Nguyễn Ngọc Bích
Ảnh bên:Ông Nguyễn Đức Kiên đã khai thác sự thô sơ của luật pháp để tạo lợi thế trong kinh doanh. Ảnh: NGUYỄN HUY
Trong
phiên tòa ngày 21-5 và sáng 22-5, hội đồng xét xử hỏi về hoạt động kinh
doanh trái phép của ông Nguyễn Đức Kiên. Cơ quan tố tụng buộc tội rằng,
lợi dụng giấy phép kinh doanh, ông Kiên đã vận dụng bộ máy của các công
ty để kinh doanh tài chính không đúng với giấy phép kinh doanh. Khi
được hỏi ý kiến về việc này thì chuyên viên từ các sở và bộ đã cho các
câu trả lời khác nhau. Ở đây ta bàn về câu hỏi này.
Nhận định
Kinh doanh tài chính được hiểu theo ba cách.
Một là kinh doanh tài chính của các công ty bình thường.
Đối với các công ty này, đầu tư tài chính là sự tận dụng tiền vốn huy
động được để đầu tư vào các lĩnh vực khác hầu nâng cao hiệu quả sử dụng
đồng vốn, làm sinh lợi vốn, như đầu tư vào thị trường chứng khoán (mua
công khai) hay, góp vốn vào công ty khác và cho vay vốn (mua riêng tư).
Nhìn vào nội dung ấy, ta thấy ngay khi một công ty mua bán công khai ở
thị trường chứng khoán thì họ giao thương ở một nơi có tổ chức và theo
những thể thức nhất định. Sự giao dịch này không cần phải có phép trước,
tức là đăng ký kinh doanh.
Đối với việc mua riêng tư thì hai bên tin nhau, thuận mua vừa bán. Nó
là hợp đồng, là sự mẫn cán đúng mực (due diligence) của bên mua. Bên nào
làm sai thì cứ dựa vào hợp đồng để xử lý. Khi đã có thể quy trách nhiệm
theo hợp đồng thì chẳng cần phải đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, khi việc
mua bán diễn ra thì chính quyền cũng chẳng biết cho đến khi hai bên
tranh chấp.
Cách kinh doanh tài chính như trên thì cần thiết cho doanh nghiệp. Vì
đó là chuyện mua bán tiền bạc. Mà tiền bạc đối với doanh nghiệp thì cũng
quan trọng như không khí đối với con người. Thiếu tiền mặt trả nợ,
doanh nghiệp có thể bị thưa phá sản ngay. Họ thường phải đi vay vốn lưu
động, vậy nếu có tiền nhàn rỗi thì họ có quyền kinh doanh tài chính. Hơn
nữa khi việc mua bán này được làm với một số tiền lớn thì nó trở thành
mua bán công ty. Nếu phải đăng ký mới được phép làm thì doanh nghiệp
bị... bịt mũi! Trong chuẩn mực kế toán việc đầu tư tài chính không được
định nghĩa. Hiện nay, luật cũng không buộc phải đăng ký kinh doanh.
Hai, kinh doanh tài chính theo kiểu của các công ty của ông Kiên.
Các công ty này là công ty cổ phần đầu tư, đầu tư tài chính. Việc làm
chủ yếu của họ là phát hành giấy nợ (trái phiếu); cầm tiền người khác đi
góp vốn hộ (nhận ủy thác đầu tư) và góp vốn mua cổ phần (đầu tư). Họ
không huy động vốn từ công chúng nên không đăng ký với Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước. Về tính chất, họ là những công ty bình thường nhưng
chuyên giao dịch về tiền bạc.
Về các việc làm của các công ty này, riêng từng việc một với một ai
khác thì họ không phạm pháp. Họ cũng phải được làm giàu như những công
ty nêu ở loại 1. Cái khác của họ so với các công ty bình thường là họ
phát hành trái phiếu, rồi được vay nhiều mà không bị xét nét, khiến họ
có tiền đi góp vốn ở những doanh nghiệp khác và thu lời. Như thế nghĩa
là chỉ với số vốn nhỏ ban đầu, họ đi vay và thành giàu xụ. Gần như là
tay không bắt giặc. Đó là lợi thế của các công ty loại này. Lợi thế ấy
trái với nguyên tắc kinh doanh mà đã tạo nên sự giàu có cho xã hội. Ấy
là ai chịu rủi ro nhiều - thì được hưởng lời cao. Các công ty này được
hưởng vế sau mà không phải chịu vế đầu.
Vậy cái gì đã tạo ra lợi thế cho các công ty như loại của ông Kiên?
Thưa nhờ vào: (i) có một ông chủ nợ rất giàu - Ngân hàng ACB - không cần
chọn mặt khi gửi vàng; (ii) luật lệ thô sơ giúp cho các doanh nghiệp
phát hành trái phiếu dễ dàng; (iii) một luật tín dụng lơi lỏng và (iv)
có ông Kiên hiện diện ở nhiều nơi. Ta cùng xem các yếu tố trên kết hợp
với nhau như thế nào qua sự tường thuật của báo chí.
Cổ phiếu của Ngân hàng ACB đang lên giá. Thí dụ 20.000 đồng/cổ phiếu.
Khi cổ phiếu đang ở chiều tăng giá mà bán ra thì sẽ được giá cao hơn,
thí dụ 22.000. Vậy là ngồi nhà mát ăn... 2.000! Ngân hàng ACB quyết định
bán cổ phiếu. Ông Kiên hiện diện trong ACB. ACBS là một công ty con của
ACB chuyên về chứng khoán; nó không thể mua cổ phiếu của ACB được vì
như thế là hai mẹ con a tòng với nhau nâng giá để lấy tiền của người
khác.
Vậy để cho ACBS mua được cổ phiếu của ACB, nó ký hợp đồng ủy thác đầu
tư với các công ty của ông Kiên - tức là nó bảo: “Các anh mua cổ phiếu
ACB hộ tôi nhé. Này tiền đây”. Để có tiền ACBS phát hành các tờ giấy
nhận nợ (trái phiếu). Hai ngân hàng Kiên Long Bank và VietBank đưa cho
nó 1.500 tỉ. Tiền đó đã được vay của ACB, theo quy chế vay liên ngân
hàng. Và các công ty của ông Kiên mua cổ phiếu của ACB bằng tiền do ACB
bỏ ra!
Trong cơ chế kinh doanh trên, “lợi thế” của tất cả các bên liên can,
bắt nguồn từ sự hiện diện của ông Kiên. Ông có mặt ở nhiều nơi: nơi phát
hành trái phiếu, nơi xuất tiền cho vay và nơi đi mua cổ phần. Như đã
nói, trong từng việc riêng lẻ khi mỗi chủ thể giao dịch với một người
khác thì không ai làm sai luật. Nhưng kết nối công việc của họ lại với
nhau thì họ được lợi. Nó giống y việc chuyển giá ở thuế. Và khi ấy xã
hội bị thiệt. Việc chuyển giá muốn diễn ra phải có các công ty ở vài
nước khác nhau, lợi dụng các mức thuế khác nhau của mỗi nước. Còn ở đây,
chỉ trong một nước, từng việc tách riêng nhau; nhưng nhờ có ông Kiên
nên nó ăn khớp với nhau và tạo ra lời lãi. Chúng ta sẽ bàn thêm về vấn
đề này; còn bây giờ phải đi tiếp mục... kinh doanh tài chính.
Ba, các quỹ đầu tư vốn thường gọi là các công ty đầu tư.
Giống như ở các nước khác, các công ty này phải đăng ký kinh doanh với
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi hoạt động. Ở nước ngoài các quỹ
này huy động vốn công chúng. Ở ta họ đem vốn từ ngoài vào.
Tóm tắt lại, trong ba việc trên, việc thứ nhất không cần đăng ký vì phải cho doanh nghiệp... thở để còn lớn. Việc thứ ba thì đã phải đăng ký rồi. Vậy chỉ còn việc thứ hai là trường hợp của các công ty dạng như của ông Kiên và ta đi tìm giải pháp cho nó.
Giải pháp
Các công ty loại 2 không phạm pháp khi họ kinh doanh tài chính. Đúng
như ông Kiên nói tại tòa. Chúng chỉ có một lợi thế - mà xã hội không
chấp nhận - nhờ có ông Kiên. Và ông ta biết khai thác sự thô sơ của luật
pháp vào lúc đó. Ấy là luật về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và
luật cung cấp tín dụng của ngân hàng.
Ở các nước khác, doanh nhân cỡ ông Kiên thường ngần ngại hành động nếu
thấy có “xung đột về lợi ích”, nôm na là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Và
ở ta, ông Kiên làm tuốt! Vì đã làm nên ông trở thành người tinh khôn.
Đụng người tinh khôn mà phải trả lời các việc làm của các công ty như
thế có phải đăng ký kinh doanh không thì các chuyên gia tất nhiên
phải... bí xị! Họ chạm trán với một người tinh khôn. Muốn ngăn chặn thì
Chính phủ phải sửa hai nghị định quan trọng là doanh nghiệp phát hành
trái phiếu và ngân hàng cho vay tiền.
Về luật sau thì Ngân hàng Nhà nước đã ra tay bằng Thông tư số 13/2010. Nó khắt khe quá, đến nỗi đã phải hoãn thực hiện đến hai lần. Nếu có sự khắt khe này vào năm 2008, 2009 thì ACB đã “bó tay” rồi.
Về luật cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì đã có hai Nghị định số 52/2006/NĐ-CP và 90/2011/NĐ-CP. Cả hai bản này rất thô sơ. Nó cho doanh nghiệp phát giấy nợ sau khi hội đồng quản trị của họ chấp thuận bản trình bày mục đích đi vay cũng của họ! Nó không quy định rõ ràng các biện pháp bảo đảm trả nợ. Nó “phù hộ” con nợ và do vậy “bỏ bê” chủ nợ. Nó coi doanh nghiêp tư nhân không bao giờ vỡ nợ giống như Chính phủ vậy.
Luật của Mỹ chẳng hạn quy định: tài sản thế chấp, các chủ nợ cử một
người ủy nhiệm để trông tài sản thế chấp kia và coi việc con nợ thi hành
hợp đồng vay nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải bỏ tiền hàng năm vào một
quỹ bất động (sinking fund) để bảo đảm trả lãi và trả nợ. Nếu các công
ty của ông Kiên hay ACBS bị đòi hỏi như thế thì sao có thể phát hành
trái phiếu một cách... vô tư như đã làm được!
Đến đây có câu hỏi là ở các nước khác có vụ như vậy thì họ giải quyết thế nào. Thưa họ có luật chặt chẽ và có ít người tinh khôn nên chưa nghe thấy vụ như thế này xảy ra.
Cho những gì đã thấy, chúng ta nghiệm ra rằng trái phiếu, chứng khoán
bán cho công chúng là các công cụ tinh vi nhất của kinh tế thị trường mà
đã phát triển hàng thế kỷ. Các công cụ tài chính kia khởi đi từ nhu cầu
tâm lý của mỗi người sử dụng, sang tập tục của một nhóm người, lên đến
tập quán của ngành nghề, rồi mới có luật điều chỉnh khi phải đối đầu với
người tinh khôn. Những bước đi như thế tạo nên các điều kiện tinh thần
thích ứng nâng đỡ sự phát triển của các công cụ kia. Chúng ta mới mon
men bước vào nền kinh tế thị trường mà sử dụng các công cụ kia ngay!
Việc ấy giống như một người mới bước chân xuống hồ bơi, thấy ở giữa hồ
có nhiều người nhào, lộn, nhảy thật hào hứng, thế là bắt chước theo,
không nghĩ là phải biết bơi cừ, phải có phao. Do vậy bị ngã, bị uống
nước ngay! Đó là học phí.
Vụ ông Kiên mang ý nghĩa này đối với chúng ta. Bởi thế, thiết nghĩ
không nên phạt nặng ông ấy. Ông ấy không thuộc hạng người phải cách ly
xã hội. Để ngăn chặn sự tái diễn thì cách làm không phải là bắt ai kinh
doanh tài chính cũng phải đăng ký trước vì như thế là không cho doanh
nghiệp được tự do thở. Cho họ thở mạnh nhưng không được làm bậy. Sự tinh
vi của hai luật nêu ở trên sẽ giúp vào việc này; giống như buộc dây vào
thắt lưng của doanh nghiệp. Anh cứ thở, cứ bơi, nhưng không xa hơn
chiều dài sợi dây.