06 mai 2015

Quyết tìm đường ra nông sản: Việc Bộ Công thương cần làm


Phương Nguyên (Tổng hợp)


Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Nếu Việt Nam thay đổi được, kiểm soát được tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thì riêng thị trường Nhật Bản cũng đã có một dung lượng đủ lớn để xuất khẩu sang. Hay như Hàn Quốc cũng là một điều kiện tương tự mà cũng có nhiều nhu cầu về nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có.
Khi Việt Nam cố gắng có giá trị gia tăng cao hơn, vì lợi ích của chính mình.Trong trường hợp đó thì tìm thị trường hoàn toàn không khó"


Trước nhiều ý kiến lo ngại của các hiệp hội về sự sụt giảm số lượng và giá cả của nông sản xuất khẩu thời gian qua, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, muốn cải thiện hoạt động xuất khẩu nông sản cần phải bám sát nhu cầu của thị trường ngay từ khâu sản xuất, chứ không phải sản xuất thế mạnh rồi khoán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên ông Tuấn Anh cho biết, trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Bộ Công Thương sẽ đưa các nội dung về giảm thuế, tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp với nhóm hàng này của Việt Nam nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thêm vào đó, Bộ sẽ giới thiệu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài để kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và có thêm nhiều kênh phân phối.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét các chính sách về tín dụng, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cũng như có chính sách tỷ giá hợp lý, góp phần hỗ trợ xuất khẩu.
Như vậy hơn một lần Bộ Công thương đặt quyết tâm tìm giải pháp để cứu nông sản Việt.
Tuy nhiên việc một Bộ lo đi bán còn một bộ lo sản xuất thì rất khó để có tiếng nói chung.
Trao đổi với SGGP, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến và Xuất khẩu nông lâm, thủy sản (Bộ NN-PTNT): việc nắm thông tin về nhu cầu của thị trường nhập khẩu là rất quan trọng.
"Nếu xử lý tốt thông tin về thị trường, ví dụ như biết được phía bạn chỉ nhập một ngày bao nhiêu xe nông sản để sau đó chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân, thương lái và lái xe điều tiết nguồn cung lên cửa khẩu, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đua nhau đổ hàng về vào mùa vụ thu hoạch rộ. Còn như hiện nay, câu chuyện dồn ứ là chắc chắn", ông Thừa nói.
Nông sản Việt thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá
Nhưng để thực sự cứu nông sản Việt, nhiều chuyên gia đã từng chỉ thẳng: trong mọi cách giải quyết thì chỉ có cách phá vỡ thế độc quyền xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).
Theo TS Alan Phan - chuyên gia kinh tế: vấn đề chính là thế độc quyền xuất khẩu gạo của VFA thành ra thị trường bị bóp méo.
"Theo tôi, vấn đề đơn giản cứ để thị trường quyết định tức là xã hội hóa xuất nhập khẩu, ai muốn mua, ai muốn bán thì cứ bán. Nếu theo cơ chế thị trường đương nhiên sẽ có giá trồi, sụt nhưng nó sẽ ổn định hơn vì có nhà cạnh tranh nhau. Lúc đó, cả giá mua và giá bán đề phù hợp với giá thị trường. Còn nếu mình vẫn giữ độc quyền họ vẫn có quyền đẩy giá lên, giá xuống, hay là làm giá. Đó là vấn đề hợp lý nếu muốn điều tiết thị trường", TS Alan Phan nói.
Ông cũng chỉ thẳng, ở Việt Nam việc thành lập các nhóm, hội này hội kia thì chẳng sao cả nhưng tuyệt đối không giao cho ai được thế độc quyền. Khi được độc quyền họ muốn làm gì thì làm, nhưng khi có đối thủ, có cạnh tranh họ sẽ không thể nào làm gì thì làm như bây giờ.
Ngoài ra cần phải tìm nhiều thị trường để tránh việc phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên cùng với đó phải đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, về thị trường nước ngoài thì có những thị trường nào có thể mua chứ không nhất thiết là nông sản nhiệt đới của Việt Nam chỉ có thể bán ở Trung Quốc.
Chúng ta còn rất nhiều thị trường khác. Ở đây có thể người ta đòi hỏi chuẩn mực cao hơn, phẩm chất hàng cao hơn và những người sản xuất cũng phải sẵn sàng nâng cấp sản phẩm của mình.
Theo nữ chuyên gia kinh tế này thì về nông sản, Việt Nam có Hiệp định EPA với Nhật Bản trong đó Nhật Bản giảm thuế cho Việt Nam gần như tuyệt đối trong đó thị trường nông sản Nhật Bản mở cửa cho Việt Nam.
Điều kiện ở đây là sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường Nhật Bản.
"Cho nên câu trả lời ở đây có thể thấy nếu Việt Nam thay đổi được, kiểm soát được tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thì riêng thị trường Nhật Bản cũng đã có một dung lượng đủ lớn để xuất khẩu sang. Hay như Hàn Quốc cũng là một điều kiện tương tự mà cũng có nhiều nhu cầu về nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có.
Khi Việt Nam cố gắng có giá trị gia tăng cao hơn, vì lợi ích của chính mình.Trong trường hợp đó thì tìm thị trường hoàn toàn không khó", bà Lan khẳng định.

Phương Nguyên (Tổng hợp)
 
Nguồn: Theo Báo Đất Việt