02 mai 2019

Câu chuyện kết thúc cuộc chiến và đối xử với con người ở phía bên kia.






1. Sách Tam Quốc có câu chuyện khi Tào Tháo thắng Viên Thiệu, Tào Tháo sáp nhập toàn bộ quân và tướng của Viên Thiệu thành quân tướng của Tào Tháo, ông tin dùng và tăng cấp chức cho nhiều tướng tài của Viên Thiệu. Tào Tháo ưu đãi các tướng tương xứng với tài năng mà không phân biệt lý lịch tướng đó mới về với mình hay là tướng cũ, đến mức có người đứng ra can ngăn, nhưng Tào Tháo không nghe.

Chuyện can ngăn đại thể thế này: Viên quan coi sóc về nhân sự tổ chức của Viên Thiệu được Tào Tháo tin dùng một hôm đã đến dinh Tào Tháo trình tấu với Thừa tướng một việc hệ trọng ghi trong cuốn thư bí mật, Tào Tháo hỏi trong đó ghi những gì? 


Người đó thưa, trong đó ghi danh sách các tướng hiện ở các vị trí quan trọng trong quân đội Tào Tháo, các tướng đó trước kia là thuộc hạ thân tín của Viên Thiệu.
Tào Tháo nói, họ trước kia là thuộc hạ thân tín của Viên Thiệu, ta biết, thì sao?
Dạ, thần biết những tướng đó khi dưới trướng Viên Thiệu đã bàn rất nhiều mưu sâu, kế hiểm để hại Thừa Tướng (Tào Tháo).
Tào Tháo liền nói, người đốt ngay cuốn thư (ghi danh sách các tướng) đó đi, đừng để ta nhìn thấy. Vì khi Viên Thiệu còn sống đến ta còn phải kinh sợ, nữa là các tướng dưới trướng Viên Thiệu, việc tướng dưới trướng Viên Thiệu tìm mưu kế giết đối thủ cho chủ tướng mình là những người trung nghĩa.



2. Câu chuyện kết thúc chiến tranh Nam- Bắc Hoa Kỳ ( Nội chiến 1861-1865).
Tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc đàm phán tiếp nhận sự đầu hàng của Tướng Robert E. Lee của miền Nam:
"...Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.

Tướng Lee & Tướng Grant


Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam vào phòng họp. Nửa giờ sau Tướng Grant và đoàn tùy tùng miền Bắc đến.

Cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Họ đã nhắc lại một thời bên nhau trong quá khứ. Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi Tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.

Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc.

Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.

Phe bại trận có cờ hình gạch chéo

Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục.

Thực vậy, 140 năm sau, cô Mary quản thủ viện bảo tàng đầu hàng đã nói rằng dù hình ảnh của miền Nam hay miền Bắc, lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào.

Ở đây là nơi lưu giữ hình ảnh của các anh hùng miền Nam lẫn miền Bắc. Ðặc biệt là hình ảnh của phe bại trận lại được lưu ý hơn cả phe chiến thắng. Lá cờ rách của miền Nam thua trận treo tại thủ đô Richmond bây giờ lại là bảo vật hào hùng của bảo tàng viện đầu hàng.

Và hình Tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Hình Tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào.

Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ. Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.

Trong cuộc nội chiến tại nước Mỹ vào thế kỷ 19, sau cùng được thua thì cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ..."

(2) Trích nguồn: https://www.chungta.com/…/nuoc-my-sau-noi-chien-va-bai-hoc-…