Tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam nói đảng quyết tâm chống chạy chức chạy quyền |
Trong những tuần đầu tháng 1/2021, báo chí Việt Nam đăng bài nói về một vụ án “bỏ ra 27 tỷ đồng để mua chức 'phó vụ trưởng' ở một cơ quan cấp bộ.
Điều đáng chú ý là báo chí coi những vụ việc này là “không quá bất ngờ”, vì chính các cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản và chính phủ VN đã nói đến hiện tượng “chạy chức chạy quyền” từ lâu nay.
Nhộn nhịp dịp đại hội?
Trang Người Lao Động bản điện tử (15/01) viết:
“Dư luận quan tâm theo dõi nhưng không quá bất ngờ vụ "Nữ đại gia khai với cơ quan công an rằng đã đưa 150.000 USD cho một cục trưởng để chạy chức."
Theo các báo Việt Nam, người chạy chức còn khai đã bỏ ra hơn 27 tỉ đồng (1,16 triệu USD) cùng nhiều tài sản khác để mua chức "Phó Vụ trưởng" tại một cơ quan cấp bộ.
Vụ việc “mua chức bất thành” đang bị công an điều tra và được biết nhà chức trách “đã thu hồi hơn 3 tỉ đồng và một xe ô tô Toyota Camry”.
Các báo Việt Nam không nói rõ bên nhận tiền để bán chức vụ là ai.
Trong hệ thống chính trị và hành chính của Việt Nam, cán bộ trung cao cấp đều thuộc diện quản lý của các cơ quan trung ương, và các tiêu chuẩn để một ứng viên được đề cử, bổ nhiệm luôn được giám sát chặt chẽ.
Cùng lúc, việc tồn tại các đường dây chạy chức vụ, hoặc đặt tiền cho một quan chức hoặc tập thể quan chức, lãnh đạo có quyền quyết định, ra chữ ký về nhân sự trung, cao cấp được các báo VN nói đến đã nhiều.
Vụ “mua chức” vỡ lở không lâu sau khi lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì một hội nghị chống tham nhũng với 5000 đại biểu hôm 12/12/2020.
Tinh thần của hội nghị này tại Hà Nội là “từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng”.
Việc dư luận đề cập vụ mua chức gửi ra một tín hiệu trước thềm Đại hội của đảng |
Vẫn trang Người Lao Động (18/01/2021) có đăng ý kiến viết:
“Các "vụ án chạy" có đủ từ cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh đến Trung ương, liên quan từ cán bộ cấp thấp đến trung, cao cấp. Không hiếm người giữ quân hàm cấp tướng, chức vụ thứ trưởng, bộ trưởng "nhận tiền chạy" bị phơi bày. Mặc dù có thể không ít tội phạm đã lợi dụng "nhu cầu chạy" ở một số người để trục lợi, lừa đảo.”
Điều khá phổ biến, như các vụ án tham nhũng gần đây bị phát giác, là con em, cháu, họ hàng các quan chức đóng vai trò môi giới chạy chức, hoặc dắt mối.
Vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói về nhu cầu tách biệt quan hệ thân thuộc của cán bộ cao cấp ra khỏi công việc:
"Đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị. Ta phải thống nhất với nhau tinh thần thế.”
Dù các cấp cao nhất phát biểu công khai, mạnh mẽ như thế, việc tồn tại của “chợ đen mua quan bán chức” cũng được nói đến.
Nhưng dư luận còn để ý đến các con số khổng lồ mà vụ án chạy chức gần nhất hé lộ.
Chỉ một chức vụ phó mà người ta sẵn sàng “đầu tư” trên 1 triệu USD thì sẽ phải “kiếm về” bao nhiêu khi ngồi lên ghế quyền lực cấp chưa phải là cao đó.
Báo chí, truyền thông Việt Nam không đưa tin về chuyện chạy tiền vào các chức vụ cao hơn, nhưng có vẻ như đã thừa nhận đây là một phần thuộc vùng tối của sinh hoạt chính trị ở nước này.
Truyền thông còn phê phán đây là hiện tượng gây bất công đối với những người bị loại ra ngoài quá trình bổ nhiệm đáng ra phải công khai, minh bạch và trọng nhân tài.
Thậm chí, trang Thanh tra chính phủ còn mô tả lời một đại biểu QH nói hồi tháng 11/2019, nhận xét thú vị về các thời điểm nhộn nhịp của chợ đen của việc mua quan, bán chức:
“Không dễ trả lời được ai mua và ai bán, chỉ biết dư luận râm ran chợ đen này thường nhộn nhịp trong các dịp bầu cử, đại hội,” Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) được trích lời cho biết.
Chạy chức là xóa đi công bằng cơ hội*
Đại hội 13 của ĐCSVN dự kiến nhóm họp từ ngày 25/01/2021 trong vòng một tuần |
Trong một bài viết gần đây trên trang Diễn đàn của BBC News Tiếng Việt, luật gia Nguyễn Hữu Liêm từ California, Hoa Kỳ nêu ra một nhận xét khác về bộ máy quan chức Việt Nam.
Theo ông, đa số các quan chức “đã là tư sản”, không còn là “vô sản” nữa, trong bối cảnh Việt Nam bước vào nền kinh tế có mọi giao dịch đều mang tính thị trường từ lâu.
Dù vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rằng “Chạy chức, chạy quyền" là một dạng tha hóa quyền lực; là việc người có quyền lực đã “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” trong công tác cán bộ”.
Một nữ công nhân tưới hoa ở quảng trường gần lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội |
TBT Nguyễn Phú Trọng, nhà lý luận hàng đầu của đảng cầm quyền tại Việt Nam, vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến tinh thần cộng sản, đạo đức cách mạng của các quan chức như phương thuốc chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền.
Hệ thống chính trị Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát toàn diện cho đến nay bác bỏ việc cho tồn tại cơ chế giám sát độc lập theo mô hình tam quyền phân lập mà cộng đồng quốc tế tin rằng có hiệu quả tốt hơn nguyên tắc độc quyền trong công tác chống nhũng lạm quyền lực và hối mại quyền thế.
Cùng thời gian, vấn đề lớn không chỉ cho Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á trong những năm này của thế kỷ 21 là làm sao giới cầm quyền chứng tỏ họ tôn trọng thủ tục minh bạch, và chống bất bình đẳng về cơ hội.
Theo Michael Vatikiotis, Giám đốc châu Á của Centre for Humanitarian Dialogue viết trên Nikkei Asian Review (16/01/2021) thì Minh Bạch và Bất Công là hai vấn đề lớn hàng đầu tại châu lục này những năm tới.
Hiện chưa rõ Đảng CSVN sau kỳ Đại hội 13 sẽ giải quyết hai vấn đề này bằng cách thế nào cụ thể hơn những hô hào mạnh mẽ mang tính đạo đức.
19 tháng 1 2021