09 juillet 2014

Cháy nhà ra mặt anh tài

Theo Người buôn gió


Người ta có câu '' cháy nhà ra mặt chuột ''. Mặt chuột trong câu này ý nói đến bọn đục khoét nằm trong nhà, khi có hạn đến mới lòi ra mặt của chúng.
Nhưng câu này không đúng trong trường hợp chiếc máy bay trực thăng vừa rơi ở Hoà Lạc mới đây, chết mười mấy chiến sĩ tinh nhuệ.
Đây là một thảm hoạ tang thương, các chiến sĩ trong khi tập luyện đã tử nạn. Ở một nước khác người ta sẽ mổ xẻ nguyên nhân, truy tìm trách nhiệm, buộc một kẻ nào đó phải chịu trách nhiệm và kèm theo hình thức xử lý.
Ở ta thì báo chí , dư luận đi sâu vào vấn đề tình cảm. Người ta đưa dư luận vào luồng định hướng đây là những chiến sĩ ưu tú, họ hy sinh cao cả, họ có gia đình , họ có tinh thần phục vụ ....cái này tất nhiên hoàn toàn đúng. Những chiến sĩ ấy đều đáng được tưởng nhớ, tri ân và vinh danh.
Khi đi sâu vào chuyện tôn vinh, tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh. Ca ngợi những người hy sinh ấy, vô tình lại là ca ngợi thể chế mà những người lính ấy đã phục vụ.  Thế là đáng nhẽ từ người phải chịu trách nhiệm về việc mười mấy chiến sĩ hy sinh, thì bỗng nhiên quân đội, thể chế lại được hưởng danh từ sự hy sinh ấy. Nhân dân sẽ ghi nhớ là quân đội, thể chế đã đào tạo ra những người lính cao cả, hy sinh vì đất nước, dân tộc này.
Từ chiếc máy bay cất cánh 15 phút thì lao xuống đất trong tập luyện, chết gần 20 chiến sĩ lẽ ra là một thất bại của quân đội. Bỗng nhiên sau một loạt bài viết, hình ảnh bi thương, hùng tráng, những clip cũ về những người hy sinh, những kỷ niệm cuả họ đã che phủ đi những đòi hỏi tìm nguyên nhân tai nạn. Và rồi những bi tráng ấy được điểm xuyết cho hình ảnh của quân đội nói chung. Một hình ảnh hào hùng.
Tương tự như một trận đánh, do sai lầm đánh giá đối phương, nướng cả trung đoàn quân vào hoả lực đối phương. Nhưng kết thúc là chứng minh quân đội ta anh dũng, kiên cường, quả cảm ....đó là nhờ sự lãnh đạo của của đảng, nhà nước và các tướng lĩnh đã rèn giũa họ thành người như thế.
Chả người lính nào muốn chết một cách như vậy để thành anh hùng cả. Nhất là trong tập luyện.
Đừng mang sự hy sinh của họ để che đậy cách quản lý, chỉ huy của mình.
Chuyện lo lắng chế độ an ủi cho gia đình các chiến sĩ ấy đương nhiên là việc phải làm, họ là những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ đúng nghĩa. Nhưng trách nhiệm của người chỉ huy cần phải được xử lý nghiêm khắc. Có thế những người lính khác mới yên tâm khi làm nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đừng để họ hy sinh vì trong đầu họ phải tiếc nuối vì ai đó đã bớt xăng, bớt đi khoản bảo dưỡng định kỳ vũ khí, khí tài..khiến họ phải hy sinh.