SAN FRANCISCO, California (NV) – Trung Cộng đã lập căn cứ khổng
lồ gần biên giới với Việt Nam để sửa soạn bắn hàng loạt hỏa tiễn vào “đồng chí
anh em” phía Nam nếu chiến tranh xảy ra.
“Để xâm lăng Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ
cách biên giới với Việt Nam 10 km (trong tỉnh Quảng Tây) với các nhà kho và
doanh trại mà các mái nhà cộng lại bao trùm 50 mẫu.”
Đó là nội dung trong bài viết của tác giả David Archibald trên báo điện tử
American Thinker.
Tác giả David Archibald khuyến cáo “người bạn Việt Nam” về những gì “đồng
chí anh em” khổng lồ phương Bắc của họ đã và đang làm gì, dù bề ngoài vẫn đưa
ra những lời lúc nào cũng muốn “làm sâu sắc hơn” mối quan hệ song phương, nhất
là lại có sự ràng buộc cùng ý thức hệ Cộng Sản.
American Thinker trụ sở ở El Cerrito phía Đông Bắc vùng vịnh San Francisco
phân tích các thông tin phục vụ dư luận nước Mỹ quan tâm về các vấn đề phức tạp
của Hoa Kỳ và thế giới.
Theo tác giả, cơ sở doanh trại khổng lồ gần biên giới Việt Nam được dùng để
che giấu các đơn vị thiết giáp và pháo binh để vệ tinh do thám không nhìn thấy,
di chuyển chúng vào ban đêm. Đồng thời, các vị trí pháo binh dọc theo biên giới
giữa hai nước đã được chuẩn bị sẵn bãi tác xạ.
Khoảng hai cây số phía Bắc của căn cứ quân sự khổng lồ nói trên, Trung Quốc
đã xây dựng những tòa nhà rộng trên 8 mẫu trông giống như chúng được dùng để
che giấu những giàn hỏa tiễn tầm trung (IRBM, Intermediate Range Ballistic
Missile) di động để từ đó đưa tới gần biên giới khi chuẩn bị tấn công.
Các giàn hỏa tiễn IRBM có tầm bắn từ 3,000 km đến 5,500 km sẽ bao trùm cả
nước Việt Nam. Từ kinh nghiệm tiếp vận khó khăn của cuộc chiến biên giới năm
1979, Trung Quốc đã làm một xa lộ dài 85 km từ phía Nam thị trấn Chongzuo
(trong khu Quảng Tây Choang) dẫn đến biên giới Việt Nam.
Theo tác giả bài viết, căn cứ trên hình ảnh vệ tinh của Planet Labs, trục
lộ này vẫn chưa hoàn tất nên nhiều phần Trung Quốc sẽ chưa tấn công nếu nó chưa
xong.
Tác giả cho hay, có hai lý do để Trung Quốc tấn công Việt Nam khi hai nước
xảy ra chiến tranh. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn cho các đơn vị lục quân cũng được
hưởng hào quang chiến thắng thay vì chỉ để cho hải quân và không quân cái vinh
dự. Thứ hai, buộc Việt Nam phải từ bỏ 17 căn cứ trên các đảo tại quần đảo
Trường Sa.
Tuy còn cả Philippines, Malaysia, Brunei cũng tranh chấp và cũng có quân
đóng một số đảo, nhưng chỉ có Việt Nam là tổ chức chuẩn bị chống trả cứng rắn
nhất. Nếu cho các đơn vị đổ bộ tới đánh chiếm thì khó tránh tổn thất nghiêm
trọng. Nếu Trung Quốc thành công khi đánh chiếm được một số tỉnh phía Bắc,
nhiều phần họ sẽ buộc Hà Nội rút bỏ các đảo ở Trường Sa như điều kiện để ngưng
chiến và lấy lại các tỉnh đã bị chiếm đóng.
Đấy chỉ là những suy luận của tác giả David Archibald dựa trên những gì ông
thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị tại khu vực biên giới với Việt Nam trong tỉnh Quảng
Tây.
Suốt ba tháng qua, Trung Quốc đưa các đoàn tàu tới vùng biển đặc quyền kinh
tế của Việt Nam liên tục khiêu khích, cản trở và đe dọa các hoạt động khai thác
và dò tìm dầu khí của Việt Nam dù Hà Nội đã nhiều lần phản đối.
Mới đây, thấy có tin Bắc Kinh đang cho giàn khoan nước sâu tối tân và lớn
nhất của họ, Haiyang Shiyou 982 tới Biển Đông. Báo chí Trung Quốc khi đưa tin
này không cho biết nó sẽ cắm ở vùng nào. Một số nhà phân tích cho rằng nếu nó
đến vùng biển tranh chấp, nó sẽ tạo thêm căng thẳng hơn nữa giữa Việt Nam với
Trung Quốc. Và biết đâu nếu không phải là Bắc Kinh cố chọc cho Hà Nội tức đến
độ không nhịn được nữa thì chiến tranh sẽ xảy đến.
Trước đó, hôm 8 Tháng Bảy, 2019, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội
CSVN, dẫn đầu một phái đoàn đông đảo chức sắc cấp cao thăm viếng Trung Quốc.
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin nói rằng chuyến đi của bà sang Bắc Kinh gặp Chủ
Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là để “tăng sự tin cậy chính trị.”
Bà đến gặp ông Tập Cận Bình, hai bên chụp tấm hình bắt tay tươi cười để
tuyên truyền, cũng là lúc các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam đang
phải chống đỡ khó khăn với các tàu hải giám hải cảnh của Trung Quốc ở khu vực
bãi Tư Chính. (TN)