02 janvier 2016

Tín Hiệu Mỵ Dân


Vũ Hoàng Anh
1-1-2015

Trên trang mạng của RFA ngày 26 tháng 11 năm 2015 có một bài viết với tựa đề “Đảng CSVN liệu sẽ chấp nhận sự đa nguyên” mà trong bài viết đó, ba nhân vật gồm có Tiến Sĩ (TS)Nguyễn Quang A, Luật Sư (LS) Vũ Đức Khanh (Phó Tổng Thư Ký đảng Dân Chủ Việt Nam) và ông Lý Thái Hùng (Tổng Bí Thư đảng Việt Tân) đã đóng góp ý kiến về buổi hội thảo của Mặt Trận Tổ Quốc VN, báo Nhân Dân, Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh nói về vai trò của người Việt hải ngoại mà trong buổi hội thảo đó — có đưa ra vấn đề tham gia bầu cử và ứng cử của người Việt hải ngoại.

Cũng trong khoảng thời gian của buổi hội thảo, LS Vũ Đức Khanh sống tại Canada thừa nhận là ông đã nhận được điện thoại từ một lãnh đạo cao cấp trong đãng (cố ý viết dấu ngã) csvn hỏi ý kiến LS Khanh về tiến trình dân chủ của Miến Điện qua cuộc bầu cử trên và vị lãnh đạo đó hy vọng rằng một ngày không xa LS Khanh có thể tranh cử ở VN.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên (cố ý thì đúng hơn) giữa buổi hội thảo nói về vai trò của người Việt hải ngoại và cú điện thoại với lời nhắn nhủ mong LS Khanh ra tranh cử ở VN trong tương lai. LS Khanh cho biết ý kiến cá nhân là thời điểm hôm nay khác thời điểm của 70 năm về trước, thành ra không cần phải sợ để đối mặt với đãng csvn hiện giờ. “Đảng csvn không còn là ma quỹ giống như thời trước kia nữa” thành ra chúng ta (cộng sản và quốc gia) cần chấp nhận sự khác biệt để tiếp xúc với người từ đãng csvn hầu giải quyết những khó khăn của VN. LS Khanh cho rằng qua cuộc trao đổi điện thoại, ông thấy sự thành tâm của vị lãnh đạo cao cấp của đãng csvn. Tuy nhiên trong chính trị, LS Khanh cho rằng chẳng biết phải đo như thế nào chỉ với lòng thành tâm mà thôi. Dĩ nhiên thành tâm là điểm khởi đầu đáng hoan nghênh theo nhận định của LS Khanh.
Nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Hà Nội là TS Nguyễn Văn A cho rằng đây là một dấu hiệu cởi mở của nhà cầm quyền nhưng thực hiện ra sao thì hãy chờ xem. TS A cho rằng những người Việt vẫn còn giữ quốc tịch VN — thì việc tham gia tranh cử là việc đương nhiên. Riêng cá nhân TS A nghi ngờ về chuyện cởi mở này — bởi trong buổi hội thảo chỉ là ý kiến cá nhân chứ không phải là chính sách hay quy định pháp lý. TS A cũng cho biết rằng cuộc cách mạng ở Đông Âu, đãng cs bên Đông Âu cũng có sự liên hệ với thành phần đối lập.
Riêng ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư đảng Việt Tân, thì cho rằng chuyện này nếu có thật thì điều bốn của bản Hiến Pháp của VN cần phải loại bỏ. Nếu không thì sự về tranh cử của ai đó ngoài hải ngoại chỉ là hình thức tuyên truyền cho đãng csvn để giải quyết tạm bợ những khó khăn tạm thời của đãng csvn. Theo ông Hùng thì ông chưa biết là đã có hay không có những cuộc tiếp xúc của đãng csvn với thành phần đối lập ở hải ngoại hay không (cho dù có đi nữa, đảng đối lập tại hải ngoại không hề dám công bố, trong đó gồm có cả đảng Việt Tân). Và ông Hùng đánh giá là nếu có thì chứng tỏ đãng csvn lâm vào khủng hoảng, phải thay đổi.
Vấn đề được đặt ra là phải chăng đây là một tín hiệu mỵ dân của đãng csvn và liệu sự mỵ dân này sẽ thành công ở đầu thế kỷ 21 hiện nay?
Có thể nói rằng những tín hiệu kêu gọi hoà hợp — hoà giải, kêu gọi sự đóng góp của khối người Việt hải ngoại, đãng csvn vẫn thường đánh trống khua chiêng để cổ võ những chiêu bài mà người Việt tự do đã thấy nhàm chán. Nhàm chán bởi trong quá khứ đãng csvn sử dụng chiêu bài này nhằm mục đích đem lợi cho chính họ và tiêu diệt thành phần khác khi chiêu bài đã được thực thi đúng chiều hướng đãng csvn mong muốn. Nhàm chán bởi miệng nói hoà hợp — hoà giải nhưng tay cầm cây dao đâm chết những ai tin vào hoà hợp — hoà giải. Nhàm chán bởi cái đãng csvn trong quá khứ lẫn hiện tại — chưa làm một điều gì để mọi người có thể tin. Nói thẳng ra đãng csvn không còn đủ uy tín để cộng tác với thành phần khác trong xã hội (ngoài đám côn đồ mà công an đang hợp tác chặt chẽ). Phải chăng ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nói đến dân chủ nhưng chính phủ của ông thực hiện những điều phản dân chủ qua cơ quan công an và an ninh của họ đối với người dân, đối với thành phần bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Hà Nội và ngay cả những vị luật sư tại VN bênh vực cho công lý, cho dân oan – cái đãng cầm quyền này vẫn không tha mà dàn cảnh bụi Chương Mỹ để đánh luật sư bênh vực cho công lý? Gần đây nhất LS Đài đi dự buổi hội thảo về nhân quyền tại Nghệ An và trên đường về bị công an theo dõi và đánh đập tàn nhẫn. Vài ngày sau đó LS Đài bị bắt dưới tội trạng chống phá nhà nước (điều 88) của bộ luật vi hiến mà không vị thẩm phán nào trong ngành Tư Pháp Việt Nam lên tiếng chống lại sự vi hiến đó.
Tuy nhiên đãng csvn là người đang nắm toàn quyền sát sinh của xã hội VN. Họ có cơ hội để thực hiện đổi mới mà không tạo ra sự trống vắng quyền lực. Sự trống vắng quyền lực là điều không nên xảy ra cho VN hiện giờ. Sự trống vắng quyền lực khi toàn dân vùng dậy để thay đổi cơ chế hiện giờ sẽ tạo ra nhiều nguy hiểm, tạo cơ hội cho Trung Quốc đưa quân vào VN. Họ có cơ hội tạo ra sự đổi mới để chính đãng của họ có cơ hội cạnh tranh với các đảng phái khác nhằm mục đích phục vụ đất nước thay vì là phục vụ đãng mà họ đang làm từ 70 năm qua. Và đây là lúc cơ hội đó đang đưa đến cho đãng csvn. Trong quá khứ họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiến đến tự do dân chủ cho đất nước. Thời điểm của hôm nay, thời điểm mà họ không còn là lực lượng duy nhất nắm giữ thông tin thì đây là dịp cuối cùng, cơ hội cuối cùng để họ mở ra cho mọi người, trong đó gồm cả chính những đãng viên của họ — để cùng nhau đoàn kết xây dựng lại một Việt Nam Tự Do Dân Chủ phú cường của tương lai. Việt Nam có thể theo gương của Miến Điện. Nhưng để làm được việc này đòi hỏi sự thành tâm từ mọi thành phần trong xã hội — mà sự thành tâm của đãng csvn rất quan trọng trong tiến trình dân chủ này.
Nói như LS Khanh thì sự thành tâm là điểm khởi đầu. Sự thành tâm để cùng nhau tìm một giải pháp cho đất nước mà chính những người trong đãng csvn thấy rằng cơ chế của họ là một cơ chế quá cổ điển, làm hư hại sức sống của cả một dân tộc. Sự thành tâm này đang xuất hiện hay chỉ là chiêu bài thì chúng ta hãy cùng nhau kiên nhẫn để chờ đợi. Nhưng làm thế nào để biết sự thành tâm là thật chứ không phải là chiêu bài?
Hãy nhìn vấn đề ở một khía cạnh hướng thiện (hay lạc quan), cho rằng đây là sự thành tâm của cuộc hội thảo do Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể của đãng tổ chức nhằm đánh giá vị trí của người Việt hải ngoại trong cơ chế dân chủ sắp đến. Hãy đánh giá là cuộc điện đàm của vị lãnh đạo cao cấp trong đãng csvn với LS Khanh là có sự thành tâm đúng như nhận định của LS Khanh. Đặt giả sử đãng csvn cũng đã liên lạc với các đảng phái khác tại hải ngoại để bày tỏ sự thành tâm của mình.
Hãy đặt giả sử là phần đông các thành phần tại hải ngoại cùng nhìn nhận sự thành tâm của đãng csvn và sẵn sàng hợp tác để giải quyết những khó khăn hiện giờ của đất nước. Vậy thì bước kế tiếp đãng csvn sẽ làm gì để chứng minh sự thành tâm từ lời nói chuyển sang hành động?
Liệu đãng csvn loại bỏ điều bốn của bản hiến pháp hiện giờ (vị trí của đãng csvn trong lãnh đạo và điều hành đất nước đã ghi rõ trong điều này)? Liệu đãng csvn thả hết các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Hà Nội? Liệu người dân có quyền biểu tình để phản ảnh ý kiến của mình mà không bị lực lượng công an đàn áp, sách nhiễu người biểu tình? Đãng csvn giải quyết những vụ kiện tụng của dân oan ra sao? Những công an, quan chức nhà nước vi phạm luật, đàn áp người dân và lạm dụng quyền hành chịu trách nhiệm trước pháp luật ra sao? Những vụ hối lộ, xem dân như rác của công an được quay qua điện thoại và đưa lên mạng sẽ giải quyết ra sao? Thái độ của đãng csvn đối với Trung Quốc ra sao hay vẫn tiếp tục đi dây như hiện giờ?
Tất cả những vấn đề trên cần phải có những hành động chứ không thể nào tiếp tục giữ điều bốn; tiếp tục bắt người bất đồng chính kiến; tiếp tục bao che tham nhũng; tiếp tục hèn với giặc nhưng ác với dân; tiếp tục đưa ra những bộ luật đi ngược lại hiến pháp để đàn áp người trong nước nhưng lại kêu gọi sự đóng góp của khối người Việt hải ngoại — thì đây là sự mỵ dân trắng trợn, xem thường sự hiểu biết của người Việt hải ngoại. Với những người bất đồng chính kiến trong nước — đãng csvn không làm việc được — thì sự kêu gọi người Việt hải ngoại về tham chính chỉ là chiêu bài mỵ dân, dân chủ giả hiệu.
Sự tồn tại của dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới phần lớn nằm trong bàn tay của đãng csvn để VN có một sự thay đổi cơ chế trong ổn định mà trong sự thay đổi đó, bất cứ ai, bất cứ cá nhân người Việt quốc tịch Việt đều có quyền tham gia công việc lãnh đạo đất nước — mà không cần biết họ thuộc đảng nào, quá khứ ra sao. Nếu đãng csvn không làm và bỏ lỡ cơ hội của hôm nay, đại khối dân tộc bắt buộc phải hành động. Nếu chúng ta tiếp tục thụ động, vô cảm — thì khi hiệp ước Thành Đô ở vào giai đoạn cuối cùng, đất nước Việt với hơn 4 ngàn năm văn hiến sẽ bị xoá sổ trên bản đồ của thế giới để trở thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Hãy thức tỉnh dân tộc Việt hôm nay và hãy bắt lấy cơ hội thay đổi cơ chế trong ổn định từ những người trong đãng cầm quyền hiện giờ. Thời gian không còn và thời gian không chờ đợi chúng ta. Hãy cùng nhau thực hiện dân chủ như dân tộc Miến Điện. Chúng ta có thể làm điều đó nếu tất cả mọi thành phần trên đất nước Việt cùng nhau thành tâm thực hiện một cơ chế pháp quyền, kiểm soát lẫn nhau để bảo đảm quyền sống của mọi người.