Cuộc biểu tình chống TQ xâm lược của những người công nhân ở Bình Dương có những hành động đập phá cổng, cửa kính.
Thứ nhất có ý kiến chê trách hành động này đáng nên án.
Tất nhiên về ý kiến này không có gì sai, nhưng thiết nghĩ cần phải có cái nhìn đầy đủ hơn về những người công nhân.
Những người công nhân này làm việc tối ngày, họ không có thời gian ngồi
trên mạng, lập FB để trau dồi cái gọi là bất bạo động hay đấu tranh ôn
hoà, đàm thoại. Những phản ứng của họ là phản ứng đúng với tính chất
giai cấp công nhân. Tương tự như thế, chúng ta thấy nhiều vụ nông dân
biểu tình kèm theo cả việc bắt giữ quan chức chính quyền, đập phá trụ sở
nhà nước, chống trả cảnh sát công quyền. Trong thực tế diễn ra nhiều vụ
việc như vậy trong lịch sử khởi đầu thành lập nhà nước VN như cuộc biểu
tình cướp phá kho thóc năm 1945 và những việc xảy ra gần đây của nông
dân ở Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh....
Khi chúng ta phê phán họ, chúng ta có bao giờ tự hỏi mình đã hoà mình
vào giai cấp công nhân, ăn ở và tìm hiểu suy nghĩ của họ. Tìm cách nâng
cao ý thức đấu tranh mang tính văn minh hay chưa.?
Hỏi câu này, không phải để làm khó các bạn hoặc nguỵ biện cho sự bùng nổ
của công nhân Bình Dương. Chỉ để trong lời chê trách của các bạn có
thêm sự thấu hiểu suy nghĩ , tâm tư của những người công nhân khi họ
hành động như vậy.
Một ý kiến khác e ngại rằng đằng sau vụ việc này có bàn tay kích động
của thế lực nào đó, nhằm tạo cớ để gây bất ổn, để TQ có cớ can thiệp vào
VN bằng quân sự.
Câu hỏi cũ lại được đặt ra. Liệu các bạn đã bao giờ hoà mình vào công
nhân, để vận động họ biểu tình, vận động họ đấu tranh hay chưa.?
Các bạn có biết vì sao những thanh niên trẻ như Đoàn Huy Chương, Nguyễn
Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ chớm vận động công nhân đã bị phát
hiện và lĩnh mức án cực khắc nghiệt hơn nhiều tội danh khác không.?
Với hàng triệu công nhân VN ở lứa tuổi khoẻ mạnh, nhiệt huyết nhưng đời
sống eo hẹp. Sự bất mãn nếu bùng phát thì hệ quả của nó không phải cơ
quan anh ninh , bảo vệ chính trị, tuyên huấn, đoàn thanh niên không nắm
bắt được. Để ngăn chặn và kiểm soát được mối nguy này, nhiều biện pháp
đã được thực thi. Từ công đoàn có người kiểm soát định hướng, đặc tình
len lỏi để nắm bắt bất kỳ động thái tư tưởng nào. Đoàn thanh niên, ban
tuyên huấn tổ chức những cuộc hội hè, văn hoá để ru ngủ, đánh lạc hướng
công nhân, dẫn dắt họ đến một tinh thần sống theo ý đảng.
Tôi đã từng tiếp cận với giai cấp công nhân, điển hình là vụ ở Hoài Đức,
Hà Tây. Một công nhân nữ đã chết thảm do biểu tình đòi tăng chế độ ăn
trưa, chị chết để lại hai đứa con nhỏ và một người chồng thần kinh không
được tốt lắm. Quá trình tiếp cận cho tôi thấy đảng bộ, chính quyền,
công an có lực lượng hùng hậu và nhiều biện pháp để dập tắt bất cứ phản
kháng nào. Ngay cả phiên toà cũng được xử theo ý họ. Chặt chẽ từ đầu đến
đuôi. Mọi động tĩnh, thái độ của những người bất mãn với vụ việc này
đều bị nắm bắt và triệt tiêu ngay , bằng nhiều biện pháo như đe doạ, cô
lâp, vu khống....
Câu chuyện cho rằng có âm mưu của người TQ bên ngoài, khích động công
nhân Bình Dương biểu tình là câu chuyên hoang đường. Lực lượng an ninh
VN đủ sức để biết rõ những tổ chức , cá nhân nào có thể ( mới chỉ là có
thể thôi nhé) tác động công nhân. Nếu nói có sự đứng sau thì chỉ có cơ
quan an ninh bất tài, cái này tôi không tin, vì thực tế như đã nói, họ
có quá nhiều kênh thông tin để nắm bắt mọi động tĩnh .
Khả năng nếu có người đứng sau, thì chỉ có cơ quan an ninh mà thôi. Cái
này thì suy luận giả thiết kiểu như không A là B, không B là A, chưa có
chứng cứ để khẳng đinh.
Nhưng ở những vụ việc đột ngột bùng phát, của những ý nghĩ bất ngờ gặp
nhau. Cơ quan an ninh thường không thể biết được. Đây là khách quan
không phải lỗi do họ. Mà do những biến động bất ngờ như nhiều vụ chúng
ta thấy ở Thái Nguyên vừa rồi chẳng hạn. Những yếu tố kích động chợt đến
bất ngờ thì không thể ai có thể biết được để ngăn chặn.
Khả năng lớn thì cuộc biểu tình này hoàn toàn do tự phát, ảnh hưởng bởi
tình thần căm phẫn trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc đối với
lãnh hải Việt Nam. Nó cũng phù hơp với chuỗi tâm lý liên hoàn khi người
dân biểu tình, tiếp đó một số doanh nghiệp, cửa hàng phản ứng không phục
vụ người TQ...thì chuyện công nhân biểu tình chống TQ bằng hành động có
chút quá khích chân tay cũng là điều dễ hiểu.
Nhân sĩ trí thức thì viết bài, trả lời phỏng vấn. Nhân dân thành thị
xuống đường tuần hành. Doanh nghiệp thì không bán hàng. Công nhân thì
đình công, đập phá.
Hãy cứ nhìn bản chất đang diễn ra của sự việc. Chớ vội kết đoán là âm
mưu của TQ gây cớ để tấn công, cũng chẳng phải thế lực nào trong nước
muốn tranh thủ làm loạn thay đổi chế độ. Những kết luận ấy gây hoang
mang và bất lợi cho đất nước lúc này.