Tình hình căng thẳng
hiện nay trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy các phản
ứng trái ngược của các lãnh đạo Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các cuộc trả lời
các hãng thông tấn Hoa Kỳ hay tại Philippines đã nhiều lần nhắc đến khả
năng thậm chí khẳng định việc sử dụng biện pháp pháp lý, hay nói cách
khác là kiện Trung Quốc ra tòa.
Trong khi đó có người như ông Phùng
Quang Thanh lại dè dặt hơn, cho rằng kiện chỉ là giải pháp cuối cùng và
bất khả dĩ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cân nhắc giữa việc bảo vệ
chủ quyền và giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, mà ông cho là đang phát
triển tốt đẹp.
Mặt khác, có lãnh đạo vẫn im hơi lặng tiếng như không có việc gì xảy ra.
Đã rất cố gắng
Thông tin cũng cho biết có nhiều hy vọng từ phía
Việt Nam đối với việc đàm phán để giải quyết vấn đề. Từ khi khủng hoảng
nổ ra vào đầu tháng 5/2014, có gần 30 cố gắng đàm phán trao đổi từ phía
Việt Nam từ cấp chuyên gia đến lãnh đạo cao nhất, tất cả đều không
thành công.
Kiên trì đàm phán với Trung Quốc để giải quyết
vấn đề trên Biển Đông là phương châm chủ đạo của lãnh đạo Việt Nam từ
nhiều năm nay. Thực tế cho thấy cách tiếp cận này đã hoàn toàn thất bại,
góp phần dẫn đến sự vụ giàn khoan Hải Dương 981, không ngăn được nếu
không nói là còn cổ võ thêm tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung
Quốc.
"Kiên trì đàm phán với nước đang xâm lấn cũng gửi một thông điệp rất mơ hồ đến thế giới về cách phản ứng trước mắt"
Trước tình thế hiện nay, khi Trung Quốc đang
dùng giàn khoan, máy bay và tàu chiến xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam, cách tiếp cận kiên trì đàm phán càng không hợp lý.
Trong tương quan chỉ giữa Việt Nam và Trung
Quốc, nó đặt Việt Nam vào thế yếu, và có xu hướng nhượng bộ nhiều hơn để
đạt được sự giảm nhiệt từ phía Trung Quốc.
Trong việc thể hiện ra bên ngoài, kiên trì đàm
phán với nước đang xâm lấn cũng gửi một thông điệp rất mơ hồ đến thế
giới về cách phản ứng trước mắt cũng như lựa chọn chiến lược lâu dài của
Việt Nam đối với Trung Quốc. Đây là một điều có hại để tranh thủ ủng hộ
của thế giới.
Mặt khác, Trung Quốc đã từ nhiều chục năm nay cố
gắng và tính toán xác lập việc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền
trên toàn Biển Đông. Những năm gần đây tham vọng này càng lộ rõ: cắt cáp
tàu Bình Minh 2, chính thức đưa đường lưỡi bò vào tuyên bố phản đối
Tuyên bố chung Việt Nam – Malaysia, in đường lưỡi bò trên hộ chiếu...
Do đó hy vọng Trung Quốc từ bỏ tham vọng có tính
toán từ nhiều năm của họ bằng cách đàm phán chỉ là một ảo tưởng cần
nhanh chóng dứt bỏ.
Kết quả tốt nhất của đàm phán khi Trung Quốc đang xâm lấn Viêt Nam chỉ có thể là giảm bớt chút ít sự xâm lấn của Trung Quốc.
Ví dụ Trung Quốc cũng vẫn để giàn khoan ở đó
nhưng sẽ hứa hẹn đàm phán về COC tích cực hơn. Thậm chí khi Trung Quốc
có rút giàn khoan Hải Dương 981 đi thì họ vẫn có thể tuyên bố là họ đã
thực thi quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà họ cho
là của họ.
Tuy nhiên để đàm phán ‘’được’’ sự giảm bớt xâm
lấn này, Việt Nam có thể phải đánh đổi bằng những nhượng bộ kinh tế,
chính trị, tức là chấp nhận một sự xâm lấn và lệ thuộc nhiều mặt hơn
trước đây.
Một ví dụ cụ thể là Trung Quốc có thể áp lực để
Việt Nam đồng ý cho họ khai thác chung trong các vùng đặc quyền kinh tế
Việt Nam như vùng Tư Chính, Nam Côn Sơn.
Do đó, kiên trì đàm phán là một sự đáng tiếc,
tương đồng với đầu hàng và có thể sẽ được nói giảm bằng những từ ngữ ca
ngợi sự thắng lợi, hoan hô tình hữu nghị giữa hai nước.
Ngậm bồ hòn làm ngọt?
Thật ra Trung Quốc cũng đã và đang tấn công Việt Nam trên biển.
Dùng tàu để đâm, dùng vòi rồng phun vào tàu và
kiểm ngư Việt Nam đều là những cách thức gây phá hủy và có thể sát
thương. Tất cả đều dưới sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến.
Một điều có vẻ ngịch lý nhưng lại là sự thật,
việc kiên trì đàm phán lại tiềm ẩn nguy cơ gây bùng nổ chiến tranh. Thứ
nhất, vì dầu gì thì trong thời gian đàm phán, nhà nước Việt Nam vẫn phải
duy trì việc phản đối trên thực địa bằng các tàu kiểm ngư.
Các va chạm và căng thẳng kéo dài sẽ nóng dần
lên và có thể bùng nổ thành xung đột vũ trang trên biển. Thứ nhì, nếu
nhận thấy Việt Nam không có lựa chọn nào khác là đeo bám đàm phán, Trung
Quốc sẽ không ngần ngại tấn công cục bộ để gây áp lực và sợ hãi.
Khi đó Việt Nam có hai khả năng phản ứng: hoặc là ngậm bồ hòn làm ngọt, tức đầu hàng; hoặc là phản công, tức chiến tranh xảy ra.
Chiến tranh không giải quyết được mâu thuẫn.
Trong lịch sử cận đại, Việt Nam và Trung Quốc đã qua bao nhiêu cuộc
chiến 1974, 1979, 1988 ; mâu thuẫn chỉ chất chồng lên thêm, dầu được che
đậy bằng nhiều mỹ từ.
Các cuộc chiến, tuy đầy đau đớn và mất mát,
nhưng lại không mang đến cho những quốc gia tham dự một bài học kinh
nghiệm thật sự nào tích cực ngay sau đó.
Vì nhiều lý do, các bên tham chiến dù thắng hay
thua cũng đều có nhu cầu phải méo mó lịch sử liên quan. Trong từng nước,
các nhà lãnh đạo sau cuộc chiến lại tiếp tục được tụng ca bằng những
hình ảnh anh hùng hay bi tráng.
Ít nhất vài chục năm sau đó. người ta mới tỉnh
ngộ, gạt ra bên cạnh những luận điệu thời chiến dễ vin vào, để quay nhìn
lại sự vụ với một sự bình tĩnh thực sự. Trong niềm hy vọng mong manh
không có cuộc chiến nào sớm nổ ra.
Nếu đầu hàng là một vết nhơ lịch sử thì chiến
tranh là sự che lấp trong thời gian dài lịch sử và sự thật dưới lớp đất
mang tên số năm của cuôc chiến đó.
Do đó, trừ khi vì mục đích phòng vệ, chiến tranh là điều nên tránh.
Thật ra sự phòng vệ hiệu quả và thông minh là
một mặt luôn chuẩn bị cho chiến tranh nhưng mặt khác giữ chiến tranh ở
cách xa mình nhất.
Kiện Trung Quốc ra tòa
Việc kiện Trung Quốc ra tòa cho Việt Nam khả
năng giải quyết vấn đề Hải Dương 981 và tranh chấp chủ quyền quần đảo
Hoàng Sa một cách công bằng và hiệu quả nhất.
Việt Nam cần phải nhanh chóng kiện việc Trung
Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 tại một tòa trọng tài thành lập
theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hợp Quốc
về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).
Song song đó, Việt Nam nên yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Toà án Công lý Quốc tế.
Việc kiện Trung Quốc ra tòa là một cách giữ
chiến tranh ở xa mình nhất. Vì sao khi mỗi lần Việt Nam nói về khả năng
sử dụng biện pháp pháp lý thì Trung Quốc lại tức giận?
Chắc chắn không phải vì sợ sứt mẻ tình hữu nghị
giữa hai nước, mà vì khi đưa sự vụ ra tòa, dưới ánh sáng của công lý và
dư luận quốc tế, Trung Quốc không thể ngang ngược dùng vũ lực để uy hiếp
những kiểm ngư Việt Nam, không thể hung hăng đe dọa chiến tranh như khi
chỉ có hai nước với nhau và Việt Nam chỉ biết kiên trì đàm phán.
Kiện Trung Quốc ra tòa đặt người Việt Nam trước
một ứng xử mới với Trung Quốc. Việc kiện diễn ra trong thời gian dài sẽ
đặt lại mối quan hệ giữa hai nước, các khẩu hiệu 16 vàng 4 tốt sẽ không
có cơ hội tồn tại, và tất cả đều diễn ra trong hòa bình.
Khi chọn một vị thế rõ ràng hơn với Trung Quốc, Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn lớn hơn của thế giới tự do.
"Việc kiện giúp người Việt phần nào thoát ra khỏi chính mình và tiến đến với những giá trị phổ quát của nhân loại "
Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng về kinh
tế chính trị của Trung Quốc, điều mà việc đeo bám đàm phán hay sự đứt
gãy của chiến tranh không thể mang lại.
Trước tòa, Trung Quốc và Việt Nam đều phải trưng ra những bằng chứng lịch sử, pháp lý chính xác nhất.
Khi câu chuyện lịch sử được nhắc đến một cách
duy lý, rõ ràng, vì chủ quyền đất nước, vì những vấn đề hệ trọng của dân
tộc, cần sự thông cảm của nhiều người, thì nó giúp người Việt vừa hiểu
biết về lịch sử, vừa hiểu nhau và dễ hòa giải với nhau hơn.
Quan trọng hơn, việc kiện giúp người Việt phần
nào thoát ra khỏi chính mình và tiến đến với những giá trị phổ quát của
nhân loại như 'công bằng', 'hòa bình', 'duy lý’.
Khi đấu tranh vì công lý cho đất nước, người
Việt cũng hiểu và yêu cầu công lý cho chính họ. Điều đó sẽ tạo nên sức
mạnh thật sự cho Việt Nam.
Trên tinh thần đó thì kiện Trung Quốc ra tòa là
lựa chọn thích hợp nhất của Việt Nam so với việc kiên trì đàm phán, một
cách tiếp cận vừa quá gần với đầu hàng, vừa tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh.
Do đó kiện Trung Quốc không nên là lựa chọn cuối cùng, mà là một việc cần làm sớm nhất có thể.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả Lê Trung Tĩnh từ Paris, Pháp.Tác
giả cảm ơn ông Dương Danh Huy, ông Phạm Thu Xuân và ông Lê Vĩnh Trương
vì những đóng góp giá trị cho bài viết. Diễn đàn BBC luôn mong muốn
nhận được các quan điểm khác nhau, gồm cả ý kiến phản biện
lại các bài viết chúng tôi đã đăng tải.