Người ủng hộ ông Trump và cảnh sát giằng co tại Capitol Hill, ngày 6 tháng Giêng. |
Đây là lần đầu tiên trụ sở quốc hội Mỹ bị tấn công, kể từ năm 1814, khi quân đội Anh Quốc chiếm thủ đô Washington, đốt phá các dinh thự, khiến Tổng thống James Madison, chính phủ Mỹ và các đại biểu quốc hội phải chạy lánh nạn. Ngôi làng Brookeville ở Tiểu bang Maryland từ đó được gọi là “Thủ đô Hoa Kỳ trong một ngày.”
Những người tấn công Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, ngày 6 tháng Giêng 2021 nghĩ rằng họ có thể làm áp lực thay đổi kết quả cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2020. Đó là một ảo tưởng. Họ không đọc hiến pháp Mỹ cho nên bị đánh lừa, vì yêu nước mà tự biến thành những người phá hoại chế độ dân chủ. Họ bị đánh lừa khi nhiều người bảo họ “Hãy tiến về Washington ngày 6 tháng Giêng 2021! Đó là cơ hội cuối cùng lật ngược thế cờ.” Những lời kêu gọi như vậy được nhắc đi nhắc lại suốt hai tháng, nhiều người tưởng thật, chuẩn bị cả vũ khí kéo về thủ đô, rồi tiến đến trụ sở quốc hội và nổi loạn.
Hai điều hiểu lầm gây ra ảo tưởng này.
Hiểu lầm lớn nhất là nghĩ rằng quốc hội Mỹ có quyền quyết định chứng nhận ai đắc cử tổng thống. Sáng ngày 6 tháng Giêng, Phó Tổng thống Mike Pence, trước khi đến chủ tọa buổi họp đếm phiếu, dựa trên hiến pháp, đã bác bỏ ý kiến sai lầm đó.
Hiến pháp Mỹ, Điều II, tiết thứ nhất, nói rằng “Vị chủ tịch Thượng viện (tức là phó tổng thống) sẽ mở tất cả các giấy chứng nhận kết quả cuộc bỏ phiếu và sau đó các lá phiếu sẽ được đếm…” (… open all the certificates and the votes shall then be counted.) Bản văn nói đến hai hành động: Mở (Open) và Đếm (be counted). Không hề có một chữ nào nói quốc hội sẽ coi kết quả bỏ phiếu ở các tiểu bang có chính đáng hay không. Không hề nói quốc hội có thể đồng ý hay phản đối, sẽ phê chuẩn (certify) hay bác bỏ (decertify) những kết quả do các tiểu bang gửi về.
Đạo luật năm 1887 xác định rõ hơn ông phó tổng thống muốn bác bỏ hay thêm vào một danh sách cử tri đoàn, quốc hội có quyền phủ nhận hành động đó. Vai trò của phó tổng thống bị giới hạn trong việc mở và đếm phiếu mà thôi. Trong quá khứ các ông phó tổng thống Richard Nixon, Walter Mondale, Dan Quayle, Al Gore, Joe Biden, đã công bố kết quả đối thủ của họ thắng cử, chính họ bị thua. Năm nay Phó Tổng thống Mike Pence cũng vậy.
Tu chính án hiến pháp số 12 cũng ấn định quốc hội Mỹ phải can dự vào việc bầu, chọn tổng thống trong một số trường hợp, như khi không ứng cử viên nào đạt được đa số phiếu trong Cử tri đoàn – hoặc hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau. Khi đó, Hạ viện sẽ bỏ phiếu chọn một trong năm người có phiếu cao nhất (sau được rút xuống chỉ cần ba người). Trong cuộc bỏ phiếu này mỗi tiểu bang có một lá phiếu; đảng chiếm đa số đại biểu trong tiểu bang có quyền chọn bầu cho ai. Người được tín nhiệm sẽ làm tổng thống, người thứ nhì làm phó tổng thống. Nếu sau khi nhiệm kỳ vị tổng thống cũ chấm dứt mà Hạ viện vẫn chưa chọn được ai lên thì các nghị sĩ Thượng viện sẽ bỏ phiếu chọn phó tổng thống ngay, để tạm cầm quyền.
Trong lịch sử Mỹ việc này đã diễn ra hai lần đáng nhớ. Lần đầu vào năm 1824 trong số 4 ứng cử viên ông Andrew Jackson chiếm đa số phiếu phổ thông của dân, 42%, và được 99 phiếu cử tri đoàn. Ông John Quincy Adams được 84 phiếu. Hạ viện họp bỏ phiếu quyết định và đa số bầu cho Adams, vị tổng thống thứ sáu của nước Mỹ. Năm 1828 ông Andrew Jackson lại tranh cử, và thắng ông Adams.
Nửa thế kỷ sau, Quốc hội Mỹ lại phải bỏ phiếu chọn tổng thống lần nữa. Năm 1876 ông Samuel Tilden được 184 phiếu cử tri đoàn, chỉ thiếu một phiếu là đủ để đắc cử. Ông Rutherford B. Hayes được 165 phiếu. Tilden thuộc đảng Dân chủ, lúc các tiểu bang miền Nam, sau khi họ thua trong cuộc nội chiến 1861-1865, đều ủng hộ đảng Dân chủ. Hayes và đảng Cộng Hòa là phe thắng trận, đang tìm cách xóa bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam.
Năm 1876, Đảng Cộng Hòa phản đối kết quả bỏ phiếu ở ba tiểu bang Florida, Louisiana và South Carolina, gồm 19 phiếu cử tri đoàn, vì có hai danh sách khác nhau được gửi về Thượng viện. Thêm một cử tri từ tiểu bang Oregon cũng bị phản đối, tổng cộng thành 20 phiếu.
Trước đạo luật 1878, hiến pháp Mỹ không dự trù giải pháp phân xử khi có hai danh sách cử tri đoàn. Cuối cùng, hai đảng đi tới một thỏa hiệp. Họ thành lập một Ủy ban Bầu cử gồm 5 đại biểu Hạ viện, 5 nghị sĩ Thượng viện, và 5 Thẩm phán Tối cao pháp viện. Trong số này có 7 người đảng Dân chủ, 7 Cộng Hòa, và Thẩm phán David Davis độc lập.
Trước khi Ủy ban Bầu cử bỏ phiếu, hai đảng đã thỏa hiệp với nhau: Ông David Davis xin rút lui và được một người thuộc đảng Cộng Hòa thay thế. Kết quả là 20 phiếu cử tri đoàn bị tranh cãi được dồn cho ông Hayes. Ông đắc cử tổng thống với 185 phiếu, hơn ông Tilden đúng một phiếu. Ông David Davis được trả ơn bằng một ghế nghị sĩ.
Tại sao đảng Dân chủ chấp nhận thua trong vụ này? Vì hai bên đã thỏa hiệp: Tổng thống Hayes sẽ rút quân đội liên bang ra khỏi các tiểu bang ly khai miền Nam trong cuộc nội chiến và ngưng các chương trình gọi là Tái Thiết, việc xóa bỏ chế độ nô lệ bị trì hoãn trong gần một thế kỷ.
Bây giờ đến chuyện hiểu lầm thứ nhì, về “quyền phản đối” (right of objection) khi quốc hội đếm phiếu. Sau chuyện rắc rối năm 1878 và những năm 1880, 1884, năm 1887 Quốc hội Mỹ đã làm đạo luật Đếm phiếu Cử tri đoàn.
Quyền phản đối không giản dị như người ta tưởng lầm.
Đạo luật 1887, cho phép các dân biểu và nghị sĩ phản đối danh sách cử tri đoàn một tiểu bang khi có hai danh sách tranh chấp. Khi có người phản đối, ít nhất một dân biểu Hạ viện và một nghị sĩ Thượng viện, thì quốc hội phải xét xử. Một danh sách có thể bị xóa bỏ nếu cả hai viện quốc hội đồng ý, vì xét việc bỏ phiếu không theo đúng luật. Nếu chỉ có một viện chấp nhận thì lời phản đối vẫn bị bỏ qua. Đạo luật cũng nói khi có hai danh sách cử tri đoàn cho cùng một tiểu bang, thì danh sách do thống đốc gửi đến Thượng viện sẽ là danh sách quyết định.
Năm 1960, Phó tổng thống Richard Nixon, chủ tọa phiên họp đếm phiếu, đã hành động rất cao thượng trong vụ hai danh sách cử tri đoàn của tiểu bang Hawaii, mới gia nhập liên bang năm 1959. Khi Hawaii đếm phiếu, ứng cử viên Nixon được 141 phiếu cao hơn ông John Kennedy. Thống đốc William Quinn nộp danh sách cử tri đoàn bầu cho ông Nixon. Nhưng sau khi đảng Dân chủ phản đối, cuộc kiểm phiếu lại cho thấy ông Kennedy thắng 115 phiếu, lại phải đưa ra cử tri đoàn thứ nhì. Khi cả hai danh sách được đem ra đếm, ông Nixon đã chấp nhận cử tri đoàn của ông Kennedy. Năm 2000, Phó Tổng thống Al Gore cũng bác bỏ nhiều lời phản đối kết quả bỏ phiếu mặc dù chính ông là người bị thất cử.
Trước ngày 6 tháng Giêng năm nay, có hơn một trăm dân biểu và mươi nghị sĩ Cộng Hòa đã yêu cầu quốc hội mở một ủy ban điều tra về những nghi ngờ về 5 tiểu bang bị Tổng thống Trump tố cáo có gian lận bầu cử. Nhưng đó không phải là những lời “phản đối” chính thức.
Nhiều người đã hiểu lầm rằng chỉ cần lớn tiếng tố cáo một tiểu bang bỏ phiếu không theo đúng luật là đủ để quốc hội phải thảo luận và gạt bỏ danh sách cử tri đoàn của tiểu bang đó. Nhưng quốc hội không thể làm theo ý họ, sau khi các tòa án đã xác nhận những điều tố cáo là vô giá trị vì những người thưa kiện không trình bày được các chứng cớ.
Hơn nữa, quốc hội chỉ có thể đem các vụ này ra bàn và lựa chọn nếu có hai danh sách cử tri đoàn đang tranh chấp, như khi nghị viện đưa ra một cử tri đoàn khác với ông thống đốc. Năm nay, chuyện đó không xảy ra. Tổng thống Donald Trump đã gặp chủ tịch các nghị viện Tiểu bang Michigan để đề nghị họ làm như thế, nhưng họ từ chối dù đảng Cộng Hòa đang kiểm soát nghị viện. Ông Trump cũng điện thoại cho bộ trưởng nội vụ Tiểu bang Georgia yêu cầu “tìm” ra cho ông thêm 11,780 phiếu vì ông Joe Biden chỉ thắng với 11,779 phiếu. Lời yêu cầu này bị từ chối, vì Georgia đã cho kiểm phiếu lại ba, bốn lần mà ông Biden vẫn thắng.
Trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 năm 2020, cho đến ngày 6 tháng Giêng năm 2021, không tiểu bang nào, trong số 5 tiểu bang bị tranh cãi, đã nộp hai danh sách cử tri đoàn. Hiến pháp Mỹ trao cho nghị viện các tiểu bang quyền quyết định cách thức tổ chức bàu cử. Từ đó đến nay, 50 tiểu bang đều đã làm luật xác định cử tri đoàn gồm những người do ứng cử viên thắng phiếu đưa ra. Nghị viện các tiểu bang không thể làm ngược lại những luật lệ họ đã thiết lập.
Cuộc đếm phiếu đầu năm 2021 rất phức tạp, nhưng phải công nhận các đại biểu quốc hội, và phó Tổng thống Mike Pence đã tôn trọng hiến pháp và luật pháp. Cuộc bạo loạn của những người tấn công phá phách chỉ làm trì hoãn công việc, các dân biểu nghị sĩ phải đi lánh nạn, giống như năm 1814. Nhưng trong vòng 6 giờ, họ trở lại làm nhiệm vụ mà hiến pháp Mỹ giao phó, cho tới 4 giờ sáng. Một dân biểu, ông Andy Kim, tiểu bang New Jersey, đã lụi cụi đi lượm rác mà những người gây loạn để lại trong Điện Capitol. Ông nói không thể đang tâm nhìn một tòa nhà thiêng liêng, tượng trưng cho chế độ tự do dân chủ của nước Mỹ, trông thảm hại như thế. Nhưng mọi người có thể tin, chế độ dân chủ ở nước Mỹ rất vững bền vì luật pháp luôn được tôn trọng.
Ngô Nhân Dụng
Theo VOA tiếng Việt ngày 11/1/2021