Theo Tuổi trẻ
TT - Một tháng sau khi đưa giàn khoan và
hạm đội tàu các loại vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam,
Trung Quốc - qua mồm miệng của tướng Vương Quán Trung và các tàu bè lớn
nhỏ - đã cho thế giới biết “nhãn quan nước lớn” của họ như thế nào.
Không có gì lạ khi trung tướng Vương Quán Trung, phó
tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, bất ngờ “bẻ cua” tuyên bố
“muốn bỏ bài diễn văn soạn sẵn để... trình bày một số quan điểm cá nhân”
trong buổi họp ở Đối thoại Shangri-La về chuyên đề “Nhãn quan cường
quốc về hòa bình và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương” ngày 1-6.
Tướng Vương thách thức cử tọa: “Chúng ta phải đặt câu
hỏi ai hiện đang hành động khiêu khích và tạo ra rắc rối, tranh chấp và
bất đồng liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền, quyền và lợi ích hàng hải?
Trung Quốc chưa bao giờ đi bước đầu tiên để gây rắc rối, mà chỉ buộc
lòng phải đáp trả những hành động khiêu khích của các bên khác. Trung
Quốc chưa bao giờ là người đầu tiên khởi sự tranh cãi và gây rối. Tôi
nghĩ rằng mọi người đều hiểu ai là kẻ khởi sự tranh chấp và rắc rối”.
Tiến sĩ William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược
quốc tế (IISS) hỏi vặn lại ngay: “Ông kể Trung Quốc đã giải quyết xong
vụ 14 tranh chấp biên giới với các nước láng giềng, do đó không nên
tranh cãi về chuyện đàm phán mà hãy chứng tỏ bằng hành động. Thế tại sao
Trung Quốc lại không làm rõ yêu sách đường chín đoạn theo đúng nguyên
tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và cố gắng hoàn
tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) càng sớm càng tốt, trước cuối
năm nay chẳng hạn?“.
Ngoài câu hỏi về đường chín đoạn, nhà báo Demetri
Sevastopulo của tờ Financial Times còn hỏi thêm: “Ông bảo rằng Trung
Quốc chỉ đáp trả khiêu khích thôi. Vậy ông có thể cho chúng tôi biết
Việt Nam đã khiêu khích gì gần quần đảo Paracels (Hoàng Sa của Việt Nam)
khiến các ông phải đưa giàn khoan của CNOOC tới đó?”.
Cựu phó đô đốc hải quân Ấn Độ Anup Singh tiếp nối bằng
một màn lên lớp tướng Vương về lịch sử và luật biển: ”Câu hỏi của tôi là
về đường chín đoạn. Đường này bất chấp UNCLOS, bất chấp thông lệ hay
luật pháp truyền thống do lẽ trong luật pháp quốc tế kinh điển, thành
văn hay thông lệ, đại dương chưa bao giờ có nghĩa là lãnh thổ và chưa
bao giờ là lãnh thổ”.
“Lần cuối cùng mà đại dương được tuyên bố là lãnh thổ
là trong đế chế La Mã với cụm từ “mare nostrum” (biển của chúng ông). Và
đế chế đó đã kết thúc vào năm 117 sau Công nguyên. Hugo Grotius đã soạn
ra kinh thư “mare librum” (Về quyền tự do trên biển) tuyệt vời mà sau
này được luật hóa bởi UNCLOS mà Trung Quốc của ông đã phê chuẩn”.
Không rõ người phiên dịch cho tướng Vương có kịp chú
giải cho sếp của mình rằng luật gia Hà Lan thế kỷ 17 Hugo Grotius (tên
thật là Huig de Groot) là người đầu tiên đưa ra khái niệm biển cả là
lãnh thổ quốc tế và rằng mọi quốc gia đều tự do thông thương, để bác bỏ
sự độc quyền của các cường quốc trên biển thời đó.
Chắc là không kịp vì cựu phó đô đốc Singh tiếp tục lên
lớp tướng Vương: ”Thành ra, điều mà tôi không tài nào hiểu nổi là làm
thế nào mà sau khi đã phê chuẩn UNCLOS rồi, Trung Quốc lại có thể vẽ ra
một cái đường (biên giới) trên biển? Bởi lẽ nguyên tắc đó là di sản
chung của nhân loại, là quyền tự do hàng hải mà các ông đã chấp thuận.
Cảm ơn ông”.
Không rõ việc phó tổng tham mưu họ Vương “bị lên lớp”
có làm rát mặt Bắc Kinh đến đâu song đến cuối ngày 1-6, bầy tàu hải cảnh
Trung Quốc đã hè nhau đâm thủng tàu cảnh sát biển 2016 của Việt Nam.
Mục tiêu là nhóm lên một mồi lửa xung đột vũ trang, hoặc chí ít cũng
nhằm tỉa dần lực lượng của Việt Nam bằng cách nay húc thủng tàu kiểm
ngư, mai phá hủy hệ thống rađa và GPS, liên lạc của tàu cảnh sát biển.
Cả thế giới đã thấy rõ Trung Quốc có ý đồ làm tiêu hao
lực lượng của Việt Nam. Song tướng Vương vẫn thản nhiên phân bua: ”Điều
mà Trung Quốc bị bắt buộc phải làm cũng chỉ ở mức tối thiểu mà thôi, đáp
trả ở mức thấp nhất hành động khiêu khích của họ”. Không phải tướng
Vương đã gây sững sờ nơi cử tọa vì cách diễn đạt của mình, mà vì chính
nền tảng phi luật pháp của ông buộc cử tọa phải “lên lớp” ông.
DANH ĐỨC