01 juin 2014

'VN đã sẵn sàng kiện TQ vụ giàn khoan'


Theo BBC
Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nói VN đã 'chuẩn bị xong' và 'sẵn sàng' kiện TQ.
                   
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói nước này đã 'chuẩn bị' và 'sẵn sàng' có hành động pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa, theo tờ Bloomberg.

Hôm 30/5/2014, ông Nguyễn Tấn Dũng nói với tờ báo Mỹ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng 'các bằng chứng' và đang cân nhắc thời điểm để đưa vụ kiện ra quốc tế.
Việt Nam đã chuẩn bị bằng chứng cho một hành động pháp lý thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi của Việt Nam và đang cân nhắc thời điểm tốt nhất để trình vụ kiện," tờ Bloomberg hôm 31/5 viết.
"Nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông, sẽ không có người chiến thắng" Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng

"Chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng kiện," ông Dũng được trích thuật nói.

"Nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông, sẽ không có người chiến thắng," ông Dũng đưa ra cảnh báo, và cho rằng hai phần ba tổng khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu đi qua các tuyến đường ở gần khu vực, vốn rất gần với khu vực mà Trung Quốc hạ đặt và mới đây di chuyển giàn khoan.

Thủ tướng Việt Nam cũng nói với tờ báo Mỹ về việc Việt Nam đang đối phó một số thiệt hại kinh tế mà do cuộc tranh cãi từ vụ giàn khoan của Trung Quốc gây ra.

"Tranh cãi trên biển với Trung Quốc đã tác động một số lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi đã tiến hành một số biện pháp thích hợp để đối phó," ông Dũng được trích lời nói thêm.

'Đang cân nhắc'


Căng thẳng Biển Đông Trang mạng chính phủ Việt Nam cũng dẫn lời ông Dũng nói VN 'đang cân nhắc' kiện TQ.

Hôm thứ Bảy, cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam tại địa chỉ Chinhphu.vn cũng đưa tin tức về phát ngôn của ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời tờ Bloomberg.

"Liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: hành động của Trung Quốc vừa qua đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực.

"Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình. Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam."

"Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, Thủ tướng cho biết chúng ta đã chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định" Tờ VnEconomy 29/5

Trang mạng của Chính phủ Việt Nam cũng cho hay Việt Nam "đang cân nhắc" giải pháp hành động pháp lý chống Trung Quốc.

"Trả lời các câu hỏi liên quan đến quan điểm, cách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này", trang tin Chinhphu.vn viết.

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam với tờ Bloomberg được đưa ra chỉ bốn ngày sau khi một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ở khu vực Hoàng Sa mà Trung Quốc đang hạ đặt và di chuyển giàn khoan Hải Dương 981.

Thông điệp của ông Dũng cũng được đưa ra vào thời điểm khai mạc diễn đàn Đối thoại về an ninh khu vực Shangri-La 13 diễn ra tại Singapore nơi mà Nhật Bản, Hoa Kỳ bên cạnh một số các quốc gia khác, đã có những phát biểu phê phán trực tiếp hoặc gián tiếp Trung Quốc 'vi phạm luật pháp' quốc tế và gây 'mất ổn định', 'căng thẳng' về an ninh trong khu vực.

Hai ngày trước đó, phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc hôm 28/5 gửi thư cho ông Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó 'phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam' đối với 'vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam' theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

'Bộ chính trị quyết'


Tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Quốc phòng VN kêu gọi quân đội hai bên kiềm chế, tránh chiến tranh.

Hôm 29/5, Thủ tướng Việt Nam cũng nói tại một phiên họp thường kỳ của nội các Chính phủ do ông đứng đầu rằng thời điểm kiện Trung Quốc sẽ do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định.

"Thủ tướng cho biết, hiện Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hoà bình, đúng theo luật pháp quốc tế," ông Dũng được tờ VnEconomy dẫn lời hôm thứ Năm nói.

"Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, Thủ tướng cho biết chúng ta đã chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định."

"Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát" Tướng Phùng Quang Thanh

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Phùng Quang Thanh, đã lên tiếng tại diễn đàn Shangri-La 13.

Ông Thanh đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và 'nước bạn láng giềng' Trung Quốc vẫn 'tốt đẹp' nhưng kêu gọi Trung Quốc 'rút giàn khoan' 981 ra khỏi khu vực đang căng thẳng ở Hoàng Sa, đồng thời ngồi xuống 'cùng đối thoại' với Việt Nam để giải quyết tình hình.

"Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 01/05/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho Nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế," ông Thanh nói trong bài phát biểu.

"Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh," Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói thêm.