11 juillet 2019

Đệ đệ … mặt trời






Có vùng đất một thời được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông”, không chỉ người trong nước mà lân bang cũng phải ngước nhìn.
Dân chúng ở đó hiền lành, chất phác sống trong hòa bình gần nửa thế kỷ. Thói quen của các bố mẹ gọi con trai cả là “thằng hai”, mặt trời đáng lẽ gọi là “Nhật” thì lại nói là “Nhựt”.
Thế nhưng một nửa quãng thời gian của hơn 40 năm, một bộ phận không nhỏ dân chúng của “Hòn ngọc” này dường như phải sống trong “Thế giới ngược”.
Xét về tổng thể, Nhà nước là của dân theo Hiến pháp, nhưng họ bị mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai bởi chính những đày tớ của mình, bởi những người họ đã ủy quyền đại diện cho mình tại các cơ quan.
Nói về quyền lực thì ở đó từng xảy ra tình trạng “dưới bảo, trên phải im”, chẳng hạn chính quyền thành phố ra văn bản hủy bỏ quyết định của Thủ tướng.

Chuyện xảy ra suốt mấy nhiệm kỳ không thấy quân sư nào nhắc Thủ tướng cho ý kiến, phải đến 20 năm sau, nhờ dân chúng phát giác nên vụ việc mới đổ bể.
Trong nội bộ xứ “Hòn ngọc” một ông cấp phó “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp,…” nhưng không thấy các ông bà cấp trưởng nói gì, chỉ đến khi đất Phước Kiển đã bán xong, 1.000 tỷ làm 1 km đường đã duyệt xong, truyền thông phát giác, dân chúng kêu trời thì mới xác định là “sai phạm rất nghiêm trọng”?
Tại đây mới xảy ra chuyện người ta luân chuyển một lãnh đạo quận lên chức mới tương đương lãnh đạo sở, người này không ưng nên viết đơn xin từ chức, thế là lập tức bị bề trên mắng cho té tát, lại còn bới móc ra hàng đống sai lầm khi người đó còn lãnh đạo quận.
Nếu chịu nhận chức vụ cao hơn, lương nhiều hơn, ngồi im đó mấy năm cho đến khi lĩnh sổ hưu thì đâu đến nỗi bị “đánh hội đồng” như vậy!
Gần đây xứ “Hòn ngọc” xuất hiện mấy chuyện tầm cỡ chẳng kém ở quốc gia người đẹp Ukraine, nào là chuyện một vị “vua con” bỗng dưng biến thành nghệ sĩ hài khi đăng đàn diễn thuyết về đạo đức, rồi chuyện một ông “vi phạm rất nghiêm trọng” bị cách các chức vụ lãnh đạo trong Đảng lại được phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ và Lịch sử thành phố?
Nghe nói có thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố không thi môn Lịch sử, thế là học sinh xé đề cương ôn tập vứt trắng cả sân trường, chắc lãnh đạo muốn thay đổi nếp nghĩ của con trẻ nên mới cử người “tầm cỡ” như vậy biên soạn lịch sử thành phố?


Được biết có ông Bộ trưởng chủ biên cuốn sách chuyên khảo đề tài chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, ít lâu sau khi sách được quảng bá, ông Bộ trưởng ấy được mời “nghỉ mát” ở trong “lò”!
Người đời bảo lúc mặt trời mọc là bình minh, nhưng với hàng trăm hộ dân xứ “Hòn ngọc” đã dành tới 20 năm cuộc đời cho khiếu kiện, bình minh là chút ánh sáng cuối con đường hầm hun hút chứ không phải lúc mặt trời ló dạng.
Suốt mấy chục năm, khi “mặt trời” ngễu nghện trên cao, nhiều người dân bị mất đất, mất nhà, phải tha phương cầu thực, không ít người phải đi xa hàng ngàn cây số lập xóm tạm tại nơi Kẻ Chợ để tiến hành cuộc “Trường kỳ khiếu nại”.
Tại đây “Những ai theo dõi không thể không nghẹn lòng khi chứng kiến hình ảnh nhiều cử tri cao tuổi gào thét, uất nghẹn bật khóc khi trình bày sự bất công, vô lý trong việc cưỡng chế trái phép để giải phóng mặt bằng”. [1]
Cũng tại đây, một người từng giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân buộc phải thốt lên:
“Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế”. [2]
Vậy phải chăng đó là lý do vì sao chỉ đến khi “mặt trời” lặn, dân “cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế” mới thấy le lói ánh bình minh?
Ở những phương trời khác mà nói “mặt trời lặn mới thấy bình minh” thì bị cho là tâm thần, nhưng nếu quý vị chịu khó đọc lại bài viết biết đâu lại đồng ý, rằng đó là sự thật.
Cũng tại nơi này dân chúng vừa chứng kiến câu chuyện “Đệ đệ mặt trời”.
Phải thừa nhận, rằng dân chúng bàn tán quá nhiều chuyện “con cháu các cụ” nhưng lại quên hoặc không để ý đến chuyện “Đệ đệ” của các “Ca ca, Tỷ tỷ”.


Đầu tiên phải kể đến vị “Đệ đệ chổi đót” ở Yên Bái, vị này sau khi bị mất chức Giám đốc sở đã chuyển khẩu về Kẻ Chợ làm việc cho một tổ chức “ngoài quốc doanh” nào đó.
Tiếp theo là chuyện “Đệ đệ điểm thi”, dân chúng đồn đại rằng Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thủy - người bị cảnh cáo trong vụ gian lận thi cử ở một tỉnh miền núi phía bắc năm 2018 - vốn là “Đệ đệ” của một “Ca ca” địa vị cao ngút trời ở đất kinh kỳ.
Còn chuyện “Đệ đệ mặt trời” là nói về một “Đệ đệ” của một “Mặt trời” mới bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt tạm giam về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 điều 219, Bộ Luật Hình sự 2015.
Vị “Đệ đệ mặt trời” này bị buộc phải “chuyển khẩu” từ Nam ra Bắc không biết vì lý do gì, chẳng lẽ là để tránh chuyện đêm dài lắm mộng.
Nếu mở rộng câu chuyện “đệ đệ” thì chắc chắn không thiếu dẫn chứng chẳng hạn bài báo “Cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm quan” đăng trên Nld.com.vn ngày 17/09/2016; bài “Chuyện lạ: 3 anh em ruột cùng trong ban chấp hành huyện ủy” đăng trên Vietnamnet.vn ngày 08/05/2018.
Nhiều năm trước có một bài viết lúc đầu lấy tít là “Tiền và … thế giới ngược” sau đổi thành “Nước Việt ta, dân đang ngồi … đỉnh tháp”. [3]
Hóa ra câu chuyện “Thế giới ngược” nói mãi vẫn không mất tính thời sự. Vậy nên “Đệ đệ mặt trời” chẳng qua cũng chỉ là một nét “văn hóa quan trường”, đừng cho là lạ.
Tài liệu tham khảo:
[1] //vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/de-cam-nuoc-mat-thu-thiem-547856.html
[2] //tuoitre.vn/cuu-chu-tich-tp-hcm-vo-viet-thanh-noi-ve-quy-hoach-thu-thiem-20180507081347535.htm
[3]//giaoduc.net.vn/goc-nhin/nuoc-viet-ta-dan-dang-ngoidinh-thap-post143866.gd

Xuân Dương
Nguồn: Theo GDVN