Lam Thanh
CIEM cho rằng Việt Nam cần giải quyết tốt các bài toán thể chế để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới.
Kinh tế Việt Nam chưa dựa trên đổi mới sáng tạo
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và Việt Nam, cả tác động tích cực cũng như bất lợi. Nếu như Việt Nam đã bị lỡ nhịp trong ba cuộc CMCN trước thì lại có cơ hội không nhỏ trong cuộc CMCN 4.0.
Nhiều cơ hội thời cách mạng 4.0 |
Theo đó, Việt Nam cần giải quyết tốt các bài toán thể chế để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới. Đặc biệt cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) coi nền kinh tế Việt Nam đang ở bước đầu của quá trình phát triển dựa trên hiệu quả, chưa phải dựa trên ĐMST. WEF xếp Việt Nam vào nhóm nước sơ khởi, có mức độ sẵn sàng thấp, trong đó chỉ số Công nghệ và ĐMST đạt 3,09/10, xếp thứ 90/100 nước được đánh giá.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được ĐMST sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển. Song về nhận thức của doanh nghiệp, kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành trong năm 2018 cho thấy, trong số 7.641 doanh nghiệp được khảo sát thì có 4.709 (61%) doanh nghiệp cho biết có hoạt động ĐMST, 2.841 (37%) doanh nghiệp không có hoạt động ĐMST và 91 doanh nghiệp (2%) xác nhận không hiểu rõ về ĐMST.
Báo cáo từ CIEM nhận định khả năng đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học công nghệ, ĐMST còn thấp, khả năng kết nối nguồn tài chính chính thức và liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế.
Qua nghiên cứu của Học viện kỹ thuật quân sự năm 2017, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ, R&D của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm bình quân khoảng 0,3% doanh thu, quá ít so với các doanh nghiệp nước ngoài (Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản là 50%).
Hiện nay chỉ có khoảng 21% Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.
Theo khảo sát của VCCI, chỉ có khoảng 30% tổng số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Với các startup, việc tiếp cận nguồn vốn, từ gọi vốn cộng đồng, nhà đầu tư mạo hiểm hay cả tín dụng từ ngân hàng còn rất nhiều khó khăn.
Năng lực công nghệ hạn chế, văn hóa kinh doanh
chưa chín chắn
Báo cáo cũng chỉ ra, hàm lượng công nghệ chưa được đề cao, phần lớn mới chỉ là ứng dụng trên nền tảng internet và di động, chưa thật sự có một nền sản xuất dựa trên công nghệ cao. Năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế, năng suất lao động thấp.
Bên cạnh đó, khả năng sáng tạo và thương mại hoá ý tưởng kinh doanh còn hạn chế. Nền giáo dục ở các cấp phổ thông còn đặt nặng việc giải những bài toán có sẵn, ít có tính ứng dụng trong thực tế, mà không khuyến khích việc tự đặt ra bài toán để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, dẫn đến việc học sinh, sinh viên giỏi chỉ mới bộc lộ tài năng được trong môi trường trường học, khó có khả năng đưa thành các sáng kiến thực tế.
Đội ngũ kỹ sư công nghệ thiếu nền tảng kiến thức, tính sáng tạo và tư duy linh hoạt trong kinh doanh. Đội ngũ nghiên cứu khoa học -công nghệ kết nối với doanh nghiệp chưa hiệu quả, chưa tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Văn hoá kinh doanh và tinh thần kinh doanh chưa thật sự bền vững và chín chắn. Chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức cao, nhất là so với mặt bằng chung của các nước cùng trình độ phát triển và cao hơn mức trung bình của các nước phát triển. Con số này năm 2017 là 46,6%.
Đặc biệt, tâm lý chấp nhận thực tại, thỏa mãn với những gì mình có có thể là rào cản cho việc các doanh nhân ngừng phấn đấu trong sự nghiệp.
Hệ sinh thái ĐMST chưa hoàn chỉnh
CIEM nhìn nhận, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đã bắt đầu hình thành và có sự phát triển tích cực, mạnh mẽ nhờ được sự hậu thuẫn, ủng hộ lớn từ Chính phủ. Tuy vậy, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam chưa thật sự hoàn chỉnh.
Các khu công nghệ cao chỉ mới tập trung thu hút đầu tư (chủ yếu là FDI) vào các lĩnh vực chế tạo, gia công phần mềm (chưa có các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của CMCN 4.0). Một số tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư vào các khu công nghệ cao nhưng chưa tạo ra sự lan tỏa công nghệ đáng kể nào cho nền kinh tế.
Trong khi đó, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quy mô rất nhỏ, chủ yếu cung cấp một số hỗ trợ cơ bản cho khởi nghiệp sáng tạo; thiếu cơ sở vật chất cần thiết, thiếu kết nối với các quỹ đầu tư khác nhau, thiếu kết nối với các công ty lớn, thiếu thể chế vượt trội phù hợp… để tạo ra ảnh hưởng ở quy mô lớn.
Vì vậy, không ít doanh nhân khởi nghiệp đã và đang phải sang Singapore cùng một số quốc gia khác để hoàn thiện sản phẩm ĐMST của mình.
Khung pháp lý hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và ĐMST còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó nổi bật là hiệu quả triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ chưa đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp; chưa có các quy định cụ thể về chính sách thuế, tài chính cho doanh nghiệp startup đủ hấp dẫn; chưa có nhiều trường đại học, cao đẳng đưa vào giảng dạy chương trình khởi nghiệp có tính ĐMST.
Các chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự rõ nét, chưa giúp phát triển cả hai phía cung và cầu, không giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhất là DNNVV được hiệu quả.
Dù vậy, Việt Nam cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận về khởi nghiệp ĐMST. Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân định giá trên 1 tỉ USD là Công ty VNG, VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu USD.
Phải khơi thông dòng vốn đầu tư vào starup
CIEM kiến nghị Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các startup, đồng thời nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các startup công nghệ; khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế.
Chính phủ cần ban hành các chính sách phát triển tinh thần kinh doanh và giúp doanh nghiệp đối phó với các thách thức của bản thân; đặt doanh nghiệp thực sự là trung tâm trong xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, ĐMST.
Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu, đưa nội dung khởi nghiệp vào hệ thống giáo dục ngay từ chương trình phổ thông cho giới trẻ; xây dựng và thực hiện các chính sách để thu hút nhân tài Việt Nam đang học tập và sinh sống tại nước ngoài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm quản lý ở các cơ quan hỗ trợ cho hệ sinh thái ĐMST.
Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần tăng cường uy tín năng lực và ảnh hưởng của các tổ chức để phát huy vai trò như là cầu nối giữa Nhà nước với các startup, đồng thời thực hiện tốt vai trò là kênh phản biện quan trọng đối với các chính sách về doanh nghiệp.
Thúc đẩy, phát triển về số lượng và chất lượng các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên toàn quốc. Kết nối hiệu quả các tổ chức hỗ trợ (vườn ươm, tăng tốc khởi sự), các viện nghiên cứu/trường đại học, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế…
Việc triển khai các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án năm 2019 cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng ĐMST để khai thác nguồn lực hiệu quả hơn, phát triển các hình thức kinh doanh mới, mở rộng thị trường
15/01/2021