11 mars 2020

Của cho là của nợ?

Nguyễn Khắc Giang
Chủ Nhật,  8/3/2020, 14:57 
Nguyễn Khắc Giang

(TBKTSG) - Giữa lúc lo ngại về dịch Covid-19 vẫn còn lơ lửng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế chưa được ước tính đầy đủ, Thành phố Hải Phòng vừa “gây sốc” khi duyệt chi gần 270 tỉ đồng để tặng mỗi gia đình một phần quà, trong đó có… một bộ ấm chén mừng 65 năm tiếp quản thành phố. Việc chính quyền tặng quà kỷ niệm cho người dân không phải là hiếm. Mấy năm trước, nhiều người còn ghen tị khi Chính phủ Singapore tặng hơn 500 triệu đô la cho toàn bộ cư dân. 
Nhưng có nhiều việc không phải cứ làm theo là đúng. Ngân sách Hải Phòng, dù nằm trong số ít các tỉnh có tỷ lệ điều tiết dương với trung ương, đương nhiên không thể dồi dào như Singapore. Thành phố cảng này cũng còn rất nhiều vấn đề cần ưu tiên giải quyết. 

Trước mắt là việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả và dài hạn là các vấn đề về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, hay xử lý tranh chấp đất đai. Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình thương mại và nền kinh tế nói chung chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, ngân sách cần được ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng. Là một thành phố có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu, lẽ ra lãnh đạo Hải Phòng cần chuẩn bị sẵn cho trường hợp ngân sách sụt giảm trong năm nay để tính toán chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hơn.
Tạm thời sung túc hơn không phải là lý do để biện minh cho việc vung tay quá trán. Tỷ lệ chi thường xuyên của Hải Phòng, bao gồm những khoản “ấm chén” như phê duyệt, cao hơn khá nhiều so với chi đầu tư phát triển. Năm 2019, mức dự toán chi đầu tư của thành phố chỉ bằng 70% so với chi thường xuyên.
Thêm vào đó, tôi cũng băn khoăn liệu người Hải Phòng có tiếng nói gì với món quà mình được nhận hay không. Con số 270 tỉ đồng là rất lớn, và thực tế chính là tiền thuế mà các doanh nghiệp, tổ chức, và người dân sinh sống trên địa bàn thành phố đóng góp. Việc chi tiêu khoản tiền lớn và có khả năng gây tranh cãi như trên, chính quyền tỉnh có lẽ cần lắng nghe nhiều hơn trước khi ra quyết định. Khoản chi này, theo giải thích của lãnh đạo Hải Phòng, là “đúng quy trình”, nhưng liệu có bao nhiêu người dân nắm được thông tin trên trước khi quyết định trên được đưa ra? Tôi e rằng không nhiều.
Và liệu trong số hơn 600.000 hộ dân có phải ai cũng thích có một bộ ấm chén với mẫu mã và chất lượng y hệt nhau? Sẽ ra sao nếu tôi không uống trà mà chỉ uống nước lọc và cà phê? Tôi có muốn dùng bộ ấm chén đó không khi ở nhà đã có đủ một vài bộ? Một điều dễ đoán là sẽ có rất nhiều trong số 600.000 quà tặng này sẽ bị xếp xó và không mấy khi được sử dụng. Nếu không tin, lãnh đạo Hải Phòng có thể tham khảo tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương cũng đã tặng gần 67 tỉ đồng ấm chén cho người dân, nhân dịp tái thành lập tỉnh cách đây ba năm. 
Sẽ rất thú vị khi chúng ta có đầy đủ thông tin về quá trình gọi thầu và các doanh nghiệp trúng gói thầu 270 tỉ đồng sắp tới của Hải Phòng. Còn với người dân của thành phố, có lẽ câu nói của Mai An Tiêm đúng với tình cảnh lúc này: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Việc đề xuất những khoản chi kiểu “ấm chén” như vậy có thể đơn thuần vì dụng ý tốt. Chính quyền Hải Phòng có thể thực tâm muốn người dân có được những món quà kỷ niệm đáng nhớ, và từ đó gắn bó hơn với thành phố.
Cũng giống như tất cả những tượng đài, cổng chào, lễ lạt kỷ niệm được coi là lãng phí khắp nơi trên cả nước, có thể người ra quyết định không có một chút tư lợi nào mà hoàn toàn vì cộng đồng. Nhưng người làm chính sách không thể chỉ dựa vào dụng ý cá nhân, dù là tốt, mà còn phải cân nhắc kỹ lưỡng chi phí - hiệu quả, và quan trọng hơn, chính sách phải phản ánh được ưu tiên của người dân. Suy cho cùng, người nộp thuế phải có tiếng nói quyết định, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Nhưng điều đáng lo hơn, và có lẽ là thực tế hơn, là những quyết sách lãng phí không xuất phát từ sự ngây thơ. Sau quá trình đấu thầu công khai và rộng rãi, tỉnh Vĩnh Phúc chọn lựa được hai nhà thầu có chung một địa chỉ đăng ký cung cấp ấm chén cho chín huyện, với mức giá trúng thầu thấp hơn chưa tới 1% ngân sách dự kiến. Liệu hai (hay một?) doanh nghiệp trên có đội ngũ chiến lược tính giá thầu siêu đẳng, hay một cách thần bí nào đó họ biết được chính xác mức bỏ thầu cần thiết? Hiện tượng “trùng hợp” đó, nói một cách thẳng thắn, là biểu hiện của chủ nghĩa “sân sau”.
Sẽ rất thú vị khi chúng ta có đầy đủ thông tin về quá trình gọi thầu và các doanh nghiệp trúng gói thầu 270 tỉ đồng sắp tới của Hải Phòng. Còn với người dân của thành phố, có lẽ câu nói của Mai An Tiêm đúng với tình cảnh lúc này: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”.