DANIEL KLIMAN, ELY RATNER, ORVILLE SCHELL, SUSAN SHIRK, CARLYLE A. THAYER
Phan Văn Song dịch
Daniel Kliman:
Cách
Ukraina 5 000 dặm, ngoài khơi bờ biển Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ)
đang làm theo một trang trong cuốn sách bày trò của nhà lãnh đạo Nga
Vladimir Putin. Việc Bắc Kinh mới đây đặt một giàn khoan dầu khổng lồ
trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông là dùng cùng một kiểu chiến
thuật. Ở Ukraine, Nga nhắm vào một đối thủ yếu trên biên giới của họ,
không là đồng minh của Mỹ, sử dụng lực lượng bán quân sự để tránh phô vẻ
xâm lược lộ liễu càng lâu càng tốt. Ở biển Đông, Bắc Kinh đang cố áp
đặt yêu sách lãnh thổ đối với VN, một nước láng giềng thua kém về quân
sự và không có liên minh với Mỹ để dựa. Bắc Kinh, giống như Moscow, cũng
đã triển khai lực lượng một cách mờ đục, phủ nhận rằng đội tàu gồm 80 chiếc đi hộ tống giàn khoan không có bất kỳ tàu quân sự nào.
Ở
Krym (Crimea), hình thức xâm lược xám đã thành công, nhưng ở biển Đông,
có thể không như vậy. Được mất cho TQ là rất lớn, bắt đầu với việc kiểm
soát các nguồn tài nguyên năng lượng và kết thúc với một mục tiêu xa
hơn nhưng lại hấp dẫn – tạo ra một trật tự mới ở châu Á. Tuy nhiên, được
mất trong ngắn hạn cho VN là cao hơn nhiều: chủ quyền và lòng tự trọng.
Và TQ đang cố làm theo sách của Putin cho một mục tiêu khó khăn hơn.
VN, trái với Ukraine, không gặp khó khăn do chia rẽ nội bộ, và chính phủ
gần đây đã đầu tư vào việc nâng cấp quân sự.
Việc VN đã không né tránh leo thang trong quá khứ, và thề sẽ "áp dụng mọi biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình"
phải được xem xét một cách nghiêm túc. Có khả năng VN lần đầu tiên sẽ
đưa vụ việc giải quyết qua luật pháp quốc tế và qua Hiệp hội các nước
Đông Nam Á mà VN là một thành viên. Nhưng nếu các bước như thế thất bại
và TQ cứ lấn tới với việc khoan dầu thì một cuộc đối đầu quân sự không
phải là không thể xảy ra. TQ có khả năng sẽ thắng trong cuộc đụng độ vũ
trang, nhưng nó lại có thể cho thấy là một chiến thắng trống rỗng, đẩy
các láng giềng sợ sệt của Bắc Kinh tăng cường quân đội và tìm kiếm quan
hệ càng gần gũi hơnvới Hoa Kỳ.
Trả lời
Ely Ratner:
Dù
rõ ràng là đầy kịch tính và nghiêm trọng, bế tắc hiện nay giữa TQ và VN
có lẽ là ít nguy hiểm hơn so với một cuộc khủng hoảng tương tự ở nơi
khác tại châu Á. Trước hết, chính phủ hai nước có quan hệ chặt chẽ và
tương đối tốt, khác xa với sự thù nghịch và sự trao đổi thông tin tồi,
đặc trưng cho mối quan hệ hiện nay của Bắc Kinh với Manila và Tokyo.
Ngoài
ra, VN không phải là một đồng minh hiệp ước phòng thủ của Hoa Kỳ, điều
này loại đi các yếu tố phiêu lưu, tính toán sai lầm và leo thang đang
che một bóng đen đáng ngại lên các tranh chấp biển của TQ với Nhật Bản
và Philippines. VN tự mình, và kế đó ASEAN với cương vị một tổ chức, có
khả năng thủ vai như là những nhân vật chính nổi bật nhất ngay trước khi
Hoa Kỳ đóng một vai trò tích cực và quyết định.
Tuy nhiên, sự kiện này làm lộ rõ hai nét hành vi nổi bật trong chính sách đối ngoại của TQ vốn rất đáng ngại.
Thứ
nhất, Đảng Cộng sản TQ có vẻ ngày càng không thể dung hợp được các mục
tiêu chính trị và kinh tế chủ đạo về việc đảm bảo mục tiêu chủ quyền của
họ trong khi vẫn duy trì một môi trường an ninh hòa bình trong khu vực.
Có nhiều hy vọng (ngay cả khi dựa vào khát vọng nhiều hơn là phân tích)
rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chú trọng các chính sách kết hợp hài hoà
hơn các mục tiêu mâu thuẫn nhau này. Niềm hy vọng này được củng cố bởi
bài phát biểu đang gây tiếng vang của ông về "chính sách ngoại giao
ngoại vi" hồi tháng 10 năm 2013, bài này có vẻ để mào đầu việc quay trở
lại chính sách tấn công quyến rũ từng xác định cách TQ tiếp cận Đông Nam
Á vào giữa thập niên năm 2000.
Nhưng điều đó
chưa lộ ra mà thay vào đó chúng ta lại thấy TQ dính dáng vào các hành
động thô lỗ và vụng về làm dấy lên lo ngại không chỉ ở Tokyo và Manila
mà còn ở Kuala Lumpur, Jakarta và bây giờ là Hà Nội. Cuối cùng, điều này
có nghĩa là các mệnh lệnh quan liêu và chính trị trong nước đang vượt
lên trên logic chiến lược ở Bắc Kinh, một sự phát triển nguy hiểm đối
với những ai bên ngoài đang hy vọng rằng chi phí và lợi ích tương đối
(không phải chính trị và chủ nghĩa dân tộc) sẽ định hình các quyết định
của TQ đối với các tranh chấpvề lãnh thổ.
Thứ
hai, sự cố giàn khoan dầu có nghĩa là cuối cùng chúng ta có thể ngưng
lại việc bàn luận về sự quyết đoán của TQ là có tính đáp trả. Điều này
là phù hợp cho hai năm trước hơn, khi Nhật "quốc hữu hoá" quần đảo
Senkaku và Philippines sử dụng một tàu hải quân tại Scarborough Reef đã
đẩy TQ đi vào hành động. Vào thời điểm đó, các quan chức TQ đã nhanh
chóng chỉ ra rằng các nước khác đã thực hiện bước đầu tiên. Và các đáp
trả của TQ bị phê phán chủ yếu ở chỗ chúng không cân xứng và leo thang,
nhưng không nhất thiết là vô cớ.
Lý do này không
còn phù hợp. Mặc dù chính Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định
rằng TQ chỉ đơn giản là đáp trả với các hành động khiêu khích của những
nước khác, điều này bây giờ lại là một sai lầm thực nghiệm (empirical
fallacy) sau việc TQ công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển
Hoa Đông cuối tháng 11 và bây giờ khẳng định về chủ quyền chống lại VN.
Thay vì chờ cho có cớ để xốc lên tuyên bố chủ quyền của mình, bây giờ TQ
đang thực hiện trước những bước đi mà không có hành động khiêu khích
nào.
Hai yếu tố phiền hà này vẽ lên bức tranh
của một nước mà chính sách đối ngoại lại không bị ràng buộc theo logic
chiến lược và ngày càng can dự vào chủ nghĩa xét lại ngăn chặn trước. Đó
không phải là tin tốt cho hòa bình và ổn định trong vùng biển châu Á.
Orville Schell
Điều
rối ren nhất về các xung đột mới nẩy sinh gần đây từ các tranh chấp
trên biển ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (giữa TQ và Nhật Bản,
Philippines, VN, Brunei, Malaysia, và bây giờ cả Indonesia) là chúng
liên quan đến vấn đề chủ quyền. Đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì,
ít ra đối với TQ, câu hỏi về "toàn vẹn lãnh thổ" là không được phép thỏa
hiệp, nghĩa là còn rất ít chỗ để cho các nhà ngoại giao thương lượng,
thậm chí còn ít hơn nhiều cho thỏa hiệp. Sự cứng nhắc này, có nguồn gốc
sâu xa trong lịch sử, được nuôi dưỡng bằng việc TQ cực kỳ nhạy cảm với
các vấn đề mà họ coi là dính dáng đến chỉ một chút xâm phạm lãnh thổ.
Một
trong những yếu tố khá riêng biệt của chính sách mới về đối ngoại tiến
tới của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là tư thế phát triển vượt khỏi cái có
thể được gọi là thái độ "không bao giờ lần nữa" của TQ xuất phát từ và
là một phần quan trọng của "giấc mộng TQ", cụ thể là sau hơn một thế kỷ
chịu đựng sự xâm lấn, nửa thực dân, chiếm đóng nước ngoài, "hiệp ước bất
bình đẳng" và các hình thức cướp bóc, chèn ép khác do các cường quốc
mạnh hơn thực hiện, bây giờ TQ hùng mạnh, họ sẽ không bao giờ cho phép
chính mình thỏa hiệp (đặc biệt là dưới áp lực của "các cường quốc lớn")
trong các câu hỏi về toàn vẹn lãnh thổ.
Nhưng,
như những người khác trong cuộc thảo luận này đã lưu ý, làm cho vấn đề
thậm chí còn khó giải quyết hơn, tư thế cơ bắp mới của TQ trong việc đối
đầu các nước láng giềng dường như được khuyến khích, ít ra là gián tiếp
bởi thái độ hung hăng, thậm chí hiếu chiến của Putin về việc giành lại
những gì ông ta xem là lãnh thổ hợp pháp của Nga ở Ukraine. TQ và Nga
chưa kí bất kỳ hiệp ước chính thức nào. Và các nhà lãnh đạo TQ lại rất
hai mặt về việc bất kỳ quốc gia nào đơn phương xâm lược nước khác (vì e
rằng điều đó mời gọi một cường quốc bên ngoài nào đó can thiệp vào tình
hình đầy rắc rối của Tây Tạng, Tân Cương hoặc thậm chí Đài Loan). Tuy
nhiên, có rất ít nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo TQ thấy rất đồng cảm với
việc Putin thúc giục đứng lên chống phương Tây và Nhật Bản kiêu căng
bất cứ lúc nào có thể.
Vì thái độ cao ngạo và
thô bạo của phương Tây trước nhất với các nước "khối Cộng sản" và sau đó
thái độ kẻ cả của chúng ta với các phong trào sau cải cách và "hậu
Perestroika" mà cuối cùng chuyển thành các hệ thống chính trị độc tài
Lênin hiện đại ở cả Bắc Kinh và Moscow, có những tích chứa to lớn về sự
oán hận lịch sử đối với các nước thuộc về cái được gọi là "thế giới tự
do" trong Chiến tranh Lạnh. Dù các nhà lãnh đạo TQ và Nga vẫn cảnh giác
lẫn nhau và sự cảnh giác này có từ những ngày đầu tiên thời Mặt trận
Thống nhất của Tôn Dật Tiên với Quốc tế thứ ba và sự khúm núm miễn cưỡng
về sau của Mao Trạch Đông đối với Liên Xô như là "anh cả xã hội chủ
nghĩa", bây giờ họ đi tới chuyện chia sẻ cái mà chúng ta có thể mô tả
như là một tình anh em cùng cảnh ngộ "nạn nhân văn hoá/chủng tộc"
(victim kultur). Các nhà lãnh đạo của cả hai nước này tự xem mình như là
bị "phương Tây" và Nhật Bản gây khổ ải sâu đậm, và do đó có khuynh
hướng tự nhiên muốn chứng tỏ với thế giới, bất cứ khi nào có thể, rằng
họ sẽ không những không còn tự cho phép mình bị hiếp đáp, bắt nạt, áp
lực hoặc bị đẩy vòng quanh mà cũng sẽ không nản chí trong việc củng cố
những gì họ xem là quyền lịch sử để củng cố và lấy lại những lãnh thổ đã
mất.
Thật vậy, đây có thể là vết nứt mà một
loại chiến tranh lạnh mới hậu Chiến tranh lạnh bắt đầu xuất hiện trên
đó. Một liên minh như vậy có thể khá nguy hiểm, không phải vì Moscow và
Bắc Kinh có rất nhiều lợi ích chung cụ thể thực sự (dù họ có biên giới
chung dài 4000 dặm), nhưng vì họ chia sẻ một suối nguồn phổ biến và rất
sâu sắc về cùng một nỗi ưu phiền có tính quốc gia. Và đôi khi, chính
tình cảm chớm nở này tỏ ra mạnh mẽ hơn và gây rối hơn trong các vấn đề
thế giới so với các tính toán cứng rắn từ lợi ích quốc gia thực sự.
Susan Shirk:
Chúng
ta cần phải xem hành động của TQ với cặp mắt trong sáng. Orville này,
tôi nghĩ rằng sẽ là sai lầm khi bẻ cong nhận thức của chúng ta bằng việc
lôi ra các liên hệ giữa cách mà TQ hành xử ở châu Á với cách mà Nga xử
sự ở châu Âu. Khu vực châu Á đã phức tạp lắm rồi không cần phải thêm vào
đó các yếu tố không liên quan có thể chỉ có trong óc của chúng ta.
Có
gì nổi bật hơn là điểm mà Ely Ratner nêu lên về cách đặt giàn khoan dầu
khổng lồ ngoài khơi bờ biển VN, giống như thông báo về khu vực nhận
dạng phòng không ở biển Hoa Đông, cho thấy TQ đang thực hiện các động
thái cưỡng bức trước để khẳng định yêu sách chủ quyền biển, chứ không
đơn thuần chỉ là hành động phản ứng lại. TQ bào chữa hành động của mình
bằng cách nói rằng việc đưa giàn khoan để bắt đầu việc khoan thăm dò
chỉ là một sự tiến triển bình thường từ công việc khảo sát địa chấn 2D
và 3D mà họ đã làm trong khu vực này. Đó chắc hẳn là điều mà Công ty dầu
mỏ, Tổng công ty dầu ngoài khơi quốc gia TQ (CNOOC), nói với những
người ra quyết định ở Bắc Kinh. Nhưng do bản chất đầy tranh cãi về vị
trí của nó – 15 hải lý ngoài khơi một trong những đảo của quần đảo Hoàng
Sa mà TQ chiếm lấy bằng vũ lực từ Nam VN hồi năm 1974 và 120 hải lý
ngoài khơi bờ biển chính của VN – và đội tàu lớn gồm 80 chiếc của chính
phủ hộ tống giàn khoan khổng lồ này – đó chắc chắn không phải là làm
công việc như bình thường.
Các nhà ngoại giao ở
Bộ Ngoại giao TQ – đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng thảo
ra chiến lược rất thành công của TQ trấn an các nước châu Á về ý định
thân thiện của TQ trong các năm 1996-2009 và đang cố gắng làm sống lại
chiến lược này dưới chính quyền Tập Cận Bình hiện nay – đều phải nhận
thức rõ rằng cách khẳng định chủ quyền ở tầm mức cao như thế sẽ kích
động một phản ứng dữ dội ở các nước láng giềng đầy lo âu của TQ. Khi
ASEAN họp vào tuần tới, các nước Đông Nam Á chắc chắn sẽ trỏ tay vào TQ,
như Taylor Fravel dự đoán trong bài Q & A rất nhiều thông tin của ông với báo The New York Times. Nhưng tiếng nói của Bộ Ngoại giao không còn chiếm ưu thế quy trình làm ra chính sách đối ngoại.
Điều
mà hành động của TQ phản ánh, như Ely Ratner nói, là khả năng rất nguy
hiểm rằng chính sách an ninh TQ đã trở nên "không bị ràng buộc theo
logic chiến lược". Nói cách khác, các nhóm lợi ích quan liêu trong nước
và dư luận dân tộc chủ nghĩa đang lôi kéo theo hướng mở rộng quá mức yêu
sách chủ quyền theo cách có thể gây tổn hại thực sự cho lợi ích tổng
thể an ninh quốc gia của TQ.
Carlyle A. Thayer:
Có
ba cách giải thích có thể có cho việc TQ quyết định triển khai giàn
khoan dầu khổng lồ HD-981 tới lô 143 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế
của VN. Những cách giải thích này không nhất thiết là loại trừ lẫn nhau.
Cách
giải thích đầu tiên thừa nhận rằng Công ty dầu ngoài khơi quốc gia TQ
(CNOOC) quyết định tiến hành các hoạt động thăm dò thương mại ở những lô
mà họ đã tổ chức đấu thầu để đáp trả việc VN thông qua Luật Biển hồi
giữa năm 2012. Như Susan Shirk ghi nhận rằng CNOOC đã tiến hành khảo sát
địa chấn và có thể cũng đã có những động tác theo dõi.
Cách
giải thích này là có vấn đề khi đối chiếu với kích cỡ và thành phần của
đội tàu TQ gồm 80 chiếc hộ tống giàn khoan dầu. Như Shirk ghi nhận rằng
điều này "chắc chắn không phải là làm công việc như bình thường". Thật
vậy, các nhà ngoại giao Bắc Kinh cho biết rằng các quan chức CNOOC được
lệnh triển khai giàn khoan bất chấp sự nghi ngại của họ về chi phí hàng
ngày cao và đánh giá về nguồn dự trữ dầu và khí đốt thấp ở lô 143.
Cách
giải thích thứ hai cho rằng hành động của CNOOC là để đáp trả các hoạt
động của Công ty dầu mỏ khổng lồ ExxonMobile của Hoa Kỳ trong các lô gần
đó. Cách giải thích này có vẻ cũng khó có khả năng là cách giải thích
đúng. ExxonMobile đã hoạt động tại lô 119 từ năm 2011 dù có các phản đối
ban đầu của TQ. Vẫn chưa rõ làm thế nào mà các hoạt động của giàn khoan
dầu TQ trong lô 143 sẽ ngăn chặn việc ExxonMobile hoạt động ở nơi khác.
Cách
giải thích thứ ba nhấn mạnh những động lực địa-chính trị đằng sau hành
động của TQ. Việc triển khai giàn khoan khổng lồ của CNOOC là một phản
ứng hoạch định trước đối với chuyến thăm Đông Á gần đây của Tổng thống
Barack Obama. TQ đã giận dữ bởi việc ông Obama ủng hộ cho cả Nhật Bản
lẫn Philippines trong các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Do đó, TQ
tạo ra cuộc khủng hoảng giàn khoan để làm cho các nước trong khu vực
thấy rằng Hoa Kỳ là một "con cọp giấy" và giữa lời nói và khả năng hành
động của ông Obama có một khoảng cách.
Cách giải
thích thứ ba nghe có vẻ hợp lí. TQ có thể làm để đạt tới điều họ nhắm
tới rồi rút giàn khoan dầu khi nó đã hoàn thành sứ mệnh vào giữa tháng
8. Nhưng cách giải thích này nẩy sinh câu hỏi tại sao VN lại là tiêu
điểm cho cuộc khủng hoảng này và lý do tại sao TQ lại hành động vào đêm
trước của kỳ họp thượng đỉnh những người đứng đầu chính phủ / nhà nước
của Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
P.V.S.
Nguồn bản gốc: chinafile.com