26 janvier 2021

ĂN NHẬU VÀ NHẬN QUÀ LÀ “TRUYỀN THỐNG”CỦA CÁC QUAN NHÀ SẢN!

Ngàn Hương

Nhân tết Tân Sửu (2021) sắp đến, lại nói về việc ăn nhậu và tặng quà của các quan nhà sản thời nay.

Việc ăn nhậu và tặng quà đã trở thành truyền thống lâu đời, đã ăn sâu trong tiềm thức của các quan nhà sản. Không một cấp chính quyền  nào, không một điều luật nào có thể ngăn cấm được việc này.


Về ăn nhâu: Đối với họ, ăn nhậu chỉ tốn hai thứ: Đó là tiền bạc và thời gian. Về tiền bạc thì những đồng tiền này không phải do mồ hôi công sức của họ làm ra, nên họ cứ tiêu xài vô tư, thoải mái mà không hề xót, không bị hạn chế và sợ tốn kém. Để thanh quyết toán, họ lấy chỗ nọ đập chỗ kia, gọi là điều tiết ngân sách. Lẽ ra những đồng  tiền này được dùng để tu sửa đường giao thông nông thôn, hay các công trình phục vụ dân sinh, thì lại được dùng để trả nợ cho các nhà hàng quán nhậu.

 Về thời gian thì họ là “con trời”, nên  không bị ai quản lý và không ai dám đụng đến.

 Nhưng ăn nhậu để dẫn đến nợ nần đầm đìa và triền miên, hết năm này qua năm khác, đến nỗi họ phải kêu cứu cấp trên cứu giúp, hoặc để các quán xá phải viết đơn đòi nợ, thì các quan Nghệ An là số một.

Báo Dân Việt ra ngày 24/01/2021 có bài nói về tình trạng ăn nhậu dẫn đến nợ nần triền miên cuả các quan huyện Quỳ Châu(Nghệ An) với tựa đề:

“Tờ trình xin thanh toán 81 triệu đồng tiền rượu: Huyện Quỳ Châu lên tiếng”.

Theo đó: “ Vụ việc văn phòng HĐND-UBND huyện Quỳ Châu (Nghệ An) làm tờ trình xin 80 triệu đồng để thanh toán tiền rượu tiếp khách hơn 3 năm qua khiến dư luận xôn xao”.

 Ngày 23/1, trên mạng xã hội lan truyền "Tờ trình" của Văn phòng HĐND - UBND huyện Quỳ Châu (Nghệ An) về việc xin chủ trương thanh toán tiền rượu phục vụ cơ quan HĐND - UBND của huyện này.Theo nội dung tờ trình, từ năm 2018 đến nay, Văn phòng HĐND - UBND huyện đã mua rượu để phục vụ công tác tiếp khách của HĐND - UBND huyện. Cụ thể, năm 2018 là 20 triệu đồng (phần HĐND chưa thanh toán); năm 2019 là 35,5 triệu đồng (của HĐND và UBND); năm 2020 là 25 triệu đồng (cả HĐND - UBND). Tổng số tiền chưa thanh toán là 81.750.000 đồng.

“Văn phòng HĐND - UBND huyện xin trình chủ trương thanh toán số tiền trên. Kính đề nghị Thường trực HĐND, Thủ trưởng cơ quan chính quyền UBND huyện xem xét, quyết định", tờ trình ghi rõ.

Phía dưới tờ trình có ghi phần duyệt lãnh đạo do ông Lô Thanh Luận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Châu  với bút phê: "Nhờ UBND huyện Quỳ Châu hỗ trợ thanh toán 20 triệu đồng. Số còn lại, đề nghị Văn phòng HĐND-UBND phối hợp kế toán làm thủ tục thanh toán".

Trao đổi với báo chí về số tiền rượu bị nợ của văn phòng HĐND- UBND hơn 81 triệu đồng trong 3 năm qua, ông Lô Thanh Luận cho rằng: "Trong một năm, huyện Quỳ Châu có một vài lễ hội lớn, như lễ hội Hang Bua... Những ngày này các đoàn khách đến cũng nhiều. Khi tiếp khách, chúng tôi không uống rượu của quán mà đặt mua rượu từ người quen của cán bộ văn phòng HĐND - UBND nấu, sau đó đưa về ngâm để uống; nên chưa thanh toán khoản này, bây giờ văn phòng làm tờ trình xin chủ trương để thanh toán cho người ta".

(https://danviet.vn/to-trinh-xin-thanh-toan-81-trieu-dong-tien-ruou-huyen-quy-chau-len-tieng-2021012411162481.htm?fbclid=IwAR3TC3Jt7p_Z8Kmjj-XIJQQud4Q00MTr8SySs-1xgQcp5V5WFJ0j-aHM3uo)

Qua sự việc này nổi lên mấy điểm đáng lưu ý như sau:

1-Tuy rằng ông Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Châu Lò Thanh Luận tìm cách lấp liếm rằng, trong một năm có một số lễ hội lớn. Nhưng ổng chỉ đơn cử một lễ hội duy nhất là lễ hội Hang Bua.

2- Đây là số tiền rượu mà huyện nợ các gia đình cán bộ. Vậy những lần nhậu ở quán và đã thanh toán và chưa thanh toán là bao nhiêu?

3- Đây là tiền nợ của năm 2018 chưa trả. Vậy số tiền năm 2018 đã trả là bao nhiêu?

4- Dù là tiền ngân sách hay lấy từ nguồn nào thì đây vẫn là tiền mồ hôi nước mắt của dân còng lưng mòn mỏi chắt lọc từng đồng để nộp thuế cho các quan phè phỡn ăn nhậu . Mà truyền thống của các quan nhà ta, là sau khi nhậu xong mới gọi là tăng 1. Còn tăng 2, tăng 3 là các quán karaoke có tay vịn, là những điểm giải quyết nhu cầu sau khi no cơm ấm cật thì bao nhiêu?

5- Đây là tiền rựơu, còn tiền mồi những thứ sơn hào hải vị, những cao lương mỹ vị thượng hảo hạng khác là bao nhiêu?

Tháng 4 năm 2019, một số nhà hàng ở huyện Tương Dương - Nghệ An phản ánh việc họ bị huyện nợ các khoản tiền liên quan đến ăn uống, tiếp khách lên tới cả tỉ đồng, như báo Tuổi Trẻ ra ngày 6/03/2019 đã phản ánh.

Theo sổ sách từ các nhà hàng, Văn phòng huyện Tương Dương từ năm 2011 đến 2015 nợ các nhà hàng trên địa bàn với số tiền lớn. Cụ thể, nợ nhà hàng Lễ Quế 1,4 tỉ, nợ nhà hàng Vinh Phượng hơn 1 tỉ đồng... Điều đáng nói, Tương Dương là một trong những huyện nghèo nhất của Nghệ An.

Năm 2018, tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhiều chủ cửa hàng đã tố lãnh đạo xã tổ chức ăn nhậu và ghi sổ nợ từ 2014 đến 2017. Trong đó, UBND xã Kỳ Tân, nợ 31 triệu đồng; UBND xã Kỳ Thư, nợ 111 triệu đồng, còn những xã nợ trên dưới 10 triệu khá nhiều, như báo Lao Động ra ngày 18/07/2018 đã phản ánh.

Nhưng một huyện nghèo như huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa nợ tiền ăn nhậu, tiếp khách và mua sắm cá nhân đến hơn 50 tỷ đồng, đến nỗi Bí thư và Chủ tịch huyện bị cách chức là chuyện không bình thường. Như Báo Tiền Phong ngày 31/7/2020 đã phản ánh với  bài: “Bí thư, Chủ tịch bị cách chức vì huyện nợ hơn 50 tỷ đồng chi tiêu”.


Vì sao họ dám “vung tiền qua cửa sổ”để chi tiêu vào những cuộc nhậu nhẹt như vậy? Vì Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức vào chiều 25/11/2019” . Theo đó: “Cán bộ bị kỷ luật không bị 'truất lương hưu', chỉ 'xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm'”.

Vì vậy  dù có ăn nhậu hay vơ vét để đến bị kỷ luật đi nữa, thì sau khi “hạ cánh”, họ đã có lá chắn vững chắc bảo đảm quyền lợi của họ về sau.

Dù ở Thanh Hóa, Nghệ An hay Hà Tĩnh.v.v, thì dứt khoát tiền nợ dân là họ phải trả, chứ  không thể nuốt được. Nhưng họ trả bằng cách nào thì có trời mới biết. Điều chắc chắn là họ không bao giờ phải bỏ tiền túi ra.

Đó là mới chỉ nói đến tiền ăn nhậu bị xì ra. Còn số không bị lòi ra trong một năm của cả nước là bao nhiêu?

Đó là mới chỉ tiền ăn nhâu, còn tiền trang trải cho quà biếu quan trên mỗi dịp tết đến xuân về là bao nhiêu?

Theo Quyết định 64/2007/QĐ-TTg , trong trường hợp sau CB, CC, VC được nhận quà biếu, quà tặng mà không bị coi là vi phạm: Tại khoản 4, điều 12 của Quy chế cũng chỉ rõ, trong trường hợp CB, CC bị ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, Tết truyền thống thì được nhận quà dưới 500.000 đồng. Như vậy, căn cứ trên cho thấy, trong dịp Tết nguyên đán, CB, CC được nhận quà tặng dưới 500.000 đồng. Nhưng Quyết định không quy định số lần tặng bao nhiêu là vi phạm. Và ai là kẻ kiểm tra trong bao thư xem họ tặng số tiền có vượt quá quy định không?

Đối với cán bộ công chức, ai không tặng quà và tặng không “đẹp lòng” xếp thì hãy liệu cái thần hồn.

Nhà yêu nước Trương Công Định, khi trả lời Phan Thanh Giản về việc bãi binh chống Pháp, ông  từng có câu nói nổi tiếng như sau: “Triều đình nghị hòa là việc của triều đình. Còn việc của Định thì Định cứ làm”.

Tóm lại  việc quy định  hạn chế ăn nhậu hay tặng quà là việc của…Thiên đình. Còn thực hiện là của  người trần thế. Dù dư luận hay báo chí có ồn ào mấy cũng bằng thừa.