13 octobre 2014

Kinh tế Hong Kong: Một trong những lý do của biểu tình


Người biểu tình chặn một con đường chính bên ngoài trụ sở văn phòng chính phủ ở Hong Kong 
Người biểu tình chặn một con đường chính bên ngoài trụ sở văn phòng chính phủ ở Hong Kong

William Ide, Daniel Schearf

Trong khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong tiếp diễn, thi vấn đề ở đây không chỉ là tranh đấu để có thêm đại diện cho cuộc bầu cử là nguyên nhân khiến người dân xuống đường phản đối mà còn là những lo ngại về cơ hội kinh tế của thành phố  này. Các vấn đề như chi phí nhà ở cao, và mối lo âu về thành phần giàu có đã được dành lợi thế như thế nào ở thành phố cảng này cũng là lý do khiến cho những người phản đối muốn có tiếng nói nhiều hơn trong những quyết định của các nhà lãnh đạo trong chính phủ. 


Thông tín viên VOA Daniel Schearf tường thuật từ Hong Kong.
Sức mạnh kinh tế của Hong Kong, như một trung tâm tài chính quốc tế và vai trò của thành phố này như cổng vào Trung Quốc, từ lâu đã tạo cái ấn tượng là mọi việc diễn biến tốt đẹp trong thành phố cảng nổi tiếng này. Tuy nhiên nếu như sự giàu có của trung tâm tài chính này gia tăng từ ngày Anh quốc giao lại cựu thuộc địa này cho Trung Quốc thì sự phân chia giữa thành phần giàu nghèo cũng vậy.
Hong Kong là một trong những nơi có khoản cách biệt thu nhập cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là một trong những nơi có giá bất động sản mắc nhất thế giới, trong khi lương bổng không tăng đủ nhanh để bắt kịp đà tăng giá.
Bất động sản – một thị trường nóng
Chính phủ Hong Kong đã tìm cách ‘hạ nhiệt’ thị trường bất động sản bằng các biện pháp thuế khóa, trong đó có biện pháp nhắm vào những người nước ngoài mua bất động sản ở Hong Kong, trong một nỗ lực nhằm làm chậm lại trường hợp người từ đại lục với tiền nặng túi, mua để bán kiếm lời. Cho dù vậy giá một mét vuông đất vẫn tiếp tục tăng. Theo công ty Centaline Property, một trong những công ty nhà đất lớn nhất ở Hong Kong thì hồi tháng 8 giá bất động sản đã leo lên đến mức cao mới.
Anh Dickson 18 tuổi, một người biểu tình thuộc phong trào chiếm trung tâm, nói rằng chính phủ chẳng có ý tưởng là vấn đề tệ đến mức nào. Dickson nói:
“Họ chẳng bao giờ nhận thức vấn đề là ở đây trong khu Mong Kok và Causeway Bay này tiền thuê nhà quá cao. Và ai đứng sau việc này? Chính phủ và các nhà phát triển đô thị. Họ liên kết với nhau. Họ làm cho giá thuê nhà tăng lên. Và những người từ Trung quốc đang mua vàng, mua sữa bột. Ai cần mua sữa bột mỗi ngày? Ai ngày nào cũng mua vàng?”
Ông Francesco Sisci, phân tích gia Trung Quốc kỳ cựu của Viện Gatestone nói rằng Hong Kong đã có thời được biết đến như một nơi mà người dân tin vào giấc mơ có thể làm giàu một cách bất ngờ. Câu chuyện về nhà tỉ phú và là một doanh nhân cự phách , ông Lý Gia Thành, được biết như một người giàu nhất châu Á, từ lâu nay vẫn được xem là câu chuyện tiêu biểu của một người khố rách áo ôm trở nên giàu có. Nhưng giờ đây thì thành phần giàu vẫn giàu, và giai cấp nghèo và trung lưu vẫn hoàn nghèo và trung lưu. Không còn tính cơ động  xã hội thật tuyệt vời nữa. Và nhiều người cảm thấy sự giàu có và ổn định của Hong Kong chẳng có mấy dính dáng đến ‘tôi’.”
Hàng hóa và dịch vụ
Ông Joe Studwell, tác giả quyển How Asia Works (tạm dịch: Châu Á vận hành như thế nào), nói rằng người biểu tình có thể sẽ tạo được lực mạnh với  Bắc Kinh hơn nếu họ tập trung vào những vấn đề rất hiển nhiên về tình hình kinh tế nội địa của Hong Kong. Dân Hong Kong vẫn thường phải mua hàng hóa và dịch vụ chất lượng thấp với giá mặc hơn. Ông nói:
“Nếu quý vị nhìn kinh tế Hong Kong trên toàn cảnh, quý vị sẽ thấy hoạt động ngân hàng không có cạnh tranh một cách đáng ngạc nhiên, quý vị sẽ thấy siêu thị chỉ có 2 nhà cung cấp độc quyền – hay lưỡng độc quyền, cửa hàng tạp phẩm cũng lưỡng độc quyền, điện cũng hai,  các loại độc quyền vì yếu tố địa lý, từ sản xuất cho đến phân phối. Và xe buýt là một một tập đoàn với những chiếc xe chạy bằng diesel gây ô nhiễm.. và tình trạng như vậy diễn ra trong suốt nền kinh tế.”
Ông Studwell nói rằng không như việc chiếm cứ các tòa nhà mà Bắc Kinh xem như một sự thách thức trực tiếp quyền hạn của họ, nếu người biểu tình tập trung hơn vào các vấn đề kinh tế, họ co thế tạo ra cơ bản chung nào đó với các giới chức ở Trung Quốc. Ông nhận định:
Đây không chỉ là vấn đề rất quan trọng ở Hong Kong, mà còn là điều mà (Chủ tịch Trung quốc) Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc có thể có liên quan vì ông Tập đã khởi sự chính quyền của mình không chỉ với chiến dịch bài trừ tham nhũng rất khốc liệt, mà còn với chiến dịch chống độc quyền, mà ông thực thi với cả các công ty trong nước và công ty đa quốc.”
Mặc dù người ta không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chấp nhận các yêu cầu của người biểu tình về các quyền tự do dân chủ rộng rãi hơn, vẫn chưa rõ liệu các viên chức Trung Quốc có muốn từng bước giải quyền các khó khăn kinh tế của thành phố cảng này hay không.
Các liên hệ với Bắc Kinh
Sự thành công kinh tế của Trung Quốc lâu nay vẫn có tầm quan trọng quyết định trong việc duy trì sự cai trị không thách thức của đảng Cộng sản Trung Quốc.  
Hong Kong trước nay vẫn có liên hệ kinh tế với đại lục, và các công ty hàng đầu của Hong Kong được lợi nhờ vào quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Các chính phủ địa phương trên khắp Trung Quốc cũng thủ lợi từ lượng tiền của và đầu tư từ Hong Kong.
Ông Hu Xingdou, một kinh tế gia và là giáo sự tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nói rằng nếu quan hệ giữa 2 bên tiếp tục xấu hơn thì đó là không phải là dấu hiệu tốt cho Hong Kong.
Ông nói rằng Hong Kong có thể mất đi các cơ hội được đối xử ưu đãi trong tương lai, và thầu các dự án ở đại lục.
Ông nói thêm rằng nếu Hong Kong không thể giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế và chính trị của mình thì tình hình có thể còn tiếp tục xuống dốc.

Nguồn : VOA