Ảnh vệ tinh chụp hôm 18.11 cho thấy khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Isi |
Hình ảnh vệ tinh mới đây được công bố cho thấy Trung Quốc đã triển khai một
khinh khí cầu được cho là hoạt động do thám tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ
quyền của Việt Nam).
Tờ PhilStar của
Philippines tham chiếu nguồn tin từ ImageSat International (ISI), đơn vị chuyên
cung cấp ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, ngày 25.11 đã công bố một bức ảnh vệ
tinh cho thấy một vật thể hình khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện tại đá
Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Bức ảnh trên được ISI chụp vào
ngày 18.11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã triển khai một thiết
bị hình khinh khí cầu, mà ISI cho là được sử dụng với mục đích thu thập thông
tin quân sự tại khu vực này.
"Khinh khí cầu trong ảnh khả
năng cao được sử dụng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự. Việc sử
dụng khí cầu giúp cho Trung Quốc tiếp tục có được nhận diện liên tục về tình
hình ở khu vực giàu tài nguyên này", ISI viết trong bài đăng trên mạng xã
hội Twitter.
Còn theo báo cáo của tạp chí quân
sự Kanwa Asian Defense, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cảnh
báo sớm về máy bay trên không vào năm 2017 trong đó những khinh khí cầu khổng
lồ được gắn các radar để giúp phát hiện các máy bay tầm thấp.
Những chiếc khinh khí cầu này có
thể duy trì ổn định trong một thời gian dài với hiệu quả cao cùng với chi phí
thấp, giúp giám sát một khu vực với phạm vi lớn khi các máy bay do thám không
được triển khai. Khi được kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh
sát cảnh báo sớm, chúng có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện cho
quân đội Trung Quốc.
Các thiết bị bay này đang được
triển khai tại một số điểm nóng chiến lược của Trung Quốc như biên giới với Bắc
Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Theo Kanwa Asian Defense, những chiếc khinh
khí cầu có thể giám sát cả mục tiêu trên không và các đối tượng mặt đất trong
vòng bán kính 300km (186 dặm).
Trong những năm gần đây, Trung
Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông bao gồm
xây dựng nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí, nhiên liệu, hải
cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo cùng với sự gia tăng các máy
bay và tàu quân sự Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc
đơn phương tuyên bố là lãnh thổ của mình, bất chấp thực tế Tòa án Trọng tài
quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ.
Năm ngoái, Trung Quốc đã âm thầm
triển khai trái phép tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không trên
Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, trong một động thái nhằm thống
trị kiểm soát không phận và thể hiện yêu sách tại Biển Đông.
Trong một diễn biến đáng chú ý
vừa qua, người phát ngôn của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ, chỉ huy Reann Mommsen
tiết lộ rằng, chiến hạm USS Gabrielle Giffords hôm 20.11 đã di chuyển trong
phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn.
Bà Mommsen cũng cho biết, một tàu
chiến khác của Mỹ là tàu khu trục USS Wayne E. Meyer hôm 21.11 đã thực hiện
hành trình đi qua Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhằm thách
thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
“Những nhiệm vụ này được tiến
hành dựa trên luật pháp quốc tế và thể hiện cam kết của chúng tôi đối với việc
duy trì quyền lợi, quyền tự do cũng như quyền sử dụng vùng biển và vùng trời
được đảm bảo cho tất cả các quốc gia”, chỉ huy Mommsen khẳng định.