Xuân Dương: "Nếu được thì có lẽ những người đầu tiên đủ tiêu chuẩn nhân tài chính là những người soạn thảo Chiến lược bởi vạch ra chiến lược tìm nhân tài thì chắc chắn phải trên nhân tài một bậc. Còn nếu điều này không thể thực hiện thì thiếu sót có phải tại sự “khập khiễng” đã nêu tại phần đầu bài viết?
Nếu quả thật mọi người đều cho rằng đó là một chiến lược khập khiễng thì đi bằng hai chân liệu có vững?
Liệu có chuyện cả người viết dự thảo và người được thu hút đều phải có thêm chân thứ ba, tức là thêm chiếc gậy chống? "
Ngày 05/06/2019, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 470/QĐ-BNV về việc “Xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Nửa năm sau, “Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” (Chiến lược) được công bố lấy ý kiến trong thời gian từ ngày 14/12/2020 đến ngày 07/02/2021.
Định nghĩa “Nhân tài” trong Chiến lược là:
“Nhân tài được hiểu là người có tài năng theo lĩnh vực; có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực và sức sáng tạo vượt trội được khẳng định qua kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao; có niềm tin, khát vọng nghề nghiệp, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tổ chức, xã hội tại thời điểm xác định và cả trong tương lai.
Nhân tài cũng đồng thời là bộ phận của đội ngũ trí thức, lực lượng nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài phạm vi cơ quan nhà nước; là tài nguyên đặc biệt, yếu tố căn bản, gốc rễ để thay đổi diện mạo ngành, lĩnh vực, quốc gia, dân tộc”.
Chỉ với định nghĩa “Nhân tài” nêu trên đã thấy không ít khập khiễng:
Thứ nhất, nhân tài là những người phải “Được khẳng định qua kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao”, nghĩa là đã phải có một khoảng thời gian làm việc nhất định.
Những người làm nghề tự do hoặc nhà khoa học nghỉ hưu, không còn “thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao” sẽ không được xếp vào “Nhóm nhân tài”?
Thứ hai, “Nhân tài phải thuộc nhóm “nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài phạm vi cơ quan nhà nước”, nghĩa là đã được đào tạo bài bản và bắt buộc phải đang làm việc.
Thứ ba, “Là bộ phận của đội ngũ trí thức”, tức là ít nhất cũng phải có trình độ đại học theo cách hiểu thông thường của dân chúng.
Thứ tư, nếu có người thỏa mãn mọi tiêu chuẩn “nhân tài” nhưng “nhãn quan chính trị” hơi khác một chút thì họ có được gọi là “nhân tài”?
Với định nghĩa nêu trên nhân tài phải ở độ tuổi khoảng từ 30 trở lên bởi các cử nhân mới ra trường thường ở độ tuổi 22-25 cộng với ít nhất 5 năm làm việc mới đủ thời gian để “các Sếp” đánh giá “nhiệm vụ, công việc được giao”.
Và hệ quả là những học sinh, sinh viên đứng đầu các cuộc thi “Nhân tài đất Việt”; “Đường lên đỉnh Olympia”; “Siêu trí tuệ”; các tổ - nhóm sáng tạo Robocon,… sẽ không thể được xếp vào nhóm nhân tài bởi … họ đang đi học?
Không những thế, cuộc thi “Nhân tài đất Việt” do Bộ Khoa Học Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tổ chức cần phải đổi tên vì lẽ không ít người trong số được vinh danh là “Nhân tài đất Việt” chưa đạt tiêu chí “Nhân tài” theo dự thảo của Bộ Nội vụ.
Vậy điều này có mâu thuẫn với lý giải ở phần sau khi Chiến lược viết:
“Trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay. Ngay trong truyền thuyết về triều đại Hùng Vương đã đề cập đến truyện Thánh Gióng”.
Người Việt phần lớn đều biết Thánh Gióng được Vua ban ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt đánh giặc Ân ngay khi mới là một đứa trẻ.
Một trong các mục tiêu của Chiến lược là từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Những người làm việc trong các “bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” phần lớn là công chức, người làm trong các cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp công ích đa số là viên chức.
Số liệu công bố tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020” cho thấy năm 2019 toàn quốc “Giảm hơn 236.000 công chức, viên chức, chiếm tỷ lệ 6,58%”. [1]
236.000 người là 6,58%, vậy 100% sẽ là 3.586.626 người (công chức, viên chức).
Trừ đi số người tinh giảm biên chế khoảng 2-2.5% mỗi năm, số công chức, viên chức năm 2021 này sẽ vào khoảng 3.217.941 người.
Hiện tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị có khoảng có 253.517 biên chế công chức nên số “nhân tài” cần tuyển dụng sẽ từ 5.070 người đến 12.676 người.
Tạm coi viên chức đều thuộc khối chuyên môn, nghiệp vụ thì số lượng sẽ là 2.964.424 người và số “nhân tài” 10-15% cần thu hút sẽ từ 296.442 đến 444.663 người.
Nước Việt Nam mấy chục năm qua đã mấy lần “đổi mới giáo dục” nay vẫn đang tiếp tục đổi mới, nền giáo dục nặng về thành tích ấy có thể tạo nên đội ngũ nhân tài “đông như quân Nguyên” mà Bộ Nội vụ dự định tuyển chọn?
Xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có thu hút nhân tài vừa là trọng tâm vừa là hoạt động xuyên suốt quá trình hoạt động của Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Nói cách khác công tác cán bộ, trong đó có “thu hút, trọng dụng nhân tài” phải được thực hiện liên tục, vừa có tính kế thừa vừa đổi mới.
Vậy Dự thảo chiến lược đã đổi mới và kế thừa như thế nào?
Nhìn vào quá trình luân chuyển, điều động cán bộ trong vòng hai năm gần đây, nhìn vào cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được quy hoạch, sự nhất trí rất cao cơ cấu nhân sự của Đảng qua Hội nghị Trung ương 14 có thể việc chọn nhân sự cho toàn bộ hệ thống chính trị (khóa 13) đã được làm bài bản, công phu và đã gần như hoàn thành trừ một hoặc một vài trường hợp đặc biệt sẽ xem xét tại Hội nghị 15.
Liệu có phải vì từ nay đến năm 2026, “nhân tài” đã được tuyển chọn xong rồi nên Bộ Nội vụ chọn mốc thời điểm năm 2026 để thực hiện Chiến lược chứ không phải ngay từ bây giờ?
Chọn mốc thời gian năm 2026, Chiến lược của Bộ Nội vụ là dành cho “nhiệm kỳ sau”?
Nếu điều này là đúng thì tại sao không kế thừa cách làm hiện nay mà còn phải mất tiền của, thời gian xây dựng Chiến lược thu hút nhân tài?
Một trong những tiêu chí đề ra trong dự thảo là:
“Thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ”.
Văn phong viết rất hay nhưng liệu có thể thực hiện?
Xin nêu ba ví dụ:
Ví dụ thứ nhất, tại tỉnh Bắc Ninh, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy có chuyên môn là “Cử nhân cờ vua” được Tỉnh ủy điều động làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh.
Báo Tuoitre.vn tường thuật ý kiến của ông Nguyễn Trọng Tân, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh như sau:
“Tỉnh ủy đã lắng nghe dư luận và quyết định chuyển ông Chinh về Sở Lao động cho phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. Đây là lý do vì sao trong 6 tháng, ông Chinh liên tục luân chuyển qua nhiều vị trí”. Vị trí cuối cùng là người này được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh”. [2]
Theo đúng những gì vị lãnh đạo Bắc Ninh trả lời báo chí, có thể thấy lúc điều động người làm Bí thư Thành ủy, tổ chức Đảng tỉnh này chưa căn cứ vào “năng lực, trình độ chuyên môn” của cán bộ nên mới xảy ra chuyện “liên tục luân chuyển qua nhiều vị trí”.
Ông Nguyễn Trọng Tân là Giám đốc Sở Nội vụ nên chắc chắn có biết chiến lược thu hút nhân tài mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến, vậy ông Tân có cho rằng chức vụ Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh phải dành cho “nhân tài” hay đây là chuyện sau năm 2026?
Ví dụ thứ hai, một người Đức gốc Việt, đã từng làm Phó Thủ tướng nước Đức không thể nói không phải nhân tài, liệu người đó có thể đảm nhận chức vụ lãnh đạo một bộ của Chính phủ Việt Nam?
Ví dụ thứ ba, trong số 496 đại biểu Quốc hội khóa hiện tại chỉ có 21 người không phải là đảng viên, chiếm tỷ lệ khoảng 4%.
Qua nhiều vòng hiệp thương tuyển chọn, người dân cả nước lựa chọn và chỉ chọn ra được chưa đến 500 đại biểu Quốc hội, vậy có thể cho rằng họ đúng là những nhân vật tiêu biểu, đáp ứng tiêu chí “Nhân tài” của Bộ Nội vụ?
Và Bộ Nội vụ có nên đề xuất với Trung ương, với Quốc hội “Thí điểm thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới?
Nếu được thì có lẽ những người đầu tiên đủ tiêu chuẩn chính là những người soạn thảo Chiến lược bởi vạch ra chiến lược tìm nhân tài thì chắc chắn phải trên nhân tài một bậc.
Còn nếu điều này không thể thực hiện thì thiếu sót có phải tại sự “khập khiễng” đã nêu tại phần đầu bài viết?
Nếu quả thật mọi người đều cho rằng đó là một chiến lược khập khiễng thì đi bằng hai chân liệu có vững?
Liệu có chuyện cả người viết dự thảo và người được thu hút đều phải có thêm chân thứ ba, tức là thêm chiếc gậy chống?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/da-giam-duoc-hon-400-000-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-hop-dong-khong-chuyen-o-cac-cap-41452.html
08/01/2021
Xuân Dương
https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/nhan-tai-va-con-nguoi-ba-chan-post214773.gd