11 juillet 2019

Mấy nguy cơ lớn Việt Nam phải đối phó


Nguyễn Quang Dy

Mấy năm qua, thế giới biến động “khó lường”, làm trật tự thế giới biến đổi sâu sắc. Nay đối đầu Mỹ-Trung đang làm các nước khác như Việt Nam bị mắc kẹt, vì “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Bài này chỉ đề cập vắn tắt mấy nguy cơ lớn có thể gây ra hệ lụy cho đất nước, phải cảnh giác. Muốn “biến nguy thành cơ”, Việt Nam cần khôn ngoan và linh hoạt, nhưng quan trọng nhất phải đổi mới thể chế, hệ quy chiếu, và tư duy quản trị/điều hành. 

Mấy nguy cơ lớn

Thứ nhất, các nguy cơ do đối đầu Mỹ-Trung, đặc biệt là chiến tranh thương mại “vừa đánh vừa đàm” chưa có hồi kết, như “con dao hai lưỡi”, làm Việt Nam “vừa được vừa mất” (a winner and loser). Theo Investor’s Services, có 4 nước được lợi là Malaysia, Thailand, Taiwan, Việt Nam, và 4 nước bị thiệt hại là Mongolia, Singapore, Hong Kong, Việt Nam.
Cách đây không lâu, khi ông Trump gặp ông Kim tại Hà Nội (27-28/2/2019) đã ca ngợi Việt Nam là mô hình để Bắc Triều Tiên học hỏi. Nhưng khi trả lời phỏng vấn Fox Business Network (26/6/2019), Trump bỗng tuyên bố thẳng thừng “Việt Nam hầu như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất so với tất cả mọi người” (It's almost the single worst abuser of everybody).
Sau đó (2/7/2019), Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế 456% lên thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Đài Loan hay Hàn Quốc. Đây là “phần nổi của tảng băng chìm” vì các doanh nghiệp đang chuyển ồ ạt từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đừng quên là tháng 12/2017, Mỹ đã đánh thuế 531% và 238% lên thép cuộn của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Stratfor (3/7/2019) Việt Nam nằm trong tầm ngắm (cross hairs) mà Mỹ theo dõi (watch list). Chính quyền Trump ngày càng bực mình (displeasure) với Việt Nam vì: (1) Thâm hụt thương mại xếp thứ 5 thế giới (US$ 38 tỷ/2017), tăng mạnh đầu 2019; (2) Vi phạm bản quyền (điều “Special 301”); (3) Thao túng tiền tệ (currency manipulation).
Tuy ông Trump tính khí thất thường, nhưng đã nói là làm quyết liệt. Quan hệ Mỹ-Việt đang phát triển tốt đẹp (nhất là về hợp tác chiến lược) nên Mỹ có thể nhân nhượng Việt Nam như “đối tác thân cận”. Nhưng Trump vẫn sẵn sàng trừng phạt Việt Nam (hay các đồng minh khác) nếu tiếp tay cho Trung Quốc, trung chuyển hàng hóa nhằm trốn thuế của Mỹ.
Việt Nam đã mua nhiều máy bay Boeing (trị giá US$ 20 tỷ) làm “Trump vui”. Việt Nam đang tăng cường giám sát và xử lý các doanh nghiệp gian lận thương mại để tái xuất và trốn thuế (như công ty điện tử Asanzo), nhưng vẫn chưa đủ. Mỹ muốn Việt Nam nhập thêm nhiều hàng hóa của Mỹ (như năng lượng và vũ khí) để giảm thiểu thâm hụt thương mại.
Thứ hai, nguy cơ mất chủ quyền biển đảo và tài nguyên tại Biển Đông (như dầu khí và hải sản) đang đe dọa không gian sinh tồn của Việt Nam. Nếu để mất hai nguồn thu lớn đó cho ngân sách, thì rất nguy hiểm cho an ninh năng lượng và “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển” (nghị quyết 36-NQ/TW). Vì vậy, đây là nguy cơ mà Việt Nam phải hóa giải.
Trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt “đường chín đoạn”, bất chấp phán quyết PCA, tiếp tục quân sự hóa các đảo họ chiếm giữ và bồi đắp tại Hoàng Sa và Trường Sa, để biến Biển Đông thành cái ao của họ, thì hợp tác chiến lược với Mỹ tại Biển Đông theo tầm nhìn Indo-Pacific là thiết thực để bảo vệ chủ quyền và triển khai dự án “Cá Voi Xanh”. Dự án này không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế (trước mắt) mà còn có có ý nghĩa chiến lược (lâu dài).
Chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng (5/3/2018) là một tín hiệu rõ ràng, nhưng chưa đủ răn đe Trung Quốc. Chuyến thăm thứ hai của một tàu sân bay Mỹ đến Cam Ranh là cần thiết (dù chỉ tượng trưng). Gần đây, Mỹ đang tăng cường các biện pháp đối phó với “hạm đội dân quân” của Trung Quốc đang tung hoành trên Biển Đông như “vùng xám” (grey area) mà họ có ưu thế hơn Mỹ, để bắt nạt các nước khu vực.
Thứ ba, đồng bằng Nam Bộ đang bị đe dọa bởi thiên tai và nhân họa. Với dân số trên 20 triệu người, đó là tiêu điểm của “Tiểu vùng Mekong”. Trên thượng nguồn, Trung Quốc đã khai thác tối đa dòng Lan Cang (với 10 đập thủy điện lớn) nên dòng chảy biến đổi, làm cạn kiệt nguồn nước và phù sa. Dưới hạ nguồn, Campuchia cũng làm đập thủy điện lớn (như Sesan 2), đe dọa môi trường hạ lưu tại Đồng bằng Nam Bộ, gây hạn hán và ngập mặn.
Trước nguy cơ thiên tai và nhân họa, và trước sức ép của thị trường đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng thương mại hóa, 4 tỉnh/thành tại đồng bằng Nam Bộ Là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, và Đồng Tháp (ABCD) đã liên kết triển khai sáng kiến “Mekong Connect” nhằm “biến nguy thành cơ”. Sáng kiến này cần được Trung ương bảo trợ và quốc tế hỗ trợ. Lâu nay ngành nông nghiệp chỉ chú trọng đến nâng cao sản lượng lúa, mà chưa quan tâm tháo gỡ những ách tắc và bất cập trong cơ cấu nông nghiệp (như “hạn điền”).
Ý tưởng về “Tiểu vùng Mekong” rất quan trọng đối với chiến lược Châu Á của Mỹ, nhưng chỉ được quan tâm hơn gần đây, trong tầm nhìn về khu vực Indo-Pacific Tự do và Rộng mở (FOIP). Dòng sông Mekong đang bị đe dọa bởi quá nhiều đập thủy điện, và Tiểu vùng Mekong đang bị tác động mạnh bởi Trung Quốc trỗi dậy. Tương lai Tiểu vùng Mekong phụ thuộc vào tầm nhìn mới về các đồng minh và đối tác Indo-Pacific (trong đó có ASEAN).
Thứ tư, cần xem xét lại các dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và rủi ro về an ninh. Điển hình là dự án thép Formosa và cảng Vũng Áng (cho thuê 70 năm) đã gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung, làm bất ổn xã hội và khủng hoảng lòng tin. Nếu dự án bauxite (Nhân Cơ và Tân Rai) đe dọa môi trường vì bùn đỏ có nguy cơ tràn xuống đồng bằng, thì các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (tại Bình Thuận) đang gây ô nhiễm không khí.
Nhưng nhờ có phản ứng của dư luận đối với Formosa, nên miền Trung thoát được dự án thép Cà Ná (dự kiến US$ 10 tỷ) mà ông chủ Hoa Sen định thuê nhà thầu Trung Quốc làm như Formosa. Câu nói “nổi tiếng” của Lê Phước Vũ “Ngu gì mà không làm thép” phản ánh tư duy “đánh quả” của các nhóm lợi ích muốn “đầu tư bằng mọi gía”, bất chấp rủi ro.
Các nhóm lợi ích thân hữu tuy rất khôn về lợi ích nhóm nhưng rất dại về lợi ích quốc gia. Vì lòng tham và tầm nhìn, họ đã tự bịt mắt trước thực tế và bịt tai trước cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu. Nay những kẻ chịu trách nhiệm chính (như Võ Kim Cự) dù có hạ cánh an toàn thì Formosa vẫn là “quả bom nổ chậm”.
Thứ năm, các chủ trương mới được thúc đẩy như dự luật “Ba đặc khu” và dự án “Đường cao tốc Bắc-Nam” cũng ẩn chứa những nguy cơ lớn về an ninh. Trong khi Quốc Hội hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luật “Ba đặc khu”. thì “Đường cao tốc Bắc-Nam” vẫn được Bộ Giao thông thúc đẩy, nhưng bị dư luận phản ứng mạnh vì “yếu tố Trung Quốc”.
Nếu “Ba đặc khu” có tính chất vùng miền thì “Đường cao tốc Bắc Nam” (cả đường bộ và đường sắt) có ý nghĩa chiến lược như huyết mạch kết nối cả nước. Vấn đề không phải là nên làm đường cao tốc Bắc-Nam hay không, mà là ai làm và làm thế nào. Nếu để Trung Quốc làm theo khuôn khổ “Vành đai Con đường” thì vướng vào “bẫy nợ”. Nếu để Mỹ làm theo khuôn khổ USIDFC thì mất lòng Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam nên tự làm lấy dự án này, khâu nào không làm được thì mới phải thuê thầu phụ nước ngoài (nhưng Việt Nam phải làm chủ).
Năm nay (2019) sẽ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Hạ lưu sông MeKong (Lower Mekong Initiative) do chính quyền Obama đề xuất để tăng cường hợp tác Tiểu vùng Mekong và nâng cao năng lực cho các nước Đông Nam Á. Tuy chính quyền Trump không chú trọng đến sáng kiến đó, nhưng gần đây, Mỹ và các đồng minh thân cận (như Nhật và Úc) đã tăng cường hỗ trợ cho các dự án hạ tầng mới tại khu vực này, trong khuôn khổ USIDFC (International Development Finance Corporation) với ngân sách ban đầu là US$ 60 tỷ (Build Act, 10/2018).

Đồng thuận quốc gia

Các nhà quản trị/điều hành và giới nghiên cứu trên thế giới (nói chung) và ở Việt Nam (nói riêng), đang chứng kiến nhiều biến động khó lường, làm người ta dễ ngộ nhận và nhầm lẫn. Muốn hiểu và đánh giá đúng các hiện tượng mới đang diễn ra, người Việt Nam Nam cần đổi mới tư duy (mindset change) và điều chỉnh hệ quy chiếu (paradigm shift).
Trong khi tìm cách đối phó với các thách thức cấp bách (trước mắt), Việt Nam cần chú trọng giải quyết tận gốc nguyên nhân (lâu dài). Phải đối phó được với các thách thức cấp bách thì mới có thể đột phá để tháo gỡ được các ách tắc. Nhưng nếu không giải quyết tận gốc các nguyên nhân cơ bản thì kết quả ban đầu chỉ là tạm thời và không bền vững. Những bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm hay Đồng Tâm là những vấn đề cơ bản phải tháo gỡ sớm.
Thể chế cũ đã gây ra ách tắc và bất cập như “lỗi hệ thống”, làm vô hiệu hóa và triệt tiêu các nguồn lực của đất nước. Việt Nam có 97 triệu dân là một cái “mỏ lộ thiên” không bao giờ cạn kiệt. Nhưng muốn khai thác được cái “mỏ người” to lớn đó, người Việt phải biết quản trị nguồn nhân lực, bao gồm quản trị “giai cấp sáng tạo” là động lực để phát triển đất nước. Nhưng hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vào loại thấp nhất khu vực.
Trong mấy năm qua, đứng trước các nguy cơ và thách thức nói trên, Việt Nam đã tăng cường chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu. Nhiều quan chức cấp cao thuộc các bộ ngành đã đã bị kỷ luật (cho vào lò) vì phạm luật. Kết quả chống tham nhũng trong mấy năm qua đã từng bước lấy lại lòng tin của người dân. Đó là tiền đề quan trọng để Việt Nam đổi mới thể chế, nhằm từng bước tháo gỡ ách tắc và bất cập.
Theo quy luật phát triển của thời kỳ quá độ, muốn đổi mới thể chế cần thay đổi tư duy và hệ quy chiếu. Đây là yêu cầu khách quan đối với người Việt Nam. Muốn đồng thuận quốc gia (national consensus) phải quy tụ được lòng người (inclusive politics). Nói cách khác, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân và phe nhóm (hay “Việt Nam trên hết”).
Người ta hay nói nhiều đến “nâng cao dân trí”, nhưng lúc này dân trí cao phải dựa trên tinh thần dân tộc (nationalism) vì đồng thuận quốc gia. Để quy tụ được sức mạnh của dân tộc gần 100 triệu người (trong nước và ngoài nước) Người Việt không nên cố chấp và cực đoan, để có thể chấp nhận sự khác biệt của nhau. Nếu không phát huy được sức mạnh tiềm tàng của dân tộc (là nguồn tài nguyên vô tận), Việt Nam sẽ mãi mãi tụt hậu và hèn kém, như lời sấm của cụ Tản Đà: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn, nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.

NQD. 10/7/2019
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-7-19