Bùi Hoàng Tám
Tại phiên Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị để thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời phòng ngừa và chống tham nhũng, cần phải ban hành Luật Đăng ký tài sản.
"Hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị, nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên. Thực tế có những người ngoài 20 tuổi đã đứng tên khối tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được vì vướng quyền sở hữu của công dân.
Nếu có luật Đăng ký tài sản, khi một người đăng ký tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị "thăm hỏi" ngay. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xử lý, không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng… Tôi đã kiến nghị vài lần vấn đề này, đây là công cụ kèm theo để tăng cường minh bạch, chứng minh tài sản...", ông Trí nói.
Tuy nhiên phỏng vấn báo Tiền Phong, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng không nhất thiết phải có Luật Đăng ký tài sản bởi chúng ta không thiếu cơ chế pháp lý, mà thiếu cơ chế hành động, đặc biệt là người hành động, đồng thời đặt câu hỏi về sự cần thiết của qui định này.
"Bộ luật dân sự và các luật liên quan đã đề cập quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của các tổ chức, cá nhân, trong đó quy định rất rõ hình thức sở hữu về tài sản. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Luật Phòng chống tham nhũng, quy định rất rõ về nghĩa vụ kê khai tài sản. Ngoài ra, đối với nhiều loại tài sản, như bất động sản chẳng hạn, đều đã có đăng ký tài sản bảo đảm, cùng nhiều luật liên quan, để khẳng định, chứng minh tài sản của công dân.
Chúng ta cũng đã có luật về thanh tra, rồi Bộ luật Hình sự để phát hiện hành vi và xử lý tham nhũng. Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản của cán bộ. Nếu phát hiện ra tài sản bất minh, cứ căn cứ vào đó để xử lý. Thế nhưng việc xác minh tài sản lâu nay cũng còn rất hạn chế, vậy việc ban hành Luật Đăng ký tài sản được dùng để làm gì?".
Về quan điểm cá nhân, không thể phủ nhận thời gian qua, chúng ta đã thu được nhiều thành công trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Việc ban hành các chính sách nhằm hạn chế và xử lý nghiêm khắc nhiều vụ việc cả tồn đọng lẫn mới phát sinh cùng với các bản án nghiêm khắc, "không có vùng cấm" đã mang tính răn đe cao.
Việc thu hồi tài sản, dẫu chưa được như mong đợi, đã đạt hiệu quả rõ nét. Có thể nói con số 80 ngàn tỉ đồng tài sản thu hồi từ tham nhũng đánh dấu một bước tiến lớn nhưng cũng cho thấy, số tài sản thất thoát cũng vô cùng lớn bởi hoàn toàn có thể đây chỉ là "phần nổi" còn số "chìm" thì không biết bao nhiêu.
Công cuộc phòng chống tham nhũng là lâu dài, "trường kỳ kháng chiến", kiên quyết và liên tục. Do vậy, cùng với các biện pháp mạnh, cần tiếp tục bổ sung thêm các văn bản làm cơ sở pháp lý như đề xuất của Viện trưởng Trí để xử lý tham nhũng là cần thiết.
Một khi có Luật này, tin rằng tình trạng "những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được" như lời của Viện trưởng Trí sẽ được hạn chế rất nhiều.
Bùi Hoàng Tám
https://dantri.com.vn/blog/lam-gi-de-khong-con-hien-tuong-biet-het-nhung-khong-xu-ly-duoc-20210117042640682.htm