02 décembre 2019

VNTB - Từ vụ bà Chủ tịch Hội Phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh treo ấn từ quan


Nguyễn Việt Nam

bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (phải)

(VNTB) - Hôm 27/11 và 28/11, nhiều tờ báo ở Việt Nam đồng loạt đưa tin bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, sinh 1975, quê Long An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện có đơn xin thôi giữ chức vụ, đồng thời xin nghỉ việc với lý do cá nhân.


Bà Bích thông báo với cơ quan đã nộp đơn xin thôi giữ chức vụ và nghỉ việc từ tháng 9/2019. Sau đó Thành ủy Hồ Chí Minh đã có quyết định cho cho nghỉ theo nguyện vọng, có hiệu lực từ 1/11.


 Tất Thành Cang và Đinh La Thăng


Theo lý lịch mà báo chí đăng, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích còn khá trẻ, 44 tuổi, thạc sĩ luật, cử nhân chính trị chuyên ngành tư tưởng văn hóa, nguyên Phó Ban tuyên giáo Quận ủy quận 8, nguyên Phó chủ tịch ủy ban nhân dân quận 8...

Bà Bích là phu nhân của ông Tất Thành Cang, hiện là Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh”.

Thắc mắc ở đây là với chuyên môn “cử nhân chính trị chuyên ngành tư tưởng văn hóa”, vì sao bà Bích lại không nhận ra ‘tư tưởng’ của ông Cang có vấn đề với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, với đảng cộng sản nơi ông Cang từng ngồi ghế phó chủ tịch thành phố, phó bí thư thường trực của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh?

Ngược dòng thời gian, ngày 15/11/2018, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố.

Ngoài ra, ông Cang cũng đã vi phạm “các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp”.

Ông Cang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố. Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Sở dĩ cần kể dông dài như vậy để nhằm muốn nói rằng cần thiết xem lại cái gọi là “chuyên ngành tư tưởng văn hóa”. Những cán bộ khoác chiếc áo ‘chuyên ngành tư tưởng văn hóa’ là một nỗi ám ảnh của các luật sư bào chữa trong những vụ án ‘tù nhân lương tâm’.

Trong vụ án Hội Anh em dân chủ, để buộc tội, cáo trạng cho biết theo kết luận của các giám định viên tư tưởng, thì các bài viết của các bị cáo mang tư tưởng “lật đổ chính quyền” nên cần phải bị xử trí pháp luật hình sự. Nhóm giám định viên tư tưởng ở vụ án này gồm có: Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tổ trưởng điều phối giám định tập thể, và các tổ viên giám định tập thể là Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí; Đinh Tiến Dũng, phó Chánh Thanh tra; Trần Thị Nhị Thủy, phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

“Giám định tư tưởng” là một nghề không được đào tạo ở bất kỳ trường lớp nào. Những người được giao phần việc gọi là ‘giám định viên tư tưởng’, thường là có bằng cấp chuyên môn tương tự như bà Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Sắp tới đây trong vụ án nhà báo Phạm Chí Dũng, chắc chắn cũng có tổ giám định tập thể được thành lập để ‘giám định tư tưởng’ của vị nhà báo này qua các bài viết của ông.

Từ vụ treo ấn từ quan của bà Bích, một thạc sĩ luật, cử nhân chính trị chuyên ngành tư tưởng văn hóa, cho thấy ngay cả người đồng chí cận kề của bà là ông Tất Thành Cang – cũng có hàm cử nhân chính trị, thạc sĩ luật, đã vấp sai phạm về ‘tư tưởng’ kéo dài, nhưng bà Bích không phát hiện ra; và nếu mai này pháp luật không quy kết bà Bích trong vai trò đồng phạm, thì phải chăng cần thiết coi lại nghề ‘giám định tư tưởng’ đối với những tiếng nói của quyền tự do ngôn luận, như với trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng mới đây chẳng hạn