11 janvier 2021

CHXHCNVN chỉ trung với Bạo Lực, hiếu với Dùi Cui !

Giỗ đầu cụ Lê Đình Kình

Hoàng Hoành Sơn

08/01/2021


Ông Nguyễn Tường Thụy (phải) trong một lần đến thăm cụ Lê Đình Kình hồi 2018. Cụ Kình nay không còn sống; ông Nguyễn Tường Thụy thì vừa bị tuyên 11 năm tù. (Hình: RFA)

Hôm nay là ngày giỗ một năm cụ LÊ ĐÌNH KÌNH qua đời, người Việt thường gọi là ngày giỗ đầu. Vâng, thấm thoắt vậy mà biến cố kinh động cả VN và thế giới đã diễn ra cách đây đúng 01 năm trọn: Cái chết của cụ LÊ ĐÌNH KÌNH, một lão nông ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Cụ đã bị bắn chết ngay trên giường, trong phòng ngủ ở nhà của cụ tại thôn Hoành. Với nhiều phát đạn bắn trực diện vào đầu, tim và làm đứt lìa chân trái của cụ.


Nguyên nhân cái chết cụ Kình thì đã có ông Hồ, trong Tuyên ngôn độc lập VN, đã nói thay: “Chúng cướp không ruộng đất” của nhân dân. Đấy, chỉ vì muốn “cướp không” 59ha đất ruộng đồng Sênh, nơi canh tác của người dân thôn Hoành từ xưa đến nay, mà Nhà nước cộng sản VN đã tung ra lực lượng áp đảo, với 3000 công an, cơ động chỉ để thủ tiêu một lão nông, cố cướp bằng được mảnh đất ruộng ấy.

Nhân ngày giỗ cụ Kình, xã hội lại có dịp nhìn lại Quyền sống (the right to life) của người dân. Quyền sống là một quyền rất căn bản và tự nhiên cho những ai mang lấy phận người. Trong lịch sử nhân loại, quyền sống này được nhiều nhà tư tưởng cổ thời và phản ánh rõ nét nhất trong giáo lý Kitô giáo. Với những lời răn dạy về sự sống con người khởi nguồn từ Thiên Chúa nên cần đặc biệt tôn trọng mạng sống không chỉ của bản thân mà cả người khác nữa và nhiều giới răn cấm xâm phạm tính mạng của bất cứ ai, bởi con người không làm chủ sự sống.

Thế rồi trong xã hội dân sự, dần định hình rõ nét hơn qua các tuyên ngôn nổi tiếng thế giới như: Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ (đoạn 2), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 của nước Pháp (Điều 1). Trong đó, quyền sống, mà đi kèm với quyền tự do, được coi là một đặc ân bẩm sinh, tư hữu của con người, chứ không do các thiết chế con người quy định hoặc ban phát.

Sau cùng, cả thế giới đều công nhận Quyền Sống trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền, điều 3, đã tuyên bố rằng: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.”

Khoản 1, điều 6 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự, Chính Trị (ICCPR) cũng nói rõ: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”.

Vậy mà ở VN, một cụ già đã bị sát hại dã man như thể kẻ thù không đội trời chung của đảng và Nhà nước; đang khi cụ cũng là đảng viên lão thành, với 55 năm tuổi đảng. Cả cuộc đời luôn trung thành đi theo đảng, đến gần chết vẫn tin tưởng vào sự công minh của đảng. Nhưng rồi cả một biển công an, cơ động đã xóa đi tất cả lý tưởng mà cụ hằng ấp ủ, kể cả chấm dứt mạng sống dương thế của cụ.

Một lão nông đang ở trong nhà mình lại bị thảm sát dã man như thế chỉ với những cáo buộc hết sức mông lung từ phía nhà cầm quyền. Nào là cụ chống đối lực lượng công an đang thi hành công vụ. Nào là cụ tay nắm lựu đạn chống trả quyết liệt. Nào là cụ chạy từ đồng Sênh về nhà như thanh niên… Đang khi ông Bùi Viết Hiểu ngồi cùng cụ Kình lúc bị cả hai cụ bị bắn lại nói không hề có chuyện cụ Kình cầm lựu đạn như công an vu cáo.

Thảm sát một cụ già, bắn trọng thương ông Bùi Viết Hiểu và đàn áp người dân thôn Hoành, công an đã huy động một lực lượng hùng hậu như thể đi chống ngoại xâm. Nhà nước VN có thật tâm muốn dân được sống độc lập – tự do – hạnh phúc, như quảng cáo trên giấy tờ hành pháp đều bắt buộc ghi như thế không?

Chính ông Hồ trong tuyên ngôn độc lập đã mô tả cho hành động cướp đất của Nhà nước VN như sau: chúng “đến cướp đất ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc đấu tranh của dân ta trong bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Và hậu quả của sự coi thường và xâm phạm các quyền con người đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tâm nhân loại, là cái chết đau thương của cụ LÊ ĐÌNH KÌNH. Vâng, lẽ ra giờ này cụ Kình đang sống yên ổn cùng cụ bà, gia đình các con cái cháu chắt. Thế nhưng, vì để gìn giữ thửa đất nuôi sống gia đình, chống lại những kẻ tham nhũng tàn ác, mà giờ đây mọi thứ đã chấm hết. Cụ chết, con cháu cụ người bị tuyên án tử hình, người lãnh mười mấy năm tù. Nhìn hình ảnh bầm tím mặt mũi của người dân Đồng Tâm trước phiên tòa xử họ đủ hiểu được Nhà nước VN đã cực kỳ tôn trọng quyền sống của người dân đến mức cướp mất mạng sống và tự dọ của dân thôn Hoành.

Nếu không biết lên tiếng cho sinh mạng cụ LÊ ĐÌNH KÌNH và những ai sát cánh cùng cụ trong cuộc chiến chống lại bạo quyền, cướp đất, cướp luôn sinh mạng của cụ để lấy cho bằng được mảnh đất đồng Sênh ấy… thì có thể hiểu sinh mạng người dân cả nước không chỉ ở Dương Nội, vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Cồn Dầu… mà sẽ là khắp nơi còn bị ăn cướp trắng trợn. Sinh mạng người dân tiếp tục bị đẩy vào con đường chết mà thôi.

Hãy nhớ, trong lời mở đầu của Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế đã nói rất rõ ràng rằng: “Điều cốt yếu là quyền con người cần phải được pháp luật bảo vệ để con người không buộc phải nổi dậy như là một biện pháp cuối cùng nhằm chống lại sự độc tài và áp bức.”

Quyền sống không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là sự toàn vẹn về tính mạng, mà còn bao gồm việc bảo đảm sự tồn tại của con người. Vì thế, quyền này đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp, cả thụ động và chủ động, để bảo đảm cuộc sống của người dân, đặc biệt là của những nhóm người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật hoặc người đau ốm.

Cụ Kình vốn đã bị công an đạp gãy chân và lúc bị bắn chết, cụ còn phải dùng gậy chống giúp đi lại. Thế nhưng kẻ thủ ác vẫn tàn nhẫn bắn chết người vô tội đang ngồi một chỗ như thế.

Tất cả người dân hãy vì chính mạng sống của mình và gia đình mình để biết đấu tranh cho quyền sống của mọi người. Bằng việc lên tiếng chống lại những hành động xâm phạm tính mạng con người và đòi hỏi pháp luật phải tôn trọng quyền sống người dân. Đồng thời tuyên cáo đến các tổ chức quốc tế điều tra nhằm trừng trị hành động tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ kẻ nào nào gây ra, kể cả do các cơ quan và viên chức nhà nước theo như tuyên bố của theo Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee - HRC)

Nhân ngày giỗ đầu cụ LÊ ĐÌNH KÌNH, vì nhiều lý do ngăn trở và sự xa cách về không gian, xin thắp nén hương lòng bái vọng, tưởng nhớ ngày ra đi của cụ. Gương hy sinh chống lại những bất công, đàn áp và bất phục trước bạo quyền luôn nhắc nhớ cho mọi người con đất Việt rằng: không có sự tàn bạo nào có thể khuất lấp được tinh thần dân Việt, không có sự ra đi nào thành vô ích – vì cụ luôn sống mãi trong lòng mọi người. Và cái chết của cụ là bằng chứng cho một quốc gia chà đạp Nhân quyền, coi thường mạng sống người dân. Quốc tế đã lên tiếng, nhiều tổ chức, nhóm hội trong dân đã lên tiếng. Vậy tất cả chúng ta cũng hãy lên tiếng trước tội ác ghê tởm này.