05 juin 2014

Không thể "đem gươm đao" đến nhà người ta làm gì thì làm ở thế kỷ 21

Theo TTXVN
Tôi cho rằng Trung Quốc nói không chính xác với những gì họ làm. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Hội nghị An ninh châu Á hay thường gọi là Diễn đàn Shangri-La năm 2014 đã khép lại tại Singapore từ hôm 1/6. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn tiếp tục được báo giới phân tích, mổ xẻ trong suốt tuần qua.
Điều này là dễ hiểu bởi lẽ những gì được đề cập tại Shangri-La năm nay là những nét vẽ của bức tranh an ninh khu vực vốn đang bị phủ bóng đen bởi những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, những cuộc tranh cãi ảnh hưởng địa chính của các nước lớn.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đê làm rõ những vấn đề nổi bật của Shangri-La 2014, cũng như những thách thức mới đối với đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.
Xung quanh những vấn đề nổi bật được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La năm 2014, theo Thứ trưởng, có phải là cường điệu không nếu nói Shangri-La năm 2014 là nóng nhất trong lịch sử 13 năm của sự kiện này?
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 
Trước hết nói về mục đích chung của diễn đàn Shangri-La từ khi mới bắt đầu, đây là sự hợp tác về an ninh khu vực. Như vậy, việc đầu tiên các quốc gia đến đây để trình bày những vấn đề an ninh khu vực, trong đó có những mặt tích cực, có những mặt tiêu cực.

Bên cạnh đó, các quốc gia cùng với nhau bàn cách nào đó để tăng cường về mặt hợp tác tích cực và giảm thiểu các vấn đề tiêu cực, cũng như giúp cho một số vấn đề thách thức về an ninh khu vực giảm đi, để các quốc gia khu vực có thể ngồi lại với nhau, giải quyết mọi vấn đề trên phương diện đa phương.
Một đặc điểm khác so với các diễn đàn an ninh khác là diễn đàn Shangri-La này rất đa dạng, gồm cả các nhà chính khách, các nhà quân sự-quốc phòng, các học giả như các nhà sử học, nhà địa lý học, nhà khoa học...
Chính vì vậy, các vấn đề được nêu bật ra tại diễn đàn Shangri-La 13 cũng rất đa dạng và rất nhiều chiều, hay nói đúng hơn là nó rất khách quan.
Nổi bật ở đây không phải là nó nhằm vào mục đích cụ thể nào, mà là một diễn đàn tự do về quan điểm của các đại biểu, học giả, bởi có những đại biểu thay mặt cho quốc gia, song cũng có nhưng đại biểu chỉ là học giả họ không đại diện cho ai cả.
Đối với diễn đàn Shangri-La năm nay cũng vậy, người ta chuẩn bị nhiều vấn đề đưa ra, trước hết là hướng về an ninh khu vực, với những mặt tích cực, mang tính chất hợp tác.
Bên cạnh đó, họ cũng nêu ra các thách thức về an ninh, trong đó có cả an ninh truyền thống. Và, cuối cùng họ cũng mong muốn các phát biểu tìm cách để giải quyết thách thức đó trên diễn đàn đa phương. Đây là những cái chung trước khi diễn đàn bắt đầu.

Tuy nhiên, khi diễn đàn bắt đầu bằng bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản, cũng như những dư luận từ trước khi diễn đàn bắt đầu thì nó đều liên quan đến tình hình rất là nóng liên quan đến an ninh khu vực, đó là vấn đề an ninh biển.
Trên thực tế đúng như dự báo của các nhà khoa học, các học giả cũng như báo chí phản ánh, diễn đàn Shangri-La lần này đã có hai vấn đề nổi bật được nêu lên: Thứ nhất, an ninh khu vực đã có những dấu hiệu xấu, có thể nói là có những sự đe dọa an ninh, hòa bình của khu vực, vì vấn đề xung đột chủ quyền lãnh thổ, chủ yếu là trên biển.
Cái thứ hai nữa, dù ít người nói đến nhưng nó ngầm ở dưới, đó không chỉ là cái xung đột chủ quyền, tranh chấp chủ quyền, mà cách hành xử của một số quốc gia bắt đầu đi ra ngoài lề cái đạo lý chung của thời đại, dòng chảy chung của thời đại. Nó cũng đi ra ngoài những gì mà luật pháp quốc tế quy định (bắt buộc các nước đều phải ký vào và phải thực hiện), điều này cho thấy sự bất chấp luật pháp quốc tế.
Bởi vậy, bước vào phiên đầu tiên, khi mà Thủ tướng Nhật Bản phát biểu, mọi người không ngạc nhiên về nội dung mà ông ấy nói.

Nhưng, mọi người hết sức ngạc nhiên ở chỗ là ông đã rất thẳng thắn và rất đúng mực, rất chính xác về những nguy cơ về an ninh khu vực.
Đó là hành vi ứng xử vi phạm luật pháp quốc tế; những tư tưởng cường quyền; những hành động có thể là không nổ súng, không vũ trang, nhưng đó là bạo lực phi quốc gia, để tìm kiếm bằng được lợi ích cục bộ của đất nước mình, chủ yếu là Trung Quốc, trên biển Đông, biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua.
Trước cách hành xử mà như ông vừa nói là đi ngược lại Luật pháp quốc tế như vậy, theo ông, các bài phát biểu của các đoàn đại biểu tại Shangri-La có đưa ra được cách tiếp cận mới nào cho việc giải quyết được vấn đề liên quan đến an ninh khu vực hay không?
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:  
Cái gọi là mới, tiếp cận mới trong diễn đàn diễn đàn Shangri-La 13 là các quốc gia không né tránh sự thật. 

Họ nói thật là những việc như thế sẽ đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực. Họ cũng chỉ đích danh cái người mà đã làm ra những việc đấy.
Không chỉ là Thủ tướng Nhật, hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mà tất cả các diễn giả dù ở các cấp độ khác nhau thì họ đều có chung tiếng nói, quan điểm rằng, các hành động, hành xử của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đặc biệt là biển Đông xung quanh vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian vừa qua là việc làm rất xấu, là lợi dụng sức mạnh cá nhân để áp đặt dư luận quốc tế, bất chấp luật pháp.
Như bạn biết, trong một quan hệ quốc tế rất phức tạp, đan xen, có thể là người ta nghĩ mà người ta không nói. Hoặc có thể họ nói “thấp” hơn, nhưng không ai tỏ ra đồng tình, bao che cho hành động của Trung Quốc.

Đây là vấn đề mà theo tôi là động thái rất tốt, chứ trước một "người khổng lồ" mà không ai dám nói thì chân lý chắc cũng sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều đã nói lên sự thật.
Cái thứ hai, là mọi người không tìm đến cách tiệp cận mới nào, mà cùng quay về cái giá trị truyền thống của nhân loại: Đó là bình đẳng, hòa bình, ổn định và xử lý bằng các giải pháp hòa bình.

Và, tất cả mọi người đều yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương, bạo lực để đạt được mục đích xấu của mình-không được làm như thế.
Tôi cũng đã được đi dự nhiều các hội nghị quốc tế, an ninh, và tham khảo tư liệu từ trước về an ninh từ nhiều năm trước, tuy nhiên tôi thấy ít có một hội nghị nào được tiếng nói đồng thuận như hội nghị lần này.
Đồng thuận thứ nhất là bởi họ lo lắng cho tình hình an ninh khu vực. Nhưng hơn thế là họ lo lắng để cách hành xử này đừng lan thành một “dịch bệnh."  Bởi, nếu nó lan thành dịch bệnh thì không chỉ một số quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mà cả thế giới sẽ phải quay lại các thế kỷ trước của lịch sử - những thế kỷ mà có thể “đem gươm, đem đao” đến nhà người ta, muốn làm gì thì làm.
Thế kỷ 21 không phải là thế kỷ như vậy.
Như ông vừa nói, tại diễn đàn Shangri La dư luận quốc tết cũng rất phản đối các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Bởi vậy, quốc gia này cũng đã có những bài phát biểu để bày tỏ quan điểm của họ, đáng chú ý là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung cũng đưa ra một cam kết là Trung Quốc cam kết xây dựng châu Á hài hòa, một thế giới lâu dài thịnh vượng. Vậy, theo ông, cam kết đó có thể hiện trung thực chính sách của Bắc Kinh hay không?

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu so sánh với những gì mà trưởng đoàn Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Shangri-La 13 và những gì họ làm trên biển thì không cần phải giải thích gì thêm, bởi thực tế là họ "nói một đằng làm một nẻo."


Cái mong muốn của tất cả hội nghị, cũng như của chúng tôi là Trung Quốc nói và làm giống nhau.

Ví dụ như trưởng đoàn Trung Quốc nói theo đuổi cái chính sách hòa bình, thì cả thế giới và Việt Nam cũng chỉ mong có thế.
Nhưng có một điều mà chúng ta cần phải làm rõ là, không chỉ Trung Quốc nói không đúng với cái họ làm mà họ đã nói sai sự thật.

Tôi muốn nói đến những thông tin trưởng đoàn Trung Quốc nêu ra trong diễn đàn Shangri-La rằng tàu của Việt Nam "quấy rối" giàn khoan của Trung Quốc, điều này là không đúng sự thật.

Hiện nay đang nổi lên xu hướng các nước lớn giải quyết những tranh chấp vừa dựa trên luật lệ quốc tế, vừa dựa trên lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật lệ quốc tế cũng làm thỏa mãn lợi ích quốc gia, và ngược lại. Do đó, xu hướng này đang đặt ra thách thức đối với thông luật quốc tế đồng thời khiến các quốc gia đều tăng cường vũ trang. Ông nghĩ sao về điều này?
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Việc cân nhắc các hành xử, các chiến lược của mỗi quốc gia phải dựa vào hai yếu tố cơ bản, đó là lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Hai cái này không thể tách rời được.


Không một nước nào từ bỏ lợi ích quốc gia để thực hiện luật pháp quốc tế, nhưng ngược lại, cũng không quốc gia nào được phép chỉ vì lợi ích quốc gia mà chà đạp lên luật pháp quốc tế, mà người ta bao giờ cũng phải tìm ra giải pháp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

Ngay như chính Việt Nam mình, chúng ta đang bảo vệ lợi ích quốc gia mình, nhưng chúng ta bảo vệ bằng luật pháp quốc tế, đây là một điểm rất cần thiết và được khuyến khích, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

- Trước những quan điểm mà các cường quốc đã trình bày tại diễn đàn Shangri-La 2014, theo ông Đối ngoại Quốc phòng cần phải làm gì trong thời gian tới?

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Chúng tôi luôn nghĩ cách thức phi truyền thống an ninh khu vực là một vấn đề mới, và nó đầy bí ẩn, đầy những câu hỏi chưa giải quyết được.


Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách đồng bộ là cách thức phi truyền thống nó thường mang tính chất xuyên quốc gia, vì vậy cần có sự hợp tác rất chặt chẽ ở phương diện rộng lớn ở tầm khu vực, thậm chí là toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam rất tích cực tham gia các diễn đàn đa phương. 

Tại diễn đàn Shangri-La 13 người ta chủ yếu bàn về cách thức phi truyền thống, đây là một nguy cơ rất lớn cho nhân loại. Ngành quốc phòng có trách nhiệm bảo vệ nhân dân mình, cũng như nhân dân tất cả các nước, tôi mong muốn các quốc gia hãy đối xử với nhau bằng cách thức hòa bình./.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.