Theo Viet-sudies
Nguyễn Trung
Nguyễn Trung/ Viet-studies
Chẳng
lẽ đốn đời đến mức phải nói lời cảm ơn với cái giàn khoan HD 981 hả
trời đất!? Tôi cảm thấy xấu hổ trong lòng về ý nghĩ này, và quả thực
trong bụng có lúc tôi đã nghĩ như vậy!
Sự thật là không ít các bạn đồng niên của tôi cũng có cách nghĩ như
thế trước một thực tế đau lòng: Hàng chục năm nay, chí ít là từ khi
anh Trần Quang Cơ trong cuốn Hồi ức và suy nghĩ
(2001) của mình đã giấy trắng mực đen cảnh báo rành rành trước cả
nước về mối họa Thành Đô. Nhưng tất cả cứ như nước đổ đầu vịt! Các
lời cảnh báo khác qua mấy khóa đại hội đảng cũng thế…
Thậm chí mãi cho đến ngày 02-05-2014 trở về trước, nghĩa là cho đến
khi cái giàn khoan HD 981 cắm sâu vào vùng biển của ta, hễ cứ ai mở
miệng phê phán Trung Quốc ăn hiếp nước ta nhiều chuyện, hay biểu
tình lên tiếng đòi “NO U” (nói Không với đường lưỡi bò!).., là lập
tức bị gán cho cái tội phá đại cục quan hệ Việt Nam – Trung Quốc để
lật đổ chế độ!.. Đã có những bắt bớ và tù đầy nhằm đàn áp những
chuyện này. Thậm chí ngay cái tên gọi Trung Quốc trong
không biết bao nhiêu hành động phải gọi là tội ác ức hiếp nước ta dù
là trên bộ hay dưới biển, phía ta cũng phải lờ đi, ngậm bồ hòn làm
ngọt, hoặc vì vì lý do nào đấy nếu buộc phải nhắc đến thì cũng phải
gọi trẹo đi là tầu lạ, kẻ lạ…
Nhưng đúng là từ sau cái ngày 02-05-2014 câu chuyện đã bắt đầu khác.
Vâng, mới chỉ bắt đầu khác thôi.
Bây giờ mà có ai cả gan công khai bảo vệ 4 tốt và 16 chữ,
chắc chắn sẽ được cả nước ném đá khỏi phải đem đi chôn luôn!
Dù sao, toàn bộ câu chuyện nói trên mới chỉ là chuyện nổ bùng của
tình cảm – một tình cảm bị quyền lực và tủi nhục lâu nay đè nén đến
ê chề, nhìn đất nước hàng ngày oằn lên dưới sự lũng đoạn mọi mặt của
Trung Quốc mà không làm gì được! Nói đúng hơn là: Không được làm
gì!
Bây giờ xin cùng nhau giữ cái đầu lạnh một chút, giữ trái tim ấm một
chút với đất nước, để cả nước cùng nhau nhìn nhận lại tất cả.
Khi
được tin báo về nước là hội nghị Thành Đô đã kết thúc, bộ trưởng
Nguyễn Cơ Thạch thốt lên: Một thời Bắc thuộc lần thứ hai bắt đầu!
Câu chuyện giàn khoan HD 981 hôm nay bắt đầu từ đấy.
Thỏa thuận Thành Đô 1990 ra đời trong hoàn cảnh (1) Việt Nam đã thấm
đòn cuộc chiến tranh 17-02-1979 của Trung Quốc (chỉ thực sự kết thúc
1989) và chiến tranh Campuchia (do Trung Quốc cài dựng lên để lừa ta
vào), (2) Trung Quốc vừa mới đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của ta ở
Trường Sa năm 1988, và (3) hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa (các
nước Liên Xô – Đông Âu cũ) bắt đầu sụp đổ từ 1989. Nỗi lo sự sụp đổ
này có thể xóa mất chế độ chính trị ở nước ta là một trong những tác
nhân quyết định dẫn tới bước đi nói trên của lãnh đạo phía Việt Nam
hồi ấy, chưa kể đến những nguyên nhân khác cá nhân.
Tìm kiếm liên minh ý thức hệ ở Thành Đô trong bối cảnh như vậy chính
là tìm kiếm liên minh với kẻ vừa mới thẳng tay làm thịt mình mấy
trận liền. (Xin đừng quên: Trung Quốc lúc ấy còn kênh kiệu: Nếu Việt
Nam có chịu đến Thành Đô thì cũng chỉ có liên minh thôi, chứ không
thể có đồng minh, chỉ là đồng chí chứ không thể là đồng minh!..)
Không thể nói lãnh đạo phía Việt Nam thời ấy không đếm xỉa đến thực
trạng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như đã nêu trong Sách Trắng 1979[1].
Nhưng quyết định Thành Đô là sự lựa chọn của lãnh đạo phía Việt Nam
vào thời điểm và hoàn cảnh lịch sử của thế giới cũng như của chính
nước ta lúc bấy giờ, với niềm tin sẽ phục hồi lại được quan hệ hữu
nghị giữa hai nước, sẽ có hòa bình, và tạo ra được liên minh ý thức
hệ, để từ đó có thể bảo vệ chế độ và giữ nước. Những điều cốt lõi
này tạo nên quyết định lựa chọn liên mình ý thức hệ.
Hơn nữa, hệ thống thế giới XHCN không còn nữa, Việt Nam phải đi với
Trung Quốc để cùng nhau bảo vệ chủ nghĩa xã hội – rất nhiều lần lãnh
đạo đã giảng giải như vậy trong nội bộ và trong nhân dân.
Chặng đường một phần tư thế kỷ từ Thành Đô đến giàn khoan HD 981, là
chặng đường Việt Nam nhận được một nền hòa bình phải trả giá đắt
bằng nhiều nhân nhượng hoặc thua thiệt đau lòng – trong những vấn đề
biên giới trên bộ và trên biển, trong quan hệ kinh tế, trong nhiều
vấn đề chính trị khác, và lòng tự trọng dân tộc bị tổn thương nặng
nề…
Trong những năm gần đây đã có nhiều học giả và cơ quan nghiên cứu
trong nước trong nước đưa ra nhiều dữ liệu, sự kiện và những lý lẽ
xác đáng cho thấy kinh tế nước ta lệ thuộc nghiêm trọng và trên thực
tế gần như trở thành một nền kinh tế phụ trợ cho Trung Quốc: Cung
cấp như vơ vét mọi tài nguyên khoáng sản ta có cho Trung Quốc; xuất
siêu của ta sang thị trường toàn thế giới không đủ bù nhập siêu của
ta từ Trung Quốc; Việt Nam trở thành một thị trường lý tưởng tiêu
thụ hàng hóa rẻ, độc hại và chất lượng xấu của Trung Quốc; trong hơn
một thập kỷ nay khoảng 2/3 công trình kinh tế lớn xây mới trong cả
nước rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc với chất lượng công nghệ thấp,
đắt, ô nhiễm môi trường nặng nề, bóp chết khả năng nội địa hóa của
nước ta…
Thực
tế một phần tư thế kỷ vừa qua cũng cho thấy nội tình đất nước bị
quyền lực mềm Trung Quốc lũng đoạn và chia rẽ ngày càng trầm trọng,
con đường phát triển của đất nước bị kìm hãm, nhiều cơ hội phát
triển của đất nước bị cướp mất, chịu nhẫn nhục ngậm bồ hòn làm ngọt
nhiều thứ... Liên minh ý thức hệ dù mang tên 4 tốt và 16 chữ
không thể ngăn cản biết bao nhiêu việc làm sai trái năm này qua năm
khác của Trung Quốc trên Biển Đông. Về toàn cục, nước ta chỉ gặt hái
được một thực tế: ta càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới. Và
hôm nay nước ta lâm vào tình trạng bị cô lập trước nguy cơ bị lấn
chiếm tiếp, bị bao vây và xâm lược từ phía Trung Quốc chưa từng có
kể từ 30-04-1975.
Nỗi
đau còn nhức nhối hơn ở chỗ Trung Quốc đã làm được như vậy đối với
nước ta giữa lúc nước ta đã hội nhập toàn diện vào quá trình toàn
cầu hóa, sản phẩm của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường
quan trọng trên thế giới, hầu hết các quốc gia quan trọng trên thế
giới là đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện của nước ta. Nói
cách khác: Lợi dụng cái liên minh ý thức hệ này, quyền lực mềm Trung
Quốc đã thành công trong việc vô hiệu hóa đáng kể những nỗ lực hội
nhập quốc tế của Việt Nam để vươn ra bên ngoài, đã giam hãm thành
công Việt Nam trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc mà đến hôm nay Việt
Nam vẫn chưa có cách gì thoát ra.
Còn
một hiện tượng nữa cần lưu ý. Về mặt nào đó, phẩm chất chính trị của
chế độ ở thời điểm Việt Nam bước vào Hội nghị Thành Đô so với hôm
nay có sự khác biệt nghiêm trọng: Hôm nay là sự tha hóa đến mức nguy
hiểm, mà chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận là
đang đe dọa sự tồn vong của đảng và của chế độ. Ngoài quá trình tha
hóa tự thân của chế độ toàn trị một đảng, phải nói quyền lực mềm
Trung Quốc chủ yếu bằng sử dụng những thủ đoạn tham nhũng và hủ hóa
đã góp phần quan trọng vào làm sâu sắc thêm quá trình tha hóa này
của chế độ chính trị ở nước ta. Mười ngày đầu (02-05 đến 11-05-2014)
sau khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD 981 là mười ngày câm lặng, bất
động không biết nên phản ứng như thế nào, mọi nỗ lực “đường dây
nóng” đều vô ích hoặc bị cự tuyệt, càng lúng túng đến mức như nhắm
mắt làm ngơ giữa lúc đất nước đang có bao nhiêu hội họp quan trọng…
Đó là mười ngày phơi bầy ra sự ươn hèn của hệ thống chính trị, làm
tổn thương nghiêm trọng quốc thể.
Đến
đây có thể rút ra kết luận: Tạo ra liên minh ý thức hệ ở Thành Đô là
để mong có hòa bình, bảo vệ được chế độ và giữ được nước, nhưng hôm
nay gặt hái được: kinh tế lệ thuộc, độc lập chủ quyền quốc gia tiếp
tục bị uy hiếp, chế độ chính trị bị Trung Quốc lũng đoạn sâu thêm,
đảng cũng bị Trung Quốc trói buộc cả về tư duy và về hành động vào
liên minh này (nên đọc thêm “4
không được” do Trung Quốc đưa ra trước khi Dương Khiết
Trì đến Hà Nội 16-06-2014), con đường phát triển của đất nước bị
chặn đứng.
Liên
minh như thế đúng là mất cả chì lẫn chài.
Toàn
bộ những diễn biến của quan hệ Việt – Trung tác động vào Việt Nam
trong một phần tư thế kỷ vừa qua thừa nhận: Việt Nam về nhiều mặt và
trên thực tế trở thành một chư hầu kiểu mới của Trung Quốc[2].
*
Trên
đây không chỉ là câu chuyện của thất bại tìm kiếm liên minh ý thức
hệ. Nó còn là câu chuyện sụp đổ ý thức hệ của chính bản thân ĐCSVN
trên 2 phương diện:
(1)
Trung Quốc có một ý thức hệ riêng của mình và tùy từng thời kỳ mang
những tên gọi khác nhau. Hiện tại tên gọi đó là CNXH đặc sắc
Trung Quốc và Giấc mộng Trung Hoa. Nhưng trước sau vẫn
chỉ là cái gốc bành trướng Đại Hán. Thật ra trước khi có Thành Đô,
Việt Nam lần đầu tiên được hưởng quả đắng của ý thức hệ gốc này là
năm 1956, khi Trung Quốc lợi dụng tình hình nhá nhem chiếm một phần
Hoàng Sa, giữa lúc quan hệ hai nước đẹp như trong thơ: Việt Nam
Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông… Thứ ý thức hệ
bành trướng Đại Hán này đâu có thèm liên minh, nó chỉ ban tặng cho
phía ta 4 tốt và 16 chữ, thế thôi. Đấy chính là thực chất của
cái gọi là “liên minh nhưng không phải là đồng minh, đồng chí chứ
không đồng minh…” mà Trung Quốc đã giao hẹn trước với phía ta
khi chấp nhận ngồi với ta ở Thành Đô.
(2)
Ý
thức hệ của ĐCSVN đã thất bại trong việc dẫn dắt con đường phát
triển của Việt Nam trong 4 thập kỷ đầu tiên xây dựng và bảo vệ đất
nước kể từ sau 30-04-1975[3].
Đất nước đang đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện và đòi hỏi phải
tìm một con đường khác để đi vào một thời kỳ phát triển khác – một
thời kỳ phát triển mới trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Thế
nhưng hiện nay ĐCSVN với tư cách là người nắm quyền hành tuyệt đối
đang nợ đất nước câu trả lời, nói thẳng ra là không đủ trí tuệ, phẩm
chất và bản lĩnh để tìm được câu trả lời. Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng trước sau đã nhiều lần thay mặt đảng trả lời trước toàn đảng
và toàn dân rồi: Phải kiên định con đường của chủ nghĩa xã hội. Câu
trả lời này chỉ nói lên đến hôm nay ĐCSVN vẫn chưa có câu trả lời.
Thực
tế chặng đường Thành Đô – giàn khoan HD 981 cho thấy một phần tư thế
kỷ vừa qua phía ta đã chịu bịt tai, nhắm mắt, ngậm miệng, tự trói
chân tay…, chịu biết bao nhiêu thua thiệt và nhân nhượng; nhiều cái
Trung Quốc làm sai không dám cãi; nhiều cái lợi ích quốc gia đòi hỏi
nhưng không dám đi trước, không dám làm khác hay làm trái Trung
Quốc, cả trong đối nội và đối ngoại; nhiều cái lợi ích quốc gia đòi
hỏi phải giữ đến cùng nhưng không giữ được; thậm chí phải bỏ qua,
che đậy hay cắt xén cả lịch sử để giữ hòa hiếu, cho đội ngũ dư luận
viên lung lạc dân (dọa mất sổ hưu!)… tất cả để cố cùng giữ đại cục
cho bằng được… Nhưng trước sau nước ta vẫn cứ chịu thua thiệt tiếp,
đất nước hôm nay càng lâm nguy. Làm nghề ngoại giao, thực quả đến
nay tôi chưa tìm được trên thế giới này có một quốc gia độc lập nào
có vị thế quốc tế không thể nói là thấp kém như Việt Nam mà lại chịu
để cho một nước láng giềng khép vào khuôn khổ đến như vậy! Hai năm
trời nước ta là ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo An mà cứ phải
chịu im như thóc trước bao nhiêu việc sai trái của Trung Quốc trên
Biển Đông… Nhìn lại quá khứ, tôi cũng chưa thấy nước Việt Nam độc
lập trong lịch sử mấy nghìn năm quan hệ với Trung Quốc có thời nào
độc lập quốc gia lại bị trói buộc như hôm nay!
Trong khi chăm lo giữ đại cục như thế, cũng xin đảng và nhà nước
giao cho hàng nghìn người Việt đang làm việc hay học tập ở Trung
Quốc nhiệm vụ tìm hiểu dư luận xã hội và báo cáo trung thực về nước
xem Trung Quốc với tính cách là một quốc gia đang nhìn quốc gia Việt
Nam như thế nào. Đại sứ quán của ta ở Trung Quốc phải là người trước
tiên làm tốt việc này. Đồng thời cũng nên giao ngay cho các đoàn cán
bộ đảng và nhà nước mỗi năm hàng trăm người được cử sang học tập ở
Trung Quốc làm nghiêm túc việc tìm hiểu này. Một số sinh viên học ở
Trung Quốc về nói với tôi: Ông ạ, cháu thấy họ nhìn Việt Nam chưa
được một nửa con mắt đâu ạ. Họ khinh nước ta tệ hại hơn thế nhiều…
Tại sao báo chí Trung Quốc ra rả hàng ngày những bài và tin tức về
Việt Nam như thế, mà nhân dân ta chẳng được hay biết gì ngoài cái
4 tốt và 16 chữ? Tin tức một số báo chí Trung Quốc lâu
nay nói thẳng: Việt Nam đáng cho một bài học mới (theo kiểu của Đặng
Tiểu Bình), nhân dân Trung Quốc đã được chuẩn bị tư tưởng cho việc
này… Ai muốn quy kết những điều tôi viết ra ở đây là kích động chống
Trung Quốc thì tùy. Trước sau tôi vẫn nghĩ, muốn có hòa bình và giữ
được hòa bình với Trung Quốc, nhất thiết phải hiểu họ, hiểu cho đến
tận xương tủy họ[4].
Xin
ý chí và trí tuệ cả nước hơn lúc nào hết thấy rõ: Một phần tư thế kỷ
khai thác sự lệ thuộc đến mức gần như tự trói tay và tự bịt mắt của
nước ta, Trung Quốc đã tạo ra được cho mình một tình huống hôm nay
có trong tay đủ mọi kịch bản từ A đến Z để chủ động tùy nghi xử lý
Việt Nam – từ những thủ đoạn đê tiện và bẩn thỉu nhất đến chiến
tranh. Xin cứ nhìn xem Trung Quốc đang làm gì bằng “hòa bình” và
trong hòa bình – ví dụ trước khi cử Dương Khiết Trì sang Việt Nam
(16-05-2014) thì đưa ra cho phía Việt Nam “4 không được”, cứ nhìn
trong 2 ngày 13 và 14-05-2014 quyền lực mềm Trung Quốc kích động
cướp phá thành công khỏang 800 xí nghiệp có FDI từ Bắc vào Nam, cứ
nhìn Trung Quốc bầy binh bố trận trên bộ và trên biển chung quanh
nước ta, cứ nhìn cái 9 vạch bây giờ thành 10 vạch, cứ nhìn rồi đây
cái chiến tuyến trên biển nối liền các căn cứ quân sự Du Lâm (Hải
Nam) Gạc Ma, Chữ Thập, rồi kéo tiếp về phía Scarborough
(Philippines), và báo chí Trung Quốc đã để ngỏ khả năng lập vùng
nhận dạng phòng không (AIDZ) trên Biển Đông… Rồi các ngón đòn kinh
tế và quyền lực mềm khác sẵn sàng dành cho Việt Nam… Một số chuyên
gia của ta tính toán những đòn kinh tế này có thể dễ dàng làm GDP
của Việt Nam tụt 5 – 10%...
Kịch
bản Trung Quốc đang thực hiện để xử lý Việt Nam hiện là kịch bản tối
ưu số một đối với họ. Bởi vì kịch bản này đang mang lại kết quả
nhiều nhất, rẻ nhất, “êm ả” nhất: Duy trì được sự khiếp nhược hiện
tại của Việt Nam để lấn chiếm tiếp, uy hiếp tiếp mà không phải dùng
đến những biện pháp quân sự trực tiếp và ồn ào hơn. Chừng nào còn sự
khiếp nhược này, kịch bản này còn phát huy tốt tác dụng. Làm quá tay
dân chúng Việt Nam có thể sẽ nổi lên chống chế độ, mà như thế sẽ rất
bất lợi cho kịch bản rẻ, tốt, “êm ả” và đang rất hữu dụng này! Nếu
tình hình đòi hỏi chuyển kịch bản cũng không sao, mọi thứ Trung Quốc
đã sẵn sàng... Cứ nghe những tuyên bố mới nhất của Tập Cẩm Bình cho
rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi không thể nhân nhượng của Trung
Quốc, rồi nhìn các hành động leo thang tiếp tục của Trung Quốc đang
diễn ra, có thể thấy rõ toàn bộ cục diện Biển Đông hiện nay.
Xin
hỏi cả nước:
-
Quốc
gia trong tình thế hiện nay đã sẵn sàng mọi mặt chưa? Bây giờ vẫn
còn đang tính đến Chừng nào ngư dân còn bám biển thì còn giữ được
đảo… Trước sau vẫn phải kiên định… (các phát biểu của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng).
-
Quốc
gia trong tình thế hiện nay đã phải đặt ra nhiệm vụ cứu nước chưa?
Hay là bây giờ nói cứu nước là biểu hiện của hốt hoảng? của thổi
phồng tâm lý bi quan, là kích động chống chế độ?..
Vậy
chỉ còn mỗi cách mở mắt, mở mồm, cởi trói nhìn thẳng vào sự thật để
tìm câu trả lời, tìm lối ra.
Xin
nói ngay ở đây thế này: Cái đáng lo đối với nước ta không phải là
việc Trung Quốc có thể gọi mưa hú gió trị ta thế nào! Đấy không phải
câu chuyện đáng sợ nhất, nước ta đã từng bị thử thách như thế nhiều
lần rồi và không sợ. Đất nước này không thể mất về tay Trung Quốc
được đâu. Nhưng thật sự cái đáng lo nằm ở chỗ bất ngờ hoặc để xảy ra
hoang mang, tự ta phá ta, mắc bẫy vào chính cái võ kích động của
quyền lực mềm Trung Quốc... Rồi cái nhân danh chống kích động và bạo
loạn đển đàn áp dân… Trong khi đó đất nước đang phải đối mặt với
trăm nghìn vấn đề nhạy cảm giữa hòa bình và chiến tranh, giữa ổn
định và đổ vỡ. Ngay giữa Hà Nội mà có chỗ cứ lát 1m vỉa hè hết một
tỷ đồng! Quảng Trị có nơi hạn hạn nặng hàng tháng nay không có nước
cho người, gia súc và cây trồng. Khu công nghiệp Vũng Áng được hưởng
ưu đãi đến tột cùng (Tuổi trẻ online 08-07-2014) với hàng nghìn lao
động Trung Quốc chỉ cách căn cứ hải Quân Du Lâm ở Hải Nam và giàn
khoan HD 981 khoảng trên dưới 200 km sẽ là cái gì đối với Việt Nam?
Thể chế chính trị và hệ thống nhà nước hiện hành làm sao có được và
quản lý được một nước công nghiệp cơ bản theo hướng hiện đại vào năm
2020? Nhập siêu và nợ công cứ tăng mãi không giảm. Thay thế nhập
khẩu nguyên vât liệu từ Trung Quốc như thế nào? Nếu Trung Quốc gây
rối loạn trên mặt trận tài chính, ngân hàng thì đối phó ra sao?..
v.v… Vâng, sẩy tay là rối lọan, là đổ vỡ, là dậu đổ bìm leo. Người
Việt Nam nào không muốn có hòa bình lúc này để xử lý những vấn đề
đang chồng chất ngập đầu mình!..
Thế
nhưng trong tình hình này cứ giấu dân, trấn an suông, không cùng với
dân chuẩn bị đối phó với mọi tình huống, liệu có yên thân không? Cứ
khiếp nhược cầu hòa mãi, liệu Trung Quốc có nương tay không? Thế
giới sẽ nhìn Việt Nam ra sao? Giúp hay không nên giúp?.. Việt
Nam có thực sự muốn được giúp không, hay là..?..
Chính lúc này hơn bao giờ hết phải bàn kỹ với dân, huy động trí tuệ
và sự tham gia ứng phó của toàn dân. Hơn bao giờ hết phải đặt ra
nhiệm vụ cứu nước cho cả nước để cùng tìm cách thực hiện. Có tự giúp
mình thì thế giới mới giúp mình! Phải đi với dân, đối thoại với dân
để bàn việc cứu nước. Đối thoại trực tiếp với tất cả các tổ chức xã
hội dân sự đang có, để cùng nhau bàn việc cứu nước, chứ không phải
bịt miệng họ, quy kết cho họ đủ mọi thứ để khống chế hay đàn áp họ
như vẫn đang làm.
Lúc
này vẫn kiên định hàng đầu là bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng như Tổng bí
thư yêu cầu thì làm sao giữ được nước? Tại sao không đặt vấn đề
ngược lại: Lấy giữ nước, cứu nước làm nhiệm vụ trung tâm, qua đó
thay đổi chế độ, thay đổi hay là lột xác đảng để trở thành đảng của
dân tộc? Đất nước không cứu được, liệu đảng sẽ còn tồn tại? Mà nếu
còn tồn tại thì sẽ là cái đảng gì? Có thể tồn tại như thế mãi được
không? Đại hội XII có nên quan tâm vấn đề này không? Đặt vấn đề hay
không đặt vẫn đề cứu nước chính là ở điểm nghiêm trọng này.
Tôi
nghĩ đại đa số người dân nước ta – trước hết là trí tuệ Việt Nam –
đủ hiểu biết và có bản lĩnh làm như thế để cứu nước. Tôi thực sự tin
rằng có nhiều đảng viên ĐCSVN cũng đang nghĩ và muốn làm như thế.
Chẳng ý đồ đen tối nào có thể kích động nổi chúng ta mù quáng chống
Trung Quốc theo bất kể lối suy nghĩ kỳ thị và phân biệt chủng tộc
nào. Chính vì muốn sống hòa bình bên cạnh Trung Quốc, nên bây giờ
việc đầu tiên phải làm là cứu nước. Cứu nước khỏi cái mù quáng và tự
trói đối với Trung Quốc, khỏi tình trạng quyền lực chỉ lo quay về
trấn áp trong nước để bảo vệ chế độ, khỏi mọi yếu kém vì đất nước
đang khủng hoảng và tha hóa toàn diện, khỏi tình trạng mất phương
hướng và tê liệt về con đường phát triển. Cứu nước để tìm ra con
đường làm cho đất nước mạnh lên theo mọi nghĩa. Vì chỉ như thế mới
có thể chung sống hòa bình với Trung Quốc, rồi từ đó mới có hữu nghị
đúng đắn, hợp tác đúng đắn. Một phần tư thế kỷ tự trói vừa qua để
giữ đại cục đã dắt chúng ta đến câu trả lời này.
Nếu
ai nghĩ rằng làm cho Việt Nam mạnh như thế là chống Trung Quốc, thì
cứ để cho họ bênh và bảo vệ Trung Quốc. Ai quy kết rằng gọi mọi sự
việc đúng với tên thật trong quan hệ Việt – Trung là kích động chống
chế độ, chống đại cục quan hệ Việt – Trung, thì đấy chính là biểu
hiện muốn đàn áp những nỗ lực muốn cứu nước. Ai thực sự muốn đục
nước béo cò bằng những việc làm kích động thù hận hay xuyên tạc sự
thật để gây rối kiếm lợi bẩn thỉu, thì chính những việc làm này nói
lên dã tâm của họ. Tất cả những thứ này không phải là công việc của
chúng ta và cũng không thể lung lạc chúng ta.
Xin
nhấn mạnh, cái sai gốc trong việc tìm kiếm liên minh ý thức hệ ở
Thành Đô là ở chỗ: Làm tất cả mọi việc để bảo vệ chế độ, rồi mới
tính đến giữ nước. Đấy là cách tính toán có giữ được chế độ
mới giữ được nước. Nhất thiết phải sửa cái sai gốc vô cùng
tệ hại này.
Trước tình hình đất nước lâm nguy hôm nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng kêu gọi trước các cử tri (Hà Nội và một số nơi khác) phải kiên
định giữ hòa bình, đoàn kết, bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng, bảo vệ nhà
nước, bảo vệ nhân dân, không lầm lẫn đấu tranh chống những sai trái
trên Biển Đông với 1,3 tỷ nhân dân Trung Quốc, phải kiên trì gìn giữ
mối quan hệ hai nước đã xây dựng được từ lâu đời, phải đấu tranh
bằng mọi biện pháp hòa bình – kể cả những biện pháp luật pháp quốc
tế, phải đề phòng kẻ xấu kích động…
Tất
cả những điều Tổng bí thư đã nói trên hiển nhiên vẫn là nếp nghĩ cũ,
vẫn là cách tính toán có giữ được chế độ mới giữ được nước
đã từng dẫn tới Thành Đô trước đây 25 năm, là cách ĐCSVN đã làm rất
triệt để xuyên suốt 25 năm vừa qua, và hôm nay dẫn đất nước tới cái
giàn khoan HD 981 với nhiều hệ lụy mới. Cho đến khi tôi viết những
dòng chữ này, chưa thấy một ý kiến nào từ lãnh đạo đảng đặt vấn đề:
Đất nước phải tìm một con đường khác để có thể sống được hòa bình
bên cạnh Trung Quốc. Hay là đảng đang giữ bí mật?
Không phải chỉ riêng tổng bí thư, toàn thể Bộ Chính trị đến nay chưa
ai nói thẳng ra với cả nước để cùng lo liệu: Đất nước đang bị Trung
Quốc uy hiếp nghiêm trọng thế này vì yếu quá và có đang có quá nhiều
yếu kém đối nội cũng như đối ngoại.
Cũng
chưa thấy vị lãnh đạo nào nghiêm túc đặt vấn đề: Duy trì hiện trạng
của đất nước, đất nước sẽ thua tiếp, lâm nguy tiếp! Phải tìm đường
làm cho nước mạnh lên để cứu nước! Thay vào đó, lúc này lúc khác chỉ
có những câu nói trấn an mà chính người nói có lẽ cũng thấy khó tin.
Làm như vậy hiểm nguy của đất nước sẽ bớt đi?
(1) Đất nước đang có quá nhiều yếu kém nguy hiểm, con đường phát
triển đất nước do có quá nhiều sai lầm nên đang bị cuộc khủng hoảng
toàn diện hiện nay chặn đứng, (2) uy hiếp của Trung Quốc ngày càng
không kiểm soát được và độc lập chủ quyền quốc gia đang bị xâm lấn
tiếp, (3) kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế đã sang trang với
những vấn đề và thách thức hoàn toàn mới – cả 3 vấn đề lớn này đảng
chưa có đối sách nào, chưa có một hướng chiến lược xoay sở ra sao...
Chẳng lẽ tình hình như vậy chưa đủ để nhận định đất nước đang lâm
nguy đến mức phải đặt vấn đề cứu nước? Xin cả nước suy nghĩ cho thật
kỹ. Ngay hiện tại đã có nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự,
đối ngoại… nước đến chân rồi mà chưa biết nhảy như thế nào… Chẳng lẽ
trước sau chỉ một mực: Ngư dân còn bám biển thì còn đảo!..
Trong ngôn ngữ và sinh hoạt đảng hiện nay hình như đang thiếu vắng
hoàn toàn hai chữ cứu nước!?
Đại
hội XII của ĐCSVN sắp đến. Trong quá trình chuẩn bị, dư luận cả nước
chỉ được thông báo những việc có liên quan đến chuẩn bị nhân sự đại
hội các cấp; kêu gọi các cấp nghiêm túc thực hiện những quyết định
của Hội nghị Trung ương 9 về chuẩn bị Đại hội – nhưng dư luận cả
nước không biết rõ đấy là những quyết định gì; đặt vấn đề phải tổng
kết 30 năm đổi mới nhưng dư luận cả nước không biết là sẽ tổng kết
như thế nào (còn tổng kết như các đại hội các khóa trước đã làm thì
đã dẫn đến thực trạng đất nước hôm nay…) Nghĩa là cũng như mọi khóa
đại hội khác, việc của đảng là việc của đảng, nhân dân là người
ngoài cuộc với lọn nghĩa của khái niệm này; nếu có chuyện lấy ý kiến
này nọ thì cũng chỉ là làm chiếu lệ cho có vẻ dân chủ.
Song
mọi việc đại hội XII của đảng sẽ quyết lại là những việc liên quan
đến sự mất còn của đất nước. Cho đến nay chưa thấy một thông báo nào
đặt vấn đề đại hội tới sẽ phải làm gì, đảng sẽ phải làm gì. để đất
nước mạnh lên để cứu nước? Chẳng lẽ đấy là bí mật của đảng – nghĩa
là đất nước này là của riêng đảng. Hay là vấn đề này chưa được đặt
ra? Đến bây giờ chỉ có những thông báo phải bảo vệ chế độ, bảo vệ
đảng, kiên định giữ hòa bình, chống bị kích động… - như 25 năm nay
vẫn thường làm.
Xin
nhắc lại tại đây một chân lý nguyên sơ rất mộc mạc: Đất nước này là
của nhân dân, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là của đảng, đơn giản
là đảng cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong nhân dân mà thôi. Dù đảng
có yêu nước giả thử là hơn dân, thông minh hơn dân vài con
sào đi nữa, đất nước vẫn là của nhân dân, trong đó đảng chỉ là một
bộ phận. Đấy là giả thử thôi, hôm nay phải nói ngược lại.
Song
trên tất cả mọi lý lẽ, đất nước đang lâm nguy, làm cho nước mạnh lên
để cứu nước là sự nghiệp của nhân dân cả nước, của toàn thể cộng
đồng dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay ở nước ngoài. Đây
không được phép là việc riêng của đảng. Đây không thể là công việc
riêng của ĐCSVN, dù có muốn đảng cũng không làm nổi.
Không bao giờ được phép coi cứu nước là một việc riêng của đảng, bởi
vì nhân dân cả nước không bao giờ giao cho đảng một việc riêng
như thế. Nhưng nhân dân sẵn sàng để cho đảng phục vụ một sự nghiệp
như thế nếu đảng có phẩm chất và năng lực phục vụ sự nghiệp này đúng
với ý nguyện của nhân dân và lợi ích của quốc gia. Nếu cứu nước
không phải là việc riêng của đảng, nhất thiết đảng phải bàn luận với
cả nước. Nếu làm đúng trách nhiệm là đảng đang độc nhất nắm quyền,
ĐCSVN phải đứng ra tổ chức để nhân dân cả nước bàn bạc và quyết định
việc cứu nước, chứ không phải ngăn cấm hoặc gây cản trở việc bàn
luận, bưng bít báo chí… như hiện nay.
Trong sự nghiêp cứu nước, dứt khoát đảng phải chấm dứt việc
loại nhân dân ra ngoài cuộc, đơn giản vì sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ tổ quốc là sự nghiệp của nhân dân, không thể khác được, không ai
làm thay được. Thậm chí phải nói, chính vì loại nhân dân ra ngòai
cuộc, cho nên đảng đã liên tiếp vấp phải những thất bại nặng nề
trong 40 năm đầu tiên đất nước độc lập thống nhất mà lịch sử chắc
chắn sẽ không bỏ qua.
Ví
dụ:
-
Nếu
ngay sau khi đất nước độc lập thống nhất ngày 30-04-1975 đảng phát
huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân với tới cả tình thần đoàn kết
và hòa giải dân tộc để xây dựng nên một thể chế chính trị của nhà
nước pháp quyền dân chủ, mọi chủ quyền đất nước thuộc về nhân dân,
lựa chọn con đường dân tộc và dân chủ cùng đi với cả thế giới tiến
bộ để xây dựng và bảo vệ đất nước, hôm nay Việt Nam sẽ đứng ở đâu
trong thế giới này? Vì không làm được như vậy, phải nói đây là thất
bại nghiêm trọng nhất trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của ĐCSVN.
Con đường đã đi phải trải qua 4 cuộc chiến tranh đẫm máu, thế nhưng
hôm nay đất nước vẫn chỉ đạt được mục tiêu dang dở: chưa hoàn thành
nốt sự nghiệp cuối cùng đảng đã cam kết là đem lại độc lập tự do cho
nhân dân.
-
Nếu
không loại nhân dân ra ngoài cuộc, nếu dựa hẳn vào nhân dân, coi sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc là của nhân dân, tin vào sức mạnh
của nhân dân, coi lợi ích của nhân dân và của quốc gia là trên hết,
sợ gì mà không phát huy nhân dân đi cùng với cả thế giới để giữ nước
và xây dựng đất nước theo con đường dân tộc và dân chủ. Đâu có cần
thiết phải đến Thành Đô để tìm kiếm thứ liên minh khốn khổ này?
-
Nếu
trong toàn bộ quá trình đàm phán biên giới Việt – Trung không
bí mật với nhân dân, mà lại lấy nhân dân làm hậu thuẫn và dựa vào lẽ
phải trong đời sống quốc tế, kết quả sẽ thế nào?
-
Che
giấu nhân dân biết bao nhiêu sự việc sai trái của Trung Quốc có làm
giảm được tính bành trướng và sự thâm độc của Trung Quốc hay không?
Vân… vân…
-
…
-
…
Bí
mật quốc gia lúc nào cũng có, song đấy là những vấn đề chiến lược
hay chiến thuật cụ thể. Còn đường lối giữ nước, toàn bộ nhiệm vụ cứu
nước thì phải dựa hẳn vào dân. Đấu tranh tổng hợp và toàn diện để
giữ nước chống lại kẻ thù lớn hơn mình gấp bội, càng phải dựa vào
dân, trang bị cho nhân dân mọi hiểu biết và thông tin để có thể dựa
hẳn vào nhân dân, taọ mọi điều kiện phát huy sức mạnh và sự tham gia
của dân vào việc nước… Chứ không phải là cung cấp cho nhân dân những
thông tin định hướng, dậy dân theo kiểu làm cho nhiều thế hệ trẻ hôm
nay vẫn không biết là đã xảy ra chiến tranh 17-02-1979, thậm chí xóa
cả những vết tích các tội ác chiến tranh nhân dân ta đã phải chịu
đựng, biết tên kẻ cướp mà cứ phải gọi nó là kẻ lạ, tầu lạ…
Và
nhất là để cứu nước, đừng bao giờ coi dân là kẻ thù, áp dụng những
cách đối xử dân như kẻ thù, trấn áp sự phản kháng chính đáng của dân
nhân danh bảo vệ cái này cái nọ.
Nói
đi cũng phải nói lại, từng người dân cũng phải ý thức đầy đủ về
quyền và trách nhiệm của chính mình: Đất nước này là của chính mình!
Đừng bao giờ chịu bị loại ra đứng ngoài cuộc trong những vấn đề sống
còn của đất nước.
Đã
đến lúc phải đặt ra nhiệm vụ cứu nước là sự nghiệp trọng đại nhất
của toàn dân tộc ta lúc này. ĐCSVN bây giờ là gì, chính là thái độ
của đảng đối với sự nghiệp trọng đại nhất của toàn dân tộc lúc này
là cứu nước.
*
Vâng,
một phần tư thế kỷ quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc vừa qua, sự việc
nước ta đi từ thất bại này đến thất bại khác trong mối quan hệ hai
nước có một trong những nguyên nhân chiến lược quan trọng nhất là đã
không lựa chọn con đường cứu nước phải là con đường làm cho đất nước
mạnh lên. Những thất bại ấy là cái giá phải trả cho việc lựa chọn
con đường dựa vào liên minh ý thức hệ để bảo vệ chế độ, trên cơ sở
đó để giữ nước, và do đó đã đi tới cái quyết định Thành Đô. Con
đường ấy được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định đi
khẳng định lại nhiều lần qua sửa đổi Hiến pháp 2013, và mới đây nhất
là khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội: Phải kiên trì bảo vệ chế độ,
bảo vệ đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân, đề phòng mọi kích
động…
Một phần tư
thế kỷ vừa qua, vì ưu tiên số một là phải bảo vệ chế độ, bảo vệ
đảng.., chứ không phải ưu tiên số một là làm cho đất nước mạnh lên
với đúng nghĩa, nên đã đạt được trong chế độ toàn trị một đảng là:
Chế độ “mạnh” lên, đảng “mạnh” lên – mạnh với nghĩa càng chuyên
chính hơn với dân, càng “đảng hóa” mọi mặt đời sống đất nước… Còn
đất nước ta trở thành cái gì như hôm nay và đang gần như thân cô thế
cô như thế này trong cái thế giới mà nước ta đã hội nhập toàn diện
thì cả nước đều thấy rõ. Thân cô thế cô giữa lúc cả thế giới – chỉ
ngoại trừ Trung Quốc – muốn có một Việt Nam mạnh mẽ đứng vững chãi
trên đôi chân của mình! Thật là quái ác làm sao!
Đừng
đổ hết mọi cái xấu, mọi cái nguyên nhân thua thiệt của ta cho phía
Trung Quốc. Nghiêm túc thì phải tự phê bình – xin tạm mượn cách nói
theo ngôn từ ưa thích của Tổng bí thư – : Để cho đất nước yếu kém
như hôm nay, để cho Trung Quốc lũng đoạn nước ta trầm trọng như thế
này, có nguyên nhân chủ yếu là đảng càng ra sức bảo vệ chế độ, bảo
vệ đảng là ưu tiên hàng đầu. Hệ quả là cả chế độ và đảng ngày càng
hư hỏng và tha hóa nhiều hơn. Chỉ cần xem thống kê hàng năm các tội
phạm tham nhũng tiêu cực, quy mô các tội phạm này, mức độ nghiêm
trọng ngày càng tăng, số đảng viên phạm tội ngày càng nhiều và chức
vụ ngày càng cao – giữa lúc từ nhiều năm nay đang đẩy mạnh học tập
đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh… - đủ thấy rõ thực trạng hư hỏng và
tha hóa này. Sự yếu kém toàn diện của cả nước hiện nay trước hết là
tổng hợp sự tha hóa toàn diện của chế độ và của đảng, chứ không thể
đổ lỗi cho Trung Quốc hay cho bất kỳ lực lượng thù địch hay diễn
biến hòa bình nào.
Đúng
ra còn phải nhận định: Ưu tiên bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng như đã làm
suốt một phần tư thế kỷ vừa qua trong khuôn khổ liên minh ý thức hệ
Thành Đô với Trung Quốc đã hủ hóa đảng nghiêm trọng, đồng thời làm
hỏng cả chế độ, làm hỏng cả đất nước. Nhiều giá trị đạo đức xã hội
hôm nay băng hoại nghiêm trọng so với thời kỳ 1990… Đảng đang ngày
càng cùn đi về trí tuệ và ý chí chiến đấu, bây giờ chỉ biết cố học
đủ mọi thứ từ Trung Quốc, lúc này vẫn đang cử người đi học mọi thứ ở
Trung Quốc… Đảng bây giờ chỉ biết ra sức bám vào quá khứ để biện
minh cho vị thế chính trị hiện tại đảng đang nắm giữ. Đảng ngày càng
co rúm thụ động trước mọi thay đổi diễn ra ở trong nước và trên thế
giới, đến mức trên thực tế đảng đã tự đánh mất vai trò lãnh đạo lẽ
ra phải có, đơn giản vì bất lực không thể vạch ra được lối thoát đất
nước đang đòi hỏi. Đảng càng không dám đi tiên phong tìm lối thoát
cho đất nước. Đảng hôm nay trên thực tế chỉ còn lại là một lực lượng
chính trị mạnh nhất trong nước đang cai trị đất nước, với mọi quyền
lực kinh tế và chính trị lớn nhất, với sự chi phối của các nhóm lợi
ích chồng chéo. Đảng với tính chất mới được hình thành trong quá
trình tha hóa như thế trên thực tế đang trở thành đảng của các nhóm
quyền lực và các nhóm lợi ích khác nhau, rất thuận lợi cho quyền lực
mềm Trung Quốc khai thác. Nghĩa là đảng cũng đang trở thành con tin
của những thứ nhóm này, trở thành lực cản sự phát triển của đất
nước. Trung Quốc đã đi được những nước cờ tệ hại quá đáng đối với
nước ta, hù dọa và kiềm tỏa nước ta, ngăn cản được nước ta đi với cả
thế giới.., trong đó có nguyên nhân quan trọng là đảng đang ở trong
thực trạng yếu kém như hiện nay.
Từng
đảng viên, trước hết là những người giữ trọng trách trong đảng, nếu
còn quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ đảng, nếu còn tự trọng danh dự
người đảng viên, còn chút tấm lòng với đất nước, xin hãy cùng nhau
nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay của đảng.
Riêng đối với đảng viên, tôi xin giãi bầy: Muốn cứu nước thì
phải cứu đảng trước! Đấy là món nợ lương tâm và là trách
nhiệm chính trị phải trang trải của mỗi đảng viên đối với đất nước.
Đảng viên không cứu đảng thì còn ai làm nữa?
Đối
với cả nước, tôi không thể đòi muốn cứu nước trước hết phải cứu
đảng.
Nhưng đối với đảng viên, tôi bắt buộc phải nói như vậy, vì lẽ: Nếu
từng đảng viên không làm được cho đảng của mình với tính cách chỉ
còn là lực lượng chính trị mạnh nhất như hiện nay phải thay đổi đến
mức lột xác về ý thức hệ và về phẩm chất, để cùng đi chung với toàn
dân tộc trong sự nghiệp làm cho đất nước mạnh lên, sẽ là một thảm
họa cho đất nước. Vì như thế, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước
rồi đây sẽ phải đối kháng với lực lượng chính trị mạnh nhất này
trong nước, đầu rơi máu chẩy cho vô nghĩa sẽ là chuyện không thể
tránh khỏi. Nếu mỗi đảng viên hôm nay sớm quên hoặc không biết quá
khứ đau thương của dân tộc ta trong 4 cuộc chiến tranh vừa qua của
đất nước, xin chịu khó học nhờ các bài học xương máu đang nóng hổi
của nhân dân các nước Trung Đông, Bắc Phi và Ukraina hiện
nay…
Cho
nên không gì may mắn hơn cho đất nước chúng ta, nếu làm cho lực
lượng chính trị mạnh nhất này ý thức được nhiệm vụ chính trị mới này
để tự lột xác cùng đi với cả dân tộc. Đảng dù yếu kém như hiện nay,
song biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết vẫn dư lực ý thức được
và làm được nhiệm vụ chính trị đáng phải làm này, thậm chí có thể sẽ
là quân chủ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng đại này của quốc
gia. Làm được như thế, từ trong hàng ngũ các đảng viên của đảng sẽ
xuất hiện những gương mặt mới trong hàng ngũ cứu nước của quốc gia,
rồi sự rèn luyện của cuộc sống sẽ làm nên tất cả những gì cuộc sống
đòi hỏi. Ai suy nghĩ gì về lời giãi bầy này thì tùy, trước sau tôi
cho rằng vận mệnh của đất nước trong bối cảnh quốc tế và khu vực
hiện nay và trong thực trạng yếu kém của đất nước chỉ đặt ra cho các
đảng viên ĐCSVN sự lựa chọn duy nhất này mà thôi.
Truyền thống yêu nước là nền móng đầu tiên xác lập nên ĐCSVN khi còn
đang mất nước. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong 2 cuộc kháng chiến
và cả nhiều thời kỳ sau này nữa.., hầu hết hay rất nhiều người gia
nhập ĐCSVN trước hết là vì yêu nước, muốn hy sinh chiến đấu giải
phóng đất nước, tự nguyện xin được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ đất nước. Tại sao trong đảng không lấy truyền thống yêu
nước ấy để hôm nay xác định cho mình con đường cùng đi với cả dân
tộc? Hãy bắt đầu từ việc đảng không được phép coi đất nước là của
riêng mình. Nhân dân dân là nhân vật trung tâm của sự nghiệp cứu
nứơc hôm nay. Hay là bây giờ quyền lực, tiền bạc và mọi lợi ích ích
kỷ cùng với mọi sa đọa khác đã làm biến chất đảng tất cả?
Trong tình hình hiện nay, nếu đảng viên không cứu nổi đảng của mình
để chọn con đường cùng đi với cả dân tộc như thế, đảng chỉ còn lại
sự sàng lọc không thể cưỡng lại của quy luật tự nhiên.
Lựa
chọn con đường làm cho đất nước mạnh lên để cứu nước trước hết có
nghĩa là tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện sự nghiệp làm cho
đất nước mạnh lên
*
(1) Thế giới đã chuyển hẳn sang một cục diện mới của trật tự quốc tế
đa cực, mọi giá trị và phương thức tập hợp lực lượng quốc tế đã thay
đổi sâu sắc rất khó lường, quan hệ kinh tế thế giới và quan hệ quốc
tế đặt ra cho mọi quốc gia những vấn đề và thách thức hoàn toàn mới.
(2) Trong cái nóng bỏng của trật tự quốc tế mới hiện nay vấn đề
Trung Quốc càng làm cho cả thế giới mất ổn định hơn và có nhiều tác
động trực tiếp đến nước ta với tính cách vừa là nạn nhân trực tiếp
nhất của bành trướng bá quyền Trung Quốc và vừa là trận địa của
những đụng độ giữa các quyền lực lớn. (3) Đất nước bắt buộc phải có
một thể chế chính trị mới đủ sức phát huy sức mạnh của toàn dân tộc
cho việc thoát khỏi khủng hoảng hiện nay và đi vào một thời kỳ phát
triển mới bền vững của con đường dân tộc và dân chủ, để từ đó mới có
thể đứng vững ngay trên trận địa của đất nước đầy sóng gió. Nội dung
của nhiệm vụ cứu nước đặt ra cho nhân dân ta lúc này chính là xử lý
thắng lợi 3 vấn đề trọng đại ấy của hôm nay.
ĐCSVN hôm nay là gì? Câu trả lời phụ thuộc vào việc đảng có đặt ra
cho mình và cho cả nước câu hỏi Hiện nay có hay không có vấn
đề cứu nước? như đã trình bầy trên, cùng bàn bạc với cả nước
để trả lời bằng được câu hỏi này.
Nhìn
lại 25 năm qua từ Thành Đô, như đã nói ngay ở trên, liên minh ý thức
hệ tìm kiếm ở Thành Đô thực chất là do ảo tưởng hay do lo sợ, nên
trên thực tế là đã đi tìm kiếm liên minh với kẻ vừa mới làm thịt
nước mình liên tiếp mấy trận liền. Chính vì thế trong ¼ thế kỷ tiếp
theo của liên minh này nước ta bị ăn thịt tiếp nhiều lần là điều tất
yếu, làm sao tránh được? Sự thật này còn cay đắng hơn cả câu chuyện
Mỵ Châu – Trọng Thủy. Bởi vì Thục Dương Vương, giữ hòa hiếu trong tư
thế một quốc gia độc lập, Người thua chẳng qua chỉ vỉ mất cảnh giác
mà thôi. Còn ở Thành Đô, ĐCSVN tự nguyện ép mình đi hẳn với liên
minh mà vẫn thua mất cả chì lẫn chài. Thỏa thuận hòa hiếu cấp cao
giữa hai nước mới đây nhất là năm 2011 cũng chỉ là một mớ giấy và
chữ, không thể cản nổi cái giàn khoan HD 981. Nó còn cay đắng hơn
muôn phần ở chỗ cuối cùng thì Thục An Dương Vương cũng nhận ra được
kẻ thù làm mình mất nước là ai. Còn nước ta hôm nay?
Còn
hôm nay, ĐCSVN và những người đứng trong hệ thống chính trị của đất
nước liệu đã nhận dạng được kẻ đã nhiều lần ăn thịt mình và bây giờ
đang lăm le ăn thịt mình tiếp hay chưa? Trả lời câu hỏi này tùy
thuộc ĐCSVN lúc này và trong quá trình chuẩn bị cho đại hội XII có
đặt ra hay không đặt ra vấn đề cứu nước như đã trình bầy trong bài
viết này hay không./.
Nguyễn Trung
[1]
Sách trắng về “Sự thật Quan hệ Việt Nam Trung Quốc 30 năm
qua”, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1979.
http://thuctu.blogspot.com/2012/07/sach-trang-su-that-ve-quan-he-viet-nam.html/
Tham khảo thêm
[2]
Tham khảo thêm: Thư của Nguyễn Trung ngày 28-10-2010 gửi
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Http://nguyentrung-vt.blogspot.com, nhãn Đảng Cộng Sản Việt
Nam.
[3]
Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Xin hãy mở to mắt”,
http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_HayMoToMat.htm
[4]
Tham khảo: (1) Tổng bí thư Lê Duẩn nói về
Trung Quốc
http://nguyenxuanhung.com/page/detailinfo/idc/12/id/156/le-duan-noi-ve-trung-quoc-va-canh-bao-am-muu-cua-tq.html.
(2) Sách trắng “SỰ
THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM & TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM
QUA”
http://sachhiem.net/LICHSU/NXB_ST/NXBSuThat_1.php.
(3) Trần Quang Cơ:
Hồi ức và suy nghĩ
http://minhtrietviet.net/lemontee/wp-content/uploads/2014/06/HOI-UC-SUY-NGHI-