13 janvier 2021

Lại thêm mấy chục tỉ vào tượng đài, vào "Văn Miếu tỉnh" nhưng thờ ai thì chưa biết!

Với lý do Văn Miếu xây xong mấy năm mà chưa có đường vào, Hà Tĩnh vừa quyết định chi thêm 50 tỉ làm đường. Ảnh Trần Tuấn

Sau Văn Miếu 72 tỉ, Hà Tĩnh làm thêm đường vào Văn Miếu: + 50 tỉ. Sau tượng đài N'Trang Lơng 67 tỉ, Đắk Nông tiếp tục làm đường, làm sân: + 90 tỉ đồng.

Sau Văn Miếu 72 tỉ, Hà Tĩnh làm thêm đường vào Văn Miếu: + 50 tỉ. Sau tượng đài N'Trang Lơng 67 tỉ, Đắk Nông tiếp tục làm đường, làm sân: + 90 tỉ đồng.

Năm 2015, dư luận ngỡ ngàng trước cái Văn Miếu ở Hà Tĩnh sau khi báo chí dẫn lời Trưởng Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản TP Hà Tĩnh, ông Phạm Tiến Sinh rằng: “Công trình xây dựng nhằm phục vụ tín ngưỡng văn hóa cho nhân dân trong tỉnh. Thế nhưng thờ ai thì chưa biết”.


Rằng: “Thờ Khổng Tử thì không phải, thờ ai, thờ cái gì, thờ như thế nào? Đề tài này đang chờ rất nhiều cuộc hội thảo, đề tài này đang phải chờ dài dài…”.

Dư luận “bàn ra tán vào” hay ngỡ ngàng là phải thôi. Xây một cái Văn Miếu mà chả biết thờ ai. Mà ngót 80 tỉ bạc chứ có phải vỏ hến đâu.

Tháng 8 năm đó, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh lên tiếng: Không có chuyện xây Văn Miếu nhưng không biết thờ ai. Cụ thể hơn: Văn Miếu để thờ Khổng Tử và các bậc hiền tài danh nhân văn hoá như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du...

Bẵng đi mấy năm, đến giờ, Hà Tĩnh tiếp tục đổ 50 tỉ để làm đường vào Văn Miếu.

Đã có quyết định rồi. Tiền là từ ngân sách. Kế hoạch là ngoài tết bắt đầu.

Và nguyên do cái Văn Miếu ngót 80 tỉ kia làm xong mấy năm nay nhưng không có... đường vào.

Ở Đắk Nông, sau khi làm xong tượng đài N'Trang Lơng trị giá 67 tỉ, địa phương cũng đã quyết định làm thêm sân và đường lên tượng đài với tổng mức kinh phí “phát sinh”: 90 tỉ.

Báo Dân trí dẫn lời Đại diện Ban Quản lý các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết lý do: "Giờ dựng tượng đài lên rồi mà không có đường đi lên thì người dân sẽ phản ứng nên bắt buộc phải làm đường... Tổng chiều dài của con đường này dự kiến khoảng 2km với tổng mức đầu tư là khoảng 77 tỉ đồng".

Xây hẳn một cái Văn Miếu rồi không làm đường. Rồi vì không có đường - dân phải đi cửa hậu qua nhà Đại bái - nên phải ném tiếp mấy chục tỉ.

Xây lừng lững một cái tượng trên núi. Rồi đường lên không có nên phải xây vì “người dân phản ứng”.

Đúng là rất logic, là rất sáng tạo là rất vì dân. Chỉ có điều tiền lớn quá. Lãng phí quá.

Nhất là trong bối cảnh đặc thù dịch COVID-19 đang gây khó khăn cho cả ngân sách nhà nước và tiền túi nhân dân.

Năm 2021 dự báo tình hình túi tiền, tình hình kinh tế xã hội là rất khó khăn, cần phải đếm từng xu, tính từng đồng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các yêu cầu cắt giảm chi phí thường xuyên; Bộ Tài chính liên tục phải “sử dụng kéo” để tiết kiệm từng đồng công tác, hội thảo.

Chi tiêu vào những gì không thật sự cần kíp bức xúc, hay cho mục tiêu phát triển kinh tế lúc này, vì thế - không phải chỉ là phản cảm với những khó khăn của dân mà của nền kinh tế nữa.

Anh Đào

LĐO | 12/01/2021 | 17:12

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/lai-them-may-chuc-ti-vao-tuong-dai-vao-van-mieu-tinh-870044.ldo