06 juillet 2019

Ba câu chuyện hiền tài

Nhà giáo lão thành Phạm Toàn (1932-2019)
Tác giả: Hồ Anh Hải

Lời giới thiệu: Nhân dịp một bậc hiền tài là nhà giáo-nhà văn Phạm Toàn, vị “Thuyền trưởng” của Nhóm Cánh Buồm[1] vừa ra đi hôm 26/6/2019, chúng tôi đăng lại bài dưới đây của Hồ Anh Hải (có bổ sung).

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia -từ lâu chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói này vì nó được các nhà lãnh đạo và báo chí ta luôn nhắc tới. Nhưng ai là hiền tài của nước ta? Họ có được coi là “nguyên khí của quốc gia” không ? Ở ta và ở nước ngoài, hiền tài được đối xử như thế nào?

Xin kể ba chuyện dưới đây.


1. Hiền tài ngay cạnh ta

Tháng 9/2011, nghe tin Giáo sư Hoàng Tụy được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng Constantin Caratheodory, tôi vào mạng Google và mạng Baidu (của Trung Quốc) tìm hiểu xem thế giới biết gì về bậc hiền tài này của Việt Nam. Kết quả cho thấy, tôi biết về bác Tụy còn ít hơn người nước ngoài.

Ví dụ, tiểu sử bác Hoàng Tụy bản chữ Hán cho biết bác được gọi là Hoàng “Jefferson” Tụy . Bác có con trai là Hoàng Dương Tuấn, hiện là Phó GS tại ĐH Công nghệ Sydney, Australia, và con rể là Phan Thiên Thạch. Cả hai cũng nghiên cứu toán tối ưu toàn cục như GS Hoàng Tụy. Thì ra cả nhà đều giỏi toán, “Hổ phụ sinh hổ tử” mà!

Trang mạng worldcat.org giới thiệu GS Hoàng Tụy có 31 công trình đăng trong 57 ấn phẩm được in bằng sáu ngôn ngữ và có mặt ở 846 thư viện.

Trang mạng ccebook.net giới thiệu cuốn Convex Analysis and Global Optimization (Phân tích về Lồi và Tối ưu toàn cục) của GS Hoàng Tụy, dày 356 trang, giá bán 249 USD, do Nhà xuất bản Springer xuất bản năm 1998 (khi ông 71 tuổi).

Luận văn có tựa đề A Cutting Algorithm for the Minimum Sum-of-Squared Error
Clustering
của hai tác giả Jiming Peng và Yu Xia, trích dẫn ba tác phẩm của GS Hoàng Tụy là:

Global optimization do Nxb Springer xuất bản tại Berlin năm 1993;

Concave programming under lincar constraints đăng trên tạp chí Soviet Mathematics, năm 1964 ;

– Sách Clustering via d.c. optimization, xuất bản năm 2001.

Danh từ riêng Tuy’s cut (Lát cắt Hoàng Tụy) xuất hiện nhan nhản trong các tài liệu nói về Lý thuyết Tối ưu toàn cục.

Thì ra hiền tài ở ngay cạnh ta nhưng chính ta chẳng biết, hoặc biết mà không coi trọng.

Sau khi GS Hoàng Tụy được trao Giải thưởng cao quý Caratheodory, báo chí ta bắt đầu đăng nhiều tin về ông. Lãnh đạo Nhà nước đến tận nhà chúc mừng, tặng hoa và ôm hôn ông. Sáng 30/9/2011 đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham gia chương trình truyền hình bàn vấn đề Coi trọng các nhà trí thức, những hiền tài của xã hội

Nhưng có lẽ GS Hoàng Tụy mừng ít tủi nhiều. Ở tuổi 84 (ông sinh năm 1927), nếu các ý kiến tâm huyết hết lòng vì nước vì dân của ông đóng góp cho Nhà nước suốt mấy chục năm qua cứ tiếp tục rơi vào im lặng không có phản hồi thì sao ông có thể vui được?[2]

2. Thánh nhân cũng có thể bị đưa đi cải tạo lao động

Đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc không xa lạ gì với người Việt Nam. Bác Hồ từng hết lời ca ngợi câu Trừng mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng (lời dịch của Bác Hồ) mà Lỗ Tấn dùng làm châm ngôn tự răn mình. Quả thật Lỗ Tấn vô cùng dũng cảm dùng ngòi bút tố cáo chế độ độc tài chuyên chế của xã hội phong kiến ngày xưa và của Tổng thống Tưởng Giới Thạch đương thời.

Thập kỷ 30 thế kỷ XX, Mao Trạch Đông dẫn một đội du kích lên rừng lập chiến khu chống lại nhà độc tài họ Tưởng. Sau khi được đọc Lỗ Tấn Toàn tập (in năm 1938, khi Lỗ Tấn đã mất), Mao vô cùng khâm phục Lỗ Tấn. Ông tuyên bố Lỗ Tấn là “Đệ nhất đẳng thánh nhân” của Trung Quốc ; “Khổng Tử là thành nhân của xã hội phong kiến, Lỗ Tấn là thánh nhân của Trung Quốc hiện đại”.

Sau khi Trung Quốc được giải phóng khỏi ách cai trị của họ Tưởng, Mao Trạch Đông trở thành lãnh tụ tối cao nước này. Trong một cuộc họp với các nhà văn, có người hỏi nếu Lỗ Tấn bây giờ còn sống thì sẽ làm gì? Mao suy nghĩ giây lát rồi nghiêm chỉnh trả lời: Lỗ Tấn sẽ hoặc là ngồi nhà không viết lách gì cả hoặc là ở trong trại lao động cải tạo!

Mao nói thật lòng và không sai. Lỗ Tấn suốt đời đấu tranh đòi tự do dân chủ, vì thế ông nổi tiếng. Nhưng nền chính trị do Mao và Đảng của ông thiết lập ở nước này không thể có thứ “xa xỉ phẩm tự do dân chủ” ấy mà Lỗ Tấn đòi phải để cho người Trung Quốc được hưởng. Nếu Lỗ Tấn vẫn đòi thì chắc chắn sẽ bị chính quyền Mao cho đi lao động cải tạo.

Hóa ra, hiền tài đến mức được tôn là Thánh Nhân, được tung hô chỉ khi đã chết rồi. Chứ nếu còn sống thì…coi chừng, chữ tài đi với chữ tai một vần.

Tiếp đó khi Mao Trạch Đông thực thi chủ trương Đại Nhảy Vọt làm cho mấy chục triệu nông dân chết đói vì phải bỏ việc đồng áng đi luyện gang thép. Bộ trưởng Quốc phòng là Nguyên soái Bành Đức Hoài khi họp hội nghị trung ương Đảng CSTQ có thẳng thắn nêu lên một số sai lầm của chủ trương ấy. Rốt cuộc ông bị cách hết mọi chức vụ.

Từ đó các hiền tài nước này đều im lặng, ngay cả khi thấy lãnh đạo sai rõ ràng.

3. Thiên tài ngang bướng

Steve Jobs là một hiền tài nổi tiếng nước Mỹ, nguyên Giám đốc điều hành (CEO) công ty Apple. Năm 1997 ông trở lại lãnh đạo công ty này, từng bước hồi sinh Apple, làm cho giá cổ phiếu công ty từ 4 USD tăng lên tới 40 USD năm 2006, Apple từ sắp phá sản trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới. Cả loài người biết tên ông qua các sản phẩm máy tính cá nhân, máy nghe nhạc, máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Tự truyện Steve Jobs có kể lại chuyện mùa thu năm 2010 Nhà Trắng báo cho Steve Jobs biết họ có ý định thu xếp để ông và Tổng thống Obama gặp nhau, nhưng Steve Jobs nổi tiếng khó tính, ngang bướng và kiêu ngạo, khăng khăng yêu cầu Tổng thống phải đích thân mời thì ông mới gặp.

Sau 5 ngày bàn đi bàn lại, cuối cùng Steve Jobs chịu nhượng bộ đến một khách sạn ở gần trụ sở của Apple (đặt tại San Francisco) gặp Obama, nghĩa là Tổng thống Mỹ phải bay 5.000 km để tới đây. Vừa gặp nhau, Steve Jobs nói ngay với Obama: “Ông chỉ có thể làm Tổng thống một khóa thôi!” và khuyên chính phủ Mỹ nên thân thiện hơn với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ dễ dàng mở nhà máy xí nghiệp.

Ông đề nghị Obama mời chừng dăm bảy CEO đến để nghe họ trình bày nhu cầu trong việc lập các doanh nghiệp sáng tạo. Tổng thống Obama vui vẻ lắng nghe các ý kiến phê phán, góp ý của Steve Jobs.

Sau đó Nhà Trắng lên kế hoạch mời hơn chục vị CEO đến dự cuộc họp thân mật có kèm bữa cơm do Tổng thống Obama chiêu đãi và gửi kế hoạch này cho Steve Jobs xem trước.

Thấy số người được mời nhiều hơn đề nghị của mình, ông nói không muốn dự họp nữa. Khi xem thực đơn bữa ăn, Steve Jobs lại thể hiện sự khó tính của mình (ông vốn ăn chay niệm Phật), chê thực đơn này tốn kém quá và phản đối việc dùng sô-cô-la làm món ngọt tráng miệng. Nhưng Nhà Trắng không nhượng bộ, vì Obama thích món ấy.

Steve Jobs không để lại nhiều ấn tượng tốt cho Obama nhưng sau đó hai người vẫn nói chuyện điện thoại với nhau mấy lần. Có lần Steve Jobs còn đề nghị để ông giúp Obama thiết kế quảng cáo cho việc Obama tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, năm 2012.

Ngày 5/10/2011, ba tiếng đồng hồ sau khi công ty Apple công bố tin Steve Jobs qua đời, Tổng thống Obama xúc động tuyên bố tại Nhà Trắng: “Michelle [vợ Obama] và tôi rất đau buồn khi biết tin Steve Jobs qua đời. Ông là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ, ông ấy có đủ dũng cảm để suy nghĩ một cách khác người, đủ mạnh mẽ để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới và đủ tài năng để thực hiện điều đó”.

Ai cũng biết Steve Jobs đã làm thay đổi cả thế giới. Nhưng vì sao ông làm được điều đó?

Chẳng những vì ông có tài, mà điều quan trọng hơn là vì xã hội nước Mỹ tạo điều kiện cho mọi công dân có cơ hội phát triển như nhau, và lãnh đạo nước này biết phát hiện, biết lắng nghe các hiền tài. Ai có tài thực thì tự nhiên sẽ được trọng dụng.

——————

[1] Nhóm Cánh Buồm thành lập năm 2009, do nhà giáo lão thành Phạm Toàn (1932-2019) đứng đầu, gồm một số người tự nguyện làm không nhận thù lao công việc biên soạn bộ sách giáo khoa kiểu mới cho bậc tiểu học và phổ thông. Tham khảo: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-buom-cua-ong-toan-1082578.tpo

[2] Tháng 6/2019, GS Hoàng Tụy xuất bản cuốn sách “Xin được nói thẳng”, gồm 50 bài GS viết trong hơn 20 năm, chủ yếu vạch ra những sai lầm thiếu sót đã và đang ngăn cản sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và giáo dục ở nước ta, và nêu các kiến nghị sửa đổi. Trong sách ông viết “Lẽ sống còn của dân tộc kêu gọi ta hãy chăm lo đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nhân tài”. Là “nguyên khí quốc gia” mà phải “xin” được nói thẳng. Riêng tựa đề sách đã cho thấy hiền tài ở ta được tôn trọng như thế nào.

Có thể bạn quan tâm:








http://nghiencuuquocte.org/2019/07/04/ba-cau-chuyen-hien-tai/