Lê Trung Tĩnh
Hôm Chủ nhật ngày 11/5, nhiều người dân Việt Nam đã
xuống đường ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để phản
đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Con số người biểu tình được ước đoán khoảng
1000-2000 người cho mỗi thành phố.
Các thái độ đối
với việc biểu tình
Nếu xét trên từng người, biểu tình là một cách thể hiện
phản ứng cá nhân khi con người bất bình và phản kháng ôn hòa. Người biểu tình
bước ra đường để kêu to, để giương biểu ngữ, hay có thể chỉ im lặng bày tỏ thái
độ của mình, và trong hòa bình. Đó là một kiểu biểu lộ cảm xúc bình thường, cần
được tôn trọng.
Khi nhìn dưới góc độ vĩ mô, biểu tình trở
thành một động thái chính trị, đám đông sẽ mang một thông
điệp chính trị. Ví dụ thông điệp của đợt biểu tình lần này là phản đối chính quyền Trung Quốc, ủng hộ hay chê
trách nhà nước Việt Nam trong việc hành xử với Trung Quốc…
Một nhà nước bình thường thì không vì e ngại một điều nào
trong các điều trên mà có thể can
thiệp vào việc biểu tình.
Về phía người dân, cũng không thể vì ngại bị cuốn theo, lợi
dụng bởi điều nào trong các điều trên mà không đi biểu tình, không thể hiện
lòng yêu nước và sự bất bình của mình. Nói rằng ngại biểu tình vì có thể bị
« chính trị » lợi dụng cũng giống
như ngại thở vì sợ ô nhiễm môi trường.
Biểu tình ở các nước dân chủ, tự do là một hoạt động thông
thường, có sự tham gia của các tổ chức dân sự, công đoàn,
của các đảng phái. Nhà nước và đảng đang đa số có trách nhiệm đảm bảo cho biểu tình diễn ra tốt đẹp,
nhưng không can thiệp gì vào việc biểu tình.
Khi nói đến biểu tình ở Việt Nam, mọi người thường nói đến
các cụm từ « đèn xanh », « đèn đỏ ». Đèn đỏ tức
không cho biểu tình, các người biểu tình hoặc kêu gọi biểu tình sẽ bị đánh đồng
là phản động, nhẹ thì bị đạp vào mặt, nặng hơn có thể đi tù nhiều năm.
Đèn xanh tức là giảm bớt những điều trên, nhưng không phải
là tự do biểu tình một cách ôn hòa. Sự xuất hiện ồ ạt của các
nhóm và thông điệp ủng hộ nhà nước và
đảng cầm quyền không hợp cảnh trong đợt biểu tình vừa qua là ví dụ cho sự can
thiệp của nhà nước, một điều lẽ ra không nên có.
Số người biểu
tình phản đối vụ HD981 trong nước
Có thể coi cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam cuối
tuần qua có số người tham gia đông nhất tại Việt Nam kể từ hơn hai mưoi năm
nay. Những người đi biểu tình lần này (không phải những người làm « nhiệm
vụ » biểu tình) thật sự là những người can đảm. Càng đáng trân trọng và
ngưỡng mộ hơn nếu biết rằng nhiều người trong số họ phải đội nón bảo hiểm có
lót khăn bên dưới để tránh dùi cui, và phải bận nhiều áo đề dễ né an ninh. Kinh
nghiệm quí từ quá khứ không xa.
Tuy nhiên một thực tế cần phải nhìn nhận rõ ràng là con số
vài nghìn người cho cả nước 90 triệu dân và 1000-2000 người cho những thành phố
lớn cả chục triệu dân như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là quá ít.
Ít so với dân số. So với thủ đô Berlin của Đức có 3000-5000 nghìn người
Việt biểu tình thì con số ở Việt Nam quá nhỏ.
Ít so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi mà Trung Quốc
lần này không phải là quấy rối cắt cáp, hay nâng cấp đơn vị hành chính cho «cái
gọi là Tam Sa», mà là đang đem giàn khoan cùng phi cơ và tàu chiến vào biển Việt
Nam : một hành vi xâm lược. Những kiểm ngư Việt Nam nhẫn nhục, bị bắn nước,
bị húc tàu đến bị thương, tất cả trước họng súng đối phương.
Con số ít trên nói
lên điều gì ?
Nếu nhà nước Việt Nam đã bật đèn đỏ, thì đúng là đèn quá công hiệu, hiệu quả, và nguy hại. Vì phong
trào biểu tình đã thật sự bị đè bẹp so
với kết quả đáng lý ra phải lớn hơn nhiều
vì những lý do đã trình bày ở trên.
Nếu nhà nước Việt Nam đã bật đèn xanh, thì sự thể còn tệ hại hơn. Đèn xanh mà như
vậy chứng tỏ người dân Việt Nam hoặc đã quá sợ các hiểm nguy của
một cuộc biểu tình dưới đèn đỏ nên ở nhà cho lành. Hay cái viễn cảnh lúc xanh
lúc đỏ làm họ chán ngán đến độ không thiết đi biểu tình nữa. Hoặc đơn thuần họ
không còn muốn quan tâm gì đến chính trị, đất nước nữa. Tất cả điều trên đều
nguy hiểm cho tương lai Việt Nam.
Thông
điệp và cách hành xử của nhà nước Việt Nam không rõ ràng, trước đây thì lúc
xanh, lúc đỏ (tuyệt đại đa phần), bây giờ thì xanh với người này, đỏ với người
khác.
Đèn
gì cuối cùng thì đất nước cũng lãnh đủ.
Vì trước sự xâm lấn của Trung Quốc, việc biểu tình trong nước ngoài góc
độ cá nhân là giải tỏa nổi bất bình, còn có các
tác dụng « chính trị » là phát huy lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm; vận động nhân dân phản đối những hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam; tạo
nên tiếng vang thật sự khác biệt đối với
quốc tế.
Tất
cả đều có lợi cho nhà nước và dân tộc Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền,
phản ứng với Trung Quốc và tranh thủ ủng hộ của quốc tế.
Tuy
nhiên với cách hành xử không rõ ràng đối với việc biểu tình, các mục tiêu của việc biểu tình đã không đạt được, nhà nước Việt Nam một lần
nữa lỡ cơ hội sử dụng một sức mạnh lớn.
Đây
là lúc nhà nước Việt Nam nên thay đổi quan điểm về việc biểu tình.
Biểu tình ở
nước ngoài
Ở nước ngoài, các nước bình thường cho phép biểu tình thì
khác. Chỉ có đèn xanh thật sự.
Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở nước ngoài có một
tác dụng cực lớn là tố cáo và làm « xấu mặt » Trung Quốc. Đây là sự
thật. Trung Quốc luôn mong muốn thể hiện hình ảnh trỗi dậy hòa bình, cùng phát
triển.
Rõ ràng đó là điều không thể khi năm nào cũng thấy người
Việt từ khắp nơi khi thì kéo đến Đại Sứ Quán Trung Quốc trên thế giới
hò reo, giương cờ tố cáo, khi thì ra những quảng trường lớn giương băng rôn, gửi
tờ rơi kể về những điều xằng bậy nước này làm.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng có thể bằng cách
biểu tình làm cho cả thể giới biết đến câu chuyện đang diễn ra cách Tri Tôn 17
hải lý. Sau đó là giải thích và vận động thế giới ủng hộ cho chính nghĩa của Việt
Nam.
Công việc biểu tình chỉ là nền tảng,
là điểm khởi đầu. Các việc phải làm song song và ngay
sau khi biểu tình là vận động truyền thông nước ngoài đưa tin về sự kiện. Truyền thông càng hiệu quả nếu số
người tham gia biểu tình càng lớn.
Ngoài
ra, từng người Việt có thể tự thân vận động hay kết hợp
lại để vận động, gửi thư, gặp mặt các nhân vật có ảnh hưởng ở nước ngoài, bắt
nguồn tư những quan hệ nhỏ nhất đến lớn hơn.
Khi
tiếp cận với nước ngoài, các thông điệp cũng nên đề cao các giá trị chung của
nhân loại như công bằng, hòa bình ; và phân tích các giá trị đó sẽ bị sửt
mẻ thế nào trước những hành vi xâm phạm công lý của Trung Quốc.
Người Việt ở nước ngoài nhiều là một lợi thế và điều may mắn của dân tộc, may mắn nhất là khi họ không phải (và cũng không bao giờ nên) nằm
trong vòng ảnh hưởng của ngọn đèn lúc xanh lúc đỏ trong nước hiện thời.