ĐẠI TÁ
NGUYỄN HUY VIỆN: "Thừa nhận tư duy độc lập của mỗi người là tất yếu khách quan, trên cơ sở đó tôn
trọng ý kiến phản biện, ý kiến trái chiều. Không quy chụp những người có bản lĩnh và dũng khí phản biện hoặc đưa ra ý kiến
trái chiều. Bởi đó thường là những người có trình độ và có trách
nhiệm với sự phát triển của quốc gia, đấu tranh đến cùng bảo vệ lẽ phải. Ngăn chặn tư tưởng “duy ngã độc tôn”, “mục hạ vô nhân”, độc quyền chân
lý. Bởi nếu xuất hiện tư tưởng này thì không bao giờ có sự
đồng thuận, hoà hợp; không bao giờ tập hợp được lực lượng mà chỉ tạo ra sự bất
bình, chia rẽ."
Mỗi một dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, nhất
là ngày 30/4 - ngày giang sơn thu về một mối, trong niềm hân hoan kỷ niệm ngày
chiến thắng thì trong sâu thẳm của mỗi người dân vẫn khát khao dân tộc thật sự
hòa hợp.
Dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù trước đây ở bên
này hay bên kia chiến tuyến, đã là người Việt cùng hướng về nhau, sống và ứng
xử với nhau đúng nghĩa của tình đồng bào.
Có như vậy thì dù khác nhau về quan điểm tư tưởng,
khác nhau lý tưởng sống, về các chân giá trị thì trong cộng đồng dân tộc sẽ
không mặc cảm; không hận thù, nghi kỵ lẫn nhau.
Có như vậy sinh mạng của hàng triệu người lính và hàng
triệu đồng bào đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh mới có ý nghĩa. Và vong
linh của họ mới mãn nguyện.
Có như vậy đất nước mới thoát khỏi tình trạng phải
thường xuyên đối phó với sự chống phá của “các thế lực thù địch phản động”, gỡ
bỏ được sự căng thẳng không đáng có.
Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận của cả cộng đồng
dân tộc thì từ lãnh đạo đến dân thường, từ người ở bên này đến người bên kia
chiến tuyến trước đây đều phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn thể đồng
bào của mình làm tối thượng.
Mặt khác, mỗi người, nhất là người lãnh đạo phải có sự
nhìn nhận biện chứng về sự đa dạng, sinh động của đời sống xã hội.
Bởi con người là những thực thể khác nhau, có tố chất
khác nhau; có hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau; có đời sống vật chất và tinh
thần khác nhau …thì tất yếu sẽ có tư duy, nhận thức, sở thích khác nhau. Tức là
sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ của xã hội.
Nếu như trong đời sống tự nhiên sự tồn tại và phát
triển của muôn loài là do sự chi phối, ràng buộc lẫn nhau trong sự đa dạng sinh
học.
Nếu mất cân bằng sinh thái thì sự sống của tất cả các
loài đều bị đe doạ.
Thì trong đời sống xã hội cái riêng của mỗi cá thể,
mỗi cộng đồng là cơ sở cho sự tồn tại của cái chung của cả dân tộc.
Bởi vậy, giữa cái chung và cái riêng luôn phải đảm bảo
sự hài hoà, tôn trọng lẫn nhau.
Có như vậy mới có sự đồng thuận, hoà hợp để tạo môi
trường ổn định cho sự phát triển.
Cho nên, ngoại trừ tuân thủ pháp luật và các giá trị
đạo đức xã hội, còn lại không thể bắt mọi người phải nhất nhất tuân thủ theo
một quan điểm tư tưởng cá nhân mặc định mà phải tạo ra một không gian tư tưởng
đa dạng, khoáng đạt để mọi người cùng chung sống hòa hợp.
Nếu người này áp đặt quan điểm của mình cho người kia,
cộng động này áp đặt quan điểm cho cộng đồng khác sẽ dẫn đến mâu thuẫn đối
kháng và không sớm thì muộn, tất yếu sẽ dẫn đến xung đột.
Xung đột vũ trang triền miên, kéo dài từ thế kỷ này
sang thế kỷ khác ở nhiều nước Trung Đông và nhiều nước châu Phi là do không thể
hòa hợp được quan điểm tư tưởng.
Đây là bài học đắt giá, cảnh báo cho mọi sự áp đặt các
quan điểm tư tưởng cực đoan hoặc những quan điểm tư tưởng không phù hợp với xu
thế phát triển của nhân loại.
Ngược lại, đồng thuận tương đối giữa các tôn giáo, các
sắc tộc, các đảng phái chính trị ở các nước văn minh là bài học quý giá để tham
khảo để xây dựng đoàn kết hòa hợp dân tộc.
Với Việt Nam, nhờ lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân
tộc và tình đồng bào làm tối thượng, không phân biệt đảng phái, giai cấp nên
Bác Hồ đã tập hợp được các giai tầng trong xã hội từ nhân sĩ trí thức đến quan
lại dưới chế độ cũ; từ công nhân, nông dân, học sinh, thương gia, địa chủ… cùng
tham tập hợp dưới ngọn cờ dân tộc.
Đây là một trong những nhân tố quyết định cho thắng
lợi của cách mạng tháng Tám, thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân
tộc và cuộc chiến tranh vệ quốc.
Ngày nay, để tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc
tế trong xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam
thực hiện phương châm làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập,
chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Từ đó, các cựu thù trước đây cũng đều trở thành đối
tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Nhờ vậy nước ta càng ngày càng có tiếng nói và vị thế
trên trường quốc tế.
Chúng ta có thế và lực làm đối trọng với những kẻ có
dã tâm thôn tính lãnh thổ của Việt Nam.
Để có sự hoà hợp dân tộc thực
sự, trước hết cần phải vượt qua những gì thuộc về quá khứ, tôn
trọng và chấp nhận sự tồn tại đa dạng về tư duy và quan điểm cá nhân.
Và mọi cá nhân cũng phải tôn trọng, hòa hợp với quan
điểm tư tưởng chung của cộng đồng.
Từ những vấn đề nêu ra trên đây, người viết bài thiết
nghĩ để tạo môi trường ổn định cho sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc,
cần phải giải thực hiện được những vấn đề dưới đây:
Thứ nhất:
Lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm
điểm tựa để có tinh thần cởi mở, bao dung xóa bỏ mọi hận thù, mặc cảm, thiếu
niềm tin lẫn nhau.
Thứ hai:
Thừa nhận tư duy độc lập của mỗi người là tất yếu khách quan, trên cơ sở đó tôn
trọng ý kiến phản biện, ý kiến trái chiều.
Thứ ba:
Không quy chụp những người có bản lĩnh và dũng khí phản biện hoặc đưa ra ý kiến
trái chiều.
Bởi đó thường là những người có trình độ và có trách
nhiệm với sự phát triển của quốc gia, đấu tranh đến cùng bảo vệ lẽ phải.
Thứ tư:
Ngăn chặn tư tưởng “duy ngã độc tôn”, “mục hạ vô nhân”, độc quyền chân
lý.
Bởi nếu xuất hiện tư tưởng này thì không bao giờ có sự
đồng thuận, hoà hợp; không bao giờ tập hợp được lực lượng mà chỉ tạo ra sự bất
bình, chia rẽ.
Thứ năm:
Cải cách mạnh mẽ thể chế để vừa mở đường cho nền kinh tế thị trường hiện đại
phát triển vừa ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua quan bán chức, tham nhũng, đặc
quyền đặc lợi, mất dân chủ, bất công trong xã hội để giữ niềm tin của nhân dân.
Thực hiện được như vậy thì đất nước thống nhất đúng
nghĩa và trường tồn. Đó cũng là mục tiêu của một cuộc cách mạng
chân chính và cũng là tiền đề, là nền tảng đảm bảo cho quốc thái dân an.
Đại tá Nguyễn Huy Viện