26 janvier 2021

Hình thành hai khu kinh tế Phú Quốc và Vân Đồn, có phải dự luật đặc khu được ‘lách’ thành công?


Khu Vân Đồn.

Trong văn bản của hãng Thông tấn xã Việt Nam phỏng vấn ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc, với tựa đề “Tương lai tươi sáng phía trước cho thành phố Phú Quốc”, có nhắc đến tuyên bố của người đứng đầu thành phố về nội dung xây dựng thành phố đảo thông qua mô hình ‘Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt’.


Cụ thể, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về những ưu tiên đầu tư và phát triển của Thành phố Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng cho hay Thành phố Phú Quốc sẽ tập trung các nguồn lực phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa, đồng thời ưu đãi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Không riêng Phú Quốc, trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào ngày 15/5/2020 tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 102 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Cách thức của Đảng cộng sản hay làm là khi đối đầu trực diện không được người ta sẽ đi đường vòng, khi mục tiêu chính không đạt được thì họ thường lách, họ tìm những cách thức giảm nhẹ đi về hình thức nhưng mục tiêu, mục đích ban đầu họ vẫn giữ. – Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào đầu tháng 6/2019 đã ban hành kế hoạch muốn Vân Đồn trở thành khu kinh tế đặc thù với tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.

Đáng quan tâm, Vân Đồn ở Quảng Ninh, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa là 3 địa phương nằm trong danh sách đặc khu trong dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Dự luật đặc khu được chính phủ Hà Nội soạn thảo vào năm 2018.

Dự luật này gặp phải nhiều phản đối của người dân cả nước vào tháng 6/2018. Nguyên nhân được nói do nhiều nhà quan sát kinh tế, chính trị và cả những người dân lúc bấy giờ lo ngại nếu Dự luật đặc khu được thông qua với những đặc quyền về thuế, chính sách nhập cảnh, và đặc biệt là thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, có thể Việt Nam sẽ mất cả 3 đặc khu này vào tay Trung Quốc.

Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

Vì vậy, khi hai khu kinh tế Phú Quốc và Vân Đồn được hình thành, nhiều ý kiến cho rằng liệu đây có phải là biện pháp mà lãnh đạo Việt Nam ‘lách’ dự luật đặc khu thành công?

Trao đổi với RFA tối 14/1, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội cho rằng nếu để xác định nhà cầm quyền Việt Nam có lách luật hay không thì cần phải so sánh những quy chế của đặc khu kinh tế trước đây và bây giờ xem có những khác biệt nào không và những khác biệt đó có phải là vấn đề cốt lõi quan trọng không, lúc đó mới có thể đánh giá. Tuy nhiên, ông nêu lên thực tế:

“Cách thức của Đảng cộng sản hay làm là khi đối đầu trực diện không được người ta sẽ đi đường vòng, khi mục tiêu chính không đạt được thì họ thường lách, họ tìm những cách thức giảm nhẹ đi về hình thức nhưng mục tiêu, mục đích ban đầu họ vẫn giữ.”

Hình minh họa. Biểu tình ở TP Hồ Chí Minh phản đối luật An ninh mạng và dự luật Đặc Khu tháng 6/2018 AFP

Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương nhìn nhận:

“Họ không thông qua đặc khu được nhưng dưới những tên gọi khác thì họ âm thầm làm. Đấy là cái mẹo của họ, họ cứ biến Phú Quốc thành thành phố, rồi Vân Đồn thì không gọi là đặc khu, họ vẫn cứ tiếp tục thực hiện.”

Giải thích điểm khác nhau giữa khu kinh tế và đặc khu kinh tế, Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn cho hay khu kinh tế là một khu vực dành cho các hoạt động kinh tế, mà nếu doanh nghiệp hoạt động trong đó sẽ được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi hơn so với hoạt động bên ngoài.

Trong khi đó, đặc khu kinh tế tương tự như khu kinh tế, nhưng ưu đãi đặc biệt hơn, như thời gian thuê đất dài hạn hơn, thậm chí, có quyền tài phán riêng biệt...

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm:

“Thật ra sau thời điểm Luật Đặc khu tạm gác lại sau phản ứng của người dân nhiều giới, thời điểm đó người ta đã biết ở Vân Đồn thực tế là đã sử dụng rất nhiều, thậm chí nhiều ban bệ đã được sắp đặt sẵn, nên việc Quốc hội hoãn như vậy thì chắc chắn ảnh hưởng đến họ rất nhiều. Vừa rồi ta thấy đưa Vân Đồn ra để làm thí điểm như một kiểu đặc khu là cách mà chính quyền cứu Vân Đồn, tức cứu một sự thật đã lỡ làm trước, thực ra việc này đúng ra là không nên vì giống như cầm đèn chạy trước ô tô.”

Chính phủ Hà Nội vào ngày 17/2/2020 đã ban hành quyết định số 266 được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt để Vân Đồn được chính thức quy hoạch đến năm 2040 thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; là cửa ngõ giao thương quốc tế.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, vấn đề đáng được quan tâm là tổ chức những khu vực đặc khu kinh tế, tức những vùng kinh tế cần thiết đầu tư là việc nước nào cũng phải làm, lấy những vị trí đắc địa nhất để tiến hành làm. Ông tiếp lời:

“Phú Quốc phải phát triển vì nó rất đắc địa, một hòn đảo thiên nhiên đẹp, bãi biển phong phú, tổ chức ở đấy đơn vị kinh tế văn minh, tiến bộ, làm cho đời sống người dân có thu nhập cao, điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài lành mạnh thì đấy là chuyện rất cần thiết, không nên bài bác. Vấn đề là phải xem thử họ nhân danh nghĩa làm như thế nhưng họ nghiên cứu đến đâu, họ bất chấp môi trường bị hủy hoại đến đâu, bất chấp đầu tư tiêu cực đến đâu thì mình phải tìm cách kiểm soát, theo dõi để ngăn ngừa.”

Chính sách, chủ trương có nhất quán, minh bạch không. Thứ hai nữa là nó có thật sự ngăn ngừa những yếu tố ngoại lai tiêu cực, ví dụ như để cho sự lũng đoạn của Tàu Cộng xâm nhập vào thì rất nguy hiểm. - Nguyễn Khắc Mai

Vẫn theo ông Nguyễn Khắc Mai, những khu vực kinh tế văn minh, tiến bộ thì phải đi đôi với việc phát huy quyền kiểm soát, giám sát của nhân dân. Ông cho rằng đây là vấn đề lớn phải đặt ra.

“Chỉ có điều là chính sách, chủ trương có nhất quán, minh bạch không. Thứ hai nữa là nó có thật sự ngăn ngừa những yếu tố ngoại lai tiêu cực, ví dụ như để cho sự lũng đoạn của Tàu Cộng xâm nhập vào thì rất nguy hiểm.”

Hiện tại, trong danh sách 3 đặc khu được nêu ra trong dự thảo Luật đặc khu, chỉ riêng Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa vẫn chưa được thay đổi thành ‘khu kinh tế’ như Phú Quốc và Vân Đồn.

Truyền thông Việt Nam ngày 24/6/2020 đăng tin cho biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua, theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà và các bộ có liên quan.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/in-the-formation-of-ez-of-phu-quoc-and-van-don-is-the-special-zone-law-successful-01142021135835.html