hôm nay, người ta thiên về thế mạnh, người ta đánh giá chị, đánh giá mẹ không ra gì đâu, nhưng chị, mẹ tin rằng: Một trăm năm sau, tên tuổi của chị, mẹ sẽ được ghi vào sử sách rằng, một trăm năm trước đây đã có nữ Thẩm phán của Tòa án nhân dân thủ đô dám hy sinh phần mình đấu tranh công khai, trực diện với các ngành hữu quan… để bảo vệ chân lý, bảo vệ chế độ, mà đỉnh cao nhất là vụ án Tạ Đình Đề, tiến hành xét xử vào những ngày 6,7,8,9,10 và 11 tháng 6 năm 1976”.
Vâng, bất chấp bao nhiêu “gợi ý” không trong sáng, thậm chí cả đe dọa, người phụ nữ đó đã chứng tỏ bản lĩnh một con người. Bản lĩnh đó được thể hiện từ tính nhân văn cao thượng sẵn có và đáng tự hào của văn hóa Việt, bản lĩnh đó không thể có từ những tâm hồn vấy bẩn.
Còn hôm nay? Số người dám chống lại thế lực bí ẩn, đen tối, đòi thay đổi trắng đen, có thể chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các bạn hãy kể cho đông đảo người dân biết được những người như Phùng Lê Trân để chúng ta cùng tôn vinh, cùng ngưỡng mộ. Bà Trân, trong điều kiện nước ta, là đỉnh cao về sự trung thực của người trí thức, mà vô cùng nhiều trí thức nước mình không bén gót chân. Xin thưa với hương hồn bà, không phải đợi đến trăm năm sau, mới chỉ chục năm thôi, tên tuổi người thẩm phán dám bảo vệ công lý đã được lưu vào sử sách.
Không biết bao năm sau, nước Việt lại xuất hiện người thứ hai? Tôi đặt câu hỏi và thấy vết thương xã hội ta đang rỉ máu vì nỗi đau lương tâm khi đạo đức xã hội bị chế nhạo.
Chúng ta có còn niềm tin?