Nguyễn Đức Tùng
Tháng tư về quê, gặp dịp đi cùng phái đoàn phát quà từ thiện, tôi vào thăm
một bệnh viện, khoa ung bướu. Đi len lỏi giữa những người nằm ngồi la liệt,
người thân bệnh nhân từ các vùng nông thôn, chồng đi thăm vợ, vợ đi thăm chồng,
phụ nữ vạch ngực cho con bú, người già nuôi em bé, em bé nuôi người già, chúng
tôi đến khu vực những người bệnh nặng. Không phải là thành viên chính thức của
đoàn, tôi giữ im lặng, quan sát. Đang mải đứng suy nghĩ, giật mình nhận ra có
người nhìn, tôi quay lại. Từ trên chiếc giường cuối phòng, hơi tối, một người
đàn ông nằm đó trông già lắm, gầy còm, giương mắt nhìn. Tôi tiến lại. Chị y tá
đứng bên cạnh nói nhỏ cho biết ông bị ung thư thời kỳ cuối, hình như đã di căn
lên não. Hai mắt nhìn tôi không chớp bỗng hơi sáng lên.
Ông nằm nghiêng, tấm
chăn dày đắp ngang bụng mặc dù lúc ấy ngoài trời rất nóng, phòng không có máy
lạnh, chiếc quạt trần làm việc uể oải, chạy chậm đến nỗi một con ruồi đậu trên
cánh quạt không thèm bay. Tôi lờ mờ nhận ra khuôn mặt gặp đâu đó, không quen
lắm nhưng chắc đã gặp, chỉ không nhớ. Thấy ông nhỏm dậy, tôi ngồi xuống giường.
Trên gương mặt khô, da vàng, phảng phất nụ cười, ông ra dấu cho tôi xích lại,
nói một điều gì thì thào không rõ. Tôi cúi xuống. Cả hai chúng tôi nhìn nhau
một lát, im lặng, ngỡ ngàng, trước khi cùng nhận ra nhau, hay đúng hơn tôi nhận
ra ông, vì ông đã nhận ra tôi trước đó mấy phút. Qua bao năm tháng, khuôn mặt
đó đúng là của người bạn học cũ, thằng Mười, trong lớp học hè ở làng. Chỉ học
chung với nhau một mùa hè gần ba tháng, rồi sau đó không gặp nữa. Thực ra có
gặp lại đôi lần, nhưng trong hoàn cảnh khác. Thế rồi chiến tranh, bom đạn, giặc
giã, chạy giặc, hồi cư, chạy giặc tiếp, ly hương, biết bao nhiêu lần những
người bạn cũ xa nhau những người thân mất liên lạc. Lớp học hè ở làng quê vừa
học vừa chơi, phụ huynh học sinh gửi con đến học để chúng khỏi phá phách, một
hình thức nửa học nửa giữ trẻ, dành cho tụi con nít lớp nhỏ. Suốt ngày chúng
tôi rủ nhau bắn chim, bắt châu chấu, tắm sông, nơm cá, bày trò chơi trên những
cánh đồng bỏ hoang không người canh tác dọc đường xe lửa chạy qua làng. Sau mùa
hè duy nhất ấy, chúng tôi không gặp lại cho đến vài năm sau, một lần, rồi lại
thêm nhiều năm, rất lâu, một lần nữa, khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập
lại, anh từ rừng về làm lãnh đạo một thị trấn. Nghe nói cuộc sống của Mười cũng
khá thanh bạch. Có lẽ trong thời kỳ hòa bình đầu tiên, ở miền Trung, cán bộ
cách mạng chưa biết tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc là gì và họ cũng không đến
nỗi lưu manh như hiện nay. Tôi hỏi thăm về bệnh tình, hoàn cảnh gia đình. Anh
kể tỉ mỉ. Lập gia đình khá muộn, có con một trai một gái, vợ anh mất sớm nghe
nói vì chất độc màu da cam, mặc dù chị sinh sau này, nhưng ở đây ai cũng khai
thế nếu có dịp để có thêm ít tiền trợ cấp, đứa con trai đầu đã chết vì tai nạn
xe hơi, đứa con gái sau lấy chồng, theo chồng sang Nhật. Anh sắp được nghỉ hưu
thì ngã bệnh phải vào bệnh viện, nằm lê la từ năm này qua năm khác, về nhà,
nhập viện trở lại, thuyên chuyển từ bệnh viện địa phương đến bệnh viện tỉnh,
đến trung ương, giải phẫu, trị liệu, giải phẫu lần nữa. Chế độ hưu trí không
đủ, bao nhiêu tài sản vợ chồng anh gom góp, con trâu, mấy sào ruộng đều ra đi.
Ở địa phương anh còn có chút uy tín của cán bộ cũ, nhưng vào đến bệnh viện
trung ương thì chẳng ai thèm biết anh là ai. Mà thời bây giờ có làm chức vụ lớn
cũng phải đút lót tiền bạc, huống chi cái thằng đã về hưu, không còn chức
quyền, anh bảo tôi. Bệnh tật, nghèo khổ, bi quan, anh chẳng còn tin tưởng gì
vào lý tưởng thời trẻ, ngày càng trở nên tức giận, chua chát, cay đắng. Sắp già
càng bộc lộ niềm cay đắng ấy, thế mà hôm gặp tôi trong bệnh viện, anh thật sự
vui mừng. Không phải chỉ vì tôi là đứa bạn thơ ấu trường làng mà còn là người
đã từng chứng kiến một sự kiện đặc biệt trong đời anh. Thì ra anh biết tôi ở
Bắc Mỹ và anh muốn tôi tìm giúp một người, hỏi thăm. Chỉ hỏi thăm thôi sao? Tôi
hỏi. Anh bâng khuâng gật đầu. Anh nghe nói người mà anh muốn tìm, một cựu sĩ
quan, từng đi học tập về, đang ở Cali. Đối với nhiều người như anh, bất cứ
người Việt nào qua Mỹ cũng đâu đó ở Cali và việc họ tìm nhau coi bộ dễ dàng.
Người mà anh muốn hỏi thăm, thật ra là gởi lời cám ơn muộn, là người anh đã gặp
trong chiến tranh. Từ ngày ấy, tôi để tâm tìm cách dò tìm giúp Mười, nhưng biệt
vô tăm tích.
Làm sao mà tìm? Không biết tên họ, không biết cấp bậc, chỉ biết láng máng
số hiệu tiểu đoàn và binh chủng. Biết đâu anh ấy đã mất trong một trận đánh nào
đó, hay trong trại cải tạo, hay trên đường vượt biên. Nhưng tôi nhớ cái nhìn
của bạn học cũ hôm ấy, anh tin rằng anh đã tìm ra đầu mối, biết được người ấy ở
đâu. Mà cũng lạ, suốt nhiều năm anh vẫn giữ ao ước ấy, gặp ai cũng hỏi. Ánh mắt
tha thiết của anh nhắc tôi nhớ đến cái quán tạp hóa phía trên quốc lộ Một. Còn
ai nhớ quán của chị Lệ bán cháo lòng, chị Lệ lòng thả, gần chùa Sắc Tứ rẽ lên
phía đường xe lửa? Chị hơi cao, da ngăm ngăm đen, có chồng đi lính thiết giáp,
bị mất chân trái, phải chống nạng, hai vợ chồng mở quán bán cháo lòng. Đó là
năm tôi mười một hay mười hai tuổi. Một mùa xuân chiến tranh nhưng bướm trắng
bay rợp làng như có ai đánh rơi những chiếc khăn tay nhỏ li ti. Thế giới là
vùng đất mới khai khẩn, nhộn nhịp, vui tươi, thơm mùi rơm rạ, mùi phân trâu
trên đường, mùi lá khuynh diệp mẹ tôi chặt thành từng bó để làm thuốc chữa cảm,
mùi lá tía tô bên giếng, mùi cà phê thơm trong bếp của các ông anh tôi học
trường tỉnh. Đó là những năm hạnh phúc của tuổi trẻ miền Nam, cũng là khi chiến
tranh bắt đầu lan rộng.
Tận dụng tình hình chính trị rối ren, quốc sách ấp chiến lược bị bỏ rơi, du
kích trở lại hoạt động mạnh ven thành phố, quanh trục lộ giao thông, đặt mìn
đường tàu xe lửa, phía nam vùng phi quân sự, nơi những người tị nạn gồng gánh
nhau chạy trốn. Tuy thế, tuổi trẻ vẫn vô tư lự. Ngày nghỉ tôi đạp xe qua những
làng quê yên ả, tay buông khỏi ghi đông, để mặc gió thổi lồng lộng trong áo sơ
mi, trong tóc, trên ngực, sải cả hai tay ra, chạy trượt dốc trên những khúc
đường cát sỏi vắng vẻ. Có buổi xế trưa tôi nằm ngủ thiếp trên đồi cát, chân gác
lên nan hoa xe đạp, mở mắt dậy thì mặt trời đã sắp xuống núi. Một ngày chủ nhật
rong chơi như thế, tôi rơi vào một đại đội bộ binh đi qua làng, tạm đóng quân
trong quán chị Lệ. Có lẽ mới đụng trận ác liệt ở miệt Ba lòng, Tích tường, Như
lệ, áo quần họ bùn lầy, mặt hốc hác mệt mỏi. Bên cạnh cái quán, sau khoảng sân
rộng, gần chuồng gà, có một cây rơm thật lớn, cao ngất. Cây rơm là hình ảnh của
nông thôn thời ấy, như trong câu ca dao, rồi mùa toóc rạ rơm khô, bạn về xứ bạn
biết nơi mô mà tìm. Khi mùa gặt xong, cây lúa gánh về nhà đã tuốt thành hạt
lúa, còn lại rơm, và rơm đã khô chất thành đống, xây thành cây, gọi là xây rơm,
thì ngoài đồng, toóc cũng bắt đầu rã vụn, tan vào đất, những trai bạn từ làng
khác lũ lượt ra về. Dưới chân ta, có đất, đất sét, cát, sỏi, côn trùng, có rơm
rạ rã nát, có sự hủy hoại, sự chết buồn rầu, có sự hồi sinh rạo rực. Khi rảnh
rỗi việc đồng áng, người lớn ghé quán gọi món lòng thả, rắc đầy tiêu, sả, ngò,
húng quế, tầng ô, gạo rang vàng rộm, thả lòng heo với tim gan phèo cật. Có lẽ
vì vậy mà món cháo lòng dân dã này được gọi là lòng thả. Nhưng con nít như tôi
ghé quán chỉ để nghỉ trưa, uống nước ngoài ảng nước mưa dành cho khách qua
đường, có cái lá sen đậy lên cho mát, họa hoằn lắm để dành được tiền, thưởng
thức món bánh bích quy kẹp, thơm mùi bơ hay thứ kẹo nougat màu trắng có đậu phụng.
Người sĩ quan chỉ huy đơn vị chọn quán chị Lệ làm chỗ nghỉ ngơi, trú quân cho
đơn vị có lẽ vì khoảng sân rộng nhiều bóng mát. Không hiểu sao tôi thường quấn
quít quanh những người lính bề ngoài bậm trợn nhưng thực ra hiền lành, hầu hết
là nông dân, có lẽ ở đó có nhiều trò chơi, có người cho tôi những cục pin trong
máy truyền tin đã gần hết nhưng vẫn còn xài được, làm bóng đèn sáng, lòe con
nít, có người cho tôi viên đạn dùng để đổ chì làm cần câu cá, có người cho nghe
nhạc yêu cầu của chị Hoài trên đài phát thanh Huế.
Khi mọi người bận rộn với bữa cơm trưa trước hiên, người ngồi xổm người đi
lại, khi tôi đang tựa xe đạp vào hàng rào, sà xuống bên người lính truyền tin ở
hè sau, xin vài thứ đồ chơi lỉnh kỉnh, dây điện, pin, bỗng nghe một tiếng nổ
rất lớn, đinh tai, rất gần, khói bốc mù mịt ngay trong sân khét rẹt. Tôi hoảng
sợ nằm rạp xuống, lát sau thấy im liền lồm cồm ngồi dậy, nổi tính tò mò, chạy
vào. Cảnh tượng ghê sợ, hơi thuốc súng hăng hắc, màn khói đen, tiếng người kêu
réo, la gọi, tiếng súng lên đạn lắc cắc, có máu chảy. Lựu đạn nổ. Có người bị
thương nhẹ, nhưng không có người chết.
Lựu đạn được ném đi từ sau bụi rơm bên sân, cách hiên nhà khoảng hơn mười
mét, có lẽ vì xa quá nên ném không trúng đích, sát thương không lớn. Những
người lính bắt được ngay một gã du kích trẻ tuổi, trói hai tay ngoặt ra sau
lưng, trói ngồi vào một cây cột trước hiên nhà. Đến gần, trước khi bị những
người lính xua đi chỗ khác, tôi đã kịp nhận ra người du kích, giật mình kinh
ngạc. Nó chính là thằng Mười học chung lớp học hè với tôi cách đó vài năm, lớn
hơn tôi hai hoặc ba tuổi vì đi học muộn, khoảng mười bốn hay mười lăm. Mặt nó
xanh tái đi không biết vì sợ hãi hay vì tức giận. Nó có ánh mắt bướng bỉnh,
nhưng khi tôi nhìn kỹ, lại thấy chút hài hước vì hàm trên của nó bị sún hết mấy
cái răng cửa.
Mười được đặt tên như thế vì nó là con thứ mười trong gia đình đông con,
nhà phía bên kia đường xe lửa gần rừng, nơi nổi tiếng mất an ninh, vùng trái
độn giữa cộng hòa và cộng sản. Để lấy đất sét nặn tu huýt bọn trẻ chúng tôi rủ
nhau lên đám ruộng ở bìa rừng, nơi có nhiều thứ đất này, vì vậy có dịp ghé qua
nhà Mười gần đó. Sau mùa hè học chung ấy nó đi đâu biệt tích, tôi lên lớp trên
đối diện với kỳ thi vào đệ thất khá quan trọng, thi đỗ vào trường trung học
tỉnh, có thầy cô mới, bạn học mới, nên quên dần các bạn lớp cũ. Mười đã núp sẵn
trong đống rơm từ trước, không biết nó tình cờ đi lạc đơn vị hay vì có âm mưu
phục kích từ trước. Người đơn vị trưởng bị một mảnh lựu đạn ghim nhẹ vào lưng,
chảy nhiều máu, nhưng không tổn hại gì, sau khi được lính trợ y băng bó, anh ta
đi lại bình thường. Mảnh đạn đã lấy ra. Những người lính không cho người dân
tới gần, nhưng một đứa trẻ như tôi có lẽ họ không chú ý lắm. Tôi lo sợ cho
Mười, thế nào cũng bị bắn chết để trả thù. Nhưng sau khi thẩm vấn cặn kẽ, điều
tra khá lâu, bất ngờ người sĩ quan ra lệnh mở trói, thả cho hắn chạy đi. Gã du
kích nửa quen nửa lạ kia ngơ ngác một hồi, nhìn quanh rồi co chân bỏ chạy.
Người sĩ quan rút súng lục bắn theo ba phát, nổ rất đanh nhưng mũi súng chếch
lên trời, đạn bắn hướng xa lắc. Một vài người lính đứng gần đó bụm miệng cười.
Vì sao vị chỉ huy thả người du kích kia thì tôi không biết. Vì thằng bé chỉ
bằng tuổi con anh? Vì vào mùa xuân ấy lính hành quân bắt được quá nhiều tù binh
bé con như thế ở vùng này, và họ đang hành quân nên chẳng biết làm gì với
chúng? Vì bất cẩn, vì quá tự do, hay vì anh cũng ghét chiến tranh? Hay vì đó là
lúc vừa qua Tết, người ta bớt hận thù đi, người lính nghĩ tới chốn quê nào có
người vợ trẻ đứng tựa cửa nhìn mai vàng? Tôi không biết. Sau này lớn lên, đi
đây đi đó, nhờ những gặp gỡ lạ lùng, tôi nhận ra thêm một điều, tin thêm một
điều: té ra lòng bao dung của con người nhân loại lớn hơn tôi tưởng.
Nhưng vào năm bạn mười một tuổi, ký ức của bạn còn giữ bao nhiêu? Có thể
tôi đã quên nhiều chi tiết, có thể những chi tiết ấy đã được ký ức bù đắp bởi
những điều không có thật, có thể sự bắn giết trong chiến tranh đã không ghê gớm
thế, hoặc ngược lại, ghê gớm hơn nhiều, và những tội ác được kể lại không thể
nào sánh được với những gì đã thực sự xảy ra trên quê hương chúng ta? Mỗi mùa
xuân nơi tôi ở, những hôm trời không lạnh lắm, tuyết tan, chuyển thành mưa bụi,
tôi lại nhớ cái quán nhỏ bên đường số Một, đoạn uốn quanh chạy qua chùa Sắc tứ.
Chị chủ quán có chồng thương binh thiết giáp bán đủ thứ bánh kẹo mà tụi con nít
rất ham, mỗi ngày nấu một nồi cháo lòng thả, để bán cho khách lỡ độ, và hình
ảnh một chú bé cầm quả lựu đạn, thứ có cán gỗ dài đen kịt như tôi thường thấy
trong các cuộc triển lãm chiến lợi phẩm, núp kỹ trong đống rơm ẩm và nóng, ngai
ngái như hơi thở của một người lên cơn sốt. Tôi nhớ cây rơm mùa xuân mưa bụi ấy
như nhớ một người quen cũ. Nhưng người ấy khi thì giống một người đàn ông trẻ
tuổi với khẩu súng ngắn gài bên hông trái, khuôn mặt điềm đạm, thản nhiên, vết
thương chảy máu sau lưng không làm anh bực bội, không như những người có tính
yếu đuối hơn lúc nổi giận thì lại tức điên lên, muốn trả thù, khi thì như một
người già, sắp chết, gầy còm, nằm cô đơn trên manh chiếu bệnh viện, nhưng hoàn
toàn minh mẫn, bệnh tật không làm anh mất khả năng nhìn lại quá khứ và ân tình
một cách trong suốt. Cả hai thật là khác nhau, là kẻ thù của nhau, trước đây
tôi chưa bao giờ nghĩ họ có điểm nào tương tự, nhưng bây giờ lại thấy họ giống
nhau thế, bạn chỉ cần kéo lệch tọa độ thời gian, chỉ cần nhìn họ từ một góc
nhìn khác nào đó. Có gì giống nhau và khác nhau giữa hai người đàn ông ấy, giữa
chú bé du kích kia trong đống rơm ngày nọ và tuổi trẻ tự do của chúng ta? Vào
lúc mà tâm trí tôi sáng sủa nhất, vào cuối mùa xuân, lúc dựng xe đạp bên dãy
chè tàu, tôi đã mường tượng ra một đất nước khác, một thời tiết khác, một
déjà-vu mà tôi nhìn thấy, về một khúc quanh của đời người, khúc quanh của đất
nước, của ngôi làng, ngày nay biến mất, chỉ để lại dư vị của món cháo lòng thả
bình dân, tiêu hành đen lắc rắc, mùi ớt hiểm cay cay đầu lưỡi, khi ngoài sân
cây rơm cao lớn ẩm ướt đánh hơi thấy ngày nắng ráo bắt đầu bốc hơi nghi ngút.
Nguyễn Đức Tùng