Hoàng Kim
Thưa ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Nông dân chúng tôi không sợ phải đóng thuế cho nhà nước, nhưng nông dân chúng tôi rất sợ sự dối trá của các chính khách gây hại chúng tôi, vì chúng tôi thấp cổ bé miệng không kêu vào đâu được.
Miễn thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp và đánh thuế GTGT 5% phân bón là 2 việc tách rời nhau, ông Bộ trưởng trình báo cho Quốc hội một cách trung thực để Quốc hội xem xét từng việc riêng biệt chứ đừng lập lờ lừa dối Quốc hội bằng cách nhập 2 vấn đề này làm một.
Và, nếu có lòng tự trọng, tôi nghĩ ông nên xóa phần đề nghị vô lý đánh thuế GTGT phân bón 5% vì nó gây thiệt hại cho nông dân, và cả doanh nghiệp cũng không đồng ý, mà chỉ đánh thuế 0% là đạt mục tiêu giúp doanh nghiệp.
Lời thật mất lòng, nhưng thuốc đắng dã tật.
Đọc Tờ trình về “Dự án Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón” nông dân chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điều bất hợp lý, nay trao đổi cùng ông.
Đưa ra một chính sách đánh thuế nông dân để giúp doanh nghiệp, ông Bộ trưởng đã đi chệch hướng Kinh tế thị trường định hướng XHCN và đang đi về phía Chủ nghĩa Tư bản hoang dại: Lấy của nhà nghèo giúp cho nhà giàu.
Nông dân chúng tôi sử dụng chủ yếu 2 loại phân là DAP và Đạm (Ure) nên tôi chỉ phân tích dựa vào 2 loại phân này.
Năm 2015, Quốc hội giúp nông dân bằng cách miễn thuế GTGT phân bón, nhưng Quốc hội không đồng ý khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất phân bón với lý do:
“Tại Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 800/BC-UBTVQH13 ngày 25/11/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có ý kiến như sau:
“- Nhiều ý kiến không nhất trí cho phép khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định như Dự thảo luật.
UBTVQH xin tiếp thu như sau: (i) Việc cho phép khấu trừ thuế trong trường hợp doanh nghiệp không có thuế GTGT đầu ra là không phù hợp với nguyên tắc của thuế GTGT; (ii) Việc khấu trừ và hoàn thuế GTGT chưa có căn cứ đảm bảo người dân sử dụng dịch vụ này được hưởng lợi từ việc Nhà nước cho phép khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị bỏ quy định việc khấu trừ và hoàn thuế đối với các trường hợp trên.”.” (1)
Doanh nghiệp chỉ yêu cầu miễn thuế GTGT đầu vào chứ không hề yêu cầu đánh thuế GTGT phân bón 5%, nhưng Quốc hội cho rằng việc miễn thuế này không phù hợp với nguyên tắc của thuế GTGT, vậy nay, Ông Bộ trưởng chỉ cần đưa ra đề nghị thay đổi nguyên tắc của thuế GTGT sao cho việc miễn thuế GTGT đầu vào được phù hợp là xong.
Tại sao đánh thuế GTGT phân bón 5% mà không đánh thuế GTGT phân bón 0%?
Lập luận rằng: “Phải đánh thuế GTGT phân bón 5% mới miễn thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất phân bón” là một lập luận sai lầm, dối trá vì chỉ cần Quốc hội đánh thuế GTGT phân bón 0% là doanh nghiệp sản xuất phân bón đã được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào.
Không có một doanh nghiệp nào ngu đến nỗi tự dưng yêu cầu nhà nước đánh thuế GTGT lên sản phẩm của mình 5% cả, vì nó làm tăng giá bán 5%, khiến cho sản phẩm khó cạnh trạnh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại trên thị trường, thế mà ông lại giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón bằng cách đánh thuế GTGT lên phân bón 5%, đây là cách giúp phản kinh tế và vô căn cứ, khiến cho chính các doanh nghiệp phân bón trong nước cũng không đồng ý:
“ Tuy nhiên, các DN phân bón trong nước vẫn nghiêng về phương án áp dụng mức thuế suất GTGT 0% thay vì mức 5% như trong dự thảo mới nhất.
Bởi lẽ, khi đưa phân bón vào đối tượng chịu GTGT với mức thuế 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT (bằng 0). Nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra DN nộp cho Nhà nước là 0 đồng và DN được hoàn thuế GTGT đầu vào. Điều này làm giảm giá thành sản xuất, cũng như tạo cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.” (2)
Mục tiêu của ông là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, thì chỉ cần yêu cầu Quốc hội đánh thuế GTGT phân bón 0% là đạt mục tiêu, thế nhưng, không biết can cớ gì mà ông lại yêu cầu đánh thuế GTGT phân bón 5%, hay ngân khố hết tiền rồi chăng?
Đánh thuế GTGT phân bón trong nước 5% và đánh thuế GTGT phân bón nhập khẩu 5%, khiến cả 2 cùng tăng giá 5%, thì ông giúp phân bón trong nước cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu ở chỗ nào?
Ai đóng thuế GTGT phân bón 5%?
Chúng ta đều biết: Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ. Thuế GTGT được phát sinh đến khâu cuối cùng là tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế.
Người tiêu dùng phân bón là nông dân, nên đánh thuế GTGT phân bón 5% thì người chịu thuế là nông dân.
Năm 2015 Quốc hội thấy nông dân khổ nên miễn thuế GTGT cho nông dân, nay nếu Quốc hội muốn đánh thuế GTGT phân bón 5% vì cho rằng nông dân đã hết khổ, thì nông dân chúng tôi chấp nhận chứ không than vãn.
Ông Bộ trưởng có thể lấy lý do ngân sách hết tiền đề nghị Quốc hội đánh thuế GTGT phân bón của nông dân để tăng thu ngân sách, nhưng không được dối trá Quốc hội rằng phải đánh thuế GTGT phân bón 5% mới giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón, và rằng khi đánh thuế GTGT phân bón 5% phân bón sẽ giảm giá, thì nông dân chúng tôi buộc phải vạch trần sự dối trá này.
Miễn thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp thì giá phân có giảm không?
Ông Bộ trưởng cho rằng khi doanh nghiệp được miễn thuế GTGT đầu vào khoảng 5%, thì do giá thành phân giảm, nên doanh nghiệp sẽ bán phân giá rẻ hơn cho nông dân. Đây là một nhận định duy ý chí, chính Quốc hội đã xác định là vô căn cứ.
Cứ cho rằng doanh nghiệp được miễn thuế GTGT đầu vào khoảng gần 5% giá thành phân bón, nhưng mức giảm này là mức lợi nhuận để cứu doanh nghiệp, doanh nghiệp không có ràng buộc pháp lý nào về việc chia số tiền miễn giảm 5% đầu vào này cho nông dân, cho nên doanh nghiệp có quyền lấy hết số tiền miễn giảm này, nông dân vẫn phải mua phân giá như chưa miễn giảm đầu vào cho doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp giảm giá phân bón 5% cho nông dân, thì doanh nghiệp không lời đồng nào dù được miễn thuế GTGT đầu vào. Giả sử doanh nghiệp vì lòng tốt giảm 2% giá phân, thì nông dân vẫn phải mua phân giá cao 3%, vì đã đóng thuế GTGT phân bón đến 5%.
Bộ Công thương đã đánh thuế tự vệ phân DAP sao ông Bộ trưởng lại muốn đánh thêm thuế GTGT 5%?
Nông dân miền Nam sử dụng khoảng 85% lượng phân DAP, thế nhưng nhà máy sản xuất Phân DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ xây dựng ở miền Bắc làm tăng chi phí vận chuyển là một trong những nguyên nhân làm cho giá thành phân tăng cao so với giá phân nhập khẩu.
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất phân DAP, ngày 4/8/2017 Bộ Công thương ra quyết định số: 3044/ QĐ_BCT áp mức thuế tự vệ 1.855.790 đồng/tấn lên phân DAP nhập khẩu cho đến ngày 6/3/2018.(3)
Ngày 03/3/2020 Bộ Công thương ra Quyết định số: 715/QĐ-BTC gia hạn áp dụng thuế tự vệ 1.050.662 đồng/tấn và duy trì đến năm 2022.
Bộ Công thương đã tính toán mức độ thiệt hại để đánh thuế tự vệ giúp doanh nghiệp, vậy tại sao ông Bộ trưởng lại yêu cầu đánh thuế GTGT phân DAP 5%?
Năm 2015, Quốc hội miễn thuế GTGT 5% đánh vào phân bón cho nông dân thì năm 2017 Bộ Công thương đánh thuế tự vệ phân DAP lên đến 1.855.790 đồng/tấn nay giảm còn 1.052.662 đồng/ tấn, điều này đi ngược lại ý chí của Quốc hội, nay Bộ Tài chính tiếp tục đánh thuế GTGT 5% phân DAP tức là đánh thuế chồng lên thuế: Nông dân phải đóng thuế tự vệ 1.050.662 đồng/ tấn cộng thêm thuế GTGT 5% khoảng gần 1.000.000 đồng/ tấn, như vậy nông dân đóng thuế phân DAP lên đến trên 2.000.000 đồng/ tấn.
Doanh nghiệp sản xuất phân Đạm lời to sao Ông Bộ trưởng lại đánh thuế nông dân 5% để giúp doanh nghiệp?
Đã có công cụ giúp doanh nghiệp là thuế tự vệ, Bộ Công thương đã áp dụng trên phân DAP thì cứ tiếp tục đánh thuế tự vệ lên phân Đạm, hà cớ gì mà Bộ Tài chính lại thêm sáng kiến đánh thuế GTGT phân Đạm 5%?
Thực ra năm nay doanh nghiệp sản xuất phân Đạm lời to.
Theo cafef.vn trong năm 2020 này: “Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lãi 597 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp 4 lần cùng kỳ”. (4)
Theo ndh.vn: “Đạm Cà Mau ước lãi 8 tháng hơn 424 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm 2020”. (5)
9 tháng doanh nghiệp lời 597 tỷ chẳng lẽ còn ít, hay là Ông Bộ trưởng muốn doanh nghiệp sản xuất phân bón lời mỗi năm trên 1.000 tỷ mới vừa lòng? Doanh nghiệp lời càng nhiều càng tốt nhưng đừng lời trên mồ hôi nước mắt của nông dân, đừng đóng thuế nông dân lấy tiền đó làm tiền lời cho doanh nghiệp.
Tại sao doanh nghiệp sản xuất phân bón được tự ấn định mức lời?
Trong tờ trình ông cho rằng: “Tuy nhiên, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường.”. Điều này mập mờ đến hồ đồ.
Cơ chế thị trường mà giá mặt hàng phân bón được hình thành là cơ chế nào? Căn cứ vào giá thành sản xuất phân trong nước hay là giá phân nhập khẩu? Dù căn cứ vào giá nào cũng phải có sự kiểm soát của chính quyền chứ không thể trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp.
Khi giá phân DAP nhập khẩu thấp các ông dùng thuế tự vệ để nâng giá phân DAP nhập khẩu lên cao cứu doanh nghiệp, nông dân lẽ ra được mua phân giá rẻ thì phải đóng thuế mua phân giá cao để doanh nghiệp có lời.
Khi giá phân DAP nhập khẩu cao doanh nghiệp được quyền tự ấn định giá phân cao theo giá nhập khẩu lấy lời nhiều, bất kể giá thành thấp, nông dân phải mua phân giá cao để doanh nghiệp lời nhiều.
Vì thế thưa Ông Bộ trưởng: Cái cơ chế thị trường giá mặt hàng phân bón như ông nói là một cơ chế bất bình đẳng đến khốn nạn, vì nó luôn bắt nông dân phải mua phân giá cao dù giá phân thế giới rất thấp, và luôn mua phân giá cao dù giá thành sản xuất phân thấp nhiều so với giá phân thế giới.
Thưa ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Nông dân chúng tôi không sợ phải đóng thuế cho nhà nước, nhưng nông dân chúng tôi rất sợ sự dối trá của các chính khách gây hại chúng tôi, vì chúng tôi thấp cổ bé miệng không kêu vào đâu được.
Miễn thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp và đánh thuế GTGT 5% phân bón là 2 việc tách rời nhau, ông Bộ trưởng trình báo cho Quốc hội một cách trung thực để Quốc hội xem xét từng việc riêng biệt chứ đừng lập lờ lừa dối Quốc hội bằng cách nhập 2 vấn đề này làm một.
Và, nếu có lòng tự trọng, tôi nghĩ ông nên xóa phần đề nghị vô lý đánh thuế GTGT phân bón 5% vì nó gây thiệt hại cho nông dân, và cả doanh nghiệp cũng không đồng ý, mà chỉ đánh thuế 0% là đạt mục tiêu giúp doanh nghiệp.
Lời thật mất lòng, nhưng thuốc đắng dã tật.
Mong ông tự vấn.
H.K.