04 janvier 2016

PARIS ĐÓN NĂM MỚI 2016, NGHĨ VỀ TRĂNG VÀ ĐÈN


TS. TRẦN THU DUNG (từ Paris) -
 
 Paris đón năm mới 2016 có nhiều điều mới lạ sau thảm sát và Hội nghị khí hậu toàn cầu COP21.


Suốt dọc Champs Elysées, chợ Noel và năm mới mở từ 20-12-2015 đến cuối ngày 06-01-2016 để đón khách. Đại lộ chính Paris đèn kết thành hình những ly rượu sâm panh phun trào bất tận. Sau khủng bố liên hoàn Paris không run sợ. Chợ Tết lại sầm uất hơn năm ngoái. Một quán ăn nghệ thuật làm thành tháp Eiffel ngay trên đại lộ đổi ba màu. Màu hồng tượng trưng cho  cuộc đời tràn ngập hoa hồng, màu xanh da trời cầu cho Paris không sóng gió, màu vàng cốm như rượu Sâm panh tí tách mong cả thế giới hãy cụng ly đón chào năm mới.
 


Lang thang trên đại lộ lớn nhất của thủ đô Paris ánh sáng. Xa xa bánh xe quay rực rỡ đang thách thức với trăng. Trăng rằm yếu ớt không so nổi ánh đèn.


Trăng và đèn trên bánh xe quay ở đại lộ Champs Elysée

Xưa, Nguyễn Trường Tộ người khát vọng cải cách xã hội đã tường trình với vua Tự Đức khi  qua xứ người thấy tường phun ra nước và đèn thắp ngược. Ở VN thời chiến tranh ngoài Bắc có cái đèn măng sông là một giấc mơ. Dầu khan hiếm, đèn dầu có cũng là quý. Hà Nội tắt điện là trẻ em được dịp ra chơi cùng nhau ngoài đường. Trăng là hạnh phúc của tuổi thơ. Trăng là ngọn đèn không tắt. Ở nông thôn đêm trăng sáng tất cả thiếu nhi ra đình chơi, vui đùa, hát múa. Bây giờ trẻ em mấy ai ngắm trăng. Nhà lầu xây che chen đua, lấn cả ban công che lấp sân đình. Đình trở nên bé nhỏ lọt thỏm giữa các nhà lầu. Trẻ ngày nay đâu thấu câu ca dao “Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn…”. Trong chiến tranh chống Mỹ, trăng là ánh sáng giúp du kích Củ Chi đào hầm.

Mỹ đến (Tranh của Tomi Ungerer)

Bức tranh vẽ năm 1967 thấy rõ trăng là nguồn sáng quý báu của du kích Củ Chi. Vậy thì thời vua Tự Đức ngạc nhiên không tin đèn thắp ngược không phải là giai thoại. Ngay những năm 70 của thế kỷ 20, sinh viên từ nông thôn ra Hà Nội rất ngạc nhiên thấy tàu điện chạy leng keng. Lúc bắn rơi máy bay Mỹ, dân quân miền Bắc ngạc nhiên không thấy phi công vì thế người Hà Nội phổ biến câu “phở không người lái” để tả phở không thịt. Sinh viên Việt đi du học thời chiến tranh qua mấy nước XHCN trố mắt nhiều cái lạ. Ngạc nhiên trước sự hoành tráng hệ thống giao thông tàu điện ngầm Mạc Tư Khoa, thang điện như cái hòm đưa người lên tầng cao chót vót, nhà vệ sinh giật nước chảy vèo vèo. Ngay bây giờ, nhiều cụ tò mò màn hình bé tí mà trẻ mê mẩn bấm ra đủ các hình, đủ trò chơi. Xưa các cụ chỉ biết đánh khăng, chọi gà, đánh vật, ngồi chơi thả chữ. Sáng tác một bản nhạc đòi hỏi đầy cảm hứng. Bây giờ nhiều “nghệ sĩ” sáng tác thơ, nhạc bằng máy. Chỉ 20 phút cho vào máy là thơ và nhạc ào ào chảy cứ hao hao không đặc sắc.

Ngày nay khoa học phát triển. Đèn cảm ứng, tự sáng tự tắt. Đèn chớp chớp, đèn đổi mầu. Đèn đủ các hình (tròn, oval, hoa, ngôi sao...). Đèn không chỉ còn là kỹ thuật thắp sáng, đèn được sáng tạo nghệ thuật và được sử dụng biểu diễn. Thành phố Lyon (Pháp) dịp Noel và năm mới cũng biểu diễn nghệ thuật ánh sáng để thu hút du lịch.

Con người vui với ánh đèn lung linh. Khói tung mù trời. Cây xanh bị chặt thảm hại. Bầu khí quyển ngột ngạt. Tiếng ồn ào, tiếng cười, tiếng máy át đi tiếng khóc thầm của trái đất. Mây trắng tung bay nhởn nhơ ngây thơ mang đi những hơi độc của bầu khí quyển. Những giọt mưa trong veo vô hình đầy chất hóa học. Đèn sáng rực các thành phố lớn khi màn đêm buông xuống là một trong những yếu tố chính gây ô nhiễm môi trường, là hoạt động không ngừng của bao nhà máy phát điện. Khói, rác vật liệu nguyên tử, bóng đèn, pin không ngừng thải ra. Tất cả hòa vào đất.

Tiết kiệm điện cũng là một hình thức bảo vệ môi trường. Khi các nước văn minh hưởng ứng tiếp kiệm năng lượng thì các nước nghèo mới phát triển lại hoang phí nguồn điện. Các thành phố ở châu Á thi nhau đốt pháo hoa, thắp sáng đèn sang trọng như bù lại một thời thiếu thốn. Việt Nam giờ sang hơn cả Paris. Pháo hoa bắn đầu năm mới tết Tây, Tết Ta, ngày Quốc khánh ở nhiều địa điểm ngay trong một thành phố. Châu Âu chỉ có đầu năm mới là dịp giăng đèn, đốt pháo hoa.

Nước Pháp đi đầu chính sách tiết kiệm năng lượng hưởng ứng hiệp ước của hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21 vừa diễn ra tại đây. Xe xích lô là phương tiện du lịch được ưu đãi thong dong trên đại lộ Champs Elysée tập nập, đông vui.

Xích lô chờ đón khách trên đại lộ Champs Elysée

Từ Khải hoàn môn nhìn thẳng đến  quảng Trường Concorde, đèn ô tô phản quang màu đỏ như Paris đang ứa máu sau thảm sát. Khải Hoàn môn lúc giao thừa chiếu đèn 15 phút. Nhưng đó là 15 phút của nghệ thuật tuyệt vời. Sứ giả Việt xưa sống lại chắc phải ngạc nhiên sao cờ Pháp lung linh trên Khải Hoàn Môn giữa nhạc quốc ca bỗng nhiên biến mất thay vào đó là những nụ cười đa sắc tộc chào năm mới và những phù điêu từ thời Napoléon bỗng như sống lại, tháp Eiffel quay tròn trên Khải Hoàn môn kiêu hãnh. Mấy phút sử dụng kỹ thuật ánh sáng hiện đại không gian ba chiều và sự lựa chọn hình ảnh đầy ý nghĩa chứng minh Paris mãi mãi là thủ đô ánh sáng và nghệ thuật.

Paris ấm áp không có tuyết rơi. Tòa thị chính Paris tạo những sân trượt tuyết miễn phí cho mọi người cảm giác không khí Giáng sinh ngay chân tháp Eiffel, và trên đại lộ Champs Elysée.

Tác giả Trần Thu Dung trong đêm giao thừa Paris

Đầu năm 2016, nước Pháp đón năm mới bằng một món quà lạ cho cư dân. Chính phủ thưởng lương phụ cho những người lao động đến công sở bằng xe đạp. Công sở sẽ trả 25 xu (tương đương 6.500 VN đồng) cho mỗi cây số (tính từ nhà đến nơi làm việc). Số tiền thu nhập phụ trội này không phải khai vào thuế thu nhập, được miễn đóng thuế lợi tức xã hội. Tôi nhớ khi còn ở ký túc xá sinh viên đi chơi. Người giáo sư Pháp nhắc tôi quên tắt đèn. Từ đó tôi có ý thức tắt đèn khi không dùng. Một lần khác, một giáo sư Việt Nam qua Pháp nhờ tôi dẫn đi thăm Paris về đêm. Tôi nhắc ông ta quên tắt đèn. Ông ta nói tỉnh bơ: “Kệ, đèn chùa, tiền trả vẫn thế, về khỏi phải bật”. Ngày vui đèn thắp sáng cho dân hưởng. Nhưng ý thức cá nhân về sử dụng điện, nước rất lãng phí ở VN. Nước chảy tong tỏng, thiên hạ đi qua dửng dưng. Ở Pháp công dân thấy nước ngoài đường chảy liên tục, họ có ý thức gọi đến tòa thị chính. Một tiếng sau, tòa thị chính đã gửi thợ đến sửa hoặc khóa lại. Vì đó chính là thuế của dân. Nếu họ không có ý thức tiếp kiệm chung thì chính họ trả thuế đó.

Cuộc sống hiện đại quá ồn ào, nhiều người phương Tây lại khát vọng dạo chơi thanh bình dưới ánh trăng và tự hỏi “bao giờ trăng tỏ hơn đèn”?

 

(Ảnh trong bài: Trần Thu Dung)