Trọng Nghĩa
Không hẹn mà gặp, đề tài Trung Quốc được báo chí Pháp hôm nay 10/07/2019 khai thác rộng rãi, từ báo Le Monde với ba bài dài đề cập đến các vấn đề Hồng Kông-Đài Loan, quan hệ Anh-Trung, sự hoành hành của tình báo Trung Quốc tại Pháp, cho đến tờ Le Figaro tiếp tục bình luận về thái độ không chịu khuất phục của người dân Hồng Kông, hay tờ Libération chú ý đến cách thức Trung Quốc thâm nhập phương Tây.
Bài nào cũng hay, nhưng đáng suy ngẫm là một phân tích trên tờ báo cánh tả Libération, nêu bật quyết định ngày 08/07 vừa qua của chính phủ Thụy Điển, từ chối không cho Trung Quốc dẫn độ về nước một công dân của họ bị Bắc Kinh cáo buộc vào tội danh tham nhũng. Đối với Libération, đây là một « bước ngoặt trong Liên Hiệp Châu Âu », có thể tạo tiền lệ cho những nước Châu Âu khác.
Tòa Án Tối Cao Thụy Điển “chính thức hóa” các thiếu sót của tư pháp Trung Quốc
Libération trước hết nhắc lại diễn biến vụ việc : Hôm thứ Ba 08/07 vừa qua, Tòa Án Tối Cao Thụy Điển đã ra phán quyết theo đó ông Kiều Kiến Quân (Qiao Jianjun), một cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc, sẽ không bị dẫn độ về Trung Quốc, nơi ông bị buộc tội biển thủ khoảng 10 triệu euro.
Đối với tờ báo Pháp, đây quả là một quyết định chưa từng thấy, vì đây là lần đầu tiên một tòa án cấp cao nhất của một quốc gia có ký tên vào Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền đã từ chối yêu cầu dẫn độ mà Trung Quốc đưa ra.
Ý nghĩa quan trọng của hành động này là nó đã « chính thức hóa những thiếu sót nghiêm trọng » của nền tư pháp Trung Quốc, từng được các luật sư và các nhà bảo vệ nhân quyền nêu bật trong nhiều năm qua.
Peter Dahlin, giám đốc tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders chuyên bảo vệ nhân quyền đã gọi phán quyết của Tòa Án Tối Cao Thụy Điển là một « đòn tàn sát » đối với tư pháp Trung Quốc.
Hơn thế nữa, theo Clemence Witt, một luật sư chuyên về các vấn đề dẫn độ, điều quan trọng hơn cả là quyết định của Thụy Điển « có thể tạo tiền lệ thuận lợi cho các quốc gia châu Âu khác để không cho phép dẫn độ về Trung Quốc », cũng như làm chùn tay các nước như Pháp, có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Bắc Kinh không đáp ứng cả 3 nguyên tắc chi phối việc cho dẫn độ
Theo Libération, trước khi đưa ra quyết định của mình, các thẩm phán Tòa Án Tối Cao Thụy Điển đã tập trung vào việc tôn trọng ba nguyên tắc chính của Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền. Ba nguyên tắc đó là được xét xử công bằng, không bị tra tấn và nghiêm cấm án tử hình.
Tòa Án Thụy Điển đã kết luận rằng không có cách nào để xác minh rằng ba nguyên tắc này sẽ được Trung Quốc tôn trọng, do đó việc « dẫn độ sẽ trái với các nguyên tắc của Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền ».
Các thẩm phán cho rằng ông Kiều Kiến Quân « có nguy cơ bị một phiên tòa sai lệch rất xa so với các tiêu chuẩn của việc xét xử công bằng như được ghi trong Công Ước Châu Âu ». Đối với các thẩm phán này, nguy cơ bị tra tấn chưa được loại trừ vì ở Trung Quốc, mặc dù bị coi là bất hợp pháp, nhưng tra tấn vẫn được thực hiện và một một cách thường xuyên.
Cuối cùng, về vấn đề án tử hình, các thẩm phán Thụy Điển xác định rằng ông Kiều Kiến Quân « có nguy cơ thực sự sẽ bị kết án tử hình ».
Theo tờ báo Pháp, kết luận của các thẩm phán Thụy Điển có thể gây trở ngại cho Pháp trong việc thực thi hiệp ước dẫn độ Pháp-Trung, trong đó có điều 3 nêu rõ là việc dẫn độ không thể xảy ra nếu hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt bằng án tử hình.
Libération kết luận : Kể từ nay, Pháp sẽ khó lòng chấp nhận dễ dàng những lời cam đoan của Trung Quốc vốn đã không thuyết phục được Tòa Án Tối Cao Thụy Điển.
China Daily nói dối trắng trợn về Hồng Kông
Một bài viết lý thú khác cũng được thấy trên báo Libération mang tựa đề « Tuyên truyền của Trung Quốc xâm nhập phương Tây như thế nào ».
Theo tờ báo, cuộc khủng hoảng Hồng Kông đã nêu bật tính chất khủng khiếp của các phương pháp lũng đoạn thông tin mà chế độ Bắc Kinh áp dụng. Cái mà Mao Trạch Đông từng gọi là « vũ khí mầu nhiệm » đã được chính quyền Trung Quốc hiện nay triển khai ngay trên các phương tiện truyền thông của các quốc gia dân chủ, với mục đích đưa ra một hình ảnh tích cực về Trung Quốc.
Libération đã nêu bật một số ví dụ gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh không ngần ngại loan tin thất thiệt để phục vụ mục tiêu chính trị của họ.
Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, khi một triệu người tuần hành yêu cầu rút lại dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, tờ China Daily, cơ quan báo chí của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã không ngần ngại chạy tựa bằng tiếng Anh : « 800.000 người nói « có » với dự luật ». Vào tuần sau, sau khi văn bản bị đình chỉ, một phần tư trong số 7,4 triệu người dân Hồng Kông đã lại có mặt trên đường phố để yêu cầu trưởng đặc khu từ chức. Thế nhưng tờ China Daily lại nói « Các bậc phụ huynh Hồng Kông tuần hành chống lại sự can thiệp của Mỹ. »
Điều được Libération ghi nhận là bất chấp những lời nói dối thô thiển đó, tờ báo Pháp Le Figaro trong số ra ngày hôm sau vẫn cho kèm vào báo của mình phần « phụ trang » China Watch do China Daily thực hiện toàn bộ, dùng để ca tụng Trung Quốc và chủ tịch Tập Cận Bình.
Những trang báo mà mục tiêu là lũng đoạn dư luận phương Tây đã được Trung Quốc thuê đăng với một giá rất cao, và trên thế giới có khoảng 30 tờ báo có uy tín nhận làm điều này, trong số đó có cả tờ New York Times, và đạt 13 triệu độc giả.
Khi được Libération hỏi, không một tờ báo nào chịu bình luận về quan hệ đối tác đó với tờ China Daily. Thế nhưng, theo nhật báo Anh The Guardian, tờ Daily Telegraph chẳng hạn, khi đăng phụ trang của China Daily mỗi tháng một lần, sẽ nhận được 860.000 euro mỗi năm.
Phóng sự điều tra của Libération còn rất nhiều tiết lộ khác.
Người dân Hồng Kông vẫn bất khuất
Cũng đề cập đến chủ đề Trung Quốc, nhật báo Le Figaro đặc biệt quan tâm đến tình hình Hồng Kông, và cho rằng « Đối mặt với Bắc Kinh, người dân Hồng Kông không chịu giải giới », tựa bài báo ở trang quốc tế.
Tờ báo Pháp nhắc lại : mặc dù lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại lùi thêm một bước, những người biểu tình ủng hộ dân chủ vẫn quyết tâm hơn bao giờ hết.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hồng Kông kể từ khi trở về Trung Quốc năm 1997, trưởng đặc khu một lần nữa cố trấn an, và cũng thất bại như lần trước.
Lần này, bà đã mạnh dạn tuyên bố rằng dự luật dẫn độ đã « chết », và chính quyền Hồng Kông « không có kế hoạch » khởi động lại trước Hội đồng Lập pháp tức nghị viện của đặc khu.
Những lời hứa này, theo Le Figaro, dù mạnh nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, vẫn không đủ để xoa dịu nỗi tức giận của nhiều người phản đối, những người yêu cầu rút hoàn toàn văn bản, điều mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chưa thực hiện chính thức.
Đối với Le Figaro, cũng phải nói là lập trường của trưởng đặc khu không thay đổi bao nhiêu. Hồi đầu tháng, bà Lâm đã tuyên bố rằng dự luật sẽ « chết » với sự kết thúc nhiệm kỳ cơ quan lập pháp hiện tại vào tháng 7 năm 2020.
Hồng Kông vùng dậy, Đài Loan hưởng lợi
Tình hình Hồng Kông cũng được báo Le Monde quan tâm, nhưng trong tương quan với Đài Loan trong bài phân tích mang tựa đề « Tổng thống Đài Loan hưởng lợi từ phong trào biểu tình ở Hồng Kông ».
Cách đây chưa đầy hai tháng, tất cả các cuộc thăm dò đều cho rằng bà Thái Anh Văn sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Giêng năm 2020. Bà bị chỉ trích vì tiền lương dậm chân tại chỗ, các cải cách gây mất lòng dân và tình hình căng thẳng liên tục với Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn cũng đã từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến sau thất bại của cuộc bầu cử địa phương tháng 12/2018.
Nhưng nay thì tổng thống Đài Loan vốn cứng rắn với Bắc Kinh, đang có tỉ lệ sát nút với những người cạnh tranh. Đó là nhờ cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông : những cuộc biểu tình đại quy mô từ đầu tháng Sáu để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, đã có được âm hưởng tích cực tại Đài Loan. Sự căng thẳng tại Hồng Kông nhắc nhở người dân Đài Loan về vị thế mong manh của mình.
Ít lâu sau khi phong trào phản kháng ở đặc khu khởi động, bà Thái Anh Văn tuyên bố ủng hộ người biểu tình, nói rằng đây là « cuộc chiến đấu vì tự do dân chủ », một sự áp đặt như thế « không bao giờ được nền dân chủ Đài Loan chấp nhận ». Theo bà, « những cuộc biểu tình ở Hồng Kông càng làm nổi bật ưu thế của hệ thống dân chủ và cách sống ở Đài Loan ». Tuyên bố này càng chắp cánh cho những người chống đối việc xích lại gần với Trung Quốc.
Cú sốc từ việc cựu bộ trưởng Bernard Tapie được tha bổng
Dù rất quan tâm đến Trung Quốc, nhưng các báo đều đã dành tựa chính trang nhất cho các chủ đề Pháp hay châu Âu.
Không hẹn mà gặp, cả ba tờ Libération, Le Figaro và Les Echos đều dành tựa lớn trang nhất cho sự kiện cựu bộ trưởng Pháp Bernard Tapie bất ngờ được tòa án Pháp tha bổng trong vụ kiện gọi là thủ tục trọng tài mờ ám đã cho phép ông được bồi hoàn hơn 400 triệu euro vào năm 2008, do lỗi của ngân hàng Pháp Crédit Lyonnais trong thương vụ bán lại tập đoàn Adidas.
La Croix chạy tựa : « Tha bổng toàn bộ trong phiên tòa xét xử vụ án trọng tài Tapie ». Đối với La Croix, đây là một phán quyết bất ngờ, vì ai cũng nghĩ là ông Tapie sẽ bị kết án. La Croix ghi nhận lập luận của tòa : thiếu bằng chứng để buộc tội ông Tapie.
Le Figaro thì nêu bật trong tít lớn : « Bernard Tapie được tha bổng sau 25 năm bị kiện tụng ». Tờ báo nhắc lại rằng vị cựu bộ trưởng bị xét xử vì bị cáo buộc « lừa đảo » trong vụ thủ tục trọng tài liên quan đến thương vụ bán tập đoàn Addidas.
Libération thì nhìn thấy là « Tapie biết đề kháng », và nhấn mạnh rằng doanh nhân rất năng nổ này đã được tha bổng mặc dù đã bị Viện Công tố kêu án tù giam.
Trong bài xã luận, Libération đã ghi nhận một điểm son của nền tư pháp nước Pháp.
« Giới truyền thông nghĩ rằng ông ta sẽ bị kết án, nhưng ông lại được tha bổng. Bernard Tapie đã được tòa án hình sự xóa bỏ các cáo buộc gian lận nhắm vào ông. Người ta có thể nói nhiều về phán quyết này, nhưng nó đã phản bác những lời kêu ca về sự truy bức, sự thiếu độc lập, sự lệ thuộc vào chính trị…của ngành tư pháp… Căn cứ vào những cáo buộc nhắm vào Bernard Tapie, người ta có thể nghĩ là vụ liên quan đến tòa án trọng tài đã được dàn dựng mờ ám. Thế nhưng, tòa án hình sự đã nói ngược lại. Để kết án, nghi ngờ không chưa đủ, cần phải có bằng chứng. Nhưng trong vụ Tapie, bằng chứng không đủ ».
Các tựa lớn khác
Trong lúc các đồng nghiệp tập trung phân tích vụ Bernard Tapie được tha bổng, Le Monde đã dành tựa lớn cho thảm kịch thuyền nhân từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu, khẳng định một tình trạng « Địa Trung Hải, mồ chôn ẩn giấu của người di cư ».
La Croix thì chú ý đến các thương vụ buôn bán vũ khí, nêu bật trên trang nhất câu hỏi « Bán vũ khí : Tính minh bạch đến mức nào ».