Haiyang Shiyou 981 - Trung Quốc thất thế chính trị,
Việt Nam ảnh hưởng kinh tế
Việt
Long
Ngày 1/5/2014 Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc triển khai dàn
khoan di động Haiyang Shiyou – Hải dương Thạch du - Dàn thăm dò dầu khí ngoài khơi 981 (HS 981) tại tọa độ 15o29’ Vĩ Bắc,
111o12’ Kinh Đông, thời gian hoạt động đến ngày 15/8/2014. Việt Nam cho rằng, theo
Công ước Luật biển năm 1982 vị trí này nằm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền
kinh tế 200 hải lý của mình nên lập tức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt
ngay hành động trên và rút dàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Đáp lại Trung
Quốc cho rằng đây là hoạt động khai thác tài nguyên bình thường trên vùng biển
Trung Quốc và tố cáo ngược lại Việt Nam là bên gây hấn.[1]
Trung Quốc đã liên tục tăng số lượng tàu hộ tống, tàu hải quân, tàu hải cảnh,
đâm va, bắn vòi rồng vào các lực lượng chấp pháp biển Việt Nam. Vụ việc đã kéo
theo sự quan ngại của quốc tế và cộng đồng ASEAN.
Tính từ năm 1988, thời điểm
xung đột gần nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, vụ việc này có mấy điểm đáng chú
ý. Thứ nhất, Hành động của Trung Quốc tỏ ra hung hăng, bất chấp luật pháp quốc
tế và các thỏa thuận khu vực nhất. Thứ hai, phản ứng của Việt Nam dù ở mức độ kiềm
chế không sử dụng biện pháp quân sự nhưng cũng thể hiện nhanh nhất, đồng bộ
nhất, kiên quyết nhất không chỉ trên thực địa. Lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam
đã nêu đích danh các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam
trước các diễn đàn ASEAN[2] và quốc tế. Thứ ba, dư luận quốc tế phản ứng với
hành động của Trung Quốc mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất. Các tiếng nói phê phán
vang lên từ Oa sing ton, EU, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Thứ tư, ASEAN thể hiện
mình là một khối thống nhất trước áp lực chia rẽ của Trung Quốc với một tuyên
bố riêng của các Ngoại trưởng về Biển Đông sau 19 năm.[3]
Thứ năm, các cuộc biểu tình với quy mô lớn bùng nổ trên dải đất hình chữ S thể
hiện lòng yêu nước của người dân Việt trước hiểm họa xâm lấn từ bên ngoài.[4]
Rất đáng tiếc một bộ phận người biểu tình đã bị các phần tử xấu kích động chống
Trung Quốc tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã làm quan hệ Việt – Trung thêm
căng thẳng. Trung Quốc lấy cớ để hạn chế một số hoạt động kinh tế, rút công
nhân tại các dự án về nước, bôi xấu hình ảnh và đánh mạnh vào kinh tế Việt Nam.[5]
Luật quốc tế
Vị trí dàn khoan HS 981 định hạ đặt nằm cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý và đảo Lý Sơn 119
hải lý, cách bờ biển Hải Nam 182 hải lý, cách đá Triton thuộc quần đảo Hoàng Sa
17 hải lý và đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo này 103 hải lý. Theo Công ước Luật
biển của Liên hợp quốc UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên,
mỗi nước có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ
đường cơ sở. Nếu tính từ bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam, khu vực nằm trong
vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế của hai bên. Tuy nhiên Luật biển lại quy định
rõ ràng trong vùng biển chồng lấn, các bên không được có những hành động đơn
phương thăm dò khai thác vượt quá đường trung tuyến (hoặc cách đều) mà phải
tiến hành đàm phán hoặc có những dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi phân định
cuối cùng. Thực tiễn phân định cho thấy các đảo ít khi được hưởng cùng một hiệu
lực như lãnh thổ đất liền. Vì vậy xét từ lý thuyết phân định, trong tương quan
giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam, khu vực này nằm sâu trong vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hoặc chí ít cũng nằm về phía Việt Nam qua
đường trung tuyến. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi liên quan đến tương quan
giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa. Đây là quần đảo Việt Nam khẳng định
đã xác lập chủ quyền từ thế kỷ XVII song lại nằm dưới sự quản lý thực tế của
Trung Quốc từ năm 1974 sau khi đánh chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa bằng vũ lực.
Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở cho quần đảo này vào năm 1996 và đá Triton
là một trong những điểm nhô ra nhất về phía Nam của đường cơ sở đó. Tuyên bố
này bị thế giới phê phán vì đã áp dụng cách vẽ đường cơ sở quốc gia quần đảo
cho một quần đảo đang tranh chấp chủ quyền.[6]
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn cho rằng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về họ,
không có tranh chấp, không đàm phán. Nghiêm trọng hơn, tháng 7/2012, Trung Quốc
tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa có trụ sở trên đảo Phú Lâm và quản lý toàn
vùng biển trong đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông.[7]
Việt Nam không bao giờ chấp nhận đảo Phú
Lâm, đá Tri ton và các địa vật của quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Áp dụng
điều 121 (3) của UNCLOS 1982, các đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc
không có đời sống kinh tế riêng như Triton sẽ chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà
không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Ngay cả đảo Phú Lâm rộng
200 ha nếu có hiệu lực phân định thì cũng rất nhỏ. Trong phân định Vịnh Bắc Bộ,
đảo Bạch Long Vỹ 2,5 km2 chỉ được hưởng
¼ hiệu lực. Trong phân định Vịnh Thái
Lan, đảo Thổ Chu chỉ hưởng 1/3 hiệu lực. Phán quyết của Tòa án và Trọng tài
quốc tế đều khẳng định xu thế các đảo không có hiệu lực tương xứng trong tương
quan với đất liền.
Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền
chủ quyền về tài nguyên và quyền tài phán về lắp đặt, sử dụng, duy trì và sửa
chữa các công trình thiết bị trên biển. Vì vậy, việc Trung Quốc đơn phương
triển khai hoạt động khoan thăm dò khai thác trong vùng biển nước khác được xem
là vi phạm mang tính khiêu khích.[8]
Việc tập trung một số lượng lớn tàu hải giám, tàu cá, tàu và máy bay quân sự,
chủ động đâm hỏng,
đâm chìm tàu đối phương là sự vi
phạm Luật phòng chống đâm va trên biển COLREG 1972, làm ảnh hưởng đến an toàn
hàng hải quốc tế và trực tiếp vi phạm điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc về không
sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc triển khai dàn khoan còn đi ngược lại tinh thần
của Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC ) năm 2002. DOC yêu cầu các bên liên quan tiến hành giải quyết các
tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán
bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông
qua tham vấn hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan, phù
hợp với các nguyên tắc thừa nhận chung của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước
của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. DOC
cũng kêu gọi các bên phải hết sức kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm
phức tạp hay leo thang xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Vụ việc này còn đi ngược lại Thỏa thuận Việt –
Trung về nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề
trên biển ký ngày 11/10/2011.[9] Hành động đâm chìm tàu cá
Việt Nam
cũng vi phạm các nguyên tắc của Luật nhân đạo quốc tế và truyền thống cứu giúp
nhau của những người đi biển.[10]
Tại sao Trung Quốc lại cố tình tiến hành, bất chấp luật quốc tế và sự quan
ngại của cộng đồng quốc tế?
Mục đích hạ đặt dàn khoan
Đã có nhiều phân tích cho rằng đây là sự đáp trả chuyến công du 4 nước
châu Á của Tổng thống Obama 21-29/4/2014 và sự khát năng lượng của nền kinh tế
thứ hai thế giới. Thực tế khả năng triển khai một dàn khoan đã được dự đoán
trước từ 1992 khi Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác bất hợp pháp với Crestone
(Mỹ) trên một vùng biển rộng 125.000 km2. Đây là khu vực bãi Tư Chính thuộc
thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc khi đó đã viện cớ bãi Vạn An Bắc thuộc chủ
quyền Trung Quốc nhưng nằm trên thềm lục địa nước khác.[11]
Khả năng này ngày càng trở nên hiện hữu
khi dàn khoan HS 981 được đóng xong vào năm 2011 và khoan thử đầu tiên vào
tháng 5/2012. Ngay tháng 6/2012, CNOOC gọi
thầu phi pháp 9 lô dầu khí gần bờ biển miền Trung Việt Nam.[12]
Ý đồ Trung Quốc không thay đổi khi muốn độc tôn Biên Đông, tiến tới chia sẻ Thái Bình Dương với Mỹ. Biển Đông với
vị trí địa chiến lược nối hai đại dương, với tài nguyên dầu khí, băng cháy và
cá không tránh khỏi là điểm nóng trong ván bài giữa hai siêu cường. Chỉ riêng
số lượng tàu chở dầu quốc tế đi qua Biển Đông đã chiếm hơn một nửa của thế giới,
gấp 3 lần số qua kênh đào Suyez, 5 lần qua kênh đào Panama[13]
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu khí thứ hai thế giới và dầu chủ yếu được
vận chuyển qua Thái Bình Dương, qua tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông, không
thể để an ninh năng lượng của mình bị Mỹ và đồng minh khống chế. Chiến lược an ninh biển của Trung
Quốc muốn thành công còn phải có sân sau là Biển Đông (lợi ích cốt lõi) để
tránh khả năng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc
ở Biển Hoa Đông. Chiến lược này mâu thuẫn giữa mục tiêu chiếm đoạt, tranh chấp
chủ quyền với nhu cầu có môi trường “trỗi dậy hòa bình”. Để xoa dịu mâu thuẫn
đó, Trung Quốc đưa ra sự kết hợp yêu sách đường lưỡi bò phi lý mà thế giới đều
lên án với chủ thuyết ‘Chủ quyền thuộc Trung Quốc, Gác tranh chấp cùng khai thác”
(GTCCKT). Các hoạt động trên biển của Trung Quốc những năm gần đây đều tuân thủ
chiến lược cứng rắn không đối đầu với Mỹ, nhưng cứng rắn có chọn lọc với láng
giềng, khiêu khích đủ để đạt mục đích ngắn hạn mà
không vượt qua làn ranh đỏ chiến tranh. Duy trì đường lưỡi bò để có cơ sở đưa
vấn đề GTCCKT. Các phương tiện hiện đại nhất của Trung Quốc đều thử nghiệm đầu
tiên tại Biển Đông, từ tàu sân bay Liêu Ninh đến dàn khoan di động HS 981 hay tàu ngầm chạy năng lượng
hạt nhân. Đích nhắm của HS 981 tiếp theo sẽ là Tư Chính, là 9 lô dầu khí ven bờ
miền Trung Việt Nam mà CNOOC gọi thầu bất hợp pháp, là Bãi Cỏ Rong, Bãi Cỏ Mây,
bãi ngầm Tăng Mẫu, bất cứ nơi đâu trong phạm vi đường lưỡi bò nhưng ưu tiên các
vùng biển ven bờ các nước nơi khả năng khai thác dầu khí thương mại đã được
khẳng định.
Việc triển khai dàn khoan ngay sau chuyến đi của TT Obama được cho là
phản ứng gay gắt của Trung Quốc với chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ nhưng để
chuẩn bị triển khai dàn khoan và lực lượng tàu hộ tống hùng hậu không chỉ trong
2 ngày. Phản ứng
của Mỹ đối với việc sát nhập Crưm của Nga càng củng cố thêm quyết tâm của Trung
Quốc. Chuyến thăm châu Á của TT Obama chỉ là chất xúc tác,
còn việc triển khai đã được quyết định, nằm trong lộ trình lâu dài thâu tóm
Biển Đông và không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ còn là thời điểm thích hợp. Đây
là một quyết định địa chính trị chứ không phải đơn thuần kinh tế khi đưa dàn
khoan 1 tỷ USD đến vùng biển ít có khả năng thu lợi ích cao.
Ngoài lý do chính trên, những lý
do khác cũng có thể tác động đến quyết định này. Đó là chiêu thức lấy vấn đề
đối ngoại để xoa dịu, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ khi các cuộc bạo động
liên tục nổ ra tại Quảng Châu, Vân Nam và đặc biệt tại Tân Cương với vụ bao
động ở nhà ga Tân Cương ngay sau khi TBT Tập Cận Bình vừa rời khỏi ngày 30/4/2014, một ngày trước khi dàn khoan 981 được đưa xuống Biển
Đông.[14] Đó là sự thúc ép của các tướng lĩnh
quân sự chưa hài lòng với ngân sách quân sự tăng đáng kể trong những năm gần
đây. Dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2014 lên đến 131,5 tỷ USD,
tăng 12,2% so với năm ngoái.[15]
Đó là sức ép của các công ty dầu khí muốn mở rộng hoạt động vào những vùng biển
có khả năng dầu thương mại gần bờ của các quốc gia khác. Đó là sự đe nẹt các
nước trong khu vực mà trước hết là Việt Nam để không đi theo tấm gương của
Philippin đưa các tranh chấp ra Trọng tài quốc tế. Hồ sơ kiện của Philippin đã
được trình đúng thời hạn 30/3/2014 và được Tòa trọng tài thụ lý. HS 981 bề ngoài là xung đột Việt – Trung nhưng thực chất
là một bước thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Mỹ để tìm các nước
đồng minh, các vệ tinh trong Biển Đông, tiến tới kiểm soát Biển Đông. Tư tưởng
này không thay đổi trong chính sách của Trung Quốc, thể hiện rõ trong tuyên bố
của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì ở Hội nghị cấp cao ASEAN 2010 tại Hà Nội:: ‘’Trung Quốc là một nước lớn, còn các
nước khác chỉ là nước nhỏ. Đó là một thực tế’’. »[16]
Lựa chọn Thời điểm
Trung Quốc vốn vẫn nổi tiếng là bậc thầy trong cách lựa chon thời điểm
đưa ra các quyết định chiến lược. Tháng 4-5/2014
đã có khá nhiều sự kiện tạo thuận lợi cho một quyết định như vậy. Trước hết đó
là Hội nghị an ninh quốc gia thông qua khái niệm an ninh quốc gia mang đặc sắc
Trung Quốc. Tiếp theo là chuyến thăm châu Á của TT Obama tạo cớ cho Trung Quốc
có phản ứng ngay nhằm ngăn chặn làn sóng hồ hởi của khu vực sau chuyến đi và
chứng minh với khu vực sự ủng hộ của Mỹ nếu có tranh chấp chỉ là những phát
biểu hoa mỹ. Thứ ba, tình hình bất ổn ở Ucraina làm Mỹ và EU phân tán. Nga bị
cô lập, cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc, nước đã bỏ phiếu trắng với Nghị quyết
của HĐBA về vấn đề Crưm. Nga và Trung Quốc đã tuyên bố tập trận chung ở biển
Hoa Đông một ngày trước khi triển khai dàn khoan HS 981. TT Putin đã thăm chính
thức Trung Quốc ngày 20-21/5/2014 với một hợp
đồng mua bán khí đốt 400 tỷ đô la và coi đây là thời điểm tốt nhất trong quan
hệ giữa hai nước. Một liên minh Nga-Trung đang hình thành thách thức các quyền
lợi của Mỹ.
Thời điểm này cũng là lúc ASEAN có quá nhiều bận rộn. Malaysia vẫn đang
đau đầu với vụ MH 370, các cuộc bầu cử chưa ngã ngũ ở Indonesia, khủng hoảng
chính trị tại Thái Lan. Hội nghị cấp cao ASEAN 10/5/2014 sẽ khó lòng có được sự
đồng thuận cao trước sự lấn lướt của Trung Quốc và kịch bản không có Tuyên bố
chung như năm 2012 có thể lặp lại. Sau một thời gian yên ổn không quá ngắn từ
sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị và Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2013,
Đông Nam Á sẽ lại bất ngờ dù chiến thuật tằm ăn dâu hay bóc bắp cải của Trung
Quốc đã được biết đến nhiều lần nhất là từ năm 2009. Tháng 5 cũng là thời điểm bắt
đầu lệnh cấm bắt cá phi pháp hàng năm của Trung Quốc ban hành từ năm 1998 nhưng
vẫn không ngăn được hoạt động của ngư dân Việt Nam hay Philippins trên vùng biển của họ. Đưa dàn khoan ra, Trung
Quốc muốn tăng cường hiện diện, đẩy lui sự có
mặt của ngư dân đồng thời cũng hạn chế các bên huy động tàu cá “quấy rối” hoạt
động của dàn khoan Trung Quốc. Lựa chọn này còn nhằm lúc Việt Nam đang có Hội nghị Trung ương IX, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc
đến công lao giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc nên sẽ dễ không chuẩn bị đề phòng.
Lựa chọn đối thủ
Sau Nhật Bản ở Hoa Đông, Philippins ở Scarborough, Việt Nam trở thành
đối thủ va chạm trực tiếp của Trung Quốc trong khu vực. Lịch sử đã nhiều lần
chứng minh một Việt Nam lớn mạnh, vượt tầm kiểm soát không phải là ưu tiên
trong chính sách của Trung Quốc. Những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam
phục hồi sau khủng hoảng và sự cải thiện quan hệ Việt – Mỹ lên tầm đối tác hợp
tác toàn diện không khỏi làm Trung Quốc khó chịu. Họ không lựa chọn Philippins
vì nước này là đồng minh của Mỹ, vừa ký Hiệp định hợp tác quân sự 10 năm chia
sẻ các căn cứ quân sự với Mỹ. Một hành động quá giới hạn sẽ buộc Mỹ có phản ứng
không có lợi, Philippins đang kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài. Ra tay với
Manila sẽ làm thế giới đánh giá tính hẹp hòi trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy Tòa
ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Đưa dàn khoan HS 981 vào vùng biển Việt
Nam sẽ như một cảnh cáo Việt Nam không tham gia ủng hộ vụ kiện của Philippin,
buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa Oa sinh ton và Bắc Kinh, chấp nhận gác tranh
chấp cùng khai thác. Nắm gân được Việt Nam thì sẽ khống chế các nước ASEAN khác
dễ dàng. Việt Nam chứ không phải Philippins mới là đối thủ chính ngáng đường
Trung Quốc xuống phía Nam cả trong lịch sử và hiện tại. Chĩa mũi dùi vào Việt
Nam sẽ cho cả thế giới và khu vực biết sự kiên định Đường lưỡi bò dù có phải bỏ
qua các quan hệ ý thức hệ hay tình cảm môi hở răng lạnh. Sự kiềm chế của Việt Nam
trong các vụ ngư dân bị tấn công, cáp ngầm bị cắt trong thời gian trước có thể
tạo ảo tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục kiềm chế, không dám làm lớn, không dám đáp
trả trước các vi phạm của Trung Quốc. Suy nghĩ này càng được củng cố khi nhìn
vào nền kinh tế Việt Nam. Năm
2012, tổng thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần
12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD”.[17] Năm 2013 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt
Nam đạt 264,26 tỉ USD trong đó với Trung Quốc là 50,21 tỉ USD tăng 22,0% so
với năm 2012. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 13,3 tỉ USD, chiếm tỉ
trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc
vào Việt Nam năm 2013 là 36,9 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 28,1% tổng kim ngạch
nhập khẩu cả nước.[18]
Trung Quốc còn đầu tư vào một loạt những công trình
quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Thương mại tiểu ngạch
giữa hai nước cũng nghiêng về phía Trung Quốc. Trong tay Bắc
Kinh có khá nhiều công cụ kinh tế để gây sức ép. Việt Nam sẽ bị tổn thương nhanh chóng
khi không có Mỹ và ASEAN ủng hộ và buộc quay lại quỹ đạo kiểm soát của Trung
Quốc.
Lựa chọn vị trí
Vị trí dàn khoan cách đá Triton 17 hải lý nhằm khẳng định quan điểm của
Trung Quốc về đường cơ sở 1996 của họ và đá này cũng như các địa hình nổi khác
thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa – Việt Nam) có quyền có vùng đặc quyền kinh tế
200 hải lý và thềm lục địa. Vị trí này cũng củng cố quan điểm của Trung Quốc là
quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa – Việt Nam) hoàn toàn thuộc Trung Quốc không có tranh
chấp. Nếu vị trí hạ đặt nằm trong vòng cung 12 hải lý sẽ dễ bị hiểu lầm là
Trung Quốc chỉ đòi quy chế lãnh hải cho các đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép
bằng vũ lực từ năm 1974. Vị trí này cũng thich hợp gần Hải Nam để có thể huy
động lực lượng chấp pháp biển và hải quân hùng hậu cũng như tàu cá để bảo vệ dàn
khoan. Trong trường hợp có dầu thương mại thì hệ thống đường ống dẫn dầu vào
Tây Sa hay Hải Nam cũng ngắn hơn, dễ lắp đặt và bảo vệ hơn là đi sâu vào vùng
biển Việt Nam. Vị trí này nằm gần lô 119 mà Exxon Mỹ đã khoan thăm dò, đủ để
gây áp lực với các công ty Mỹ nhưng không đi đến đối đầu với Mỹ. Khu vực chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung
Quốc nên Bắc Kinh hy vọng ASEAN với truyền thống trung lập, không can thiệp vào
công việc nội bộ của nước khác, sẽ không có cớ gì để đồng thuận phản bác. Vị
trí này cũng không ảnh hưởng lớn đến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp trong
Biển Đông để dễ bác bỏ sự quan ngại quốc tế về an ninh hàng hải. Ngày 27/5, phía Trung Quốc
đã di chuyển giàn khoan về
vị trí mới (tọa độ
15033’38” vĩ Bắc; 111034’62” kinh Đông) cách đảo Tri Tôn
về hướng Đông-Đông Nam
25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông-Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn
khoảng 150 hải lý.
Tuy nhiên vị trí này vẫn tiếp tục nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý
từ bờ Việt Nam [19].
Lựa chọn chiến thuật
Trong vụ HS 981 có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng
nhuần nhuyễn các lực lượng dân sự hoặc khoác áo dân sự, tiến hành các biện pháp mang tính dân sự, kinh tế, tránh
các hành động quân sự gây phản cảm với cộng đồng quốc tế. Chiến thuật này có
thể được gọi là thay “tàu xám” (hải quân) bằng “tàu trắng” (dân sự) đối phó với các lực lượng chấp pháp biển của
các nước láng giềng. Chiến thuật này đã thành công trong vụ đuổi tàu cá
Philippins ở bãi ngầm Scarborough. Thứ hai, sử dụng dàn khoan di động thay cố định.
Tính di động cho phép nhanh chóng đưa dàn khoan vào vị trí mong muốn trong thời
gian ngắn đủ đế đối phương bất ngờ không phản ứng kịp và bên ngoài nếu muốn
cũng không kịp can thiệp khi thành sự đã rồi. Đối phương cũng không đủ thời
gian để triển khai các biện pháp dài hạn như pháp lý. Khoảng thời gian để khởi
kiện một vụ án quốc tế thường khá dài. Từ lúc Philippin đưa đơn khởi kiện Trung
Quốc sau sự cố Scarborough tháng 2/2013, một năm
sau các thủ tục thành lập Tòa và chuẩn bị Bản ghi nhớ mới hoàn tất và ít nhất
đến tháng 9/2014 Tòa mới có thể thụ lý. Trong thời gian đó CNOOC đã có thể chủ
động kéo dàn khoan ra vị trí khác để Tòa không có thẩm quyền do đối tượng vi
phạm đã rút. Trung Quốc có thể huy động lực lượng tàu cá hùng hậu để ngăn cản,
thậm chí tấn công khiêu khích các lực lượng chấp pháp biển láng giềng, tạo cớ
gây ra các xung đột cục bộ cho tàu xám tấn công. Lịch sử đã chứng minh tàu cá
Trung Quốc luôn là lực lượng đi đầu gây hấn ở Đà Nẵng năm 1962, Hoàng Sa 1974
và Scarborough năm 2012. Triển khai dàn khoan ở phía Bắc, Trung Quốc không quên
mở rộng căn cứ Gạc Ma ở phía Nam[20] theo
đúng cách Dương Đông kích Tây, phân tán sự chú ý của đối phương cũng như của
cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên toan tính không phải bao giờ cũng đúng với thực tế cái gì.
Trung Quốc thất thế chính trị,
Việt Nam ảnh hưởng kinh tế
Đối với Trung Quốc có 6 nhận xét:
Thứ nhất, điều Bắc Kinh không muốn nhất là quốc tế hóa vấn đề Biển
Đông. Cách cư xử hung hăng, gây hấn, coi thường luật pháp, gây mất ổn định khu
vực của Bắc Kinh làm cả thế giới lo ngại. Vấn đề Biển Đông đôi lúc còn nóng hơn
cả xung đột ở Ucraina trên các mặt báo quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Jon Kery gọi đó
là các hành động khiêu khích. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi gặp Tổng Tham mưu
trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã nhấn mạnh Mỹ không ủng hộ bất cứ
quốc gia nào thực hiện các bước khiêu khích để thúc đẩy những tuyên bố về các
khu vực tranh chấp theo cách thức làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu
vực.[21]
Tổng thống Obama
tuyên bố : “Hành động gây hấn khu vực không được kiểm soát - dù là ở
nam Ukraina hay Biển Đông, hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng
sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh của chúng ta, và có thể lôi cuốn quân đội can
dự”.[22] Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi ASEAN
cần thể hiện quan điểm chung về tình hình Biển Đông vì các cuộc “xung đột xảy
ra ngay tại cửa ngõ của chúng ta”.[23]
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định Trung Quốc phải tôn trọng những cam kết của mình
đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC ).
Theo ông, Bắc Kinh luôn muốn giải quyết tranh chấp biển Đông trên cơ sở song
phương và không muốn có sự tham dự của bên thứ ba. Tuy nhiên, hành động Trung
Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam không
chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực, vì vậy ASEAN có “trách
nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình.[24] Ngay tại Đài Loan, Chủ
tịch Đảng Dân tiến Tô Trình Xương cho rằng việc làm của Bắc Kinh đã gây ra xung
đột nghiêm trọng trên biển.[25]
Phản ứng và quan ngại quốc tế mạnh hơn nhiều so với vụ Scarborough buộc Bắc
Kinh phải xem xét.
Thứ hai. Trái với tính toán của Bắc Kinh, ASEAN đã tỏ rõ sức mạnh đoàn
kết của cả khối trong việc đồng thuận đưa tình hình Biển Đông vào các văn kiện
của Hội nghị cấp cao (tuyên bố Na Pi To và Tuyên bố Chủ tịch) tháng 5/2014. Hội
nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã ra một Tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông,
điều chưa từng có sau 19 năm kể từ sự kiện Vành Khăn năm 1995. ASEAN đã trưởng
thành lên so với năm 2012 khi Bắc Kinh còn có cơ lũng đoạn. Hòa bình, an ninh,
an toàn, tự do hàng hải, không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, tuân
thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, DOC
và sớm có COC luôn là sợi chỉ đỏ
xuyên suốt trong lập trường các nước ASEAN.
Thứ ba, Bắc Kinh phản ứng với chính sách xoay trục châu Á của Mỹ nhưng
hành động vừa qua lại càng làm cho các nước trong khu vực nghi ngại, tăng cường
liên kết với Mỹ và các đồng minh. Các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp với sự ghé
thăm Manila của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay chuyến thăm chính thức của Thủ
tướng Malaysia Najib Tun Razak tới Nhật Bản 22-24/5/2014. Càng hung hăng, Trung
Quốc càng bị cô lập và tạo điều kiện dễ dàng cho sự “xoay trục” của Mỹ trong
tương lai. Những gì Trung Quốc đã dày công đầu tư như “trỗi dậy hòa bình”, “tấn công bằng thiện
cảm” phút chốc xóa sạch bằng hình bóng đe dọa của tàu hải quân và hiểm họa
Trung Quốc tại Đông Á và Đông Nam Á.
Thứ tư, Bắc Kinh muốn lấy ngoài xoa trong nhưng sự mất ổn định khu vực
và nghi ngại của các nước với ý đồ thực sự của Bắc Kinh đã làm xói mòn môi
trường quốc tế cho những nỗ lực tăng trưởng kinh tế bền vững và sự ổn định
trong nước Trung Hoa. Ngay trong những ngày dàn
khoan trên biển, một vụ xả súng mới ở chợ Tân Cương đã buộc Trung Quốc phải ban
hành chiến dịch chống khủng bố trong một năm tới. Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc
không ngăn chặn được mà còn bị khoét sâu hơn. Kinh tế Trung Quốc cũng chịu
những ảnh hưởng nhất định khi chỉ số Hang Seng China Enterprises’ đã sụt giảm
13% và trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 5. Đồng nhân dân
tệ, cũng đã giảm 2,8% so với USD và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012.[26]
Thứ năm, Bắc Kinh luôn đòi hỏi giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán
song phương. 26 lần trong một tháng Hà Nội giao thiệp đề nghị đàm phán đã không
có một sự hưởng ứng từ Trung Quốc. Rò ràng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến lợi ích
cốt lõi, bỏ qua DOC, COC, Luật quốc tế. Trong quan hệ song phương, Bắc Kinh còn
không muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình thì trong các vấn đề đa phương,
đề nghị của Bắc Kinh chỉ còn là bánh vẽ.
Thứ sáu, Bắc Kinh muốn dồn ép Hà Nội phải bỏ Oa-sinh-ton rơi vào quỹ
đạo của mình. Động thái dàn khoan đã dồn Việt Nam vào thế chân tường, buộc phải
có phản ứng nhanh, quyết đoán và cứng rắn nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng
mà Công ước Luật biển mang lại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một tuyên bố
dõng dạc: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình
bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn
mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi
điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ
thuộc nào đó”[27].
Trung Quốc dùng lực lượng tàu đông gấp 5-6 lần Việt Nam, đâm va, ngăn cản quyết
liệt nhưng không buộc được các tàu Việt Nam rời bỏ vị trí mà càng làm thế giới
thấy sự bắt nạt của kẻ lớn. Trung Quốc không muốn thể diện của mình bị suy giảm
khi có thêm những nước khác cùng Philippin tìm đến Tòa án quốc tế thì nay Việt
Nam cũng phải sử dụng mọi biện pháp tự vệ, trong đó có biện pháp pháp lý để bảo
vệ mình. Việc nhiều quốc gia kiện TQ sẽ buộc đặt câu hỏi tại sao một nước luôn
kêu gọi hòa bình lại bị nhiều nước nhỏ ngờ vực đến vậy. Việt Nam có cơ hội để
tuyên truyền hâm nóng lại vấn đề chủ quyền Hoàng Sa mà Bắc Kinh không muốn đàm
phán. Các cuộc
biểu tình thể hiện lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã nổ ra không chỉ trên dải đất
chữ S mà khắp thế giới nơi có người Việt sinh sống. Việt Nam có được
lòng dân cả trong và ngoài nước. Trung
Quốc vu cáo, rút công nhân về nước nhưng tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn ổn
định. Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư của thế giới. Trung Quốc đã đánh giá sai
về quyết tâm của người Việt. Quan hệ hai nước dày công vun đăp trong những năm
qua từ sau bình thường hóa 1991 đang đứng trước những thử thách và khó khăn
Với Việt Nam, tác động của sự kiện đã làm cho thị trường chứng khoán và
vàng Việt Nam chao đảo. Hai cú sốc ngày 8/5 và 15/5 đã đạt mức kỷ lục của thị
trường chứng khoán non trẻ Việt Nam, làm hàng chục ngàn tỷ đồng bốc hơi, thậm
chí trong 11 phút của ngày 15/5/2014. Giá vàng tăng vọt làm người dân bấn loạn.
Đây là hệ quả trực tiếp của tình hình Biển Đông đang nóng lên và các sự kiện
xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh
trong các ngày 13-14/5/2014.[28]
Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được sơ tán đưa về nước. Khoảng 60.000 người
lao động Bình Dương bị ảnh hưởng.[29]
Hàng loạt các chuyến bay và các tour du lịch của người Trung Quốc bị đình hoãn.
Tổng lượng vốn FDI cả các dự án cấp mới và tăng thêm tính
đến 20/5/2014 đạt hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013.[30]
Bão ở đất liền
do dư chấn Biển
Đông đã may mắn được chặn đứng
bởi sự điều hành kiên quyết, kịp thời của Chính phủ Việt Nam ổn định tình hình và lấy lại niềm tin của các nhà đầu
tư. Sự kiện HS 981 là cơ hội để Việt Nam xem xét lại chính sách kinh tế của
mình, điều chỉnh để bớt phụ thuộc Trung Quốc.
Giải pháp cho xung đột
Các cuộc xung đột quốc tế thường có một kết thúc dựa trên tương quan
lực lượng và kết quả tổng hợp trong 5 lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự,
kinh tế và truyền thông. Xét quy mô kinh tế, lực lượng quân sự, bộ máy truyền
thông Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc. Tuy nhiên một nước nhỏ nếu
biết sử dụng tổng hợp sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc và sự ủng
hộ quốc tế luôn là đối thủ khó chịu cho các nước lớn. Những nước lớn như Mỹ,
Nga đều lao đao vì các cuộc chiến trực tiếp với các nước nhỏ. Trung Quốc không phải
ngoại lệ nhất là với một dân tộc như Việt Nam
ngoan cường, hiểu biết rõ đối phương và sẵn sàng hy
sinh. Chiến tranh
sẽ làm cho “giấc mơ Trung Hoa” khó thực hiện và tạo điều kiện cho sự can dự
của các bên thứ ba. Địa thế Việt
Nam dễ bị tổn thương bởi những cuộc tấn công chia cắt chớp nhoáng nhưng lại là
một “tàu sân bay không bao giờ chìm’ án ngữ hầu hết chiều dài tuyến vận chuyển
năng lượng và hàng hóa của Trung Quốc. Áp dụng chiến tranh du kích trên biển,
lấy ít địch nhiều, trường kỳ kháng chiến vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Tuy
nhiên biện pháp quân sự chỉ là cuối cùng khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Chiến
tranh luôn tàn khốc cho cả hai phía, nhất là cho người dân và gây hỗn loạn cho
cả khu vực. Chính vì vậy quan điểm kiềm chế, không sử dụng lực lượng quân sự,
giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình được các nước trong khu vực
và quốc tế đánh giá cao, ủng hộ. Sự kiềm
chế của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam trước các cú đâm va, vòi rồng của
phía Trung Quốc không phải chỉ cho mình mà cho cả hòa bình ổn định khu vực và
thế giới. Trung Quốc cũng hiểu rõ bước phiêu lưu vượt qua làn ranh đỏ chiến
tranh nên khả năng một cuộc chiến lớn khó nổ ra. Song một hành động quân sự
chớp nhoáng, hạn chế nhằm thay đổi nguyên trạng vẫn tiềm ẩn.
Trên bàn cờ chính trị quốc tế, trong một thế giới đang
ngày càng phẳng, các nước ngày càng cần đến nhau, đến một tình hữu nghị bền
vững. Quan điểm Việt Nam
thể hiện rõ trong tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao: “Việt Nam sẽ áp dụng
mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của
mình. Đồng thời,
Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông
qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận
thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản
chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật
pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề
này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên”.[31]
Theo điều 33 Hiến chương
Liên hợp quốc, các biện pháp hòa bình bao gồm từ đàm phán, trung gian hòa giải,
các tổ chức quốc tế cho đến các hành động pháp lý. Việt Nam đang và sẽ
kiên trì đề nghị đàm phán, thông báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông cho Liên
hợp quốc, ASEAN, tổ chức các nước không liên kết, và các nước khác. Indonesia và
Nga đều đã tỏ ý sẵn sàng có vai trò trung gian hòa giải. Indonessia là nước sáng lập và có vai trò lãnh đạo ASEAN, có tiếng nói, đã từng đóng vai trò
trung gian hòa giải trong quan hệ Việt Nam-Cămpuchia năm 1991 và gần
đây nhất 2012 Ngoại trưởng Indonesia đã cứu
vớt ASEAN bằng tuyên bố 6 điểm sau khi khối này không đạt được một
Tuyên bố chung cấp cao trong lịch sử.
Vai trò trung
gian hòa giải của Indonesia
cũng phù hợp với chính sách của
ASEAN giải quyết các bất đồng trong khu vực không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Một ủy ban điều
tra hòa giải cũng có thể được thành lập trên cơ sở yêu cầu Liên Hợp quốc. Tuy
ủy ban không có những quyết định bắt buộc nhưng các khuyến nghị của Ủy ban và
dư luận quốc tế sẽ định hướng cho một giải pháp. Việt Nam cũng có thể
lựa chọn giải pháp pháp lý vào thời điểm cần thiết khi các biện pháp khác không
giải quyết được vấn đề. Mọi giải pháp chỉ có thể thực hiện trên thiện chí của
các Bên.
Trên thực địa, chiến thuật “chuột vờn mèo” của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đã làm phía
Trung Quốc tiêu tốn hàng triệu đô la mỗi ngày cho việc duy trì dàn khoan và hơn
130 tàu hộ tống. Công tác tuyên truyền trong và ngoài nước và những phản ứng
ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả sẽ giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn
các quyền lợi chính đáng của một nước ven biển và những hành động không thể
chấp nhận trong quan hệ quốc tế. Sức mạnh tổng hợp thực địa, ngoại giao, pháp
lý, kinh tế, truyền thông và tương quan chính trị sẽ buộc HS 981 phải dịch
chuyển. Sau HS 981, cuộc đấu tranh trên Biển Đông vẫn trường kỳ.
[1] Nigel Wilson,
“Vietnam China Tensions Escalate Over South China Sea Oil Rig”, International Business Times, May 8, 2014, http://InternationalBusinessTimes/
Vietnam%20China%20Tensions%20Escalate%20Over%20South%20China%20Sea%20Oil%20Rig.htm
[2] “Lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu
quan điểm về vụ giàn khoan HD-981”, Pháp luật TPHCM - 11/05/2014,
http://www.baomoi.com/Lan-dau-tien-Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-neu-quan-diem-ve-vu-gian-khoan-HD981/122/13779129.epi
[3] ASEAN Declaration on the South China Sea 1992
and 1995, Documents on ASEAN and the South China Sea, http://cil.nus.edu.sg/wp/wp-content/uploads/2011/06/Documents-on-ASEAN-and-South-China-Sea-as-of-June-2011.pdf
[4] Người Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM xuống đường, VNN
11 May 2014, http://VietNamNet/Người Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM xuống đường -
VietNamNet.htm
[6] Nguyễn Hồng Thao, Về việc Trung Quốc công bố
đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, Quốc phòng Toàn dân 6/1996.
[8]
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: China's Oil Rig in South China Sea
'Provocative', http://www.voanews.com/content/kerry-chinas-oil-rig-in-south-china-sea-provocative/1913329.html
[9]Việt – Trung: Thỏa thuận 6 nguyên
tắc giải quyết vấn đề trên biển
http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Viet--Trung-Thoa-thuan-6-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien/20136/171392.vgp
[10]VietnamNet 27/5/2014 ; http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/177750/viet-nam-trieu-dai-dien-ngoai-giao-tq.html; The Star Online 27 may 2014, http://www.thestar.com.my/News/Regional/2014/05/27/Vietnam-fishing-boat-rammed-sunk-by-China-ship/
[11] Nhật báo tin tức Bắc Kinh ngày 19 tháng 7 năm 1992 “chủ
quyền của Trung Quốc trên các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong khu vực WAB – 21 là không thể tranh cãi mặc dù khu vực này
nằm trên thềm lục địa của nước khác”, Reuter, ngày 19 tháng 7
năm 1992.
[12]
Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trên biển Việt Nam, Tuổi trẻ, 28/6/2012
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/499069/Trung-Quoc-moi-thau-9-lo-dau-khi-tren-bien-Viet-Nam.html
[13]
http://www.phantomreport.com/south-china-sea-tensionsterritory-disputes-9-dash-line-natural-resources-trade-routes-military-stakes
[14] Ngày 22/5/2014 tiếp tục có vụ nổ tị chợ Tân
Cương buộc chính quyền Trung QUốc phải phát động cuộc chiến chống khủng bố 1
năm tại khu tự trị này.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140522_xinjiang_blast_market.shtml
[15]
Hải quân Mỹ - Trung và nguy cơ xung đột trên biển, Vnexpress 20/5/2014,
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/hai-quan-my-trung-va-nguy-co-xung-dot-tren-bien-2992987.html
“Khập khiễng thương mại
Việt-Trung”, BBC 19/6/2013;
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/06/130619_china_vietnam_trade_comment.shtml
[18] See more at:
http://tienphong.com.vn/cang-thang-bien-dong-co-the-anh-huong-den-nganh-ngan-hang.html#sthash.JSr6j1Y9.dpuf
[19] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/177685/tq-dich-chuyen-gian-khoan-ve-dong-nam-dao-tri-ton.html; http://www.themalaysianinsider.com/world/article/china-oil-rig-finishes-first-phase-of-drilling-in-waters-claimed-by-vietnam
[22] "Regional aggression that goes unchecked --
whether it's southern Ukraine, or the South China Sea, or anywhere else in the
world -- will ultimately impact our allies, and could draw in our
military," Obama said
at West Point (United States) AFP 28 May 2014, http://news.yahoo.com/obama-warns-against-aggression-south-china-sea-145603310.html;
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/178014/my-san-sang-doi-pho-voi--gay-han--o-bien-dong.html
[24] Người Lao Động, 21/5/2014 ; http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/indonesia-nhac-nho-trung-quoc-ve-vu-dat-gian-khoan-trai-phep-20140521150508111.htm
[25] http://www.doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/chinh-tri-xa-hoi/2014/05/1081315/dang-doi-lap-dai-loan-chi-trich-trung-quoc-gay-xung-dot/,
Doanh nhân Sài Gon ngày 15/5/2014
[26] Sóng ngoài Biển Đông, “bão” trên
sàn chứng khoán, Lao Động ngày 16/5/2014,
http://www.baomoi.com/Song-ngoai-Bien-Dong-bao-tren-san-chung-khoan/127/13818903.epi
[27] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của hãng AP và Reuters
về tình hình Biển Đông, trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về
Đông Á 2014 tại Philippins, AP, 21/5/2014.
[28] Sóng ngoài Biển Đông, “bão” trên sàn chứng khoán,
Lao Động ngày 16/5/2014,
http://www.baomoi.com/Song-ngoai-Bien-Dong-bao-tren-san-chung-khoan/127/13818903.epi
[29] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/60-000-nguoi-bi-anh-huong-sau-vu-dap-pha-o-binh-duong-2995991.html,
VNExpress, ngày 26/5/2014.
[30] Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Hùng Lê, “Thu hút vốn FDI giảm mạnh”, Thời báo
kinh tế Sài Gòn, ngày 27/5/2014,
http://nguoilotgach.blogspot.com/2014/05/thu-hut-von-fdi-giam-manh-hung-letbktsg.html
[31] Phó Thủ tướng
Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì về giàn khoan
HD-981, Lao Động
ngày 6/5/2014, http://laodong.com.vn/dang-chinh-phu/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-dien-dam-voi-uy-vien-quoc-vu-duong-khiet-tri-ve-gian-khoan-hd981-198586.bld