Nguyễn Quang Duy
Sang tới nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Malcolm Fraser,
chính sách về người tị nạn Đông Dương mới được mang ra Quốc Hội tranh luận và
đến gần cuối năm 1978 mới được ban hành.
Nhưng phải đợi đến sau Hội nghị quốc tế về người tị
nạn tại Geneva, ngày 21/7/1979, và vào thời Bộ Trưởng Di Trú và Sắc tộc Sự Vụ
Ian MacPhee (1979-82) số người Việt được nhận định cư từ các trại tị nạn Đông
Nam Á mới thực sự gia tăng.
Năm 1980, có 12,915 người, năm 1981 và 1982, mỗi năm
chừng 12,000 người được Úc nhận, nhờ thế người Việt tị nạn không mạo hiểm dùng
thuyền đi thẳng đến Úc.
Bộ Trưởng Ian MacPhee còn là người khởi xướng chính
sách Ra Đi Trật Tự (Orderly Departure Program) thương lượng với nhà cầm quyền
cộng sản để những người tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Gia đình đầu tiên được bảo lãnh đến Úc vào giữa năm
1982, có thể gia đình này đã đến thành phố Melbourne.
Theo thống kê ABS vào tháng 6/1976 chỉ với 382 người,
cuối năm 1978 ước tính đã có gần 2,000 người, đến cuối năm 1982 đã có trên
20,000 người Việt định cư tại Melbourne.
Giai đoạn 1978-83 rất đặc biệt trong nỗ lực phát triển
cộng đồng từ việc ổn định đời sống cá nhân đến các sinh hoạt tương trợ, xã hội,
văn hóa, dạy tiếng Việt cho con em, sang đến việc vận động chính giới, chính
trị Việt Nam và xây dựng một cơ chế cộng đồng liên bang.
An cư lạc nghiệp
Người Việt tị nạn thường bắt đầu cuộc sống tại các
Trung tâm tiếp cư (hotstel), được trợ cấp đặc biệt bằng với tiền trợ cấp thất
nghiệp, được học Anh văn sơ cấp ngay tại Trung tâm, có nhân viên xã hội giúp
đỡ, con cái có xe đưa đón đến tận trường.
Các sinh hoạt cộng đồng như bầu cử, biểu tình, các
sinh hoạt tôn giáo như Lễ Giáng Sinh, có xe buýt đến tận Trung Tâm đưa đón.
Nhưng ngược lại bà con phải trả đến 3/5 khoản trợ cấp,
đồ ăn do Trung tâm cung cấp lại không hợp khẩu vị, cuộc sống chung đụng không
thoải mái nên nhanh chóng mướn nhà và dọn ra.
Bước ban đầu mọi người đều dựa vào nhau thu nhặt thông
tin, giới thiệu công việc và nhất là chia sẻ niềm vui nỗi buồn đời tị nạn.
Khu Richmond sát cạnh trung tâm thành phố, cạnh nhà
thờ Linh mục Huỳnh San, giá mướn nhà rẻ, có nhà cao tầng chính phủ cho mướn rất
rẻ, nên nhanh chóng trở thành Sài Gòn nhỏ tập trung người Việt.
Ba khu Footscray, Springvale và Box Hill vì ở sát ba
Trung tâm Midway, Enterprise và Eastbridge nên số người Việt sinh sống buổi ban
đầu cũng rất đông.
Người tị nạn siêng năng, không đòi hỏi, có việc là
làm, thập niên 1970 công việc hãng xưởng lại nhiều, nên đa số đến Melbourne hôm
trước hôm sau có việc làm.
Hầu hết người tị nạn đều cố gắng làm việc không chỉ để
lo cho bản thân và gia đình ở Úc, họ còn phải gởi quà, gởi tiền cho gia đình
còn kẹt lại ở Việt Nam.
Nhà cửa khi đó rẻ có việc làm là nhà băng cho mượn
tiền, nhiều người Việt mua ngay nhà và chỉ trên 5 năm là trả xong nhà, rồi đổi
nhà lớn hơn hay xây nhà ở các khu vực khác.
Một số người không thích công việc làm tay chân thì
thi vào các công việc chính phủ như lái hay bán vé xe điện (xe tram), bưu điện
hay công chức bậc thấp.
Một số người có ít vốn mở tiệm buôn, nhà hàng hay hãng
xưởng nhỏ.
Một số khác tiếp tục học tiếng Anh để có thể xin được
một chỗ học ở Đại Học hay Cao Đẳng.
Sang đầu thập niên 1980, kinh tế Úc suy thoái, người
tị nạn lại sang rất đông, nên nhiều người phải ở nhà may gia công hay lên nông
trại làm việc.
Tôi đến Melbourne tháng 4/1983, thời điểm kinh tế còn
khủng hoảng rất khó kiếm việc làm nên phải vừa học toàn thời, cuối tuần làm
việc ở nông trại, tối đến chạy bàn ở nhà hàng, sẽ có bài viết riêng gởi bạn
đọc.
Không muốn bị gọi là “Việt kiều”
Từ ngữ “Việt Kiều” trước đây mang ý nghĩa công dân
Việt Nam Cộng Hòa sống trên đất Úc.
Sau 30/4/1975, Tòa Đại Sứ Cộng sản tại Canberra công
khai lôi kéo “Việt Kiều” nhất là những sinh viên du học trước đây đứng về phía
họ.
Ông Nguyễn Hữu Thu có kỷ niệm chua chát là vào giữa
năm 1978, Tòa Đại Sứ Cộng sản từ Canberra xuống Melbourne tổ chức một cuộc họp
giải thích “chính sách đối với kiều bào” có một số sinh viên và cựu sinh viên
tham dự.
Bên ngoài buổi họp bà con tị nạn biểu tình phản đối,
điểm mặt những người tham dự là tay sai cho cộng sản.
Ít nhất một sinh viên tên L. sau khi tham dự cuộc họp
ít lâu bị đón đánh ở Richmond.
Sau đó một bài viết trên báo Trắng Đen phát hành tại
Mỹ đưa tin cuộc họp, với danh sách những người được cho là tham dự buổi họp và
ví họ như “cỏ đuôi chó”.
Khi ấy ở Úc chưa có báo chí Việt ngữ, còn ông Thu đang
theo học tại viện Đại Học Melbourne, không tham dự buổi họp, nhưng không hiểu
vì lý do gì trong danh sách lại có tên ông.
Ông Thu cùng lúc đang thực tập ngành nhân viên xã hội
tại Ecumenical Migration Centre (EMC) ông báo cho họ biết, họ khuyên ông nên
gởi bài báo cho Bộ Di Trú.
Bộ mời ông lên gặp để tìm hiểu, ông nói họ muốn biết
thì hỏi sinh viên L. sẽ rõ, còn ông không tham dự và không biết gì.
Sau đó một người bạn cho ông biết một số người muốn
vào tận ký túc xá Đại Học nơi ông đang cư ngụ để tìm ông, nhưng anh ấy cho họ
biết ông là người tị nạn cộng sản và là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
nên họ mới thôi không đến.
Khi ấy thành phần thiên tả Úc – Việt liên tục tổ chức
các cuộc triển lãm và hội họp buộc những người tị nạn mới sang không thể làm
ngơ.
Nhiều cuộc biểu tình dẫn đến xô sát và việc tìm “thanh
toán” giới thiên tả và cộng sản thường xuyên xảy ra.
Linh mục Bùi Đức Tiến cho biết có 2 lần những người bị
đánh, vì bị cho là theo cộng sản, phải chạy vào nhà thờ nhờ Cha giúp tránh bị
hành hung.
Ở thủ đô Canberra căng thẳng hơn khi một người tị nạn
và mấy nhân viên Tòa Đại sứ cộng sản đánh nhau ngay giữa chợ trời. Đưa nhau ra
tòa, người tị nạn thắng kiện, nhờ được nhân chứng người Úc thấy nhiều người tấn
công anh.
Bạo động nhất là vụ “Quốc hiệu” nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam treo trước cửa Tòa Đại sứ cộng sản bị bắn nát, truyền hình
báo chí Úc đưa tin hàng đầu, cảnh sát không bắt được ai.
Theo tôi biết phía Tòa Đại Sứ không muốn làm lớn
chuyện, vì họ e ngại báo chí Úc sẽ biến thành một vụ án chính trị không có lợi
cho họ.
Để tránh bị tiếp tục tấn công, Tòa Đại Sứ phải lặng lẽ
rời về góc cuối một con đường vùng O'Malley ít người qua lại đặng dễ bảo vệ.
Tôi nhớ vụ này Giáo sư sử học David Marr, một người
thiên cộng, phải lên truyền hình ấp úng nói không lên lời biểu lộ sợ hãi đến
phiên mình và gia đình được hỏi thăm sức khỏe.
Việc này khi đó gây khá nhiều tranh cãi. Đến nay nhiều
người vẫn tin rằng trong giai đoạn đó làm như thế là đúng, mới ngăn cản ảnh
hưởng của Tòa Đại Sứ Cộng sản vào sinh hoạt cộng đồng và giúp cộng đồng phát
triển.
Vài câu chuyện nêu trên cho thấy ngay từ buổi ban đầu
người Việt tị nạn đã không chấp nhận Tòa Đại Sứ Cộng sản đại diện cho mình, họ
không chấp nhận những người theo cộng sản, họ cảm thấy từ ngữ “Việt kiều” không
còn thích hợp, nên muốn đổi danh xưng thành người Việt tị nạn, người Việt quốc
gia hay người Việt tự do.
Tên tiếng Anh của Hội Việt Kiều Tự Do sau năm 1978
cũng được đổi từ Vietnamese Friendly Society thành Vietnamese Association in
Victoria.
Bước chuyển đổi…
Ông Hoàng Phương, Việt Nam Dân Xã Đảng, sang Úc ngày
19/6/1978, cho biết tại Trung Tâm Midway (hostel), Footscray, bà con đã bầu
người đại diện có khả năng nói tiếng Anh để làm việc với Ban Giám Đốc và nhân
viên.
Ở thời điểm này mọi sinh hoạt từ hội họp đến Hội Chợ
Tết đều có treo Quốc Kỳ và đều khởi đầu bằng việc hát Quốc Ca Việt Nam Cộng
Hòa.
Ngày 18/8/1979, Thầy Huỳnh San khi được thụ phong linh
mục đã mặc một chiếc áo lễ với hình lá cờ Việt Nam Cộng Hòa do một giáo dân
tặng. Một sự kiện có một không hai trong lịch sử Cờ Vàng.
Ông Nguyễn Bình, Gia đình Hải Quân, sang Úc vào tháng
12/1978, cho biết trước đó các nhóm thiên tả hoạt động mạnh nên bà con đề cử
Thiếu tá Nguyễn Khắc Ngà làm Trưởng Ban và ông Bùi văn Cao làm phó Ban tổ chức
biểu tình chống cộng.
Sau đó ông Ngà được đề cử làm Hội trưởng Hội Ái Hữu
Người Việt Tự Do nhưng chỉ vài tháng ông Ngà từ chức.
Bà con đề cử Thầy Huỳnh San làm Trưởng ban tổ chức Tết
Nguyên Đán Kỷ Mùi 1979, đồng thời vận động Giáo sư Tôn Thất Ngữ, Đại Học Nông
Lâm Súc Sài Gòn, lên thay làm Hội trưởng Hội Ái Hữu.
Ngày 13/1/1979, Kỹ sư Trần Ngọc Thọ qua Úc, chừng 1 tháng
sau ông được Giáo sư Tôn Thất Ngữ mời giữ vai trò phó Ngoại vụ. Ban Điều Hành
có thêm hai người là ông Võ Doãn Ngọc, Phó Nội Vụ và Bác sĩ Trần văn Đông, Tổng
thư ký.
Ông Ngữ chỉ làm Hội trưởng chừng vài tháng thì tuyên
bố xin từ chức vào tháng 3/1979.
Ông Thọ được bà con vận động đứng ra lập một Ban Quản
Trị mới cho Hội. Ông đồng ý với 2 điều kiện những người cũ phải tiếp tục giúp
ông và phải qua một cuộc bầu cử tự do để Hội có được chính danh.
Bầu cử tự do và Hội Chợ Tết đầu tiên
Đến tháng 6/1979, cuộc bầu cử tự do đã diễn ra và liên
danh do ông Trần Ngọc Thọ làm thụ ủy được bà con tín nhiệm.
Đây là cuộc bầu cử cộng đồng đầu tiên tại Melbourne và
cũng có thể cũng là đầu tiên của người Việt tại Úc. Một số tiểu bang mãi đến
thập niên 1990 vẫn chỉ có hội viên chính thức mới được quyền tham gia bầu cử
cộng đồng.
Ngoài Kỹ sư Trần Ngọc Thọ là Hội trưởng, Ban Chấp hành
còn có Giáo sư Nguyễn văn Nha Phó Ngoại vụ, ông Võ Doãn Ngọc Phó Nội Vụ, ông Hồ
Xuân Thu, Tổng Thư ký và ông Trần Trọng Khương, Thủ quỹ.
Thêm vào có ông Trần văn Ni là Trưởng Ban xã hội và
ông Đỗ Phát Thanh Trưởng ban văn nghệ.
Trụ sở của Hội đặt tại số 40 đường Rae, North Fitzoy.
Trong nhiệm kỳ 1 năm từ 1979-80 Hội đã thực hiện được
các công việc sau:
1. Về xã hội ông Ni và ông Khương đã mướn xe giúp bà con di chuyển từ trung
tâm ra nhà mới và vận động Hội Tị Nạn Đông Dương (ICRA) giúp bảo trợ người tị
nạn từ các trại tị nạn;
2. Về giải trí ông Đỗ Phát Thanh đã liên lạc với các cơ quan Úc để mượn những
phim Việt Nam về chiếu cho bà con ở Trung tâm (Hostel) xem;
3. Tổ chức Tết Trung thu rất lớn tại Dallas Brooks Hall East Melbourne có
nhiều khách mời ngoại quốc; và
4. Tổ chức thành công Hội Chợ Tết đầu tiên của người Việt tại Melbourne cũng
như tại Úc. Hội chợ kéo dài 2 ngày tại Camberwell Civic Centre với sự đóng góp
của rất nhiều người đặc biệt của Linh mục Bùi Đức Tiến, Điêu khắc gia Lê Thành
Nhơn và Ca sĩ Đăng Lan. Tài chánh để tổ chức Hội Chợ đều do các thiện nguyện
viên đóng góp.
Sau Hội Chợ Tết, Thủ tướng Malcolm Fraser gởi thư chúc
mừng Hội Chợ thành công và chúc Tết Cộng Đồng.
Đáng tiếc ông Trần Ngọc Thọ không còn giữ lá thư này
đồng thời cũng không còn giữ hình ảnh sinh hoạt.
Từ đó, Hội Chợ Tết Melbourne hằng năm đều được tổ
chức. Vài năm sau, thành phố Sydney và các thành phố khác cũng tổ chức.
Riêng tại Melbourne ngày nay ngoài Hội Chợ do Cộng
đồng tổ chức còn có 6 Hội Chợ Tết do các Hội thương gia Richmond, Footscray,
Springvale, St Albans, Sunshine và Boxhill tổ chức.
Trước đây các lễ hội đều mang sắc thái của người da
trắng gốc Anh, Hội Chợ Tết trở thành một lễ hội sắc tộc đầu tiên đóng góp vào
sự hình thành và phát triển của chính sách đa văn hóa của nước Úc.
Ông Thọ cho biết văn hóa chính là gạch nối giữa người
Việt với người các sắc tộc khác và giữa thế hệ thứ nhất với các thế hệ tiếp
nối. Vì thế ông rất quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa.
Chỉ một năm phục vụ cộng đồng, đóng góp của Kỹ sư Thọ
và Ban Chấp Hành vô cùng quan trọng, đã mở ra sinh hoạt bầu cử công khai và
việc tổ chức Hội Chợ Tết làm nền tảng để Hội Ái Hữu được nhìn nhận như tiếng
nói chính thức của cộng đồng người Việt tự do tại Victoria.
Hầu như tất cả những thông tin phổ biến trước đây về
Cộng Đồng Victoria đều không nhắc đến giai đoạn trước 1980, nay nhiều người
không còn nữa, nhưng có trước mới có sau, nỗ lực của họ cần thiết được ghi
nhận.
Giai đoạn 1980-82
Ông Trần Ngọc Thọ còn nhớ khi Linh mục Bùi Đức Tiến ra
ứng cử có rất đông đồng bào tham dự và ủng hộ Cha.
Ban Chấp Hành gồm Chủ tịch Linh mục Bùi Đức Tiến; Phó
Chủ Tịch Nội Vụ, ông Võ Doãn Ngọc; Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, bà Kiều Renaud;
Tổng Thư Ký, Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng.
Cha Tiến cho biết Ban Chấp Hành giữ 2 nhiệm kỳ một năm
1980-81 và 1981-82.
Văn phòng tuyên úy Công giáo cũng được sử dụng làm văn
phòng Cộng đồng. Còn các sinh hoạt như Hội Chợ Tết và Tết Trung Thu được tổ
chức tại sân Nhà thờ St John’s, East Melbourne.
Đóng góp chính của Hội trong thời gian này là giúp
những người mới tới mướn được nhà, rời khỏi các Trung Tâm tiếp cư dành chỗ cho
người từ các trại tị nạn.
Khi các Trung tâm có chỗ trống, Hội vận động với chính
phủ nhận thêm người từ các trại tị nạn đến Melbourne.
Đồng thời Hội vận động với Hội Tị Nạn Đông Dương
(ICRA) giúp bảo trợ người từ các trại tị nạn. Thời gian này mỗi năm có tới trên
5 ngàn người đến định cư tại Melbourne.
Hội cùng các tiểu bang khác trong cơ chế Liên Bang còn
vận động và hỗ trợ Chính phủ Fraser, giữa năm 1982, Úc đạt được thỏa thuận với
nhà cầm quyền Hà Nội để người Việt tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở
Việt Nam.
Một số người cho biết là nhờ công của bà Kiều Renaud
một người hết sức năng nổ và nhiệt thành trong việc định cư người Việt tại
Melbourne.
Linh mục Bùi Đức Tiến (1980-82)
Cha Tiến là người Việt tị nạn đầu tiên được thụ phong
linh mục tại Melbourne, và là linh mục tiên khởi xây dựng Cộng Đồng Công Giáo
Việt Nam tại Melbourne, cũng như xây dựng Trung tâm Vinh Sơn Liêm.
Cha Tiến là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
thuộc Khóa 4/1970 Võ Khoa Thủ Đức, nhưng giữa Khóa Cha được phép về Đại Chủng
Viện Long Xuyên học.
Vào ngày 19/6/1981, khi Cha đang làm chủ tịch Hội Ái
Hữu, Cha giúp thành lập Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại
Victoria.
Trong Đại Hội cấp Liên Bang họp tại Trung Tâm Vinh Sơn
Liêm, do Cha làm linh mục quản nhiệm, vào ngày 4/1/1987, Cha tham dự và giúp
thành lập Tổng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Cha còn tham gia Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hằng năm
khi được nghỉ, Cha theo tầu ra Vịnh Thái Lan cứu người vượt biên, đi tìm những
thuyền nhân bị hải tặc Thái giam giữ trong đất liền hay trên các đảo, và giúp
đồng bào trong trại tị nạn.
Năm 2007, Cha và Thượng tọa Thích Phước Tấn thành lập
HOPE – AVHWA một Hội Từ thiện quy tụ một số bác sĩ chuyên khoa về mắt trên toàn
thế giới, về chữa trị cho những người khiếm thị tại các vùng quê Việt Nam.
Cha Tiến cho biết ngay khi đến Úc năm 1978, cha có ra
nguyệt san Quê Hương nhưng chỉ phát hành được vài tháng.
Đến năm 1980 Cha cộng tác với Linh mục Việt Châu ở Mỹ
ra ấn bản Dân Chúa Úc châu, hiện vẫn phát hành hằng tháng.
Cha còn viết và phát hành 10 sách Đạo tiếng Việt.
Chính trị và Hội Đoàn
Giai đoạn 1980-82 là giai đoạn nhiều Hội Đoàn địa
phương được thành lập trong đó có Cộng đoàn Công Giáo, Hội Cựu Quân Nhân và Hội
Sinh Viên.
Cũng trong thời gian này nhiều tổ chức chính trị người
Việt hình thành trên đất Úc, Mỹ, Pháp, rồi lan tỏa khắp nơi.
Một mặt các tổ chức nhắc nhở người Việt tị nạn về thảm
họa cộng sản phải được giải quyết ngay tại Việt Nam.
Nhưng mặt khác vì bất đồng trong phương cách đấu tranh
và khác tổ chức gây không ít tranh cãi thậm chí đến xô sát ngay trong những
sinh hoạt cộng đồng.
Hội chính thức thành Cộng Đồng
Tại Úc, chỉ có 2 cộng đồng đã thiết lập được một cơ
chế cấp liên bang là Do Thái và Việt Nam.
Cộng đồng Việt Nam được thành lập ngày 26/12/1977, tại
Canberra, dưới danh xưng Liên Hội Việt Kiều Tự Do Úc Châu.
Đến Đại Hội tại Adelaide, Nam Úc, vào ngày 12/4/1982,
Liên Hội được đổi tên thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu. Tất cả các
tiểu bang cũng được đề nghị thay danh xưng thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại
tiểu bang.
Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã sử dụng
danh xưng này từ đó đến nay.
Trong khi Hội Đoàn bị giới hạn bởi số hội viên, chỉ có
hội viên mới được tham dự vào các buổi họp của Hội và được bầu Ban Chấp Hành,
thì mọi người Việt có thường trú nhân, sống tại Victoria, đều có quyền bầu Ban
Chấp Hành Cộng Đồng cũng như tham gia mọi sinh hoạt, hội họp và biểu quyết.
Ban Chấp Hành Cộng đồng giữ vai trò điều hợp các Hội
Đoàn thuộc Cộng đồng người Việt tự do, trong các sinh hoạt về văn hóa, xã hội
và chính trị.
Cộng Đồng cấp liên bang giữ vai trò điều hợp các Cộng
Đồng tiểu bang trong sinh hoạt vận động chính giới và chính trị cộng đồng.
Để hiểu rõ hơn về khía cạnh sinh hoạt chính trị của
Cộng Đồng bài kế tiếp sẽ nói về cơ chế Liên bang và một số các hoạt động đáng
ghi nhớ được Liên Bang điều hợp trên 40 năm nay.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi